Trước đó, lúc 2 giờ 30 phút ngày 21/4, Trực ban tác chiến thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận thông báo qua điện thoại từ Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cho biết, lúc 23 giờ 30 phút ngày 20/4, tàu Hải Đạt 36 chở 2.500 tấn gạo từ An Giang đi Hải Phòng đã đâm va với tàu Phúc Tình 26 (tàu VR-SB) chở 3.260 tấn tôn cuộn từ Quảng Ngãi đi Đồng Nai tại vị trí 110 30.688’ N- 1090 07.940’E, ngay trước cửa vịnh Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, cách đông đông nam cửa Đông Hải khoảng 6,5 hải lý.
Vụ va chạm khiến tàu Phúc Tình 26 bị chìm ở độ sâu 59m. Tàu Hải Đạt 36 bị hư hỏng phần vỏ phía mũi tàu. Tất cả 8 thuyền viên trên tàu Phúc Tình 26 đã được cứu hộ lên tàu Hải Đạt 36 và được đưa về cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa an toàn.
Riêng tàu Phúc Tình 26 còn lại khoảng hai tấn dầu DO. Khi rời tàu, thuyền viên trên tàu chưa kịp khóa van đóng nhanh để khóa két dầu.
Trước sự cố trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã thông báo đến các công ty và trại sản xuất, nuôi tôm giống ở khu vực thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Phước thường xuyên quan trắc chất lượng nước vào để có phương án xử lý phù hợp và giao Chi cục Thủy sản tỉnh kiểm tra, hướng dẫn các công ty và trại sản xuất tôm giống ở 2 khu vực trên, quan trắc chất lượng nước thường xuyên để có hướng xử lý kịp thời, nếu phát hiện có dầu DO trên tàu tràn ra mặt nước biển.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận Đặng Kim Cương cho biết, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thành lập Đoàn kiểm tra khảo sát thực tế khu vực xảy ra sự cố chìm tàu, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa phát hiện vết dầu loang trên biển.
Ngày 21/4, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã ký Thông báo hỏa tốc số 1669/UBND-KTTH về triển khai ứng phó, xử lý sự cố tàu Phúc Tình 26 bị chìm tại vịnh Phan Rang. Theo đó, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Phước cùng các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, nhận định hiện trường, kịp thời báo cáo, tham mưu kịch bản, kế hoạch phòng, chống tràn dầu và ô nhiễm môi trường biển để sẵn sàng ứng phó cho mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Nếu diễn biến phức tạp, báo cáo UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực miền trung cử lực lượng, phương tiện và trang thiết bị cần thiết hỗ trợ phòng ngừa, khắc phục sự cố tràn dầu tàu Phúc Tình 26 trong thời gian sớm nhất.
Giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai phương tiện, lực lượng tham gia phối hợp, hỗ trợ phòng, chống tràn dầu và chống ô nhiễm môi trường biển; tổ chức giám sát, bảo vệ hiện trường khu vực tàu Phúc Tình 26 bị chìm để theo dõi sự cố tràn dầu, đề phòng các đối tượng lặn, trục vớt, trộm cắt tài sản. Kịp thời thông tin, báo cáo về UBND tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để nắm thông tin, chỉ đạo xử lý.
Giao Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng của ngành phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, chính quyền địa phương bảo đảm công tác an ninh trật tự tại khu vực tàu bị nạn.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi thông tin, kịp thời thông báo, cảnh báo cho các vùng nuôi thủy sản khu vực thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, huyện Ninh Phước và khu vực liên quan chuẩn bị kế hoạch ứng phó, di dời các lồng bè, hạn chế thấp nhất thiệt hại của người dân.
UBND thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Phước phối hợp các lực lượng chức năng tham gia hỗ trợ phòng, chống sự cố tràn dầu và bảo đảm công tác an ninh trật tự.
Giao Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ động phối hợp các cơ quan liên quan theo dõi, nhận định tình hình, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh công tác phòng, chống, ứng phó sự cố nếu phát hiện có sự cố tràn dầu.