Nuôi cá nước lạnh ở Lâm Ðồng

Những mô hình ban đầu

Trong các nhà hàng sang trọng ở Việt Nam, các món ăn chế biến từ cá hồi được coi là đặc sản cao cấp đến từ xứ lạnh. Theo ước tính của ngành thủy sản, mỗi năm, nước ta nhập khoảng 1.500 tấn cá hồi từ các nước châu Âu, và nhu cầu về loại thực phẩm này ngày càng cao. Việc đưa con cá hồi về hợp cư với các loài cá khác trên sông nước xứ ta là khao khát nhiều năm qua của những người làm thủy sản Việt Nam. Và, có thể nói, công đầu thuộc về Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I khi triển khai Dự án nuôi thử nghiệm cá hồi tại Sa Pa (Lào Cai) vào tháng 1-2005.

Năm 2006, những con cá hồi vân thương phẩm đầu tiên được thu hoạch tại Sa Pa, mở ra một hướng đi mới cho ngành thủy sản ở các tỉnh có điều kiện tương tự. Cái duyên của con cá hồi xuất hiện ở Lâm Ðồng cũng bắt đầu từ đó.

Vượt gần sáu mươi cây số của tỉnh lộ 723, chúng tôi đến trang trại cá hồi thuộc buôn K'Long K'Lanh, xã Ðạ Chais (Lạc Dương). Trang trại nằm giữa thung lũng đầu nguồn con suối Ðạ Mưng, dưới chân núi Yaric. Bên ấm trà nóng, câu chuyện về con cá hồi vân vốn quen thủy thổ xứ tây, nay sang sống giữa xứ ta làm ấm lòng dần lên trong chiều mưa đại ngàn.

Tháng 4-2006, những con cá hồi giống đầu tiên vượt hai chặng ô-tô và một chặng máy bay từ Sa Pa đến với K'Long K'Lanh. Cuối năm 2006, thực đơn của các nhà hàng lớn tại Ðà Lạt và TP Hồ Chí Minh đã ghi món cá hồi đến từ núi Yaric. Ðó là kết quả thành công ngoài cả mong đợi.

Kỹ sư Nguyễn Viết Thùy, Trưởng trạm nghiên cứu thực nghiệm nuôi cá Quảng Hiệp (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3), là người trực tiếp triển khai thực hiện dự án nuôi cá nước lạnh do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Lâm Ðồng làm chủ đầu tư.

Kỹ sư Thùy kể về hành trình đưa trứng giống cá hồi từ Phần Lan - một đất nước Bắc Âu lạnh giá, cách xa nước ta hàng nghìn cây số để về nhân giống và nuôi thành cá hồi thương phẩm thành công với cả một quá trình đầy khó khăn, thử thách. Trứng được nhập về rồi ấp nở thành cá giống, sau đó là ươm giống và nuôi thành cá thương phẩm. Hiện Lâm Ðồng chỉ mới thực hiện được việc ươm giống và nuôi thương phẩm, còn công đoạn ấp nở trứng thì thực hiện tại Sa Pa, Lào Cai.

Nuôi cá hồi đòi hỏi những điều kiện và kỹ thuật khắt khe. Nguồn vốn đầu tư lớn, chăm sóc và nuôi dưỡng phải bảo đảm đúng quy trình khoa học. Giá trị thương phẩm cao, khả năng sinh lời lớn nhưng độ rủi ro cũng cao. Cá được nuôi trong môi trường nước chảy, bảo đảm độ sạch, nếu nước đục và bẩn thì kém ăn và phát triển chậm. Nhiệt độ trong hồ phải luôn được duy trì ở mức 20 độ C, nếu hơn 22 độ C trong vòng một tuần thì cá sẽ chết.

Theo kỹ sư Thùy, nếu nước có nhiệt độ từ 15 đến 16 độ C thì cá sinh trưởng rất tốt. Nước nuôi cá hồi phải đủ hàm lượng ô-xy hòa tan đạt mức quy định, từ 5,5 đến 7mg/lít là lý tưởng, ít nhất cũng phải đạt 3,5mg/lít. Loài cá này đòi hỏi lượng thức ăn với chi phí khá cao, đó là loại cám tổng hợp nhập từ Phần Lan, có giá khoảng 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hệ số thức ăn tiêu thụ và mức tăng trọng lượng của cá hồi là 1/1, cho một kg thức ăn thì được trả lại một kg cá thịt.

Trang trại cá hồi ở suối Ðạ Mưng được chia làm hai khu vực, một phần nhỏ diện tích là nơi ươm cá giống, 40 hồ với diện tích khoảng một ha là nơi nuôi cá thương phẩm. Toàn bộ cá giống được chăm sóc trong bể tôn có mái che. Cá thương phẩm nuôi trong hồ nước chảy trải bạt. Các công nhân nói rằng, cá giống đưa từ Sa Pa về là cá bột ấp nở ba tuần tuổi với kích thước từ 1,6 đến 1,8 cm, trọng lượng khoảng từ 4.200 đến 4.500 con/kg, hao hụt vận chuyển là 8,75%, tỷ lệ sống đạt 91,25%.

Sau một năm, trọng lượng cá đạt trung bình 1,2 kg/con, sản lượng đạt 17-18 tấn, năng suất khoảng 30 tấn/ha. Giá thành sản phẩm khoảng từ 63.000 đồng đến 67.000 đồng/kg; giá bán tại hồ hiện nay là 150.000 đồng/kg, vận chuyển đến Ðà Lạt thì tăng lên 160.000 đồng/kg, nếu chuyển về TP Hồ Chí Minh thì mức giá còn cao hơn nhiều.

Theo kỹ sư Thùy, nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt, người nuôi sẽ thu lãi từ 30 đến 40%. Ðến thời điểm này, tại Ðà Lạt và TP Hồ Chí Minh đã có khoảng 10 nhà hàng, khách sạn lớn tiêu thụ cá hồi vân nuôi ở K'Long K'Lanh, nhưng lượng cung hiện tại không đủ cầu.

Bên cạnh cá hồi, con cá tầm Nga cũng được nuôi thử nghiệm ở hồ Tuyền Lâm và một số hồ khác trong tỉnh. Cá tầm Nga nuôi từ năm 2006 đến nay, trọng lượng bình quân đạt 13 kg/con, có con đạt tới 15 kg. Năm 2007, Công ty Hà Quang (TP Hồ Chí Minh) đã nhập về 200 nghìn phôi trứng cá tầm ấp nở và ươm nuôi, tỷ lệ sống đạt gần 30% (trong khi ở Sa Pa, tỷ lệ này chỉ đạt 3%).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng có khoảng 50 nghìn con cá tầm Nga thuộc ba giống khác nhau sinh trưởng và phát triển tốt. Tỉnh Lâm Ðồng đã triển khai kế hoạch đưa cá tầm Nga về nuôi ở một số hồ, như hồ Ka La (Di Linh), hồ Ða Nhim (Ðơn Dương). Vì vậy, sản lượng cá tầm ước đạt 300 tấn trong năm 2008 là trong tầm tay.

Với sự tính toán đầy triển vọng như trên, chuyện con cá hồi và cá tầm đang có sức hút các nhà đầu tư. Sau khi nghiên cứu và nuôi thử nghiệm thành công, nhiều công ty ở Lâm Ðồng và TP Hồ Chí Minh đã và đang lập dự án kinh doanh cá hồi và cá tầm Nga tại địa phương này.

Công ty Hoàng Phố đã đầu tư 5 tỷ đồng nuôi cá hồi và cá tầm Nga tại K'Long K'Lanh, hồ Tuyền Lâm và hồ Ða Nhim; Công ty Hà Quang dự tính đầu tư 8 tỷ đồng và Công ty 7-5 thuộc Quân khu 7 (Bộ Quốc phòng) cũng lập dự án đầu tư hơn 44 tỷ đồng. Ðặc biệt, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đã lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu sản xuất các giống cá nước lạnh tại Lâm Ðồng, với kinh phí hơn 15 tỷ đồng.

Không chỉ những đơn vị, công ty lớn, mà sức hút của con cá nước lạnh hiệu quả kinh tế cao cũng đã đến với những người nông dân. Hộ ông Phạm Văn Ða ở thành phố Ðà Lạt, đã nuôi thử nghiệm thành công cá hồi vân trên diện tích 350 m2 ở chân núi Quảng Thừa. Ông Ða đang mở rộng diện tích nuôi cá hồi lên 5.000 m2.

Con cá hồi đã bén duyên với đồng bào dân tộc thiểu số mà chị Kơdơng Ka Hoa, một phụ nữ người dân tộc Chil ở buôn Tupoh, xã Ðạ Chais, huyện Lạc Dương, là một thí dụ sinh động. Chị chính là hộ người Chil đầu tiên mạnh dạn nhận 100 triệu đồng để thực hiện dự án thí điểm nuôi cá nước lạnh theo quy mô hộ gia đình của Sở NN và PTNT tỉnh Lâm Ðồng.

Với sự hỗ trợ của các nhà chuyên môn và doanh nghiệp, sau 20 tháng thực hiện dự án, chị Ka Hoa đã đạt doanh thu bước đầu từ 3.000 con cá hồi vân 720 triệu đồng, trong đó lợi nhuận là 199 triệu đồng. Phấn khởi với thành công này, chị Ka Hoa tiếp tục nuôi cá hồi, với 3.000 con sắp đến ngày thu hoạch và xuống giống lứa thứ ba với tổng đàn 5.000 con nữa. Cách nghĩ, cách làm của chị Kơdơng Ka Hoa không chỉ giúp gia đình chị làm giàu, mà còn có sức lan tỏa nhanh chóng đến cách nghĩ, cách làm của cộng đồng người Chil trong vùng.

Theo đánh giá của Sở NN và PTNT tỉnh Lâm Ðồng: Ðề án nuôi thử nghiệm cá nước lạnh tại Lâm Ðồng đã mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế, có tính định hướng cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trên cơ sở khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương để tạo ra sản phẩm đặc thù trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản gắn với du lịch, dịch vụ.

Vì vậy, xuất phát từ sự thành công của đề án, từ tiềm năng tự nhiên và xu hướng quan tâm của các nhà đầu tư, tỉnh Lâm Ðồng dự kiến đến năm 2010, trên địa bàn tỉnh sẽ có hơn 50 ha mặt nước sông suối và 5 ha nuôi lồng bè cá nước lạnh. Cùng với Lào Cai, Lâm Ðồng sẽ góp phần vào việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, thay vì phải nhập khẩu cá hồi và các loại cá nước lạnh khác.

Việc nuôi thành công bước đầu con cá hồi, cá tầm xứ lạnh trên vùng cao Lâm Ðồng và Lào Cai là đáng ghi nhận. "Cá nước lạnh xuất xứ Việt Nam" đã trở thành hiện thực. Ðiều này giúp hạn chế nhập khẩu, tiết kiệm ngoại tệ, phát huy và khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương. Từ đó, không chỉ giúp các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, mà còn tạo điều kiện để bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, cách thức làm ăn công nghiệp, năng động trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và hiệu quả.

Cần những bước đi thận trọng

Tuy nhiên, để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh, tỉnh Lâm Ðồng còn nhiều điều cần phải giải quyết. Việc đầu tiên là cần tiến hành khảo sát cụ thể để xác định diện tích mặt nước, nguồn nước lạnh cung cấp ổn định cho ao nuôi, diện tích đất đai trên từng địa bàn để khai thác nuôi trồng thủy sản một cách phù hợp. Tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra trong tương lai, nhất là sự trả giá về ô nhiễm môi trường khu vực sông suối, hồ chứa nước đã được bảo đảm bằng những định chuẩn môi trường nghiêm ngặt.

Công tác chuẩn bị cơ sở hạ tầng để mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh hiện nay cũng chưa được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp thực hiện chu đáo. Một khó khăn lớn là còn bị động và phụ thuộc nguồn cung cấp trứng giống và thức ăn cá nhập từ nước ngoài theo con đường tiểu ngạch.

Quy trình kỹ thuật nuôi cá thương phẩm, các bệnh của cá, việc xây dựng mô hình nuôi công nghiệp, công nghệ chế biến, xây dựng thương hiệu và nhiều vấn đề khác mới chỉ là bước đầu. Việc nuôi thử nghiệm thành công của một số hộ nông dân là đáng ghi nhận, tuy nhiên, như khuyến cáo của Sở NN và PTNT Lâm Ðồng: Không để người chăn nuôi phát triển các dòng cá nước lạnh một cách tự phát, làm theo phong trào, mà chỉ phát triển nuôi thả theo đúng kế hoạch dựa trên kết quả khảo sát và xác định từng thủy vực hồ chứa, ao hồ về các yếu tố như nguồn nước, thủy lý, thủy hóa...

Chỉ thu hút và cung ứng cá giống cho các nhà đầu tư có đủ năng lực đầu tư khép kín, kể cả tiêu thụ sản phẩm, đầu tư nuôi cá nước lạnh ở những vùng đã được quy hoạch. Ðây là những khuyến cáo cần được các địa phương đặc biệt quan tâm nhằm tránh thiệt hại cho người nuôi, nhất là nông dân nghèo. Tỉnh Lâm Ðồng, ngành thủy sản, các nhà đầu tư cần có bước đi thận trọng và phù hợp trong nuôi trồng, phát triển dòng cá nước lạnh trên cao nguyên Lâm Viên.