Phụ nữ Chăm chung tay vì cộng đồng

Với nhiều hoạt động cụ thể, mô hình "Phụ nữ Chăm An Giang" luôn xác định chăm lo an sinh xã hội, hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ dân tộc Chăm tại địa phương phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Ðại diện Mô hình "Phụ nữ Chăm An Giang" hỗ trợ gạo cho phụ nữ nghèo.
Ðại diện Mô hình "Phụ nữ Chăm An Giang" hỗ trợ gạo cho phụ nữ nghèo.

Mô hình "Phụ nữ Chăm An Giang", thuộc Ban Ðại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang, được thành lập từ năm 2019, thu hút gần 1.000 hội viên thuộc 9 thánh đường trên địa bàn các xã: Khánh Hòa (huyện Châu Phú); Châu Phong (thị xã Tân Châu); Ða Phước, Nhơn Hội, Quốc Thái (huyện An Phú), tham gia. Chị Sity Hara, Phó Trưởng ban Từ thiện-Xã hội Ban Ðại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh là người sáng lập và chủ nhiệm mô hình. Chị chia sẻ, phụ nữ Chăm giỏi nội trợ, nữ công gia chánh nhưng chưa tham gia nhiều hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, mô hình nêu trên ra đời là nơi để phụ nữ Chăm gặp gỡ, chia sẻ khó khăn, mở mang kiến thức trong cuộc sống.

Các thành viên trong mô hình trên tinh thần tự nguyện, đóng quỹ hằng tháng 10.000 đồng/hội viên. Nguồn quỹ được dùng để hỗ trợ gạo mỗi tháng cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ tiền cho trường hợp bị bệnh đột xuất; hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho hội viên phát triển kinh tế... Trong bốn tháng đầu năm 2022, nguồn quỹ chi hơn 16 triệu đồng hỗ trợ gạo cho 20 gia đình nghèo ở xã Châu Phong; hỗ trợ 21 trường hợp bị bệnh, bị tai nạn. Chị Sity Hara tâm sự: "Hằng tháng, quỹ hỗ trợ gạo ổn định cho từ 20 đến 30 hộ gia đình có hoàn cảnh thật sự khó khăn, các trường hợp phát sinh luôn được giúp đỡ kịp thời, đúng đối tượng".

Ngoài ra, các hội viên cũng bàn bạc, thống nhất triển khai hỗ trợ vốn vay không lãi suất phát triển mô hình kinh tế gia đình. Các hội viên sẽ được vay từ 5 đến 10 triệu đồng, trả chậm trong vòng 1 năm. Sau đó vốn vay được tiếp tục xoay vòng cho hoàn cảnh khó khăn khác. Từ số vốn hỗ trợ ban đầu, các chị em có điều kiện mở rộng hoạt động kinh doanh, điều kiện kinh tế được cải thiện. Ngoài ra, mô hình "Phụ nữ Chăm An Giang" còn có nhiều hoạt động như: Vận động nhà hảo tâm để gây quỹ giúp đỡ người nghèo, tổ chức các đợt bán quần áo để tự gây quỹ…■