Trước hết, về mặt kinh tế, sau 35 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta từ chỗ xuất phát điểm ra khỏi chiến tranh, khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng, nhân dân nhiều nơi còn thiếu ăn, thiếu mặc, thu nhập bình quân đầu người ở nhóm thấp nhất thế giới, đến nay chúng ta đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, hướng tới thu nhập trung bình cao trong một số ít năm nữa. Việt Nam trở thành một thành viên tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, GDP bình quân đầu người đạt được mức tăng hơn 34,7 lần trong vòng hơn ba thập kỷ.
Tại vùng sâu, miền núi, mức độ tiến bộ càng rõ. Thí dụ ở miền núi Tây Bắc trước đây, vốn rất khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất tự cấp, tự túc, thiếu đói giáp hạt triền miên thì hiện nay đã xuất hiện rất nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi giỏi cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch nhanh, hiệu quả năng suất cao. Nông sản hàng hóa không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân tại chỗ, phục vụ thị trường trong nước mà bước đầu đã có nông sản xuất khẩu vào các thị trường khó tính trên thế giới như hoa quả của Sơn La vào thị trường Nhật Bản, Australia, sản phẩm chè mat-cha của Lai Châu vào thị trường Nga, Nhật Bản, cà-phê của Ðắk Lắk, gạo của Sóc Trăng, thanh long của Tiền Giang, Long An, thủy sản của An Giang cùng nhiều sản phẩm của các địa phương trên khắp cả nước đã và đang tham gia thị trường quốc tế đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho đất nước.
Việc bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội cũng không ngừng được chăm lo. Xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam đạt thành tựu mang tính điển hình của thế giới. Việt Nam là một trong số ít những quốc gia thực hiện thành công nhiều mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc phát động sớm hơn dự định. Tính đến năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới giảm xuống chỉ còn 4,8%. Chênh lệch thu nhập bình quân đầu người/ tháng ở các vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như trung du và miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, trong các năm ngày càng được thu hẹp.
Mức độ bất bình đẳng giữa các vùng miền cũng như cả nước dần giảm xuống, mức độ văn minh thể hiện qua các chỉ số nhà ở, thụ hưởng các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục, nước sạch, tỷ lệ sử dụng điện sinh hoạt, tỷ lệ hộ có đồ dùng lâu bền, phương tiện thông tin liên lạc hiện đại của người dân Việt Nam cũng không ngừng được cải thiện theo chiều hướng tích cực. Phong trào xây dựng nông thôn mới đang góp phần tích cực vào việc dịch chuyển văn minh nông thôn.
Ðến hết năm 2020, có hơn 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 173 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Nhờ những thành tựu về phát triển nông thôn mà đời sống của đồng bào các dân tộc khó khăn nhất như đồng bào La Hủ ở vùng sâu tỉnh Lai Châu cho tới đồng bào người Rục ở tỉnh Quảng Bình đã được thụ hưởng các thành tựu văn minh, được giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người, sánh vai với các dân tộc anh em.
Dân tộc ta vốn có truyền thống tương thân, tương ái, trọng nghĩa tình. Ðiều đó đã được đúc kết và lưu truyền thành thông điệp tinh thần truyền qua lớp lớp các thế hệ. "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng" trở thành sợi dây tinh thần vô giá gắn kết, yêu thương, sẻ chia đùm bọc trong mọi giai tầng và nhân dân trong xã hội ta.
Trong thời điểm hiện nay khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Ðặc biệt đồng chí Tổng Bí thư trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Ðảng đã có Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết chống Covid-19. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, nhân dân trên khắp các mọi miền của Tổ quốc đang dấy lên một phong trào tích cực chăm lo, ủng hộ, giúp đỡ, "chia lửa" với nhân dân các tỉnh, thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong đại dịch. Tinh thần tương thân, tương ái, tình yêu thương, đoàn kết, những nghĩa cử cao đẹp của đồng bào ta ở trong nước, cũng như kiều bào ta ở nước ngoài lại được thắp sáng lên với tất cả tình yêu Tổ quốc, yêu quê hương hết sức tốt đẹp.
Tựu trung lại, những thành tựu trên một số lĩnh vực cơ bản nêu trên là minh chứng cho giá trị hiện thực xã hội chủ nghĩa ở nước ta, đó là sự phát triển vì con người, phát triển để nâng tầm lương tri, phẩm giá con người Việt Nam. Chỉ có chủ nghĩa xã hội đích thực mới có thể cho chúng ta có được những thành tựu to lớn như vậy. Và chính những thành tựu này đang là tiền đề, nền tảng cho niềm tin tương lai tươi sáng của đất nước ta. Có được những thành tựu đó, chính là nhờ sự nỗ lực của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðảng, kiên định theo con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã chọn. Nhờ bản chất ưu việt của hệ thống chính trị nước ta, hệ thống chính trị của dân, do dân, vì dân, bao nhiêu quyền lực thuộc về nhân dân.
Những thành tựu đó là kết quả sự nỗ lực không mệt mỏi của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: "Ðất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày hôm nay". Những thành tựu mà đất nước đạt được cũng chính là thể hiện tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu: "Non sông Việt Nam trở nên vẻ vang bước tới đài vinh quang sánh vai các cường quốc năm châu".