Ðiểm nhấn công nghệ "số"
Trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử (TMÐT) tiếp tục tăng trưởng, có nhiều đột phá, cũng như sự phát triển ngày càng sôi động của nền kinh tế số, Online Friday 2018 được tổ chức với nhiều điểm nhấn theo xu hướng chung này. Cụ thể, để nâng cao cơ hội "trải nghiệm số" cho người tiêu dùng, trong dịp Online Friday năm nay, Ban tổ chức sẽ triển khai các ứng dụng điện thoại di động và QR Code trong tương tác giữa người tiêu dùng và Ban tổ chức, bao gồm: Hoạt động tham gia các khuyến mãi giảm giá bằng việc quét QR Code (trên truyền hình, màn hình máy tính, điện thoại di động, gian hàng QR tại sự kiện BigOff); mua hàng bằng QR Code, thanh toán điện tử tại sự kiện BigOff.
Cục trưởng TMÐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) Ðặng Hoàng Hải cho biết: Hệ thống kỹ thuật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm hoạt động ổn định với lượng truy cập đến năm triệu lượt truy vấn cùng 150 nghìn tương tác trong một thời điểm. Ứng dụng điện thoại di động và QR Code trong các tương tác giữa người tiêu dùng và Ban tổ chức sẽ cho người dùng sự trải nghiệm một cách toàn diện. Ðiều này còn góp phần thực hiện chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, thúc đẩy thanh toán TMÐT. Với sự tham gia của 20 ngân hàng hỗ trợ hoạt động thanh toán, hoàn tiền cho người dùng thẻ thanh toán, hy vọng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại sự kiện Online Friday tới đây sẽ đạt mức 100%. Ngoài ra, cũng trong khuôn khổ của chương trình, còn có sự kiện trải nghiệm công nghệ số và TMÐT, dự kiến diễn ra trong một tuần (từ ngày 30-11 đến 9-12) chung quanh khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ðây sẽ là cơ hội để người tiêu dùng trải nghiệm các ứng dụng, tiện ích của TMÐT cũng như tương tác và gặp gỡ những thương hiệu uy tín nhất trong lĩnh vực TMÐT của Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý khác, Online Friday 2018 sẽ là chương trình khuyến mãi trực tuyến tập trung đầu tiên được Nhà nước triển khai theo Nghị định 81-2018/NÐ-CP. Theo đó, cho phép áp dụng hạn mức tối đa lên tới 100% về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định. "Như vậy, tuy là năm đầu áp dụng chương trình này và do các doanh nghiệp tự triển khai, nhưng chắc chắn Online Friday năm 2018 sẽ có các sản phẩm có giá 0 đồng hoặc giảm giá đến 80 - 90%", Cục trưởng Ðặng Hoàng Hải khẳng định.
Bảo đảm hàng tốt, giá rẻ
Dù rất mong đợi ngày hội mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm đang ngày một đến gần, nhưng không ít người tiêu dùng vẫn lo ngại về chất lượng và nhất là nạn "khuyến mãi ảo" đối với các sản phẩm trên mạng. Thực tế, trong sự kiện ngày Black Friday diễn ra chỉ ít ngày trước đây (23-11), cũng đã xảy ra tình trạng nhiều gian hàng sử dụng chiêu trò nâng giá sản phẩm lên cao, sau đó khuyến mãi về mức giá cũ nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Anh Nguyễn Tiến Bình (trú tại phố Ðội Cấn, Hà Nội) chia sẻ: Khi lướt trên mạng, anh rất ưng ý với mẫu TV Sharp 50 inch LC-50UA6800X có mức giảm giá ngày Black Friday lên tới 48%, từ mức 18,99 triệu đồng xuống chỉ còn 9,79 triệu đồng. Tuy nhiên, khi cẩn thận tra cứu, kiểm tra giá sản phẩm ở một số địa chỉ khác, anh phát hiện giá bán cùng sản phẩm này ở nơi khác cũng chỉ tương tự giá đã giảm, thậm chí có nơi còn rẻ hơn vài trăm nghìn đồng.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực TMÐT, chiêu trò các gian hàng tự ý nâng giá sản phẩm, sau đó "treo mác" khuyến mãi để dụ khách là không mới, nhưng vẫn tiếp diễn từ năm này qua năm khác, nhất là trong những dịp nhu cầu mua sắm tăng cao. Chính trong chương trình Online Friday 2017, vẫn xuất hiện không ít khuyến mãi "ảo" như vậy. Thậm chí, cả những sản phẩm được Ban tổ chức Online Friday 2017 "đóng mác" sản phẩm bảo đảm, cũng xảy ra hiện tượng khuyến mãi "ảo". Trước câu hỏi làm thế nào để người dân thật sự có thể mua được hàng tốt, giá rẻ nhưng không phải hàng giả, hàng kém chất lượng trà trộn trong Online Friday 2018, đại diện Ban tổ chức chương trình cho biết, đã yêu cầu các doanh nghiệp tham gia phải viết cam kết và khi đưa sản phẩm lên hệ thống, phải có văn bản, cung cấp thông tin chứng nhận về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng phối hợp các hệ thống so sánh giá để bảo đảm các sản phẩm trước khi đưa lên hệ thống được kiểm tra giá so với giá thị trường. Sau khi mua hàng, khách hàng cũng có thể gửi phản hồi về hàng hóa đó với Ban tổ chức. Trong trường hợp xác minh thật sự có vấn đề, toàn bộ hàng hóa của doanh nghiệp đó sẽ bị gỡ xuống khỏi chương trình. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng không cần quá lo ngại về câu chuyện chi phí vận chuyển bị nâng khống vì trong Online Friday 2018, các doanh nghiệp tham gia chương trình sẽ được các nhà chuyển phát đồng hành cùng chương trình như VnPost, ViettelPost,... hỗ trợ chi phí chuyển phát trong thời gian diễn ra sự kiện.
Về phía người tiêu dùng, theo lời khuyên của một số chuyên gia, cần tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản khi mua đồ trong các dịp khuyến mãi lớn nhằm tránh mắc bẫy. Trước khi mua một mặt hàng, người mua không nên quá chú tâm vào con số phần trăm giảm giá mà cần đối chiếu giá đang bán với giá thực tế thị trường thông qua các công cụ tra cứu trên mạng, hoặc một cửa hàng cụ thể nào đó. Riêng với Ban tổ chức, cần mạnh tay hơn nữa, thậm chí phạt nặng, cấm tham gia chương trình đối với những doanh nghiệp bị phát hiện treo khuyến mãi "ảo" hoặc bán hàng kém chất lượng.
Năm nay, Ban tổ chức ngày hội mua sắm trực tuyến Online Friday đặt mục tiêu doanh thu hơn 1.500 tỷ đồng, hai triệu đơn hàng thành công với năm triệu lượt truy cập cùng 50 triệu lượt tương tác, tìm kiếm thông tin và trải nghiệm mua sắm. Hiện, khoảng 3.000 doanh nghiệp đã đăng ký tham gia chương trình với 5.000 sản phẩm giảm giá.