Nhìn khuôn mặt hồn nhiên, rạng rỡ của cháu Nguyễn Thị Thùy Dung (8 tuổi, ngụ tại 101/9/9 đường Võ Văn Tần, phường Thắng Nhất, TP Vũng Tàu) và gia đình trong ngày xuất viện đầu tháng 11 vừa qua, mới thấy hết niềm vui, sự biết ơn của gia đình em với các cán bộ, y sĩ, bác sĩ Khoa Nhi Bệnh viện Lê Lợi. Nguyễn Thị Thùy Dung nhập viện trong tình trạng hết sức nguy kịch, toàn thân tím tái, mạch và huyết áp bằng 0. Em được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết độ IV. Theo Phó trưởng Khoa Nhi, bác sĩ Lê Kim Xuyến, đây là trường hợp đầu tiên bị sốc sốt xuất huyết độ IV bệnh viện tiếp nhận. Tỷ lệ cấp cứu thành công thường rất thấp. Song, với quyết tâm 'còn nước, còn tát', các y sĩ, bác sĩ Khoa nhi đã không quản khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời 'giành' lại sự sống cho em trong niềm hạnh phúc vô bờ không chỉ của bản thân em và gia đình mà ngay cả với những người thầy thuốc nơi đây. Cũng giống như vậy, vào hồi 21 giờ ngày 21-5, một người được nhập viện trong tình trạng mạch bằng 0, huyết áp bằng 0, ngừng thở với vết thương ở phần ngực trái. Người bệnh nhanh chóng được chỉ định mổ cấp cứu. Khi mổ cho thấy người bệnh có một vết thủng ở phần tim phải, sâu 1,5 cm. Sau bốn ngày điều trị tích cực tại Khoa hồi sức, tình trạng người bệnh đã ổn định. Ðây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp bệnh hiểm nghèo các y sĩ, bác sĩ của Bệnh viện Lê Lợi đã cứu thời gian qua. Nó không chỉ thể hiện sự tiến bộ về nghiệp vụ, chuyên môn, mà còn khẳng định tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Lê Lợi với người bệnh...
Là bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn như: cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn thiếu; cán bộ chuyên khoa sâu chủ yếu kiêm nhiệm; đội ngũ chuyên môn chưa đồng bộ..., Tuy nhiên, với sự nỗ lực của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, sự hỗ trợ của tỉnh, của trung ương, công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Lê Lợi đã đạt được những kết quả nhất định. Bệnh viện thực hiện được nhiều kỹ thuật chuyên sâu như: đặt máy tạo nhịp tạm thời, vĩnh viễn; phẫu thuật gãy xương các loại; thay chỏm xương đùi; đóng đinh nội tủy; đóng đinh Sign; phẫu thuật u nang buồng trứng, vết thương tim, nội soi cấp cứu thủng dạ dày... Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ phát triển thêm một số chuyên khoa sâu, như: điều trị đột quỵ tại Khoa hồi sức tích cực và chống độc; triển khai kỹ thuật lọc máu ngoài thận; phát triển các kỹ thuật mới thuộc các chuyên khoa tai - mũi - họng...
Ðề án 1816 của Bộ Y tế về luân chuyển cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới thời gian qua đã giúp Bệnh viện Lê Lợi có sự chuyển biến tích cực cả về chuyên môn lẫn thái độ, tác phong phục vụ của các cán bộ, y sĩ, bác sĩ. Tỷ lệ người bệnh phải chuyển viện giảm đáng kể. Số người bệnh đến khám, điều trị tại bệnh viện tăng nhanh, giúp giảm tải cho tuyến trên. Theo Giám đốc Bệnh viện bác sĩ Trần Văn Bảy, trong ba tháng được các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ về hướng dẫn và trực tiếp khám, chữa bệnh, Khoa sản Bệnh viện Lê Lợi đã tiến hành phẫu thuật cho 55 ca có bệnh lý sản khoa. Trong đó gần 30 ca phẫu thuật nội soi thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng và nội soi cắt tử cung qua ngả âm đạo... Ðây đều là những kỹ thuật khó, đòi hỏi chuyên môn cao của các y sĩ, bác sĩ.
Bên cạnh sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên, các y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Lê Lợi cũng thường xuyên nghiên cứu, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, trong đó có nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có giá trị, có khả năng ứng dụng hiệu quả phục vụ công tác khám và điều trị, như: 'Khảo sát thái độ phòng tránh thai của sản phụ sau sinh tại Khoa sản, Bệnh viện Lê Lợi' của nữ hộ sinh Nguyễn Thị Lang và Trần Thị Vinh; Sáng kiến kỹ thuật 'Xe điều dưỡng đa năng' của nhóm tác giả điều dưỡng Hoàng Thu Nga và Trần Thị Ái Mỹ... Chính những nhân tố quan trọng này đã hình thành phong trào thi đua, nỗ lực phấn đấu của toàn cán bộ, công nhân viên trong đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của Bệnh viện Lê Lợi thời gian qua.
Bác sĩ Trần Văn Bảy tâm sự: Do vị trí địa lý Bà Rịa - Vũng Tàu khá gần với TP Hồ Chí Minh cho nên hầu hết những gia đình có điều kiện đều tìm đến các cơ sở y tế lớn của thành phố khám, chữa bệnh. Số đông người đến khám và điều trị tại đây là những người bệnh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Ðể phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, ngoài việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn, đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ Bệnh viện Lê Lợi luôn chú trọng xây dựng tác phong ứng xử, thái độ đúng mực, hòa nhã, từng bước nâng cao uy tín, xây dựng hình ảnh bệnh viện thân thiện. Hằng năm, bệnh viện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp cho tất cả cán bộ, công nhân viên trong bệnh viện.
Ngoài việc thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về viện phí, bệnh viện còn có những chính sách miễn giảm viện phí nhằm chia sẻ khó khăn với những người bệnh nghèo, đối tượng chính sách, người già neo đơn... Ðồng thời nhiều năm qua, bệnh viện phối hợp các nhà hảo tâm xây dựng và duy trì bếp ăn miễn phí dành cho người nghèo, được dư luận rất đồng tình ủng hộ.