Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết năm 2021, trên địa bàn cả nước có 19.667 trang trại theo tiêu chí mới. Trong đó có 4.325 trang trại trồng trọt, 12.013 trang trại chăn nuôi, 129 trang trại lâm nghiệp, 1.267 trang trại nuôi thủy sản, ba trang trại sản xuất muối, 1.930 trang trại tổng hợp. Việc phát triển kinh tế trang trại thời gian qua đã cung cấp một số lượng lớn sản phẩm cho thị trường và góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.
Nhiều chủ trang trại đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; cơ giới hóa vào quá trình sản xuất giúp tăng năng suất lao động, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, chủ động liên kết doanh nghiệp để tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ nên bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, giá cả ổn định, đem lại hiệu quả cao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, đến cuối năm 2021, trên địa bàn có 41 trang trại hoạt động, trong đó có tám trang trại trồng trọt, 10 trang trại chăn nuôi, 14 trang trại nuôi trồng thủy sản và chín trang trại tổng hợp. Diện tích đất các trang trại sử dụng là 196 ha, số lao động thường xuyên là 308 người và giá trị sản xuất hơn 229 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn có 23 trang trại liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với khoảng 21.964 tấn (chủ yếu là cá tra và gà thịt), 5.475.000 trứng vịt với các công ty, doanh nghiệp và thương lái. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng có 732 trang trại, trong đó lĩnh vực trồng trọt là 242, lĩnh vực chăn nuôi có 458, 29 trang trại tổng hợp...
Thời gian qua, nhiều trang trại ở tỉnh Lâm Đồng đã áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất. Anh Trần Trung Thứ, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cho biết: “Năm 2016, gia đình tôi làm trang trại chủ yếu trồng hoa. Với diện tích 2,1 ha, gia đình tôi trồng chủ yếu hoa lan vũ nữ và hồ điệp. Mỗi năm, trang trại gia đình tôi cho thu nhập khoảng 15 tỷ đồng từ bán lan hồ điệp và 1,5 tỷ đồng lan vũ nữ”.
Mặc dù vậy, mô hình này đang gặp nhiều khó khăn do ở một số địa phương trang trại phát triển theo hướng tự phát; sản phẩm chưa đa dạng nên hiệu quả chưa cao; việc tiếp cận nguồn vốn vay còn khó khăn; ứng dụng khoa học-công nghệ còn ít; liên kết sản xuất để tiêu thụ sản phẩm chưa nhiều… Như tại tỉnh Đồng Tháp, qua thống kê vốn đầu tư cho trang trại phần lớn là vốn tự có hoặc tự huy động nên chủ trang trại chưa quan tâm việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều chủ hộ chưa tiếp cận được nhiều đối với các chính sách hỗ trợ, nguồn vốn vay ưu đãi, các chính sách đặc thù. Mặt khác, phần lớn các chủ trang trại chưa được đào tạo về kiến thức quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh; thiếu đội ngũ lao động có chuyên môn cao, quản lý điều hành sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm. Các trang trại đa số đều hoạt động riêng lẻ, thiếu kết nối với thị trường.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, mặc dù giá trị sản xuất hàng hóa bình quân một trang trại tương đối lớn (trung bình hơn 2 tỷ 850 triệu đồng/trang trại/năm) nhưng số mô hình có doanh thu cao chủ yếu tập trung ở loại hình chăn nuôi, tổng hợp. Một số trang trại trồng trọt, thủy sản do chất lượng sản phẩm chưa cao, sản phẩm bán ra chủ yếu dưới dạng thô chưa qua chế biến, số lượng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng về giao thông nội vùng, thủy lợi, xử lý môi trường, nhà xưởng sơ chế, bảo quản sản phẩm của trang trại chưa được quan tâm.
Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh việc chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho các chủ trang trại; hỗ trợ các trang trại tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để đẩy mạnh sản xuất; khuyến khích các chủ trang trại liên kết với doanh nghiệp nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Các địa phương cần khuyến khích các chủ trang trại liên kết hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng mã vùng trồng nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.