Chiều 10/10, Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Bệnh viện (1969-2024). Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đến dự chung vui với các thế hệ cán bộ, nhân viên bệnh viện.
Cách đây 55 năm, ngày 14/7/1969, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã ký Quyết định số 111/CP thành lập Viện Tai Mũi Họng - tiền thân của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương ngày nay. Trải qua 55 năm phát triển, từ cơ sở quy mô chỉ có 10 giường bệnh, đội ngũ gần 30 người đến nay Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương có quy mô 320 giường bệnh cùng hơn 400 cán bộ, nhân viên. Kế thừa, phát huy thành tựu và những đóng góp của các thế hệ đi trước, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương không ngừng phát triển và luôn xứng đáng là bệnh viện tuyến cuối của cả nước về chuyên ngành tai mũi họng và phẫu thuật đầu cổ, được người bệnh tin tưởng và đánh giá cao.
PGS,TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương phát biểu tại buổi lễ |
Công tác khám chữa bệnh luôn là nhiệm vụ quan trọng nhất, số lượng bệnh nhân đến khám và chữa bệnh không ngừng tăng cao.Trong 5 năm gần đây, khắc phục những khó khăn sau đại dịch Covid-19, bệnh viện luôn nỗ lực cải tiến quy trình, điều tiết hoạt động khám chữa bệnh, bố trí linh hoạt các phòng khám sớm, đặt lịch hẹn khám Online, giảm thời gian chờ đợi, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân...
Bên cạnh đó, bệnh viện quan tâm về quyền lợi của người bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh với mục tiêu: “Lấy người bệnh làm trung tâm”, đặt chất lượng dịch vụ y tế lên hàng đầu.
Đáng chú ý, bệnh viện luôn nghiên cứu, xây dựng, cập nhật các kỹ thuật mới, chuyên sâu và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến lần đầu được sử dụng tại Việt Nam. Như các kỹ thuật hỗ trợ thăm dò chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tai, tiền đình, phẫu thuật thành công nhiều bệnh lý của tai trong, góc cầu tiểu não, đỉnh xương đá. Bệnh viện đã ứng dụng phẫu thuật nội soi có kết hợp định vị để điều trị các bệnh lý mũi xoang tái phát, rò dịch não tủy sau phẫu thuật, các khối u mũi xoang xâm lấn nền sọ, bệnh lý mũi xoang bẩm sinh ở trẻ em như thoát vị não, màng não đạt kết quả tốt. Các bệnh lý cấp cứu trong tai mũi họng·như chảy máu, khó thở, nhiễm trùng và chấn thương đã được xử lý kịp thời, cứu sống nhiều bệnh nhân nặng khi nhập viện.
Những năm gần đây, bệnh viện đầu tư nhiều thiết bị giúp chẩn đoán, phục hồi chức năng về giọng nói, nuốt, thở; phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ các bệnh lý bẩm sinh và mắc phải của tai mũi họng như dị tật thiểu sản vành tai, thẩm mỹ về mũi, chỉnh hình đường thở, tạo hình tổn thương khuyết hổng vùng đầu mặt cổ, đặc biệt áp dụng kỹ thuật sử dụng vạt trong phẫu thuật ung thư giai đoạn muộn… Nhiều thiết bị phục vụ việc chẩn đoán sớm ung thư, triển khai đồng bộ các phương pháp điều trị ung thư gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và điều trị giảm nhẹ... nhờ đó có thể tiếp nhận và điều trị tất cả các ung thư trong tai mũi họng, kể cả ở giai đoạn muộn mà trước đây phải chuyển đến các cơ sở chuyên khoa ung thư điều trị.
Các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương thực hiện phẫu thuật nội soi mũi xoang có sử dụng hệ thống định vị |
Khu Phẫu thuật có 10 phòng mổ hiện đại với công suất sử dụng ngày càng tăng cao, cao điểm có thể thực hiện 90 đến 100 ca mổ/ngày. Ngoài ra, các trang thiết bị tiên tiến được đầu tư trước đây như: máy định vị 3 chiều trong phẫu thuật nội soi mũi xoang, kính hiển vi phẫu thuật hiện đại, máy chụp CT scan 64 lát cắt, máy chụp cộng hưởng từ 1.5 Tesla, máy xạ trị gia tốc Elektra…
Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương là cơ sở thực hành chính của Trường đại học Y Hà Nội; hợp tác với các trường đại học y Dược khác và tiếp nhận sinh viên đến thực tập, thực hành. Bệnh viện cũng luôn chú trọng công tác đào tạo lại, đào tạo liên tục để nâng cao trình độ đội ngũ thầy thuốc chuyên ngành tai mũi họng trong cả nước. Từ năm 2019 đến nay, bệnh viện đã cử 92 lượt bác sĩ đi chuyển giao 56 lượt kỹ thuật cho bác sĩ các bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện khu vực như: Hà Giang, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Nguyên… về phẫu thuật nội soi mũi xoang, vi phẫu thanh quản, cấp cứu trong Tai Mũi Họng… góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến dưới, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc khám chữa bệnh, giảm tải bệnh nhân lên tuyến trung ương.
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan chúc mừng những thành tựu mà tập thể đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế và người lao động của Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương đạt được. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành Y tế nói chung và chuyên ngành tai mũi họng nói riêng còn những khó khăn, thách thức; nhiều bệnh khó, bệnh hiếm, bệnh lạ xuất hiện; nhu cầu khám chữa bệnh với chất lượng cao của nhân dân ngày càng tăng; sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và kỹ thuật…
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi lễ |
Để Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương tiếp tục phát huy tốt vai trò là bệnh viện tuyến cuối, là đầu tàu trong hệ thống tai mũi họng, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị Ban giám đốc và tập thể bệnh tổ chức thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách y tế đã được ban hành thời gian qua, đặc biệt là Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các Thông tư hướng dẫn liên quan của Bộ Y tế.
Bệnh viện cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, đảm bảo tối ưu vật tư y tế, trang thiết bị, thuốc men để phục vụ người bệnh, nỗ lực mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho người bệnh khi tới Bệnh viện. Đẩy mạnh chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa đội ngũ nhân viên y tế, phục vụ từ khâu đón tiếp, tiếp nhận, chăm sóc, điều trị, phục hồi và theo dõi, chăm sóc tại nhà sau khi ra viện.
Đồng thời đẩy mạnh triển khai công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để từng bước nâng cao năng lực, chất lượng công tác khám, chữa bệnh của các đơn vị tuyến dưới, giảm tải cho tuyến trên. Tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để trao đổi chuyên môn, kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong việc triển khai kỹ thuật mới, chuyên sâu; nghiên cứu và đào tạo nhân lực y tế.
Mặt khác cần ngừng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai thực hiện các quy trình khám, chữa bệnh; thanh toán không dùng tiền mặt; khám, chữa bệnh từ xa; rà soát giảm thiểu các thủ tục hành chính gây phiền hà đối với người bệnh..