Mục tiêu của Chiến lược là tăng dần tính độc lập, chủ động và trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. Tăng cường năng lực thể chế, hiệu lực, hiệu quả thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đến cuối năm 2025, thanh tra, giám sát ngân hàng tuân thủ phần lớn các nguyên tắc giám sát ngân hàng hiệu quả theo Hiệp ước Basel. Ðẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tối ưu hóa mạng lưới ATM và POS. Ðến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở dưới mức 10%; đến cuối năm 2025, con số này rút xuống còn 8%. Tăng số lượng doanh nghiệp và người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng do các tổ chức tín dụng cung ứng. Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội và thực trạng của hệ thống qua từng giai đoạn... Phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất từ hai đến ba ngân hàng thương mại nằm trong tốp 100 ngân hàng lớn nhất (về tổng tài sản) trong khu vực châu Á và ba đến năm ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng dưới 3%.
Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được đưa ra là: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập; đổi mới khuôn khổ chính sách tiền tệ, công tác quản lý ngoại hối và vàng; phát triển, quản lý và giám sát các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, phù hợp thông lệ và chuẩn mực quốc tế; phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tạo cơ sở nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng…