Ghi nhận và đánh giá cao tinh thần chủ động cấp ủy chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong quá trình ứng phó với thiên tai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, với kinh nghiệm ứng phó mưa bão, chính quyền các cấp, các đơn vị liên quan của Hà Tĩnh đã thực hiện rất tốt công tác phòng, chống mưa lũ, xử lý tình huống điều tiết, vận hành hồ đập bảo đảm an toàn vùng hạ du cũng như an toàn hồ đập. Ưu tiên lúc này là bảo đảm an toàn tối đa tính mạng, tài sản nhân dân.
Trước tình hình diễn biến mưa lũ còn phức tạp, Phó Thủ tướng đề nghị, Hà Tĩnh tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó mưa lũ.
Các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân: Rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất, chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Tổ chức giám sát, vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước.
Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện, kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở... Tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ.
Báo cáo với Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác về tình hình mưa lũ trên địa bàn Hà Tĩnh mấy ngày qua, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, do mưa lớn từ ngày 15 đến 19-10, đã có khoảng 31.000 hộ/105.373 người của 90 xã tại 10 huyện, thành phố, thị xã bị ngập lụt bình quân từ 0,5 đến 1,0m; riêng các xã của huyện Cẩm Xuyên có nơi bị ngập sâu hơn 2,0m. Tính đến 4 giờ sáng 19-10, tỉnh đã tổ chức sơ tán 13.848 hộ/41.075 người của 96 xã.
Đặc biệt, nhiều hồ chứa lớn trên địa bàn, như: Kẻ Gỗ, Ngàn Trươi, sông Rác, sông Trí đều ở mức cao. Đặc biệt, hồ Kẻ Gỗ đạt cao trình 32,99/32,5m (W=360/345 triệu m3, trên mực nước dâng bình thường 0,49m).
Trước tình hình đó, Hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả tràn lúc 13 giờ chiều 18-10, với lưu lượng 30 - 50mm3/s, cao điểm lúc 9 giờ sáng 19-10, tăng lên 1.050m3/s; lúc 4 giờ sáng 20-10, tiếp tục xả 800m3/s.
Hà Tĩnh đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tập trung cho công tác sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, vùng ngập lụt sâu; đặc biệt là sơ tán dân vùng hạ du hồ chứa nước Kẻ Gỗ. Do số lượng các hộ dân bị ngập rất lớn, nước lũ đang cao nên chưa thể đánh giá hết thiệt hại; nhiều công trình, cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học, trụ sở, trạm y tế, điện lực… bị sạt lở và hư hỏng nặng. Đặc biệt, có hai người chết và hai người mất tích.
Để giúp nhân dân Hà Tĩnh ứng phó với mưa lũ, trước mắt, Hà Tĩnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư quan tâm giúp đỡ tỉnh về giống cây trồng, rau màu các loại; một số loại hóa chất để tiêu độc khử trùng và vệ sinh môi trường sau lũ; phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn…