Vai trò của NCT trong đời sống xã hội
Lớp NCT có nhiều cống hiến, trưởng thành trong các cuộc chiến tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, là những “thư viện sống” trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, sản xuất, kinh doanh...; luôn khát khao được tiếp tục làm việc, say mê sáng tạo, cống hiến để sống có ích cho đời, nêu tấm gương sáng cho con cháu và thế hệ trẻ.
Trải qua 20 năm phát triển, kế thừa truyền thống vẻ vang của Hội Phụ lão cứu quốc, Hội NCT Việt Nam đã động viên cán bộ, hội viên không ngừng xây dựng, củng cố tổ chức, đóng góp quan trọng xây dựng pháp luật, chế độ, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc, phát huy trí tuệ, năng lực NCT nói riêng. Rất nhiều NCT trở thành hạt nhân trong các phong trào, là nòng cốt trong các tổ hòa giải, là chỗ dựa tinh thần không chỉ cho gia đình, mà cho làng xóm, cộng đồng.
Nhiều cán bộ, đảng viên đã về hưu, nhưng với trí tuệ, kinh nghiệm vẫn tiếp tục đóng góp xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương... Dù sức khỏe hạn chế, NCT vẫn hăng hái đi đầu các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; làm đường giao thông nông thôn; trồng cây, bảo vệ môi trường; tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước... NCT luôn giữ vững và phát huy tốt bản lĩnh chính trị, có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính trị, lực lượng không thể thiếu bên cạnh lãnh đạo Ðảng, chính quyền cơ sở. Những tiếng nói, việc làm của NCT tiếp tục mang lại niềm tin cho xã hội, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào Ðảng và chế độ.
Các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước trong những lần tham dự Hội nghị của Hội NCT đã nhấn mạnh, đề cao vai trò của NCT trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, Hội NCT Việt Nam và toàn thể nhân dân nhận thức sâu sắc, chung tay vào sự nghiệp chăm sóc, phát huy vai trò NCT; tạo điều kiện tốt nhất cho NCT được sống vui, khỏe, có ích và tiếp tục cống hiến.
Hiện nay, cả nước có hơn 1,24 triệu NCT đảm nhận các cương vị lãnh đạo chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, MTTQ, hòa giải, khuyến học, là đại biểu HÐND các cấp... Có địa phương có đến 70 - 80% số NCT làm bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản. Năm 2017, tại Hội nghị biểu dương NCT tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở khu vực Tây Bắc, đã có 112 cá nhân xuất sắc được T.Ư Hội NCT Việt Nam khen thưởng; Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên năm 2019, có 241 già làng tiêu biểu được T.Ư Hội và các bộ, ngành vinh danh.
Gần bảy triệu NCT sống ở nông thôn là những “lão nông tri điền”, đã tận dụng thời cơ, điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. 100 nghìn NCT làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh; trong đó, 400 nghìn NCT được vinh danh làm kinh tế giỏi, hơn 240 NCT được dự Hội nghị biểu dương NCT làm kinh tế giỏi toàn quốc năm 2018, được T.Ư Hội khen thưởng.
NCT tích cực tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới; vận động gia đình, con cháu đóng góp hàng nghìn tỷ đồng, hiến hàng triệu mét vuông đất, hàng triệu ngày công làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi...
Phát huy vai trò trí thức cao tuổi
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, trọng dụng trí thức, những người tài, đức, bởi Iực lượng này có vai trò đặc biệt to lớn trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trí thức cao tuổi không chỉ đóng góp thiết thực hoạch định chính sách, mà còn trao truyền kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, góp phần trang bị tri thức, nâng cao trình độ cho thế hệ trẻ.
Cả nước hiện có gần 12 nghìn giáo sư, phó giáo sư; 72.800 giảng viên đại học, trong đó hơn 16.500 tiến sĩ, 43.127 thạc sĩ; rất nhiều nhà khoa học, giảng viên là NCT. Bằng trách nhiệm với xã hội và thế hệ trẻ, trí thức cao tuổi tạo ra tư duy, tư tưởng, củng cố, phát triển hệ giá trị xã hội - nền tảng tinh thần cho quá trình vận động và phát triển như giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; tiếp nhận những giá trị văn hóa tích cực, tiến bộ, phù hợp và gạt bỏ những yếu tố văn hóa lai căng, lạc hậu, ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa và con người Việt Nam.
Tiêu biểu có GS, TS Phạm Tất Dong, 87 tuổi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam, mặc dù rất bận rộn với công tác quản lý, nhưng vẫn dành nhiều thời gian và tâm huyết làm chủ nhiệm nhiều công trình nghiên cứu khoa học. GS, Viện sĩ, TS khoa học Ðặng Vũ Minh, Chủ tịch danh dự Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, 75 tuổi vẫn say mê tư vấn, phản biện và giám định xã hội; nghiên cứu khoa học. GS, TS Hoàng Chí Bảo, 77 tuổi, ngoài công tác nghiên cứu giảng dạy, sở hữu hàng chục nghìn tư liệu quý về Bác Hồ, đã có hàng nghìn buổi nói chuyện về Bác cho nhiều đối tượng khác nhau ở trong và ngoài nước.
Nhằm phát huy tốt hơn vai trò đội ngũ trí thức xây dựng nền kinh tế tri thức, phát triển đất nước giàu mạnh, văn minh, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về vai trò của đội ngũ trí thức, trân trọng giá trị của NCT, những nhà khoa học, giảng viên đại học, cao đẳng về hưu còn sức khỏe, còn đam mê, nhiệt huyết... Xây dựng môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức cao tuổi, tạo bệ đỡ, chất xúc tác cho họ phát huy kinh nghiệm, trí tuệ tích lũy qua hơn nửa cuộc đời.
Cùng với sửa đổi Luật NCT phù hợp tình hình mới, cần sớm đổi mới một số chính sách như chế độ lương thưởng, thù lao đãi ngộ, giải thưởng, danh hiệu, tôn vinh... đối với NCT nói chung và đội ngũ trí thức cao tuổi nhằm kích thích sự sáng tạo, cống hiến của họ. Thay đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể các cấp về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của NCT cũng như trí thức cao tuổi trong phát triển bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh đất nước.
TS Trương Xuân Cừ
Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam