Hệ thống dự báo thời tiết tại Việt Nam còn yếu kém

Việc dự báo, cảnh báo biến đổi thời tiết ở Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng các thiết bị, kỹ thuật chưa hiện đại, dẫn đến nhiều sai số, khiến kết quả dự báo bị sai lệch so với thực tế. Cụ thể, do công tác dự báo cơn bão Mirinae (bão số 1) vừa qua chưa chính xác, cho nên các địa phương lúng túng, thiếu chủ động ứng phó, gây nhiều thiệt hại về người và của nơi cơn bão đi qua.

Bão số 1 gây nhiều thiệt hại ở Thái Bình (Ảnh: Mai Tú).
Bão số 1 gây nhiều thiệt hại ở Thái Bình (Ảnh: Mai Tú).

Thời gian qua, một số bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia (KTTV QG) còn thiếu chính xác, nhất là qua cơn bão số 1 cho thấy còn nhiều hạn chế trong công tác dự báo, cảnh báo. Thậm chí, nhiều địa phương không nằm trong danh sách ở tâm bão như Hà Nội vẫn chịu ảnh hưởng, thiệt hại không nhỏ…

Theo số liệu thống kê từ Ban Chỉ đạo trung ương phòng, chống thiên tai, tính đến ngày 1-8 đã có năm người chết, hai người mất tích, 21 người bị thương; 107 nhà bị sập hoàn toàn; 32.637 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 5.605 nhà bị ngập nước; 91 tàu, thuyền bị chìm, hư hỏng tại khu vực cửa sông; 216.210 ha lúa bị ngập, 9.006 ha mất trắng; hàng chục nghìn cột điện, cây xanh bị đổ, gia cầm bị chết, đất đá sạt lở… ước tính tổng thiệt hại lên tới 4.237 tỷ đồng. Lãnh đạo một số tỉnh: Thái Bình, Nam Định… đều cho rằng, Trung tâm KTTV QG đã đưa thông tin về bão số 1 chưa chính xác về cường độ, cấp gió, thời gian và địa điểm khiến các địa phương lúng túng, thiếu chủ động trong công tác phòng, chống. Các chuyên gia đánh giá, hiện nay công nghệ dự báo trên thế giới hoàn toàn có thể đưa ra các cảnh báo về thời tiết rất chính xác, thậm chí nhiều nơi có thể dự báo hằng giờ và một số bản tin có độ chính xác kéo dài từ ba đến năm ngày. Mặc dù chất lượng các bản tin dự báo tại Việt Nam đã tăng độ chính xác hơn so với trước, nhưng để đưa ra thông tin chi tiết, đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội thì Trung tâm KTTV QG chưa làm được.

Để làm rõ nguyên nhân sự việc, chúng tôi gặp Phó Tổng Giám đốc Trung tâm KTTV QG Lê Thanh Hải. Đồng chí Lê Thanh Hải cho biết, xác suất chính xác trong hoạt động dự báo thời tiết phụ thuộc ba yếu tố chính: công nghệ, mạng lưới trạm quan trắc và hệ thống xử lý thông tin. Các nước tiên tiến trên thế giới như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái-lan... có thể đưa ra các cảnh báo, dự báo gần đúng nhất vì có một mạng lưới ra-đa, hệ thống quan trắc tự động dày đặc, phủ kín lãnh thổ, thu thập các dữ liệu thông qua cảm biến được gắn trên các thiết bị như: máy bay, phao cứu sinh trên biển, khí cầu, vệ tinh... Số liệu sẽ liên tục được truyền về hệ thống thông qua mạng in-tơ-nét hoặc vệ tinh trong vòng chưa tới một phút. Ngay cả việc giải mã, phân tích cũng được siêu máy tính thực hiện, các dự báo viên chỉ là người tiếp nhận và đưa ra quyết định. Tại Việt Nam, hiện nay, việc dự báo sẽ mất nhiều thời gian do vẫn làm bằng phương thức "thủ công". Tức là để đưa ra một bản tin dự báo thời tiết, các quan trắc viên trực tiếp thực hiện việc thu thập thông tin tại hiện trường, sau đó mã hóa và gửi đi (mất gần 30 phút). Khi tiếp nhận được thông tin, hệ thống sẽ giải mã, đưa lên các mô hình dự báo, các dự báo viên sẽ phân tích và đưa ra các cảnh báo dựa trên số liệu nhận được. Mặt khác, để tăng xác suất dự báo, số liệu quan trắc của từng quốc gia sẽ được đưa vào mô hình để đồng hóa các số liệu cho phù hợp. Nhưng, ở Việt Nam, mỗi trạm quan trắc chỉ có thể quan sát, ghi nhận thông tin trong bán kính khoảng 20 km. Khoảng cách giữa hai trạm lại cách nhau từ 50 km đến 100 km, như vậy ít nhất 60 km giữa hai trạm không thể nắm được thông tin, diễn biến chính xác các hiện tượng đang xảy ra. Số lượng trạm quan trắc rất ít, dẫn đến việc quan trắc không đầy đủ, cho nên mặc dù đã có tất cả các mô hình hiện đại trên thế giới, nhưng kết quả dự báo ở các mô hình vẫn chưa đủ độ tin cậy. Bởi vậy, ngoài hoạt động quan trắc, Trung tâm KTTV QG phải dùng các phương pháp khác để xác định như ảnh vệ tinh, ra-đa thời tiết... cho nên số liệu có độ chính xác thấp. Mặc dù còn những hạn chế nói trên, nhưng theo ông Lê Thanh Hải, công nghệ dự báo thời tiết của Việt Nam vẫn được đánh giá là thuộc nhóm trung bình-khá trong khu vực, chỉ kém Thái-lan và Xin-ga-po, ngang bằng với Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và hơn hẳn các nước như Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma...

Các chuyên gia cho rằng, với công nghệ dự báo thời tiết lạc hậu tại Việt Nam như hiện nay, xác suất chính xác từ các bản tin dự báo hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ của dự báo viên, là người tiếp nhận, phân tích và đưa ra dự báo, cảnh báo. Nhưng theo số liệu từ Trung tâm KTTV QG, cả nước mới có hơn 500 trạm quan trắc, với 3.141 cán bộ, trong đó có 1.574 quan trắc viên và chỉ có 529 dự báo viên. Hầu hết các đài KTTV tại các tỉnh chỉ có từ năm đến bảy người thực hiện dự báo thời tiết cho cả tỉnh. Do lực lượng quá mỏng, công nghệ lạc hậu, cho nên nếu gặp phải các cơn bão có tính chất phức tạp, hướng đi bất thường thì chỉ có thể điều chỉnh các dự đoán liên tục theo sự thay đổi của cơn bão, khó có thể đưa ra các dự đoán, cảnh báo chính xác. Mặt khác, ngay cả khi Việt Nam có đầu tư mua siêu máy tính, áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới thì cũng chưa có nhân lực đủ khả năng làm chủ, vận hành.

Giáo sư Phan Văn Tân (Khoa Khí tượng Thủy văn và Hải dương học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, ở nước ta số lượng cán bộ đầu ngành về KTTV mới chỉ "đếm trên đầu ngón tay" cũng là một hạn chế khiến công tác dự báo còn gặp khó khăn. Vẫn chưa có ưu đãi, môi trường làm việc thuận lợi để thu hút những nhà khoa học trẻ, có chuyên môn cao đang ở nước ngoài về nước làm việc, nâng cao năng lực của ngành KTTV. Bởi vậy, Nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho hoạt động đào tạo, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi thu hút người tài, tạo môi trường làm việc có thể đáp ứng được nhu cầu trong tương lai.

Phó Tổng Giám đốc Trung tâm KTTV QG Lê Thanh Hải cho biết, để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo, phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, ngày 12-1-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 90/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030, theo đó sẽ xây dựng 1.545 trạm quan trắc, 6.347 điểm quan trắc và 1.557 công trình quan trắc. Mặt khác, nhằm nâng cao chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, Trung tâm KTTV QG đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực KTTV, trọng tâm là nhân lực quan trắc, dự báo và thông tin dữ liệu KTTV.