Nỗ lực tìm nguồn nước cứu lúa ở Phú Yên giữa tâm dịch Covid-19

NDO -

Tại Phú Yên, trong lúc toàn tỉnh đang giãn cách toàn xã hội theo Chỉ thị 16 để chống dịch Covid-19, công tác chống hạn tại các địa phương thuộc tỉnh cần sự khẩn trương, linh hoạt, vừa ổn định sản xuất, vừa an toàn cho người dân.

Trạm thủy nông Tam Giang (Công ty TNHH MTV thủy nông Đồng Cam) huy động 5 tổ bơm điện công suất lớn bơm nước chống hạn
Trạm thủy nông Tam Giang (Công ty TNHH MTV thủy nông Đồng Cam) huy động 5 tổ bơm điện công suất lớn bơm nước chống hạn

Nắng nóng kéo dài nhiều tháng qua tại Phú Yên dẫn đến tình trạng thiếu nước tưới cho vụ hè thu trên diện rộng. Đặc biệt, tại một số  huyện như Sông Hinh, Tây Hòa, Sơn Hòa, Tuy An, nhiều khu vực diện tích lúa có nguy cơ bị thiệt hại hoàn toàn.

Nhiều nơi thiếu nước

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông (NN và PTNT) tỉnh Phú Yên, trong hơn 24 nghìn ha lúa hè thu trên địa bàn toàn tỉnh, đến thời điểm này đã có hơn 1.200 ha đang thiếu nước tưới nghiêm trọng, nhiều nhất là huyện Tây Hòa, 606 ha; thị xã Đông Hòa, 301 ha; huyện Sông Hinh, 250 ha. Trong vòng 15 ngày tới nếu trời không mưa, nhiều diện tích lúa sẽ mất trắng.

Vụ hè thu năm 2021, xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa, Phú Yên, bước vào vụ sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn do nguồn nước. Trong 867 ha lúa đã 45 ngày tuổi, đến nay đã có 149,5 ha thiếu nước tưới nghiêm trọng. Trước đó, ngay đầu vụ (giữa tháng 6/2021) cũng đã có 142 ha lúa thiếu nước, phải xuống giống chậm gần 1 tháng so lịch thời vụ.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh cho biết, thiếu nước là do lâu nay xã có hệ thống đập tự chảy An San ngăn dòng sông Trong chảy qua xã để lấy nước vào đồng, nhưng năm nay, phía thượng nguồn, Ban quản lý đầu tư và xây dựng 5 (Bộ NN và PTNT) chủ đầu tư đang thi công hồ chứa nước Mỹ Lâm đã chặn dòng tích nước, nguồn nước tự chảy vào đập An San bị cắt đứt.

Hồ chưa thi công xong, hệ thống kênh chính chưa làm kịp, phải sử dụng trạm bơm điện đưa nước từ lòng hồ Mỹ Lâm ra tưới cho lúa hè thu. Nhưng đến nay, hồ Mỹ Lâm cũng bắt đầu cạn.

“Theo nhận định, khoảng 10 ngày nữa, hồ này sẽ không đủ nước để bơm. Buộc phải dời máy bơm ra khu vực lòng sông Trong, tiếp tục “bơm vét” nước đọng chống hạn, nhưng nhiều khả năng nước sẽ không đủ tưới xong vụ lúa”, ông Vinh cho biết.

anh 3.jpg -0
 Đập tự chảy Tam Giang huyện Tuy An, nước sông đã ở dưới mực nước chết 1 m.

Không như các vụ trước, 3 sào lúa nước 1.500m2 của gia đình ông Nay Y Kem, ở buôn Thịnh, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh đang thiếu nước nghiêm trọng, đúng vào giai đoạn cây lúa chuẩn bị làm đòng.

Lo lắng không có cái ăn khi giáp hạt, mấy ngày qua, ông Kem chạy đôn chạy đáo mới mượn được máy và tự bơm nước cứu lúa vì nước đập dâng thủy lợi gần như không còn. “Vất vả lắm, như ruộng đây bơm 2 ngày mới đủ nước, phải thức khuya và không ngủ trưa”, ông Kem than thở.

Trong khi đó tại công trình đập dâng buôn Chao của xã Ea Bá, huyện Sông Hinh tưới cho 42 ha đã không còn nước tưới, 15 ha lúa xác định bị cháy khô và mất trắng.

Tại Phú Yên có 2 con sông lớn là Sông Ba và sông Kỳ Lộ, đến nay nguồn nước đã cạn kiệt. Ghi nhận của phóng viên Nhân Dân điện tử, ngày 9/8, nhiều điểm trên sông Kỳ lộ (tại cầu La Hai, thuộc khu phố Long Châu, thị trấn La Hai), đèo con Tôm (thuộc xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân) nước sông chỉ còn ngang mắt cá chân người, nhiều nơi nước sông đã khô kiệt, người dân có thể đi bộ từ bờ bên này qua bên kia sông.

Phía hạ lưu của sông Kỳ Lộ, tại đập Tam Giang, huyện Tuy An, mực nước đập đã xuống dưới mực nước chết hơn 1 m…

Theo ông Phạm Chí Toàn, Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Phú Yên, 7 tháng đầu năm 2021, lượng mưa tại Phú Yên đo được thấp hơn trung bình các năm khoảng 20%. Phú Yên hiện có 50 công trình hồ chứa thủy lợi, trong đó có 3 hồ chứa có dung tích lớn hơn 10 triệu m3. Lượng nước tích trữ từ các hồ chứa hiện nay chỉ còn khoảng 30 triệu m3, chiếm 35% dung tích thiết kế.

Dung tích của các hồ thủy điện thời điểm này cũng thấp hơn trung bình nhiều năm, từ 5% đến 14%. Trong đó, nguồn nước từ các hồ chứa thủy điện rất quan trọng bởi đây là nguồn cung cấp cho hệ thống đập Đồng Cam, bảo đảm tưới cho gần 15 nghìn ha trên địa bàn 5 huyện, thị xã, thành phố.           

Nỗ lực chống hạn lúa

Trong lúc toàn tỉnh Phú Yên đang áp dụng giãn cách toàn xã hội để chống dịch Covid-19, ngành nông nghiệp, các đơn vị sử dụng nước và người nông dân đang có nhiều biện pháp linh hoạt, tìm nguồn nước chống hạn.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thủy nông Đồng Cam, vụ hè thu năm nay, công ty cấp nước phục vụ sản xuất cho khoảng 18.400 ha lúa trên toàn tỉnh. Hiện, lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng.

Nỗ lực tìm nguồn nước cứu lúa giữa tâm dịch Covid-19. -0
 Huyện Sông Hinh huy động cùng lúc 5 máy bơm chuyền nối tiếp nhau, với đường ống dài gần 2.000 m, bơm nước từ lòng hồ thủy điện sông Ba Hạ lên cao để chống hạn cứu lúa cho đồng bào dân tộc thiểu số buôn Ken xã Ea Bá, huyện Sông Hinh.

Tuy nhiên, nhiều ngày qua, lưu lượng nước về đập đầu mối thường xuyên bị bị gián đoạn và âm tràn trong khoảng thời gian từ 12 đến 18 giờ hằng ngày, dẫn đến điều tiết tưới gặp khó khăn.

“Công tác chống hạn, cứu lúa đang được gấp rút triển khai, không xảy ra hạn trên diện rộng, gây ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng lúa của bà con, nhất là trong đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp”, ông Chiến nói.

 Ngoài việc khởi động 18 trạm bơm điện chống hạn trên sông Ba, sông Ngân Sơn để bổ sung nước cho các hệ thống kênh chính các công trình tự chảy, công ty đã huy động 100% công suất toàn bộ các trạm bơm chống hạn trong hệ thống tưới khẩn trương lắp đặt vận hành 30 trạm bơm, 55 máy bơm chống hạn dã chiến với 10.000 giờ bơm cấp nước tưới cho diện tích sản xuất vụ hè thu.

Tại huyện Tuy An, vụ hè thu, huyện gieo sạ hơn 2.100 ha lúa, trong đó có 1.455 ha lúa đang bị khô hạn. Trạm quản lý thủy nông Tam Giang (Công ty thủy nông Đồng Cam) đã bố trí 11 máy bơm chống hạn tại huyện. Trong đó, đập Đồng Kho, 3 máy bơm dầu; đập Tam Giang, 5 máy bơm điện; đập Hà Yến, 3 máy bơm điện.

Ông Trình Nhu, Trưởng trạm quản lý thủy nông Tam Giang (Công ty thủy nông Đồng Cam) cho biết, không những mực nước sông xuống dưới mực nước chết của đập tự chảy hơn 1 m, mà tại các trạm bơm nước dưới sông cũng bị cạn, nhân viên công ty phải tổ chức nạo vét, dẫn nước vào khu vực trạm bơm, thậm chí dùng cả máy đào, đào sâu dưới cát mới có nước để bơm chống hạn.

Tại huyện miền núi Sông Hinh có 1.600 ha lúa nước, toàn huyện có 5 đập dâng, 6 trạm bơm và hơn 10 hồ thủy lợi. Tình trạng khô hạn kéo dài kèm gió nam thổi mạnh khiến các đập dâng ở các xã Ea Trol, Ea Bar thiếu hụt nước nghiêm trọng.

Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn cho biết, huyện đã phân công, điều động cán bộ, tổ thủy nông bám trụ tại các điểm nóng để trực tiếp chỉ đạo, điều tiết nước tưới.

Đồng thời, huyện đã triển khai lắp đặt 3 máy bơm chuyền cùng hơn 1.500 m đường ống đưa nước ngược dốc từ Hồ thủy diện Sông Ba Hạ lên hệ thống kênh dẫn tưới cho lúa, các máy bơm nhỏ của người dân cũng được huyện hỗ trợ dầu chạy máy, đưa nước ở các khe, vùng trũng, thấp về sâu trong các cánh đồng.

Nỗ lực tìm nguồn nước cứu lúa giữa tâm dịch Covid-19. -0
 Mực nước trên sông Kỳ Lộ tại thị trấn La Hai đã cạn đến ngang mắt cá chân người.

Với sự nỗ lực của các địa phương, nhiều diện tích lúa tại huyện đang được duy trì trước những diễn biến phức tạp của thời tiết.

“Trước đây, chúng tôi cũng đã hỗ trợ rơm cho bò của bà con nằm trong vùng phong tỏa Covid-19. Để cứu lúa trong tình trạng khô kiệt như hiện nay ở một số cánh đồng, chúng tôi đã huy động tối đa máy móc, phân công con người phù hợp, duy trì việc bơm nước thường xuyên, nhưng vẫn bảo đảm phòng, chống dịch theo đúng tinh thần Chỉ thị 16”, ông Đinh Ngọc Dạn cho biết.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN và PTNT Phú Yên cho biết, để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vùng hạ du sông Ba, Sở đã chủ trì họp với các nhà máy thủy điện phía thượng nguồn sông Ba, điều tiết nước về hạ du phục vụ sản xuất, dân sinh.

Sở NN và PTNT tỉnh Phú Yên đã đề nghị các địa phương chỉ đạo các xã, các đơn vị quản lý thủy nông quản lý chặt chẽ nguồn nước, thực hiện tưới tiết kiệm nước, duy tu sửa chữa, kết hợp các trạm bơm điện, bơm dầu, dã chiến, thủ công để hỗ trợ cấp nước phòng, chống hạn.

Ngoài ra, Phú Yên cũng đề nghị các địa phương chuyển đổi một số diện tích đất lúa sang trồng các loại cây trồng cạn khác, bảo đảm nguồn nước.