Phát biểu ý kiến khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai phòng, chống dịch tích cực, nhất là ngành y tế và một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng như các địa phương khác có ca dương tính đã khoanh vùng dập dịch tích cực, đặc biệt xét nghiệm nhanh trên diện rộng. Một số nơi có ổ dịch đã thực hiện giãn cách xã hội nghiêm khắc, Quảng Nam lập đội xử lý nhanh, còn Đà Nẵng phát phiếu đi chợ hay cắt giảm số lượng người làm việc tại trung tâm hành chính của thành phố…
TP Đà Nẵng cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 một cách nghiêm ngặt, còn các địa phương khác đều thực hiện mục tiêu kép, đẩy mạnh chống dịch trên địa bàn và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giữ các hoạt động bình thường. Đây được đánh giá là chủ trương cần thiết.
Theo Thủ tướng, khác với trường hợp xuất hiện ca bệnh số 17 trước đây, lần này, người dân bình tĩnh hơn, cấp ủy, chính quyền các địa phương, ngành y tế chỉ đạo bài bản hơn. Tình hình thị trường, giá cả ổn định, không có nạn đầu cơ, tích trữ, khan hiếm hàng hóa xảy ra. Tình trạng thiếu sinh phẩm, một số thiết bị y tế được khắc phục kịp thời, vừa bảo đảm phương tiện chống dịch, vừa chống tham nhũng, tiêu cực.
Lưu ý, thời gian tuần này đến giữa tuần sau là thời điểm cần quan tâm, Thủ tướng đặt vấn đề, biện pháp nào cần tiếp tục để bảo đảm công cuộc chống dịch Covid-19 thành công. Từ đợt dịch vừa xuất hiện, rút ra bài học kinh nghiệm nào.
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, thời gian qua, chúng ta bình tĩnh, căn cơ, cương quyết với các giải pháp PCD kịp thời, hiệu quả từ T.Ư đến địa phương, cho nên cơ bản xử lý có kết quả tình hình dịch bệnh. Chúng ta đã tích cực vận động nhân dân thực hiện các biện pháp thông thường có hiệu quả như đeo khẩu trang, rửa tay; xử lý các bất cập hàng ngày. Những ngày qua, ngành y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các lực lượng chức năng, các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ đề rất cố gắng. Nhiều nhà tài trợ, nhiều địa phương giúp đỡ lẫn nhau. Nhiều cán bộ y tế, chuyên gia đầu ngành đã được tăng cường vào Đà Nẵng, Quảng Nam… để xử lý các điểm nóng; nhiều bác sĩ, sinh viên tình nguyện lên đường hỗ trợ cho các địa phương.
Tinh thần phát huy tổng lực ở từng địa bàn và T.Ư, sự phối kết hợp tốt, nhuần nhuyễn giữa các lực lượng phòng, chống dịch với tinh thần “Phát hiện, phát hiện nhanh; cách ly, cách ly nhanh;xét nhiệm, xét nghiệm rộng và nhanh”. Các địa phương, Bộ Y tế đã xét nghiệm chủ động, truy vết tiếp xúc, cách ly kịp thời. Bộ Y tế tiếp tục phát huy điều phối hiệu quả, hỗ trợ các phương tiện, năng lực xét nghiệm. vật tư, nhân lực cho các địa phương.
Qua đợt dịch này, chúng ta cần rút kinh nghiệm, đó là các cơ sở y tế cần thực hiện nghiêm các tiêu chí an toàn, không được chủ quan, không được để dịch bệnh bùng phát, lây lan từ các cơ sở y tế. Trang bị kịp thời các phương tiện bảo hộ chống dịch cho các lực lượng chống dịch, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ, công an, quân đội, không để lây nhiễm chéo. Các nhà máy, cơ sở sản xuất phải tự đánh giá tiêu chí an toàn. Các bệnh viện, khu công nghiệp phải chặt chẽ trong giám sát y tế và phòng dịch. Chúng ta đã triển khai cho người dân cài đặt ứng dụng Bluezone và cần tiếp tục đẩy mạnh lên. Truyền thông từ T.Ư đến địa phương nâng cao ý thức của người dân mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi không chủ quan trước dịch bệnh; đặc biệt ca nhiễm mới đây ở Hải Dương phải được xử lý kịp thời, triệt để.
Thủ tướng đề nghị ngành y tế cần đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc, vaccine, phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân. Xem xét việc số ca vong tăng cao của đợt dịch này, từ đó rút ra bài học về phác đồ điều trị của đợt dịch trước và lần này. Ngành y tế, Bộ Y tế cần tăng cường đào tạo, tập huấn cho nhân viên các cơ sở y tế, có quy trình chuẩn xử lý các trường hợp nghi nhiễm, không để bệnh nhân Covid-19 đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Xử lý kịp thời các trường hợp ho, sốt, bệnh hô hấp. Tất cả mọi công dân nếu ho, sốt, viêm nhiễm đường hô hấp đều phải được kiểm tra tức thì. Tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đối với những đối tượng có nguy cơ cao, người cao tuổi, người có bệnh lý tim mạch.
Từ kinh nghiệm Đà Nẵng, Quảng Nam, chúng ta cần nghiên cứu thành lập các tổ tuyên truyền, giám sát cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Khám bệnh cho người cao tuổi tại nhà có bệnh nền; hạn chế người đi chợ, siêu thị như Đà Nẵng đã thực hiện. Các tỉnh, bệnh viện đều phải xây dựng kịch bản để chuẩn bị cơ sở vật chất và con người để ứng phó dịch bệnh, tránh di chuyển bệnh nhân nhiều.
Bộ Y tế cần nghiên cứu đề xuất khả năng thực hiện dịch vụ xét nghiệm theo yêu cầu để Nhà nước và nhân dân đóng góp như thế nào. Nghiên cứu các phương thức mà thế giới hiện đang áp dụng để tạo thuận lợi chủ trương ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ biên giới. Từng địa phương nên suy nghĩ về chiến lược chống dịch hiệu quả cả về kinh tế và y tế; nên đánh giá mức độ rủi ro từng khu vực trong một địa phương mà không nhất thiết phong toả toàn bộ thành phố hoặc quận huyện trong thời gian quá dài mà chỉ đóng cửa các khu vực dân cư có nguy cơ lây lan dịch cao với các nhân viên an ninh giám sát 24/7; áp dụng an toàn ở cả các khu vực khác. Các nước bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội phù hợp. Đây là bài toán vô cùng khó, chúng ta không thể coi thường tính mạng người dân nhưng không thể đóng cửa làm tê liệt mọi hoạt động.
Thủ tướng nhắc lại yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp PCD phù hợp; đề cao cảnh giác nhưng không làm ảnh hưởng quá lớn sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Khoanh vùng, phát hiện, dập dịch cương quyết các ổ dịch. Tăng cường kiểm tra các biện pháp phòng dịch, nhất là các biện pháp truyền thống. Tổ chức tốt hơn những cơ sở cách ly dân sự. Trước việc có tình trạng các cơ sở y tế không dám mua sinh phẩm y tế, kit xét nghiệm vì sợ vi phạm quy định, Thủ tướng yêu cầu các cơ sở phải mua đủ số lượng sinh phẩm xét nghiệm, yêu cầu Bộ Y tế làm việc với Hải quan công bố giá nhập thiết bị sớm hơn nữa, từ đó tính toán các chi phí khác để có mức giá phù hợp.
Đối với bộ kít xét nghiệm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp phép cho một số doanh nghiệp, đơn vị, do đó cần thành lập tổ liên ngành gồm Tài chính, Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm, đại diện một số bệnh viện lớn... để xác định mức giá, chốt mức giá trần, thông báo đến 63 tỉnh, thành phố. Nếu tỉnh nào mua được thấp hơn thì hoan nghênh.
Đối với thiết bị y tế, sinh phẩm nhập khẩu, Thủ tướng đồng ý mời các nhà nhập khẩu đến đàm phán, chốt giá trần, công khai minh bạch, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Tạo điều kiện cho chuyên gia, nhà đầu tư, nhà ngoại giao nhà quản lý, công nhân lành nghề thuận lợi vào Việt Nam với biện pháp cách ly phù hợp có sự giám sát của ngành y tế.
Thủ tướng đề nghị các địa phương, nhất là các thành phố quản lý tốt hơn rác thải y tế, vì đây là nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất lớn. Các Bộ Ngoại giao, Giao thông vận tải, Y tế, Quốc phòng báo cáo phương án tiếp nhận người Việt Nam bị kẹt ở nước ngoài có nhu cầu về nước. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, phòng bệnh, không để lây nhiễm xảy ra; chúng ta sẽ phải tìm nguyên nhân của đợt dịch này sau nhưng trước mắt ngăn ngừa hiệu quả, chủ động hơn, đồng thời không được để đứt gãy nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương các địa phương và ngành giáo dục tổ chức cơ bản tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục xem xét, phối hợp các địa phương tổ chức tốt kỳ thi lần 2, thậm chí là lần thứ 3 cho các địa phương.
* Tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, về giám sát, kiểm soát dịch, Bộ đã thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương về phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát lây nhiễm Covid-19 cho các đối tượng có nguy cơ cao; áp dụng các Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn trực tiếp chỉ đạo, điều hành tiếp tục hỗ trợ TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị triển khai công tác kiểm soát dịch, trong đó hỗ trợ kiểm tra, giám sát việc thiết lập, lắp đặt khu điều trị dã chiến; đồng thời tiến hành xây dựng quy trình/sổ tay phòng chống dịch với các hướng dẫn cụ thể, chi tiết về các bước cần triển khai khi có dịch xảy ra để các địa phương có thể triển khai ngay khi phát hiện ca bệnh, xảy ra dịch trên địa bàn.
Phối hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam thành lập và triển khai hoạt động các tổ “Giám sát phòng chống Covid-19 tại cộng đồng” thực hiện tuyên truyền, theo dõi các trường hợp có triệu chứng hô hấp tại cộng đồng để kịp thời tổ chức cách ly và lấy mẫu xét nghiệm (đang đề xuất thành lập tại tỉnh Quảng Trị để theo dõi, giám sát cả Covid-19 và Bạch hầu).
Bộ Y tế liên tục đề nghị các địa phương tăng tốc truy vết, xác minh, lập danh sách tất cả các trường hợp đến, lưu trú tại TP Đà Nẵng từ ngày 1 đến 28-7 đã trở về địa phương, đồng thời theo dõi, giám sát chặt chẽ, xét nghiệm và cách ly y tế đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh hoặc đến các khu vực có nguy cơ cao theo các thông báo của Bộ Y tế.
Về hỗ trợ TP Hà Nội giám sát, kiểm soát dịch, Bộ Y tế nhận định Hà Nội là một trong các vùng có nguy cơ cao do có nhiều người đã đi/đến, trở về từ Đà Nẵng và các tỉnh miền trung kể từ đầu tháng 7-2020. Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho 4 đơn vị là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm với tổng quy mô xét nghiệm 70 nghìn mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR.
Chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai chuẩn bị sẵn 1.000 giường bệnh, gồm 500 giường tại cơ sở 1 và 500 giường ở cơ sở 2 Hà Nam để sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội. Đồng thời, Bộ Y tế yêu cầu tất cả cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng với BHXH khám chữa bệnh BHYT, đều phải thực hiện việc lấy mẫu hoặc xét nghiệm để bảo đảm không có lây nhiễm trong cơ sở y tế.
Về công tác truy vết: đã thực hiện tìm kiếm, giám sát, rà soát hơn 10 nghìn bệnh nhân nội trú, hơn 70 nghìn bệnh nhân ngoại trú ở Đà Nẵng và từ các tỉnh/thành phố đến khám ở các bệnh viện có ca dương tính tại TP Đà Nẵng; rà soát hơn 14 nghìn người nhà, người chăm sóc bệnh nhân; hỗ trợ các tỉnh/thành phố rà soát hơn 800 nghìn người đi/đến trở về từ Đà Nẵng trong tháng 7-2020. Bên cạnh đó, thực hiện truy vết 11 chuyến bay, 3 chuyến tàu và 3 chuyến xe khách có ca dương tính từ Đà Nẵng về các tỉnh/thành phố.
Ban hành Hướng dẫn tạm thời giám sát về phòng, chống Covid-19 với các nội dung giám sát và phòng, chống Covid-19 theo diễn biến tình hình dịch bệnh, trên cơ sở đó các địa phương áp dụng, tổ chức triển khai theo thực tế tại địa phương, đơn vị...