Tiềm năng lớn
TP Hồ Chí Minh có hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc với chiều dài gần tám nghìn km, diện tích mặt nước chiếm khoảng 16% diện tích thành phố. Trong đó, nhiều tuyến sông, kênh như kênh Tẻ, kênh Tàu Hủ, rạch Tân Hóa - Lò Gốm... rất thuận lợi để phát triển vận tải đường thủy và du lịch. Có một thời hoạt động giao thương chủ yếu của người dân Lục tỉnh với khu Chợ Lớn - Sài Gòn Gia Ðịnh chủ yếu bằng giao thông đường thủy. Thuyền bè qua lại tấp nập, kẻ bán người mua. Nhiều hệ thống kênh lớn còn đóng vai trò là cửa ngõ nối Sài Gòn - Gia Ðịnh với các vùng phụ cận phục vụ hoạt động giao lưu, vận tải hàng hóa. Hiện nay, hệ thống cảng, bến thủy nội địa, thành phố có khoảng 320 cảng, bến, trong đó có bốn cảng lớn là Sài Gòn, Tân Cảng, Bến Nghé và Nhà Bè. Riêng cảng Sài Gòn là một trong những cảng lớn nhất nước về năng lực chứa đựng hàng hóa. Có hơn 50 bến đò lớn nhỏ đủ điều kiện để phát triển dịch vụ vận chuyển hành khách. Các con sông ở thành phố cũng cho phép nhiều tàu, thuyền từ 20 tấn trở lên qua lại thuận lợi, lợi thế này gấp nhiều lần so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. TP Hồ Chí Minh còn có một mạng lưới đường thủy nội ô phong phú. Tiềm năng này nếu được quy hoạch và đầu tư hợp lý sẽ góp phần giảm tải tình trạng quá tải của giao thông đường bộ hiện nay.
Lợi thế là vậy, nhưng trong những năm qua, khi các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển thì tiềm năng về giao thông đường thủy lại dần bị lãng quên. Sông ngòi, kênh rạch tuy nhiều nhưng một số tuyến đã bị "xóa sổ" bởi việc san lấp bừa bãi. Trung bình, mỗi ngày, kênh rạch phải hứng chịu khoảng 40 tấn rác đổ xuống, làm cạn dần dòng chảy, gây khó khăn trong việc lưu thông của tàu, thuyền. Nhiều tuyến đã bị biến thành... kênh rác. Toàn thành phố hiện có 244 bến, cảng. Ngoài một số cảng lớn, số còn lại cũng phát triển manh mún, nhỏ lẻ, chưa được quan tâm đúng mức vì vậy không phát huy hết được tiềm năng dồi dào vốn có. Giám đốc Cảng vụ TP Hồ Chí Minh Ngô Ðình Quang cho biết: Hiện nay, các bến cảng đang trong quá trình sắp xếp lại để phù hợp quy hoạch chung về giao thông đường thủy của Sở Giao thông vận tải (GTVT). Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh đã bỏ phí một tiềm năng rất lớn trong hoạt động giao thông vận tải đường thủy trong khi phải "gồng mình" tìm đủ mọi cách để giải quyết tình trạng quá tải ở đường bộ.
Giảm tải cho đường bộ
Theo quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, khu vực TP Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2020 của Sở GTVT, các tuyến đường thủy nội địa (ÐTNÐ) bao gồm 87 tuyến với tổng chiều dài hơn 574 km, trong đó, các tuyến được phân thành sáu cấp. Cụ thể, tuyến ÐTNÐ cấp 1 dài 23 km, tuyến cấp 2 dài 1,2 km, tuyến cấp 3 dài 24,2 km, tuyến cấp 4 dài 137,2 km, tuyến cấp 5 dài 181,6 km, tuyến cấp 6 dài 206,9 km. Tương tự, các tuyến đường sông dài 2,6 km, tuyến ÐTNÐ dài 252 km, tuyến hàng hải dài 146,8 km cũng được quy hoạch nhằm tạo mạng lưới vận tải đường thủy liên kết giữa các khu vực của thành phố và giữa thành phố với các tỉnh lân cận. Theo đó, sau quy hoạch và cải tạo, từ thành phố sẽ có các tuyến đi về các tỉnh Miền Tây như: Cà Mau, Kiên Giang, Hà Tiên; về các tỉnh Miền Ðông như: Biên Hòa, Bình Dương bằng hệ thống kênh rạch nối liền giữa các địa phương với nhau.
Mạng lưới cảng, bến thủy nội địa cũng nằm trong dự án quy hoạch. Ðối với cảng, Sở GTVT sẽ tổ chức sắp xếp cảng hàng hóa, hành khách trên tuyến kênh Tẻ; chỉnh trang và sắp xếp hoạt động khu vực cảng Trường Thọ (quận Thủ Ðức); xây dựng và hoàn thiện các cảng hàng hóa đường sông như: cảng Nhơn Ðức (huyện Nhà Bè), cảng Phú Ðịnh (quận 8), cảng Long Bình (quận 9); cải tạo một phần cảng Sài Gòn tại vị trí Bến Nhà Rồng, Khánh Hội thành cảng hành khách du lịch cỡ nhỏ, xây dựng bến tàu khách quốc tế tại khu Công viên Phú Thuận. Hệ thống bến thủy nội địa cũng được cải tạo và sắp xếp lại tại khu bến tàu khách Bạch Ðằng, quy hoạch lại các bến hàng hóa trên tuyến vành đai ngoài và phía bắc thành phố và các bến khách tại các trục kênh Tàu Hũ, kênh Tẻ - kênh Ðôi và sông Sài Gòn.
"Mặc dù có rất nhiều tiềm năng song khi bắt tay xây dựng cũng sẽ gặp không ít khó khăn" - đó là ý kiến của Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh Trần Thế Kỷ. Mặc dù hệ thống sông ngòi, kênh rạch rải đều trên khắp các quận, huyện nhưng để phát triển, các cơ quan chức năng, đơn vị đầu tư cũng sẽ gặp khá nhiều khó khăn. Phó Giám đốc Trần Thế Kỷ cho rằng: Ðộ tĩnh không của nhiều cây cầu quá thấp. Trên địa bàn thành phố có hơn 230 cây cầu bắc qua các sông, kênh rạch thì trong đó nhiều cầu độ tĩnh không đạt chuẩn, thậm chí có cầu chỉ cao 1 m (yêu cầu là 6 m). Ðiển hình như cầu Tư Dinh trên rạch Tư Dinh thuộc huyện Nhà Bè, độ tĩnh không của cầu này chỉ khoảng hơn 1m nên các loại tàu, ghe muốn đi qua đây cũng rất "ngại". Ngay như khu vực nội thành, khi có triều cường lên, tàu thuyền qua lại trên sông Sài Gòn khi đi qua cầu Bình Triệu cũng nơm nớp sợ bị mắc kẹt. Nhiều tuyến rạch trong lòng thành phố cũng có thể khai thác để phát triển giao thông đường thủy và du lịch nhưng tất cả đều vướng bởi cầu quá thấp. Thí dụ như cầu Bùi Hữu Nghĩa, cầu Bông trên rạch Thị Nghè; cầu Ngô Tất Tố trên rạch Văn Thánh (quận Bình Thạnh). Ðể thực hiện được dự án, Phó Giám đốc Trần Thế Kỷ cho rằng, phải làm và tu bổ lại một số cầu. Ðiều này sẽ làm tăng chi phí trong quá trình xây dựng. Việc thu hút các nguồn vốn để đầu tư xây dựng dự án cũng rất khó khăn. Tiền lệ từ trước tới nay, các đơn vị đầu tư rất ngại đầu tư vào đường thủy do không có lãi. Nguồn vốn để xây dựng dự án có thể do ngân sách thành phố bỏ ra. Ðó lại là một gánh nặng cho ngân sách thành phố. Việc thực hiện quy hoạch sẽ còn gặp nhiều vấn đề liên quan như: bến bãi, bờ kè chống sạt lở đồng thời tiến hành quy hoạch đồng bộ để phát triển lâu dài.
Phát triển "buýt" đường sông
Tháng 7-2010, Khu đường sông TP Hồ Chí Minh cũng tiến hành nghiên cứu, khảo sát ba tuyến đường thủy trên sông nhằm áp dụng phương thức vận tải mới gọi là "buýt" đường sông. Theo đó, tuyến này sẽ có bến tập trung tại Bến Nhà Rồng (quận 1), các tuyến buýt sẽ có ba hướng đi về các quận Gò Vấp, Bình Chánh và quận 8. Phó Giám đốc Khu đường sông TP Hồ Chí Minh Phan Hoàng Trí cho biết: Các tuyến định mở đều có địa hình thuận lợi về luồng tuyến, đầu tư bến bãi và cả độ tĩnh không của cầu. Nếu được đầu tư sẽ mở ra một hướng mới trong phát triển giao thông đường thủy nói riêng và ngành giao thông vận tải nói chung cho thành phố. Tuy nhiên, khi xây dựng mô hình này cơ sở hạ tầng của đường thủy hiện tồn tại rất nhiều bất cập như: việc kết nối giữa đường bộ và đường sông hầu như chưa được triển khai, hệ thống bến bãi chưa được đầu tư sắp xếp... Ðánh giá về dự án này Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Thế Kỷ nhìn nhận: Nếu được nghiên cứu và khảo sát kỹ lưỡng, dự án sẽ thành công. Hiện UBND thành phố đã đồng ý chủ trương trên và đề nghị Khu đường sông tiếp tục lập kế hoạch dự án để trình UBND thành phố. Tàu "buýt" trên sông nếu sử dụng có thể chở khoảng 30-40 hành khách/chuyến, 16 nghìn khách/ngày và gần sáu triệu lượt khách/năm.
Dự án mở hai tuyến "buýt" trên sông của Công ty TNHH Thường Nhật cũng đã được UBND thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt. Theo đó, hai tuyến buýt này đều xuất phát từ bến Bạch Ðằng (quận 1). Tuyến thứ nhất có chiều dài hơn 10 km với 10 bến đón và trả khách đi theo lộ trình: sông Sài Gòn - kênh Thanh Ða (chạy qua quận Bình Thạnh và quận 2) - bến Bình Quới (quận Thủ Ðức); tuyến thứ hai có chiều dài khoảng 11 km và có bảy bến đón và trả khách theo lộ trình: bến Bạch Ðằng - kênh Bến Nghé - Tàu Hủ (chạy qua quận 5 và 6) - bến Phú Ðịnh (quận 8). Dự án được đầu tư với 16 tàu trong đó tàu chở 100 khách/lượt là tám chiếc, các tàu còn lại chở khoảng 40 khách/lượt. Ðại diện Phòng Quản lý Giao thông Sở GTVT cho biết: Hiện nay đang phối hợp Công ty Thường Nhật hoàn thành chi tiết dự án để sớm triển khai đưa vào sử dụng.
Như vậy, việc đầu tư các hình thức "buýt" trên sông được xem là một phương thức vận tải mới nhưng có tính khả thi cao, phù hợp quy hoạch mạng lưới giao thông đường thủy của Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh. Trước mắt, các tuyến "buýt" khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm tải áp lực về giao thông cho đường bộ và về lâu dài, khi được đầu tư hoàn thiện, thành phố sẽ có được con sông, rạch để làm du lịch và cảnh buôn bán "trên thuyền dưới bến" tấp nập như trước đây sẽ tái hiện, tạo thêm một diện mạo mới cho thành phố.