Phát triển cây có giá trị kinh tế ở Thạch Thành

Thạch Thành là huyện miền núi phía bắc tỉnh Thanh Hóa với phần lớn số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, từng là vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Hiện cấp ủy, chính quyền huyện khuyến khích người dân địa phương tích tụ đất, tổ chức trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, gắn mục tiêu thúc đẩy tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.

Cây bưởi đào đường mang lại thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha cho nhiều hộ dân ở Thạch Thành.
Cây bưởi đào đường mang lại thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha cho nhiều hộ dân ở Thạch Thành.

Vài năm trở lại đây, nhờ những chính sách thông thoáng, cởi mở, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư vào huyện Thạch Thành thuê đất, tiếp nhận quyền sử dụng đất của nông hộ, tạo quỹ đất tập trung để trồng, thâm canh các loại cây ăn quả. Trên vùng đồi các xã Thành Tân, Thành Vân đang dần định hình nhiều trang trại trồng cây ăn quả quy mô lớn, áp dụng công nghệ sản xuất theo hướng VietGAP. Trang trại của anh Trịnh Văn Quế, ở thôn Bái Đang, xã Thành Vân, trồng xen cây cam Vân Du với cam đường Canh giúp cây phát triển nhanh, ba năm đã bói quả. Vụ đầu này, mỗi cây cam đường Canh cho 30 kg quả, bán được 1,5 triệu đồng. Anh Lê Đăng Cường, quê ở huyện Hoằng Hóa, cùng góp vốn phát triển trang trại trồng cây ăn quả cho biết: Qua khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu, anh em họ hàng đã chung vốn, thỏa thuận chuyển nhượng và tiếp nhận quyền sử dụng 16 ha đất của các nông hộ để trồng cam Vân Du, cam đường Canh, bưởi Diễn. Đây là những loại cây có múi, muốn đạt giá trị kinh tế cao đòi hỏi phải cày sâu, làm đất kỹ, ủ phân hữu cơ mục rồi mới bón cho cây, đầu tư hệ thống tưới phun, cung cấp đủ nước cho cây trồng sinh trưởng. Mỗi ha trồng 400 cây cam Vân Du, xen lẫn 400 cây cam đường Canh thúc đẩy thời gian kết trái ngắn hơn. Hiện tám ha cam đường Canh thu hoạch vụ đầu, đạt doanh thu hơn ba tỷ đồng. Cam đường Canh là cây “lấy ngắn nuôi dài” nhằm khôi phục sản phẩm, thương hiệu cam Vân Du cung ứng ra thị trường sản phẩm cam truyền thống.

Từ xã Xuân Thành, huyện Thọ Xuân, vợ chồng anh Lê Đức Long và chị Nguyễn Thị Tuyến, chuyển lên đội 8, xã Thành Vân nhận khoán 4,36 ha đất của nông trường Vân Du xây dựng vườn trại rừng. Không ngừng học hỏi kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, anh chị còn tham gia sản xuất giống cao-su, cây ăn quả. Trong vườn trại, ngoài trồng hơn 3 ha cao-su, xen canh được một chu kỳ dứa, vợ chồng anh còn trồng một ha bưởi đào đường. Vườn bưởi sai quả cho thu nhập 400 triệu đồng/năm, tăng doanh thu, tạo điều kiện cho gia đình anh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nông trường. Anh Long chia sẻ, nếu chăm sóc tốt, bưởi cho quả tới 30 năm, cho nên gia đình anh ghép bưởi da xanh trên thân cây bưởi đào đường. Bưởi da xanh loại I, xuất bán tại vườn giá 40 nghìn đồng/kg, cao hơn giá bán các loại bưởi khác. Năm nay, bưởi khá sai quả, cho tổng sản lượng khoảng 17 tấn quả, tăng bảy tấn so với niên vụ trước. Gia đình anh mới đầu tư trồng thêm 3 ha bưởi, cây vú sữa trên đất cao-su đã hết chu kỳ khai thác. “Để phát triển sản xuất lâu dài, gia đình cũng dự kiến mua ô-tô làm dịch vụ thu mua, vận chuyển, cung ứng nông sản cho các đầu mối tiêu thụ...”, anh Long cho biết thêm.

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng lựa chọn, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh, thị trường tiêu thụ; huyện Thạch Thành phối hợp với Viện Khoa học nông nghiệp khảo sát, điều tra, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung; khuyến khích tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn gắn với xây dựng thương hiệu nông sản. Huyện Thạch Thành chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất, thâm canh cây có múi, đồng thời với việc tổng kết và nhân rộng mô hình. Toàn huyện đã trồng được hơn 200 ha cam Vân Du, cam xã Đoài, cam lòng vàng CS1, cam đường canh; bưởi da xanh, bưởi đào đường, chanh… Trồng cây ăn quả có múi là hướng đi mới trong khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai vùng đồi, núi thấp, đất bãi ở huyện Thạch Thành nhằm định hình 220 ha cam, 258 ha bưởi các loại trong nông hộ; 400 ha cây ăn quả trên đất nông, lâm trường.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành Đỗ Thị Phiến đánh giá: Toàn huyện, có hơn 100 ha cây có múi như cam, bưởi, chanh đang cho thu hoạch. Các mô hình cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Dù vậy, quỹ đất trồng cây ăn quả đã giao lâu dài hoặc cho các hộ nhận khoán cho nên việc thỏa thuận thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Một số nông, lâm trường sáp nhập về Tổng công ty cao-su Việt Nam. Kết quả phát triển cây có múi vì thế phụ thuộc quan điểm chỉ đạo, điều hành của công ty cao-su. Với hộ đã được giao quyền sử dụng đất lâu dài, đầu tư trồng cam cũng cần tới hàng trăm triệu đồng/ha. Nhà đầu tư phải thuê đất, tiếp nhận lại quyền sử dụng đất, chi phí đầu tư mỗi ha cam lên tới 200 triệu đồng. Suất đầu tư lớn, riêng hệ thống tưới phun, tưới thấm cho cam, bưởi phải chi phí từ 30 đến 60 triệu đồng/ha cho nên toàn huyện mới có 70 ha ứng dụng công nghệ tưới tự động cho cây có múi.

Đồng chí Lê Đình Thảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết: Phát triển cây ăn quả chất lượng cao đòi hỏi không chỉ làm chủ kỹ thuật, khoa học công nghệ; cập nhật định hướng vĩ mô, dự báo, thông tin cung - cầu, mà phải có năng lực tài chính. Đi đôi với thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào địa bàn, khuyến khích nông hộ liên kết xây dựng, phát triển vùng trồng cây ăn quả tập trung, huyện Thạch Thành chú trọng thu hút đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch, gây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho cam Vân Du, các sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn.