Trước đó, ngày 26-3, tại Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, đại diện lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) đã có buổi làm việc với chủ tàu, doanh nghiệp thực hiện trục vớt có sự tham gia của đại diện các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận để giải quyết xử lý các vấn đề có liên quan đến tàu Bạch Đằng bị chìm.
Sau khi Công ty Trường Tâm (đơn vị ký hợp đồng trục vớt tàu Bạch Đằng) đã tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện và nộp trình Phương án trục vớt tài sản chìm đắm tàu Bạch Đằng tại vùng biển Mũi Né, đối chiếu với các quy định hiện hành, cũng như nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường tại vùng biển Mũi Né, TP Phan Thiết, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận chấp thuận nội dung Phương án trục vớt tài sản chìm đắm tàu Bạch Đằng.
Theo đó, biện pháp trục vớt thanh thải tàu Bạch Đằng được thực hiện theo các bước: thanh thải hàng hóa trên tàu; di dời tàu ra vùng nước sâu hơn; làm nổi tàu bằng các cần cẩu lật chuyên dụng; bơm nước trong các hầm két ra ngoài và kéo tàu vào cảng neo đậu. Việc thực hiện thanh thải hàng hóa là tro bay từ các bồn giữa tàu được thực hiện theo các bước: đơn vị trục vớt cho thả neo định vị về phía mũi và lái.
Đồng thời, cho thả các phao cảnh giới khu vực thi công theo quy định để các tàu thuyền hoạt động qua lại tại khu vực biết né tránh, bảo đảm an toàn. Sau khi thả neo định vị và phao cảnh giới sẽ di chuyển tàu hút tro đến vị trí tàu Bạch Đằng và làm dây định vị giữa hai tàu. Thả phao vây chung quanh khu vực tàu chìm để chống tràn tro bay ra ngoài (nếu có) trong quá trình thực hiện hút tro qua tàu hút. Sau đó, thợ lặn lặn xuống tiếp cận tàu Bạch Đằng tiến hành mở nắp các bồn và chụp miệng phễu ống hút cả tàu hút vào miệng bồn chứa hàng để thực hiện việc hút chuyển hàng qua tàu hút. Bồn nào xong sẽ được bơm khí nén vào trong và đậy kín nắp bồn tránh nước biển tràn vào.
Sau khi đã hút xong toàn bộ số lượng tro bay từ tàu Bạch Đằng, tàu hút sẽ hành trình về Cảng Vĩnh Tân và chủ tàu cùng với chủ hàng sẽ thực hiện các thủ tục tiếp theo để xử lý toàn bộ số tro bay được thanh thải này.
Sau đó, đơn vị trục vớt sẽ triển khai các biện pháp kỹ thuật để di chuyển tàu Bạch Đằng ra vùng nước có độ sâu khoảng từ 10 đến 12 m rồi thực hiện cẩu lật tàu về trạng thái tự nhiên. Khi tàu Bạch Đằng nổi hoàn toàn trong trạng thái an toàn, đơn vị trục vớt hoàn thiện các thủ tục với các cơ quan chức năng và tiến hành kéo tàu về nhà máy sửa chữa tại TP Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Văn Hùng, đại diện Công ty Trường Tâm cho biết, thời gian thực hiện trục vớt tàu Bạch Đằng dự kiến khoảng 20 ngày trong điều kiện thời tiết biển với cấp gió dưới cấp 5 và độ cao sóng không quá 5 m. Quá trình thực hiện thi công vào ban ngày, thời gian từ khoảng 5 giờ đến 18 giờ hằng ngày. Tham gia trực tiếp thi công khoảng 12 người, trong đó có sáu đến tám thợ lặn.
Các phương tiện tham gia thực hiện trục vớt tàu Bạch Đằng gồm có: hai cần cẩu nổi sức nâng 350T và 130T; hai tàu kéo công suất 400CV; hai sà lan; một tàu hút bùn 800T. Các vật tư và trang thiết bị phục vụ cho thợ lặn, thổi bùn, hàn cắt dưới nước…
Ông Bùi Nguyên Khôi, Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận cho biết, sau khi Phương án trục vớt được phê duyệt, đơn vị trục vớt sẽ tập trung phương tiện, thiết bị tới hiện trường trong thời gian sớm nhất để tiến hành trục vớt ngay sau đó. Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan để theo dõi, kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình triển khai thực hiện việc trục vớt tàu bạch Đằng nhằm bảo đảm công tác an toàn, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tài khu vực.
Trước đó, vào ngày 21-3, Công ty Trường Tâm đã thực hiện xong việc hút toàn bộ 2.000 lít dầu chạy máy trên tàu Bạch Đằng và không có sự cố tràn dầu xảy ra. Tất cả đều bảo đảm an toàn tuyệt đối cả về người, phương tiện, thiết bị và môi trường.