Phối hợp gỡ "thẻ vàng" về khai thác hải sản

Là một trong những lực lượng chủ lực đặc biệt quan trọng trong đấu tranh phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thời gian qua, lực lượng cảnh sát biển đã khắc phục mọi khó khăn, tích cực phối hợp cùng các địa phương, lực lượng triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống khai thác IUU, góp phần gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC) về khai thác hải sản.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trao cờ Tổ quốc và quà tặng ngư dân tại cảng Bến Đầm, huyện Côn đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Cán bộ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển trao cờ Tổ quốc và quà tặng ngư dân tại cảng Bến Đầm, huyện Côn đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bài 1: Nỗ lực đấu tranh phòng, chống khai thác IUU

Cùng đoàn công tác Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và đại diện lãnh đạo, cơ quan chức năng bảy tỉnh ven biển phía nam thực hiện hành trình trên tàu Cảnh sát biển 4039 đi kiểm tra lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống khai thác IUU tại khu vực biển giáp ranh Việt Nam-Thái Lan-Malaysia, kết hợp kiểm tra các đơn vị tại đảo Thổ Chu, Côn Đảo, chúng tôi được chứng kiến sự nỗ lực vượt khó trong thực hiện nhiệm vụ của lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

Bám biển, đồng hành cùng ngư dân

Đến kiểm tra biên đội tàu đang làm nhiệm vụ tại khu vực biển giáp ranh đúng thời điểm gió mùa đông bắc cấp 5, cấp 6, sóng to, gió lớn khiến đoàn công tác không thể cử người trực tiếp sang các tàu kiểm tra, mà phải làm việc trực tuyến với chỉ huy biên đội đặt tại tàu Cảnh sát biển 4035 và tàu Kiểm ngư KN 270 để nắm tình hình.

Trung tá Nguyễn Văn Học, Chỉ huy trưởng biên đội cho biết: Biên đội các anh có bảy tàu, gồm các tàu cảnh sát biển, thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 và các tàu kiểm ngư thuộc Chi đội Kiểm ngư số 2; làm nhiệm vụ trực, tuần tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật trên vùng biển giáp ranh, gắn tuyên truyền, cảnh báo ngư dân không vi phạm về khai thác IUU từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Mặc dù đảm nhiệm quản lý khu vực biển giáp ranh rộng, với chiều dài 254 hải lý, làm nhiệm vụ dài ngày trên biển phải xa gia đình, xa người thân khi Tết đến, xuân về, thời tiết, khí hậu trên biển khắc nghiệt, diễn biến phức tạp, khó lường; trong khi đó gần 50 ngày làm nhiệm vụ trên biển thì có tới 35 ngày biển có gió cấp 5, cấp 6, có ngày cấp 7, sóng to, gió lớn khiến tàu rung lắc mạnh, việc ăn ở, sinh hoạt trên tàu gặp không ít khó khăn; song cán bộ, chiến sĩ và nhân viên các tàu trong biên đội luôn đoàn kết, kiên trì bám biển, nỗ lực vượt qua khó khăn, tổ chức tốt các hoạt động tuần tra, kiểm soát; đồng thời, phối hợp chặt chẽ các tàu hải quân kịp thời phát hiện, ngăn chặn tàu cá của ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản.

Trung tá Nguyễn Văn Học cho biết, trước Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, khu vực biển giáp ranh do biên đội tàu của các anh đảm nhiệm thường chỉ có từ 20 đến 40 tàu cá ngư dân hoạt động; nhưng từ sau Tết Nguyên đán trung bình mỗi ngày có từ 70 đến 150 tàu cá ra đây đánh bắt hải sản.

Thực hiện đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống khai thác IUU, các tàu trong biên đội đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhất là khoảng thời gian từ 4 đến 10 giờ sáng và từ 16 đến 22 giờ hằng ngày, vì đây là thời gian tàu cá ngư dân ta rất dễ vượt sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản.

Đồng thời, các tàu trong biên đội còn làm tốt công tác tuyên truyền cho hàng trăm tàu cá, với hàng nghìn lượt ngư dân về chủ trương, quyết tâm của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về phòng, chống khai thác IUU.

Hiện nay, phần lớn các tàu cá của ngư dân ta chấp hành tốt các quy định về IUU. Tuy nhiên, vẫn còn một số tàu cá cắt liên lạc, tắt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), khi tàu của lực lượng chức năng cử người, hạ xuồng cơ động đến kiểm tra, chủ tàu lấy lý do máy móc hỏng; hoặc một số tàu lợi dụng đêm tối để vượt ranh giới sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản; khi tàu của biên đội phát hiện đến kiểm tra, nhắc nhở thì tàu ngư dân ta mới quay về vùng biển Việt Nam hoạt động.

Qua gần 50 ngày làm nhiệm vụ trên vùng biển giáp ranh, biên đội tàu của Trung tá Học đã xử lý 32 tàu cá ngư dân vi phạm các quy định về khai thác hải sản trên biển như: không có bằng thuyền trưởng, máy trưởng, thiếu giấy tờ của thuyền viên…, đã xử phạt tổng cộng gần 400 triệu đồng.

Từng cùng đồng đội tham gia nhiều đợt làm nhiệm vụ trên vùng biển giáp ranh Việt Nam-Thái Lan-Malaysia, Đại úy Lê Anh Tuấn, Thuyền trưởng tàu 4039, Hải đội 422, Hải đoàn 42, Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, làm nhiệm vụ ở khu vực biển giáp ranh, ngoài nhiệm vụ chính là tăng cường tuần tra, kiểm soát và ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác IUU; tàu còn có nhiệm vụ hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản hợp pháp trên biển, như: hỗ trợ nước ngọt, cấp phát thuốc chữa bệnh; tặng thực phẩm, rau xanh, đặc biệt là hỗ trợ bà con ngư dân khi gặp nạn trên biển.

Một kỷ niệm không quên là, vào khoảng 23 giờ một ngày đầu năm 2022, tàu của các anh nhận được thông tin đề nghị hỗ trợ y tế của tàu cá ngư dân có thuyền viên bị nạn, tay bị cuốn vào tời quay thu lưới làm ba ngón tay phải bị đứt lìa. Sau khi báo cáo và được lệnh của cấp trên, mặc dù trời tối, gió cấp 4, cấp 5, song tàu 4039 nhanh chóng tiếp cận tàu ngư dân có người bị nạn, cử tổ quân y xuống xuồng cơ động đến tàu cá kịp thời sát trùng vết thương, tiêm thuốc giảm đau, băng bó sơ cứu ban đầu, hướng dẫn bảo quản ba ngón tay bị đứt trong thùng lạnh để đưa về bờ cùng ngư dân vào bệnh viện điều trị các bước tiếp theo.

Phối hợp gỡ "thẻ vàng" về khai thác hải sản ảnh 1
Đại diện đoàn công tác Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển làm việc trực tuyến với biên đội tàu đang làm nhiệm vụ tại vùng biển giáp ranh Việt Nam-Thái Lan-Malaysia.

Coi trọng công tác tuyên truyền

Để góp phần nâng cao nhận thức, hành động và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong phòng, chống khai thác IUU, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã chỉ đạo các đơn vị đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU vào kế hoạch thực hiện Chương trình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân", "Em yêu biển đảo quê hương" và công tác dân vận "Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo"; tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới…, các quy định về phòng, chống khai thác IUU.

Đóng quân trên đảo Thổ Chu, thuộc xã Thổ Châu, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Thiếu tá Phan Văn Minh, Trạm trưởng Cảnh sát biển số 4, thuộc Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Trạm đã tích cực tuyên truyền về pháp luật, phòng, chống khai thác IUU đến từng ngư dân, từng tàu cá ở địa phương, cũng như các tàu cá ở các địa phương khác neo đậu tại cảng cá xã đảo Thổ Châu; phát tờ rơi, cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, băng cứu thương; đồng thời đề nghị thuyền trưởng các tàu ngư dân ký cam kết không vi phạm khai thác IUU.

"Để góp phần phòng, chống khai thác IUU, thời gian qua, địa phương chúng tôi đã phối hợp các tàu của Hải đội 401, Vùng Cảnh sát biển 4 tổ chức tuần tra, kiểm soát trên vùng biển, đảo tây nam, trực tiếp gặp gỡ, tuyên truyền cho chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân trên các ghe hiểu rõ các quy định đánh bắt hải sản trên biển, chấp hành tốt các quy định khai thác hải sản trên vùng biển Việt Nam, không đánh bắt hải sản trên vùng biển nước ngoài" - ông Đỗ Văn Dừng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thổ Châu cho biết.

Đại tá Nguyễn Thái Dương, Chủ nhiệm Chính trị Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: Từ tháng 7/2021, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 được giao nhiệm vụ chủ trì tuần tra, kiểm soát, phòng, chống khai thác IUU trên khu vực biển giáp ranh Việt Nam-Thái Lan-Malaysia. Mặc dù gặp không ít khó khăn, song được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, chỉ huy Bộ Tư lệnh Vùng, cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Hằng ngày, mỗi khi đi tuần tra, kiểm soát gặp tàu cá của ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển giáp ranh, các tàu cảnh sát biển đều tuyên truyền, phòng, chống khai thác IUU (qua kênh 16 VHF và máy liên lạc nghề cá); đồng thời phát thanh trực tiếp bằng loa tới các tàu của ngư dân.

Công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của ngư dân về chấp hành pháp luật khi hành nghề trên biển; hiện không còn tình trạng ngư dân chống đối, không chấp hành hiệu lệnh của tàu hoặc tổ tuần tra, kiểm soát; các hành vi cố tình vi phạm về khai thác IUU đã giảm đáng kể, nhất là các vi phạm về bằng cấp chuyên môn, giấy tờ tùy thân của thuyền trưởng, thuyền viên tàu cá; giảm đến mức thấp nhất các hoạt động khai thác hải sản tại vùng biển nước ngoài.

Tại cảng Bến Đầm huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Lê Bé Năm, chủ tàu cá KG 60054 TS, quê ở xã Vân Khánh, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang vừa cùng đại diện các tàu cá ngư dân nhận quà tặng từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.

Ông Năm xúc động bày tỏ: Tôi cùng các ngư dân trên tàu làm nghề câu mực, hôm nay rất vui khi được nhận quà tặng, gồm: Cờ Tổ quốc, thuốc chữa bệnh, áo phao, tờ rơi và phần quà trị giá một triệu đồng; được nghe cán bộ cảnh sát biển trực tiếp tuyên truyền những quy định của tàu cá Việt Nam khi hoạt động trên biển; các quy định mỗi chủ tàu cá và ngư dân ra khơi cần ghi nhớ, thực hiện; những quy định về phòng, chống khai thác IUU…, đã giúp chúng tôi hiểu biết hơn về pháp luật và chuẩn bị tốt nhất cho mỗi chuyến đi biển. Cảm ơn lực lượng cảnh sát biển đã luôn đồng hành cùng bà con ngư dân, giúp chúng tôi yên tâm mỗi khi vươn khơi, bám biển.

(Còn nữa)