Phong trào phụ nữ "Ba đảm đang", một mốc son lịch sử chói lọi

Sau khi trắng trợn phá hoại Hiệp định Geneva, đế quốc Mỹ đem quân xâm lược miền nam Việt Nam, đồng thời dùng không quân đánh phá hòng hủy diệt miền bắc XHCN. Ðộc lập, thống nhất Tổ quốc một lần nữa đứng trước tình thế cực kỳ nghiêm trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Miền bắc XHCN trở thành hậu phương lớn của chiến trường miền nam. Phụ nữ Việt Nam hơn ai hết, nhận thức sâu sắc: thân thế, sự nghiệp, hạnh phúc gia đình gắn liền với vận mệnh đất nước. Vì thế, chị em càng thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do". Phụ nữ cả nước đã cùng toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân quyết tâm kháng chiến cứu nước. Khắp nơi dấy lên phong trào: Phụ nữ làm đơn gửi chính quyền, đoàn thể tình nguyện đảm đang mọi việc gia đình; xung phong thay thế nam giới gánh vác sản xuất, công tác xã hội, động viên người thân đi chiến đấu.

Trước bối cảnh lịch sử đó, Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào "Ba đảm đang" trong phụ nữ miền bắc. Ngày 23-3-1965, chỉ thị số 3 của Hội nêu rõ ba nội dung của phong trào là:

1. Ðảm đang sản xuất, công tác, thay thế nam giới đi chiến đấu;

2. Ðảm đang gia đình, khuyến khích chồng con đi chiến đấu;

3. Ðảm đang phục vụ chiến đấu khi cần thiết.

Phong trào đã đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến: bảo vệ miền bắc XHCN, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc; phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của phụ nữ Việt Nam. Rèn luyện vươn lên "Ba đảm đảng", người phụ nữ không những phục vụ đắc lực cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước, mà còn nâng cao vị thế của mình trong gia đình, xã hội. Chủ trương này hoàn toàn phù hợp nguyện vọng, khả năng chị em, nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Ðược sự quan tâm sâu sắc của Ðảng, ngay từ lúc khởi đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sửa tên "Ba đảm nhiệm" mà Hội Phụ nữ dự kiến thành "Ba đảm đang". Với cái tên độc đáo đó, phong trào càng có thêm sức mạnh cuốn hút phụ nữ tham gia. Chỉ sau hơn một tháng phát động đã có 1.750.000 phụ nữ đạt "Ba đảm đang" xuất sắc.

Ðồng thời, Trung ương Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp thiết thực nhằm hỗ trợ phong trào. Nhiều trường, lớp "Ba đảm đang" ở các địa phương tích cực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức khoa học-kỹ thuật và năng lực quản lý cho hàng chục vạn cán bộ phụ nữ cốt cán, hàng triệu hội viên "Ba đảm đang". Ði đôi với phổ cập, ứng dụng rộng rãi những biện pháp canh tác tiên tiến, cải tiến công cụ sản xuất; bảo hộ lao động...; là các chế độ, chính sách tạo điều kiện cho lao động nữ tăng năng suất lao động và hiệu suất công tác, giảm bớt lao động quá nặng nhọc, độc hại. Sự nghiệp nuôi dạy trẻ, cơ sở y tế phát triển đã thật sự chăm lo sức khỏe bà mẹ, trẻ em, giúp chị em nuôi con nhỏ khắc phục khó khăn riêng để yên tâm làm nhiệm vụ...

Mặc dù giặc Mỹ đánh phá miền bắc rất ác liệt, tuy chế độ XHCN còn non trẻ, nhưng vẫn thể hiện tính ưu việt và sức sống mãnh liệt. Cuộc chiến tranh nhân dân chống địch đánh phá hủy diệt miền bắc; hết lòng chi viện cho miền nam chống Mỹ, cứu nước dựa trên hệ thống chính trị vững chắc từ cơ sở, với tinh thần "tất cả vì miền nam ruột thịt". Trong đó các hợp tác xã nông nghiệp với lực lượng nông dân to lớn, vừa tổ chức thi đua thâm canh, tăng năng suất, bảo đảm lương thực thực phẩm cho đời sống xã hội và nuôi quân đánh giặc; vừa thực hiện tốt chính sách hậu phương kháng chiến, tổ chức trực chiến sẵn sàng chiến đấu ở từng thôn, xã. Hỗ trợ những gia đình neo đơn có chồng, con đi chiến đấu xa hoặc gia đình già yếu có người thân hy sinh, v.v.

Hòa quyện với cuộc chiến đấu chung, phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" kết hợp chặt chẽ với cuộc vận động thanh niên "Ba sẵn sàng", vững vàng đi lên thành cao trào cách mạng sôi nổi, liên tục, phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.

Hơn 70% số phụ nữ nông dân "Ba đảm đang" trên mặt trận sản xuất nông nghiệp với khí thế "tay cày, tay súng", vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Chị em đào hầm trú ẩn bên bờ ruộng, lũy tre, ngụy trang, nghi trang dũng cảm làm ruộng dưới bom đạn địch. Ðịch đến thì bắn hạ máy bay Mỹ, bắt giặc lái; địch đi lại tiếp tục bám  đồng ruộng sản xuất...

Lực lượng đông đảo nữ thanh niên, trung niên ra sức học tập ứng dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật tiên tiến, cải tiến công cụ, hăng hái thay thế nam giới làm tốt  việc cày, bừa, thu hái; bảo đảm công tác thủy lợi, xây dựng đồng ruộng... Phụ nữ nông dân đã thật sự làm chủ đồng ruộng, hoàn thành xuất sắc ba mục tiêu phát triển nông nghiệp toàn diện; thâm canh tăng năng suất đạt 5 tấn thóc/ha (năm 1965, ở miền bắc, mức năng suất cao nhất đạt 5 tấn thóc/ha). Từ Thái Bình, tỉnh đầu tiên năm 1965 đạt 5 tấn thóc/ha, đã phát triển ra nhiều tỉnh có cánh đồng 5 tấn và chị em còn vươn lên vượt mục tiêu đó. Tiêu biểu là chị Dương Thị Tiếp, Chủ nhiệm Hợp tác xã Ðống Ða (Vĩnh Phú), sáu năm liền đạt ba mục tiêu sản xuất; chị Tô Thị Thanh, Ðội trưởng sản xuất Hợp tác xã Ðông Hoàng (Thái Bình), bảy năm liền đạt năng suất 9,9 tấn thóc/ha; chị Nông Thị Tú, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thống Nhất (Lạng Sơn), sáu năm liền đạt 8,3 tấn thóc/ha...

Phụ nữ nông dân "Ba đảm đang" dũng cảm tiễn đưa chồng con đi chiến đấu, đồng thời phấn đấu sản xuất giỏi, ổn định kinh tế gia đình, nuôi dạy con ngoan, học hành tiến bộ; chăm sóc chu đáo cha mẹ già yếu; đoàn kết gắn bó với tập thể, xóm làng. Bảo đảm sự ổn định, vững vàng của hậu phương lớn miền bắc, hỗ trợ đắc lực miền nam tiền tuyến lớn. Khẩu hiệu "Gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người vì miền nam ruột thịt" là lời hứa danh dự thiêng liêng của bà con miền bắc.

Hơn 50% số nữ công nhân lao động trên mặt trận sản xuất công nghiệp. Phát huy khí thế cách mạng kiên cường của giai cấp  tiên phong. "tay búa, tay súng"; ra sức thi đua tăng năng suất, chất lượng cao, hạ giá thành sản phẩm, gắn với phong trào thi đua "luyện tay nghề thi thợ giỏi"; quyết tâm bám máy sản xuất trong mọi tình huống. Mỗi nhà máy như những "pháo đài", công nhân vừa kiên trì sản xuất dưới mưa bom, bão đạn, vừa dũng cảm bắn hạ máy bay địch khi chúng đến đánh phá.

Ðể thay thế nam giới đi chiến đấu, phụ nữ phấn đấu "Giỏi một nghề, biết nhiều việc". 70% số nữ công nhân dệt vừa đứng máy vừa kiêm bảo dưỡng, sửa chữa máy. Nữ công nhân ngành may thi đua tiết kiệm, tận dụng dư phế liệu tạo thêm nhiều mặt hàng tiêu dùng, tăng thu nhập... Nhiều nhà máy đông nữ, trong đó có Nhà máy Dệt 8-3, Dệt kim Ðông Xuân, Thuốc lá Thăng Long (Hà Nội)... mặc dù bị địch đánh phá ác liệt, nhưng công nhân vẫn tiếp tục duy trì sản xuất, hoàn thành vượt mức kế hoạch. Nhà máy dệt Nam  Ðịnh, với 70% là nữ công nhân, chị em vững vàng bám máy sản xuất, kiên cường giáng trả máy bay Mỹ những đòn sấm sét; đồng thời vẫn liên tục vượt kế hoạch. Tiêu biểu là tổ sợi máy con ca A, vượt kế hoạch sản lượng 122 tấn sợi. Nhà máy đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Trên mặt trận giao thông vận tải, địch đánh phá cực kỳ ác liệt, hòng cắt đứt những tuyến đường chiến lược huyết mạch của cuộc chiến đấu. Nhưng lực lượng bảo đảm giao thông với hàng triệu nữ thanh niên xung phong; hàng vạn nữ công nhân lao động "Ba đảm đang" đã thật sự là những chiến sĩ kiên cường, dũng cảm trước bom đạn địch với ý chí sắt đá. "Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm". Trong lửa đạn, chị em vẫn liên tục đắp đường, sửa cầu, bám trụ vững chắc các tuyến trọng điểm, nối liền mạch máu giao thông để chuyển quân, đưa hàng ra tiền tuyến... Tiêu biểu là tiểu đội nữ Anh hùng 10 cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông tại Ngã ba Ðồng Lộc (Hà Tĩnh). Gần 200 ngày đêm  trụ bám tuyến lửa, chị em vẫn không rời vị trí chiến đấu. Bình tĩnh theo dõi hoạt động của máy bay địch, đếm từng quả bom rơi, cắm cờ báo hiệu bom nổ chậm, xông pha sửa đường... để xe ta đi qua an toàn. 10 cô gái kiên trung, bất khuất đó đã hy sinh vô cùng oanh liệt trong khi làm nhiệm vụ.

Trong gian khổ, các đơn vị nữ công nhân bảo đảm giao thông (đội 9, đội 600, đội 104) lập thành tích xuất sắc, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Còn biết bao bông hoa tươi đẹp "Ba đảm đang" trong phụ nữ các ngành, các địa phương đã đóng góp rất lớn cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Như ngành tiểu thủ công vẫn hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; phụ nữ ngành thương nghiệp, lương thực thực phẩm đưa hàng đến tay người tiêu dùng, xông pha trong lửa đạn tiếp tế đến từng chiến hào, mâm pháo; các nữ bác sĩ, y tá tận tình cứu chữa người bị thương, săn sóc người đau yếu, kiên trì giúp sản phụ sinh nở dưới địa đạo; các cô giáo trong ngành giáo dục vừa là thầy dạy giỏi, vừa là những người mẹ hiền chăm  nuôi hàng vạn học sinh nơi sơ tán. Và những hy sinh, cống hiến của phụ nữ làm công tác khoa học - kỹ thuật, nhà văn, nhà thơ, các nghệ sĩ... nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn...

Từ thực tiễn phong trào "Ba đảm đang", đã xuất hiện những phụ nữ ưu tú, tiêu biểu, được Ðảng, Nhà nước, Hội LHPN Việt Nam tặng phần thưởng cao quý.

Tính đến năm 1971, trên toàn miền bắc có 42 nữ Anh hùng; 13 đơn vị Anh hùng toàn nữ; 1.718 chị được thưởng Huy hiệu Bác Hồ; 5.000 nữ Chiến sĩ thi đua; hơn 3.000 tổ, đội lao động XHCN đông nữ, được bình bầu hằng năm; hơn 3 triệu phụ nữ "Ba đảm đang" xuất sắc...

40 năm đã trôi qua, nhưng phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" mãi mãi đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi, làm rạng rỡ truyền thống phụ nữ Việt Nam, con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, góp phần tô thắm lịch sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam Anh hùng.

Dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Bác Hồ kính yêu, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy địa phương, phong trào "Ba đảm đang" đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, trí tuệ, tài năng của phụ nữ, tạo ra phong trào cách mạng mạnh mẽ, sôi nổi chưa từng thấy. Ðể ghi nhận công lao đó, BCH Trung ương Ðảng đã khen tặng 12 chữ vàng: "Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang chống Mỹ, cứu nước". Những thành tựu và kinh nghiệm phong phú của phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" càng làm sáng tỏ đường lối đúng đắn của Ðảng: Sự nghiệp giải phóng phụ nữ gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Ðảng ta luôn đánh giá phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng, quan tâm bồi dưỡng, phát huy lực lượng đó.

KỶ niệm 40 năm phong trào phụ nữ "Ba đảm đang" một cách thiết thực nhất chính là phải quan tâm vận dụng có hiệu quả những bài học những kinh nghiệm quý báu của phong trào vào công tác vận động phụ nữ thời kỳ đổi mới ngày nay.

LÊ CHÂN PHƯƠNG
Nguyên Phó Bí thư Ðảng đoàn,
Ủy viên thường trực Hội LHPN Việt Nam,
nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động