Sinh ra và lớn lên ở "đất than" Quảng Ninh, Trần Minh Tuấn sớm nuôi hoài bão được cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực làm giàu cho quê hương. Tháng 6-2012, tốt nghiệp Trường đại học Mỏ - Ðịa chất, chàng trai sinh năm 1990 lập tức nộp đơn xin làm việc tại Công ty Than Quang Hanh và được tuyển dụng ngay nhờ những thành tích nổi bật trong thời gian còn học trong nhà trường. Trải qua một năm lao động miệt mài dưới các mỏ than với ánh sáng leo lét ở độ sâu hàng trăm mét, Tuấn thấm thía và thấu hiểu sự nhọc nhằn qua từng giọt mồ hôi của những người thợ lò cần cù, chăm chỉ. Có những hôm thời tiết oi bức, ở trên mặt đất đã thấy khó chịu, xuống tới hầm lò còn ngột ngạt hơn gấp nhiều lần. Cứ nhìn những đồng nghiệp cặm cụi vừa lao động, vừa "tăng bo" vận chuyển, lắp đặt các thiết bị hỗ trợ khai thác hoàn toàn thủ công, Tuấn rất băn khoăn, trăn trở.
Anh tự nhủ "phải làm điều gì đó để anh em công nhân bớt nhọc nhằn". Hằng ngày, sau những giờ làm việc vất vả, Tuấn lại dành thời gian để tự mày mò, nghiên cứu các thiết bị, hỗ trợ lao động. Sau một vài năm trải nghiệm thực tế, tự học, qua nhiều lần thất bại nhưng không nản lòng, Tuấn dần hiện thực hóa được những suy nghĩ của mình, biến chúng thành các sáng kiến thiết thực. Ðiển hình như trong năm 2015, anh đã nghiên cứu, đề xuất ứng dụng thử nghiệm phương pháp thay đổi kết cấu chống giữ, đổ bê-tông chân cột nhằm áp dụng thi công tại các khu vực áp lực mỏ lớn. Năm 2016, người thợ trẻ tiếp tục đưa ra phương án tận dụng các loại thép phế liệu, đưa vào gia công thành phụ kiện thanh giằng vỉ chống lò. Các sáng kiến này đã góp phần giảm đáng kể thời gian, chi phí dành cho quá trình đào lò, được tập thể công nhân, cán bộ, lãnh đạo đơn vị ghi nhận, đánh giá cao. "Thiết kế bản vẽ, thử nghiệm, nghiệm thu... là những công việc thuộc phạm trù chuyên môn, đều đã được dạy ở trường lớp. Quan trọng nhất là khi ý tưởng lóe lên, mình phải lập tức nắm bắt, đưa vào thử nghiệm ngay", Trần Minh Tuấn chia sẻ.
Cũng bởi suy nghĩ ấy, mà góc làm việc của Tuấn hầu như lúc nào cũng sáng đèn. Trong lúc các đồng nghiệp nghỉ ngơi hoặc giải trí sau ngày dài làm việc căng thẳng, chàng trai trẻ vẫn hí hoáy vẽ, đo. Ðến năm 2017, được lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện, Tuấn áp dụng phương pháp mới trong quản lý vật tư thu hồi, quy hoạch lại mặt bằng kho vật tư đơn vị, tổ chức phân loại tại chỗ các vật liệu tái sử dụng. Tính riêng trong năm 2017, sáng kiến của anh đã giúp tái sử dụng được hơn 1.700 bộ vỉ chống cũ các loại, gia công nhiều thiết bị, vật tư khác như dây tời sắt, kẹp băng tải... góp phần làm lợi cho đơn vị hơn 3,2 tỷ đồng. Cũng trong năm này, Tuấn đưa ra một sáng kiến khác mà anh rất tâm đắc là sử dụng vỏ cột thủy lực đơn hỏng để gia công thành cột vỉ chống thay thế cột vỉ chống sắt gia công bằng thép thường dùng. "Năm qua, đơn vị tôi có tới hơn 2.000 bộ vỉ chống mới bị hư hỏng do quá trình lao động, sản xuất. Từ cuối năm 2017 tới nay, chúng tôi đã tái chế được hơn 100 bộ, làm lợi cho đơn vị khoảng gần 120 triệu đồng. Dự kiến thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tái chế thêm được 600 bộ từ số vật liệu hư hỏng nêu trên", Tuấn chia sẻ.
ÁNG chú ý, mọi sáng kiến, phương án này đều được Trần Minh Tuấn và các đồng nghiệp thực hiện ngoài giờ làm việc. Như vậy, mới thấy năng suất lao động mà những người thợ say nghề ấy lớn đến nhường nào. Hiện tại, Tuấn đang phối hợp Viện Khoa học công nghệ Mỏ (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) nghiên cứu, triển khai thực hiện 1.050 m lò chống neo theo phương pháp mới, góp phần đẩy nhanh tốc độ đào lò, giảm chi phí sản xuất, đồng thời cải thiện đáng kể điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn lao động cho công nhân. Dự kiến, phương pháp này ra đời sẽ làm lợi cho đơn vị khoảng hơn 430 triệu đồng. Với những sáng kiến, sáng tạo hiệu quả, năm 2017, Tuấn đã lập "hat-trick" với ba danh hiệu gồm: Chiến sĩ thi đua cấp Tập đoàn, Tài năng trẻ Ðoàn Thanh niên Than Quảng Ninh và Tài năng trẻ tỉnh Quảng Ninh. Vừa qua, anh được T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh là một trong những "Người thợ trẻ giỏi năm 2018" của cả nước.