Đồng chí Võ Nguyên Giáp trong những ngày toàn quốc kháng chiến

Trong thời gian chuẩn bị và trong 60 ngày đầu kháng chiến toàn quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp vừa là Ủy viên Thường vụ T.Ư Đảng, Bí thư T.Ư Quân ủy vừa là Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng Chỉ huy quân đội.

Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp cùng Ủy viên trưởng Quốc phòng miền Nam Trung Bộ Nguyễn Chánh kiểm tra kế hoạch tác chiến đầu năm 1946.
Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp cùng Ủy viên trưởng Quốc phòng miền Nam Trung Bộ Nguyễn Chánh kiểm tra kế hoạch tác chiến đầu năm 1946.

Sau chuyến công tác miền nam đầu năm 1946 để truyền đạt chủ trương, quyết tâm kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nắm tình hình chuẩn bị kháng chiến tại các địa phương, trở về, đồng chí Võ Nguyên Giáp tham mưu cho Đảng, Chính phủ và cùng Bộ Quốc phòng chỉ đạo đẩy mạnh phát triển lực lượng du kích, chiến tranh du kích, nhất là tại vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Vận dụng tư tưởng, truyền thống "toàn dân đánh giặc" của cha ông và tư tưởng "vũ trang toàn dân" của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ đạo triển khai mạnh mẽ công tác huấn luyện quân sự trong các đoàn thể cứu quốc cả nước. Tăng cường sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân như: thành lập đơn vị hỏa lực mạnh; bổ sung lực lượng các cục quân đội; đẩy mạnh sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị; cấp sinh hoạt phí cho bộ đội; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bổ sung cho các đơn vị chủ lực và trang bị thêm vũ khí cho dân quân tự vệ đang được tổ chức rộng rãi, nhất là ở đô thị nơi có quân Pháp chiếm đóng. Trước sự gây hấn, khiêu khích của thực dân Pháp và Quốc dân Đảng cùng tay sai, trong điều kiện ta và họ đóng xen kẽ, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã cùng đồng chí Trần Quốc Hoàn chỉ đạo Công an, Quân đội phối hợp huy động tự vệ chiến đấu, hội viên các đoàn thể cứu quốc bí mật, chủ động xử lý và hỗ trợ quần chúng đấu tranh.

Khi thực dân Pháp lần lượt đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Đảng ta xác định chiến tranh sẽ lan rộng ra cả nước và Hà Nội là chiến trường chính trong trận tổng giao chiến đầu tiên với quân Pháp. Cuối tháng 11-1946, Thường vụ T.Ư Đảng họp mở rộng với Bộ Chỉ huy và Ủy ban bảo vệ Chiến khu đặc biệt Hà Nội (Khu 11). Tại cuộc họp, đồng chí Võ Nguyên Giáp trình bày vắn tắt tình hình, nêu rõ ba nhiệm vụ cần kíp bảo vệ Thủ đô: Tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân địch và giam chân chúng ở Hà Nội để các địa phương khác chuẩn bị kháng chiến lâu dài; mọi hoạt động phải thấu triệt chủ trương giữ gìn lực lượng ta; chủ động, anh dũng, sáng tạo chiến đấu để các trận đánh ở Thủ đô tiêu biểu cho tinh thần kháng chiến của cả nước, làm gương cho cả nước. Đồng thời, chỉ rõ biện pháp tác chiến chủ yếu của bộ đội ta; nhắc các đơn vị tránh tung lực lượng vào những trận quyết chiến lớn mà chủ trương gây khó khăn cho địch bằng nhiều chiến thắng nhỏ...

Là người được Đảng phân công phụ trách công tác quân sự, sau cuộc họp, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Chỉ huy Mặt trận Hà Nội gấp rút xây dựng kế hoạch tác chiến cho cả nước và Hà Nội. Triệu tập cuộc họp cán bộ dân, chính, đảng của Thủ đô để phổ biến chủ trương, quyết tâm kháng chiến của Đảng và chỉ đạo Thành bộ Việt Minh, Thanh niên cứu quốc Hà Nội đưa tự vệ chiến đấu, các đội tuyên truyền bí mật về các khu phố tuyên truyền, giải thích cho nhân dân tình hình, nhiệm vụ; vận động, giúp dân tản cư...

Từ giữa tháng 12-1946, không khí chiến tranh bao trùm cả nước, Hà Nội căng như sợi dây đàn. Những tuyên bố, hành động ngang ngược xâm phạm độc lập, chủ quyền và tính mạng thường dân, bộ đội, công an ta của thực dân Pháp đã đẩy sức chịu đựng của quân và dân ta đến giới hạn cuối cùng. Với thiện chí hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Xanh-tơ-ni yêu cầu ông ta gặp đại diện Chính phủ ta để “tìm một giải pháp cải thiện bầu không khí hiện tại”, nhưng Xanh-tơ-ni khước từ! Đến đây, con đường hòa bình mà Đảng, Chính phủ tìm kiếm để bảo toàn nền độc lập dân tộc đã hết!

Ngay sau Hội nghị, Ban Thường vụ T.Ư Đảng họp, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã hạ quyết tâm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi toàn quốc (18 và 19-12), lúc 20 giờ ngày 19-12, Tổng Chỉ huy quân đội Võ Nguyên Giáp đã phát hiệu lệnh chiến đấu, trước tiên là ở Hà Nội. Nhận lệnh, quân và dân Thủ đô bắt đầu tiến công quân Pháp và dựng chướng ngại vật, chiến lũy trên đường phố ngăn địch. Theo sát tình hình, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo Hà Nội đánh theo kế hoạch “trong đánh - ngoài vây”, một kế hoạch “nội công - ngoại kích” gây cho địch lúng túng, phải đối phó ở cả hai mặt bên trong, bên ngoài.

Đồng thời, bổ sung kế hoạch tác chiến; rút kinh nghiệm tìm cách đánh thích hợp; xây dựng nhiều lớp chiến lũy, hầm hào; nhanh chóng điều chỉnh chiến trường mặt trận Hà Nội bằng việc quyết định mở rộng địa bàn hậu phương mặt trận này về phía Hà Đông, Sơn Tây; chỉ thị Khu 2 điều thêm lực lượng tăng cường cho Hà Nội; chỉ đạo các chiến trường cả nước ra sức tiêu hao, kìm chân và căng kéo địch... để phối hợp mặt trận phía bắc và chia lửa với Thủ đô. Chỉ thị Khu 4 không tập trung lực lượng để cố tiêu diệt địch, mà phải ngăn chặn từng bước, tiêu hao, tiêu diệt địch và chủ động rút lui đúng lúc để bảo toàn lực lượng ta. Khi hay tin lần đầu bộ đội ở Nam Định cùng lúc đánh thắng cả quân dù, quân thủy và quân bộ địch, đồng chí Võ Nguyên Giáp yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương rút kinh nghiệm, phổ biến cho các nơi.

Quá trình chuẩn bị và tham gia chỉ đạo kháng chiến, đồng chí Võ Nguyên Giáp đặc biệt chú trọng công tác chính trị, tư tưởng; chỉ đạo đẩy nhanh công tác phát triển đảng; củng cố hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương Quân ủy đến các chi bộ đại đội. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cán bộ, chiến sĩ về tình hình, nhiệm vụ; tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc; xây dựng ý chí, quyết tâm đánh giặc để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc; xây dựng đội ngũ cán bộ, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân - dân...

Sau trận đánh của Trung đoàn Thủ đô ở chợ Đồng Xuân (14-2-1947), nhận thấy nhiệm vụ kìm chân, tiêu hao địch đã đạt yêu cầu và để bảo toàn lực lượng, đồng chí Võ Nguyên Giáp lệnh cho lực lượng vũ trang Liên khu 1 rút khỏi Hà Nội và chỉ thị Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch, thuyền, đò, bến để rút quân. Đồng thời, lệnh cho các lực lượng bên ngoài mở đợt tiến công mạnh vào nội thành Hà Nội nhằm nghi binh lừa địch cho bộ đội và nhân dân bí mật vượt sông an toàn.

Hơn bảy năm sau, với chiến thắng Điện Biên Phủ "vang dội năm châu, chấn động địa cầu", lời khẳng định của ông đã thành hiện thực ở một nửa nước. Phải thêm 21 năm nữa, với Đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, Thủ đô Hà Nội mới thật sự là “thủ đô một nước độc lập, thống nhất”. Trong niềm vui thắng lợi, cả dân tộc nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng của nhân dân, người “Anh Cả” của Quân đội ta; người “đã trọn đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”. Nay, dù Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa, nhưng con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đại tướng vẫn in đậm, mãi mãi lưu danh trong lòng nhân dân, dân tộc Việt Nam.

Đại tá, TS ĐỖ NGỌC TUYÊNThượng úy PHAN TRẮC THÀNH ĐỘNG

(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)