Tại Hà Nội, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo quận Hà Ðông, Phạm Thị Lê Hằng cho biết: Các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã lên phương án sẵn sàng đón học sinh trở lại trường. Nếu học sinh trở lại trường học tập, việc đầu tiên giáo viên sẽ ôn tập toàn bộ kiến thức đã học; rà soát, kiểm tra để nắm trình độ học sinh, thiếu ở đâu, bù ở đó, rồi sau đó là dạy tiếp kiến thức mới. Ngoài ra, phòng yêu cầu các trường học thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19, không chủ quan, lơ là, đặt sức khỏe của học sinh và giáo viên lên hàng đầu. Ngoài việc triển khai công tác giảng dạy, các cơ sở giáo dục cần phối hợp với phụ huynh nắm bắt việc đi lại của học sinh. Ðồng thời, phòng giáo dục và đào tạo quận đề xuất test nhanh những trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 ngay tại trường học để phân loại và kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Cô giáo Ðào Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Dân Tiến (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết: Từ ngày 25/8, học sinh lớp 1 đã được học trực tiếp tại trường theo hình thức giãn cách tối đa 3 buổi/ tuần. Vì vậy, nhà trường xây dựng các phương án dự phòng khác nhau để đón học sinh khối lớp 2 và lớp 5. Tiến hành phân luồng học sinh ngay từ cổng trường, chia giờ về của từng khối lớp để tránh tập trung đông người tại cổng trường. Bên cạnh việc ôn tập lại kiến thức, nhà trường cũng tiến hành song song dạy những nội dung cốt lõi, lựa chọn kiến thức theo chủ đề, chủ điểm, xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp để học sinh không bị quá tải. Tổ chức các hoạt động vui chơi tại lớp, ôn bài dưới dạng trò chơi, tổ chức học tập để tạo hứng thú cho học sinh khi đến trường.
Ðể bảo đảm an toàn chống dịch, ngành giáo dục thành phố Ðà Nẵng đã thí điểm dạy trực tiếp học sinh khối lớp 1 (Trường tiểu học Hòa Bắc) và học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) để chuẩn bị cho tất cả học sinh toàn thành phố đi học trở lại, dự kiến vào ngày 1/11 khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Ðây là hai khối lớp đầu tiên được đi học trở lại, do đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa của Ðà Nẵng, phần lớn học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến, nhiều em là con đồng bào dân tộc Cơ Tu… Thầy giáo Phạm Minh Vũ, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc) cho biết, trong số các học sinh ở trường, có 65 học sinh là con em đồng bào Cơ Tu ở hai thôn gồm Tà Lang, Giàn Bí. Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong thời gian tổ chức dạy học trực tuyến, nhà trường đã phối hợp với địa phương sử dụng nhà Gươl để các em làm chỗ ngồi học trực tuyến, bảo đảm cho các em được tiếp thu bài kịp thời. Sau khối lớp 9, nếu tình hình ổn định, nhà trường sẽ đề xuất cho lớp 6 đi học lại và sau đó là các khối còn lại. Tại Trường tiểu học Hòa Bắc, thầy giáo Nguyễn Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Toàn trường có 349 học sinh, trong đó có 97 em học sinh là người đồng bào dân tộc Cơ Tu, riêng khối lớp 1 có 72 em, tổ chức học trực tiếp tại bốn điểm trường. Việc dạy học trực tiếp sẽ giúp các em học sinh vùng sâu, vùng xa thuận lợi trong tiếp thu bài. Ðể tổ chức dạy học trực tiếp, nhà trường chuẩn bị tốt tâm thế cho giáo viên, học sinh và phụ huynh về tư tưởng, tinh thần đón học sinh trở lại trường. Ngày 19/10, học sinh khối lớp 1 đã đi học lại bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, khi đến trường, đo thân nhiệt, rửa tay, khử khuẩn, đeo khẩu trang, bảo đảm đúng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðà Nẵng, Lê Thị Bích Thuận cho biết: Sở đã xây dựng kế hoạch cho học sinh toàn thành phố đi học trực tiếp, đang chờ UBND thành phố phê duyệt. Hiện, đã thí điểm dạy trực tiếp tại khối lớp 1, lớp 9 tại xã Hòa Bắc. Ðối với học sinh được đi học trực tiếp, các nhà trường căn cứ vào tình hình thực tế của đơn vị để chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục về dạy học trực tiếp, bảo đảm thực hiện hiệu quả chương trình theo quy định. Tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập trực tuyến của học sinh để xây dựng kế hoạch ôn tập, phụ đạo, bổ sung, củng cố kiến thức đã học trực tuyến. Phân công chuyên môn, chia thời khóa biểu cụ thể, hợp lý. Không vội đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình khi học sinh chưa hoàn thành nội dung bài học; mạnh dạn linh hoạt và điều chỉnh thời gian, nội dung, kế hoạch dạy học để phù hợp tình hình của lớp, đối tượng học sinh sau thời gian học trực tuyến.
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, để tổ chức cho học sinh tới lớp học trực tiếp bảo đảm an toàn, các địa phương ưu tiên tiêm đủ liều vắc-xin cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên phục vụ. Ðồng thời, các Sở Giáo dục và Ðào tạo rà soát tình hình đội ngũ giáo viên, nhân viên của các trường sau ảnh hưởng của dịch bệnh; bổ sung cơ sở vật chất theo yêu cầu an toàn trường học trong tình hình mới. Ngoài ra, căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường, xã; quận, huyện; tỉnh, thành phố để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại từng địa bàn. Ðối với cơ sở giáo dục trước khi học sinh đến trường, xây dựng kế hoạch giáo dục, kịch bản, giải pháp sẵn sàng ứng phó với các tình huống dịch bệnh xảy ra trong nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn và dịch bệnh tại địa phương; kiện toàn bộ phận thường trực về công tác y tế trường học; bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng y tế bảo đảm quy định, tổ chức hiệu quả công tác tư vấn tâm lý học đường. Khi học sinh đến trường, bảo đảm được giao nhận tại cổng trường, cha mẹ học sinh không vào trong khuôn viên nhà trường; kiểm tra, bổ sung kịp thời xà-phòng, dung dịch sát khuẩn tay và các vật dụng cần thiết khác phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh để chuẩn bị cho các buổi học tiếp theo. Khi kết thúc buổi học, bảo đảm học sinh, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên giãn cách hợp lý, đeo khẩu trang khi rời trường trở về nhà…