Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

NDO -

NDĐT- Ngoài các nhiệm vụ đã được phân công, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa được bổ sung nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Ảnh: Báo Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ. Ảnh: Báo Chính phủ.

Cụ thể, tại văn bản số 258/TTg-TH ngày 28-2-2019 nêu rõ, căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19-6-2015; Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 1-10-2016; căn cứ yêu cầu thực tiễn hoạt động chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ bổ sung phân công công việc đối với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có thêm nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bên cạnh các nhiệm vụ đã được phân công tại Quyết định 1527/QĐ-TTg ngày 1-8-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành và phối hợp công tác.

Trước đó, tại Nghị định số 131/2018/NĐ-CP ngày 29-9-2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN là cơ quan thuộc Chính phủ (Ủy ban); được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. Ủy ban có tên giao dịch quốc tế tiếng Anh viết tắt là CMSC và là đơn vị dự toán cấp I của ngân sách trung ương.

Nghị định cũng quy định 19 DN do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu gồm: Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Cao-su Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam; Tổng công ty Viễn thông Mobifone; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; Tổng công ty Hàng không Việt Nam; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam; Tổng công ty Cà-phê Việt Nam; Tổng công ty Lương thực miền nam; Tổng công ty Lương thực miền bắc; Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Như vậy, khi đi vào hoạt động, Ủy ban sẽ tiếp nhận 19 DN kể trên và các doanh nghiệp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Việc chuyển chức năng đại diện vốn nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN nhằm thực hiện đại diện tập trung về một đầu mối, từ đó tạo điều kiện, hỗ trợ giúp DN hoạt động thuận lợi và có chiều sâu, trở thành cầu nối với các bộ, ngành và Chính phủ, trong tương lai sẽ chuyên nghiệp hơn, vì sự nghiệp chung đối với sự phát triển đất nước.