Khi còn là sinh viên ở trong nước dưới chế độ cũ, ông đã tham gia phong trào phản chiến của học sinh, sinh viên Sài Gòn, nên khi sang du học Nhật Bản, ông cùng một số bạn học Việt Nam thành lập "Tổ chức người Việt Nam tại Nhật Bản đấu tranh cho hòa bình và thống nhất Tổ quốc" (BEHEITO), giữ chức vụ Tổng thư ký.
Tháng 8-1968, hưởng ứng phong trào chống chiến tranh trong nước và thế giới đang lên cao ông tham gia biểu tình phản chiến tại Ðại sứ quán miền nam Việt Nam đòi "Mỹ phải rút khỏi Việt Nam". Ngày 30-4-1975, trong khi đoàn quân giải phóng ồ ạt tiến vào Sài Gòn thì những người thuộc tổ chức BEHEITO kéo tới chiếm Tòa Ðại sứ của Chính phủ miền Nam, treo cờ giải phóng, để sau đó giao lại cho Chính phủ VNDCCH.
Năm 1986, nước ta bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa, ông tích cực vận động thành lập "Hội những người thị dân Nhật Bản thân hữu với Việt Nam" với mục đích ủng hộ Việt Nam xây dựng lại đất nước, bằng cách phát động phong trào vận động nhân dân Nhật Bản gửi tặng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 900 máy may để thành lập hơn 20 trung tâm dạy nghề may mặc cho đông đảo chị em phụ nữ trong cả nước.
Ông còn vận động quyên tặng 100 xe lăn cho bệnh viện ở thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác. Sau đó, ông lại thành lập cơ sở thêu hoa vải, tạo việc làm cho hơn 100 lao động nữ. Ông giới thiệu các sản phẩm mang tính truyền thống dân tộc sang thị trường Nhật Bản. Ông còn giúp đỡ vật chất và thiết kế xây dựng nhà trẻ 19-5 ở TP Hồ Chí Minh, nhà trẻ Hoa Dừa ở thị xã Bến Tre và xây dựng trường tiểu học Vĩnh Ninh - Huế, nhằm khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra,v.v...
Từ năm 1993, ông bắt tay thành lập Công ty NICD Nhật Bản sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam. Năm sau ông chính thức thành lập Công ty Minh Trân để mở rộng sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao cho thị trường Nhật Bản.
Từ cơ sở thủ công nhỏ với 10 công nhân, Công ty Minh Trân nhanh chóng mở rộng trở thành một đơn vị sản xuất các linh kiện điện tử công nghệ cao xuất khẩu vào thị trường quốc tế. Với chương trình đào tạo vừa học vừa làm, tới năm 2006 công ty của ông đã tạo được việc làm cho 500 công nhân có trình độ kỹ thuật chuyên nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng, hiện sinh sống và có vợ con ở Nhật Bản. Năm nay ông 58 tuổi, vốn là sinh viên Ðại học Kiến trúc Sài Gòn từ năm 1967 và du học từ năm 1968, có bằng Tiến sĩ ngành Kế lượng (Quantitative Planning). Năm 1978-1993, ông là chuyên viên kinh tế phát triển của LHQ (UNCRD).
Ông tâm sự: Tôi sinh ra ở Sài Gòn trong thời chiến, nhưng học hành ở nước ngoài. Lúc kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn cần rất nhiều bàn tay, khối óc và tấm lòng của mọi người để phát triển, nên tôi tự thấy mình có trách nhiệm với đồng bào, nhất là nông dân trẻ, nghèo khó, không có tay nghề, cần phải giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Hầu hết những công nhân của Công ty Minh Trân đều là thanh niên nghèo ít có điều kiện học hành của địa phương, được thu nhận vào trường học rồi sau đó làm việc cho công ty. Trong dịp về nước lần đầu tiên, tôi được cha tôi là cán bộ của Mặt trận quận Phú Nhuận động viên, khuyên bảo phải làm việc cho đất nước.
Dạo quanh khuôn viên công ty, không ai có thể nghĩ ở giữa phường 15, quận Tân Bình, bên cạnh kênh Tham Lương, một khu vực sình lầy nước đọng trước đây, bên cạnh khu xóm nghèo san sát lại có một doanh nghiệp sản xuất hàng linh kiện điện tử với công nghệ cao và đã xuất khẩu hơn 200 triệu sản phẩm, trong đó có Nhật Bản là một quốc gia thuộc loại hàng đầu của ngành điện tử thế giới.
Ðó là cơ sở sản xuất linh kiện điện tử của Công ty Minh Trân. Cơ sở được thành lập từ năm 1994 trong một khuôn viên rộng 10.000 m2, có hơn 6.000 m2 nhà xưởng, ba tầng lầu, gồm khu vực sản xuất, trung tâm đào tạo, nhà nghỉ và nhà ăn dành cho công nhân, học viên và chuyên gia. Ông còn thành lập xưởng thủ công nhỏ, nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống sang thị trường Nhật Bản.
Tới nay công ty của ông đã chuyển sang phần mở rộng đầu tư công nghệ cao đợt II, sản xuất công cụ kiểm tra vi mạch với quy trình công nghệ khép kín hiện đại nhất, mà hầu hết sản phẩm là những linh kiện công nghệ chính xác, dành cho những bộ phận nhỏ nhất có kỹ thuật cao nhất của các loại máy điện thoại di động và phần cứng của truyền hình đời mới.
Hiện nay có hơn 300 công nhân kỹ thuật làm việc trong các xưởng sản xuất linh kiện điện tử của Công ty Minh Trân. Họ là những học viên đã tốt nghiệp trường doanh thương Trí Dũng, sinh viên Ðại học Bách khoa của TP Hồ Chí Minh, hoặc một số được đào tạo tại chỗ.
Từ nhiều năm nay, trong số gần 30 nghìn lượt học sinh do trường Trí Dũng đào tạo về các ngành quản trị, kinh tế, thương mại, kế toán, marketing, vi tính, Anh ngữ, Nhật ngữ... ông Dũng đã đào tạo khoảng 5.000 học viên có hoàn cảnh khó khăn và giới thiệu việc làm cho họ ở các khu công nghiệp trong và ngoài thành phố. Ông còn tham gia cấp học bổng và miễn giảm học phí cho học sinh nghèo trong chương trình XÐGN của thành phố. Bất cứ lúc nào, ai cũng có thể tới công ty của ông để xin đào tạo, việc làm và giới thiệu việc làm.
Sau khi thăm nơi sản xuất linh kiện điện tử công nghệ cao, chúng tôi tới khu vườn xanh, thoáng với những ngôi nhà rường miền trung, nhà sàn Tây Nguyên, nhà cổ miền bắc, Nam Bộ, nằm theo các lối đi sạch đẹp với nhiều hoa kiểng, chim chóc... Những ngôi nhà sàn Tây Nguyên được cải biến thành phòng họp hiện đại, lấy ánh sáng tự nhiên ngoài trời qua cửa và vách bằng kính trong với hệ thống âm thanh tuyệt vời và màn hình rộng được lắp khung bằng thanh tre và đặt trên giá đỡ cũng bằng tre, gỗ thô sơ. Nhà ăn, nhà nghỉ hiện đại đều được thiết kế và trang trí theo kiến trúc nông thôn Việt Nam. Nội thất văn phòng, nơi làm việc của Ban giám đốc đều được thiết kế bằng các vật liệu tre, gỗ, mây, tuy đơn sơ nhưng rất hiện đại. Những ngôi nhà rường miền trung, nhà cổ miền bắc đều trưng bày các mặt hàng thủ công mỹ nghệ do Công ty Minh Trân sản xuất. Ðặc biệt, ngôi nhà nghe nhạc được kiến trúc và trang trí vừa tao nhã, vừa cổ kính kết hợp hài hòa hai phong cách Ðông và Tây đậm đà truyền thống Việt Nam. Nơi đây từng là nơi tụ họp những người yêu thích nhạc dân tộc tới thưởng thức nhạc dân tộc.
Khu nhà vườn của Công ty Minh Trân đã được Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài của TP Hồ Chí Minh chọn là nơi tổ chức họp mặt doanh nhân Việt kiều về nước thăm quê mỗi độ Tết đến, Xuân về.
Hiện nay, ông Nguyễn Trí Dũng là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khoa kỹ thuật Việt kiều; Phó Chủ tịch của Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài của TP Hồ Chí Minh.