Phát triển hạ tầng, mở đường cho sản xuất

Do đặc thù địa hình chia cắt mạnh cho nên các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp của Bắc Kạn bị phân tán, nhỏ, lẻ. Nhiều vùng sản xuất hàng hóa, tạo ra nông sản có giá trị, nhưng lại khó vận chuyển, thu hoạch, dẫn tới giảm giá trị kinh tế. Thời gian vừa qua, Bắc Kạn đã đầu tư nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng, từ đó tháo gỡ khó khăn, giúp phát triển mạnh các vùng sản xuất.
0:00 / 0:00
0:00
Một tuyến đường lâm nghiệp mới mở tại phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn.
Một tuyến đường lâm nghiệp mới mở tại phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn.

Có thể thấy trong thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, diện tích các loại cây ăn quả ngày càng được mở rộng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao. Trong đó, những loại cây trồng mang tính đặc trưng theo vùng trên địa bàn tỉnh như: Cam, quýt, hồng không hạt, mơ, chuối... đang được phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Toàn tỉnh hiện có 6.096 ha cam, quýt, hồng không hạt, mơ, chuối, trong đó có 4.436 ha đang cho thu hoạch.

Tuy nhiên, hầu hết những vùng trồng này đều nằm ở các thôn, bản xa, không có đường giao thông thuận lợi. Việc thu hoạch hoa quả vì vậy rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm khi người dân phải chở bằng xe máy đi theo những đường mòn, len lỏi giữa rừng.

Theo Chủ tịch UBND xã Quang Thuận (huyện Bạch Thông) Nông Văn Bình, Quang Thuận là vùng trồng cam, quýt lớn nhất tỉnh nhưng phần lớn người trồng đều rất vất vả khi thu hoạch. Chi phí, công sức thu hoạch bỏ ra lớn nhưng giá thành bán sản phẩm thì lại thấp làm giảm hiệu quả kinh tế. Từ lâu, chính quyền xã và người trồng cam, quýt đã mong mỏi có sự đầu tư về hạ tầng giao thông phục vụ chăm sóc, thu hái.

Trước bất cập này, tháng 5/2022, Bắc Kạn đầu tư vốn triển khai dự án phát triển cơ sở hạ tầng vùng trồng cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm trên địa bàn. Dự án triển khai thi công 15 tuyến đường vào các khu sản xuất và kết hợp với giao thông nông thôn có tổng chiều dài gần 35 km. Ðến nay đã có 11 tuyến hoàn thành, khối lượng thi công đạt hơn 90% giá trị hợp đồng.

Theo đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Kạn, trong quá trình thực hiện, một số tuyến đường không thể thực hiện được do người dân không đồng thuận hiến đất; vướng mắc về quy hoạch; trùng với dự án khác đã triển khai; ảnh hưởng bởi biến động giá vật liệu, nhiên liệu của thị trường, dẫn đến dự toán vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt; một số hạng mục công trình dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng chưa thể khởi công vì chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng... Tuy nhiên, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành, góp phần phục vụ phát triển các vùng sản xuất của nhân dân.

Với hơn 100.000 ha rừng trồng, Bắc Kạn là một trong những tỉnh có diện tích rừng trồng hàng đầu cả nước. Tuy nhiên, vì địa hình chia cắt mạnh cho nên khâu khai thác gỗ rừng trồng ở địa phương này rất vất vả. Người dân rất tốn kém chi phí thuê nhân công khai thác, vận chuyển mà công suất khai thác cũng không cao, gỗ dễ bị hư hại. Theo tính toán sơ bộ, bình quân một ha rừng trồng sau bảy đến tám năm khai thác được khoảng 80m3 gỗ, thu được khoảng 60 triệu đồng nhưng người dân phải trừ đi 20 đến 30 triệu đồng chi phí khai thác, vận chuyển. Ðường vận xuất lâm sản trở thành đòi hỏi bức thiết không chỉ với người trồng rừng mà còn cả với ngành lâm nghiệp của Bắc Kạn.

Năm 2023, Bắc Kạn chỉ đạo ngành chuyên môn kiểm tra thực địa và xác định có 214 tuyến với tổng chiều dài hơn 428 km đủ điều kiện, bảo đảm các tiêu chí, các yếu tố khả thi trong tổ chức thực hiện để bổ sung vào Quy hoạch đường lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã thông qua quy hoạch đường lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2025, tầm nhìn đến năm 2030 bổ sung thêm 214 tuyến đường mới. Tổng mức đầu tư thực hiện quy hoạch tăng từ hơn 600 tỷ đồng lên hơn 800 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Kạn, dự án đường lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025 đã triển khai thi công 8/8 gói thầu với 128/183 tuyến của giai đoạn 1; khối lượng thi công đạt hơn 97% tổng giá trị hợp đồng. Trong đó, có 18 tuyến thuộc huyện Chợ Ðồn, 17 tuyến thuộc huyện Ba Bể và bốn tuyến thuộc huyện Ngân Sơn đã bàn giao đưa vào sử dụng, các tuyến đường còn lại đang thực hiện công tác nghiệm thu theo quy định.

Các tuyến đường hoàn thành đã góp phần tích cực cho việc phát triển kinh tế lâm nghiệp của người dân, tạo mạng lưới giao thông đa dạng, liên hoàn, tăng cường khả năng cơ giới hóa để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Ðiều đặc biệt của dự án này là việc người dân tham gia đối ứng bằng việc hiến đất mở đường. Ðiều đặc biệt là, các địa phương đã nỗ lực, tích cực vào cuộc để tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ và ủng hộ chủ trương này.

Chủ tịch UBND xã Phương Viên (huyện Chợ Ðồn) Ma Ngọc Tuyền cho biết: Vừa qua xã được dự án đầu tư hai tuyến với chiều dài hơn 3,5 km tại hai thôn Bằng Viễn 1 và Nà Càng. Với sự hỗ trợ, chia sẻ của người dân địa phương đã tình nguyện hiến đất để mở hai tuyến đường hoàn thành giúp hàng chục hộ dân có điều kiện mở rộng sản xuất, vận chuyển gỗ rừng trồng.

Ðể phát huy tối đa nguồn lực, Bắc Kạn tập trung phát triển hạ tầng giao thông theo phương châm “một tuyến đường, đa mục đích”. Ngay từ khâu thiết kế đã được tính toán theo hướng này. Vì vậy, đường lâm nghiệp, đường vào khu sản xuất cũng vừa là đường giao thông nông thôn. Ngược lại, những khu vực không nằm trong dự án, có điều kiện thuận lợi thì đường giao thông nông thôn khi thi công bằng nguồn lực khác cũng tính toán để trở thành đường vận chuyển nông, lâm sản. Bắc Kạn đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành sớm toàn bộ các tuyến đường lâm nghiệp và đường vào khu sản xuất trong hai năm tới.