Chốn lạ-Đường quen

Những nỗi sen trong bình gốm cũ

LTS: “Chốn lạ-Ðường quen” một chuyên mục mới trên Nhân Dân hằng tháng bắt đầu từ số này sẽ đưa bạn về những vùng kỷ niệm, tới những miền mới mẻ, gặp gỡ những con người, những nhân vật quen mà lạ, lạ mà quen, trong muôn vàn trải nghiệm đời sống và văn hóa, qua lăng kính giàu liên tưởng, ngẫm ngợi, với những quan sát vi tế đầy cảm xúc của nhà thơ Nguyễn Bảo Chân.

Nhân Dân hằng tháng trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

0:00 / 0:00
0:00
Những nỗi sen trong bình gốm cũ

Tôi mê sen, nhưng lại sợ cắm hoa sen, vì nó nhanh tàn quá. Chỉ nhãng đi, không kịp ngắm, là nó đã rũ xuống, cánh hoa rụng tơi bời. Nhìn nó tàn, sau khi nở tưng bừng, tôi buồn, tiếc suốt mấy hôm. Nên mỗi mùa sen, tôi chỉ dám cắm sen đôi bận, gọi là. Dẫu vậy, tôi nghĩ, mình có duyên nợ với sen. Tôi viết không ít bài thơ về sen, mỗi bài ôm giữ một nông nỗi, một khoảnh khắc đời tôi mà sen là một phần ở đó. Tôi từng viết cho sen một mùa đã xa, đầy tiếc nuối: “Sao ta thèm chạm/ vào mùi hương/ xưa cũ duyềnh lên nghẹt thở/ sao ta nhớ một thu sen dâng lửa/ ta cháy cùng sen/ ta ngát cùng sen/ mê đắm/ héo tàn…”. Hình ảnh một đầm sen cuối mùa xơ xác, những cuống sen âu sầu rũ xuống luôn làm tôi nhói đau, như phải chứng kiến một tình yêu đang lụi tắt.

Cuối mùa hè năm 2018, đúng lúc tôi gặp một chuyện buồn, hoang mang giữa đầm sen héo hắt, hoa tắt từ bao giờ, trơ cuống ủ ê, thì tình cờ nghe nói người ta có thể kéo tơ từ những cuống sen kia để dệt lụa sen. Tôi chới với vịn vào ý nghĩ mơ hồ, rằng sen không tàn úa nữa. Sen không chết. Sen được tái sinh, được sống những đời sống khác, toả sắc hương trong những hình hài khác. Tôi bỗng xốn xang như thể sắp gặp lại ở kiếp luân hồi nào những tin yêu đã mất.

Tôi tò mò, háo hức về Phùng Xá, làng lụa nổi tiếng vùng Mỹ Đức, Hà Tây cũ, tìm nghệ nhân Phan Thị Thuận, người biết làm tơ sen. Tận mắt xem bà Thuận kéo tơ sen, tôi thật sự ngỡ ngàng! Chùm tơ sen mỏng mảnh, nhẹ như tơ nhện được khẽ khàng kéo ra khỏi cuống sen, miết bện nhau, tạo thành sợi chắc, roi rói tuôn dưới đôi tay thoăn thoắt của nghệ nhân. Từ sợi tơ này, còn phải qua rất nhiều công đoạn nữa mới dệt nên tấm lụa sen.

Nghề kéo tơ sen, dệt lụa sen có xuất xứ ở vùng hồ Inlay, thuộc bang Shan, Miến Điện hơn một trăm năm trước. Khoảng năm 1910, một phụ nữ người làng Kyaing-kan, phía nam hồ Inlay đã nghĩ ra cách lấy tơ trong cuống sen, loại cây mọc hoang dã khắp mặt hồ, dệt vải may áo cà sa dâng nhà sư trụ trì ngôi chùa trong vùng. Việc se tơ sen, dệt lụa sen tốn rất nhiều công sức. Người phụ nữ ấy truyền nghề cho bà con xóm giềng để mọi người cùng nhau dệt vải may áo kịp tặng vị cao tăng đúng dịp lễ trọng. Nhà sư ghi nhận tấm lòng của dân làng, và đặc biệt trân trọng người sáng tạo ra cách lấy tơ dệt lụa từ cây sen thanh khiết. Vinh danh bà, nhà sư đặt tên gọi: Daw Kya Oo, nghĩa là Bà Sen.

Để làm một chiếc khăn lụa sen rộng hơn một gang tay, dài hơn một sải tay, cần tơ của bốn nghìn tám trăm cuống sen cùng biết bao kiên nhẫn, mồ hôi, và có lẽ cả tình yêu. Lụa sen Việt Nam, sau khi được nghệ nhân Phan Thị Thuận xử lý bằng kinh nghiệm mấy đời canh cửi, trở nên mềm mịn, tinh xảo hơn hẳn lụa sen Miến Điện. Ấp mặt vào vuông lụa mới, hít một hơi thật sâu, tôi nghe thấy những đầm sen cất lời. Lời đất đai ân nghĩa; lời cội rễ sâu thẳm ngàn xưa vọng về.

Quàng khăn tơ sen lên vai trần, phải vai trần mới cảm nhận trọn vẹn cái mươn mướt, bịn rịn, quấn quýt, thân thuộc, như người yêu dấu đang áp má kề môi. Tôi được bà Thuận dạy miết tơ sen. Chạm vào những cọng sen ram ráp vừa hái, ngai ngái mùi bùn, sao thương mến, gần gũi lạ! Tôi cẩn thận xếp ba cuống sen cạnh nhau, nhẹ nhàng khía vòng quanh, khẽ bẻ chúng theo vết cứa, chầm chậm kéo ra, xoắn lại, kéo ra… Tôi vuốt lên những sợi tơ lòng còn vương vấn nỗi nhớ đầm. Nỗi nhớ xiên xiết ngón tay tôi. Tôi thấy sen đau. Nhưng sen đang thở. Tôi ngắm sợi tơ sen đầu tiên do chính mình se mà như được gặp tri âm tự kiếp nào.

Những giấc mơ qua đi, nhưng bao nhiêu đầm sen vẫn nở quanh năm suốt chiều dài đất nước, và tơ sen là có thật. Sen cho tôi một tin yêu thơm lành giữa phàm trần bụi bặm, khốn khổ, bất trắc này. Lại nhớ mấy câu thơ tôi từng viết: “Vương chút lòng sen thơm thảo/ Môi sen mềm ấm đâu đây/ Đường xa gót sen thăm thắm/ Thả về cuối trời, ai hay...”. Từ ý tưởng và cảm xúc ấy, tôi làm phim tài liệu “Mơ Sen” (phát sóng trên VTV1, tháng 11 năm 2018), kể lại hành trình mang nghề se tơ, dệt lụa sen về Việt Nam sau chuyến viếng thăm Miến Điện của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, dẫn đến đề tài nghiên cứu sản xuất sợi từ tơ cuống sen để dệt lụa sen của Tiến sĩ Nguyễn Duy Chuyên, Tiến sĩ Trần Lưu Vân Hiền cùng các cộng sự trẻ thuộc Viện Kinh tế Sinh thái (Bộ Khoa học và Công Nghệ).

Từ đề tài nghiên cứu đó, nghệ nhân Phan Thị Thuận được “chọn mặt gửi vàng”, và bà trở thành người Việt Nam đầu tiên kéo tơ sen, dệt lụa sen thành công... Những nhân vật của tôi đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, thậm chí thất bại nản lòng, nhưng họ kiên trì bền bỉ nỗ lực biến giấc mơ dệt lụa sen Việt Nam thành hiện thực. Vậy là, không chỉ tôi mơ giấc mơ sen. Những ai yêu sen, cháy cùng sen, ngát cùng sen, đều mơ giấc mơ sen của riêng mình.

Cô bạn tôi, một người cũng “mơ sen”, mách tôi mối sen Hồ Tây. Cô dặn: “Chị đặt mua hoa họ cắt từ đầm chuyển luôn tới nhà mình, thì cắm hoa mới nở. Bây giờ, không cẩn thận là vớ phải quỳ điếc, chán lắm!”. Sáng sớm, tôi nhận mười búp sen vừa hái, cuống còn mướt nhựa, nụ he hé ngậm sương. Tôi cắm sen trong bình Gốm Chi, chiếc bình hơn hai mươi tuổi do chính tay ông Nguyễn Văn Chi, một nghệ nhân phố cổ được biết đến với cái tên Chi Lọ hay Chi Gốm làm ra. Gốm Chi nổi danh trong giới chơi gốm nghệ thuật ở Hà Nội từ thập niên 1970, 1980, nung bằng lò củi truyền thống, có màu men và kiểu dáng độc đáo.

Mỗi chiếc lọ, chiếc bình hay đĩa, bát của ông Chi đều như cất giấu một câu chuyện nào đó. Chắc những ai mê gốm ở Hà Nội một thời đều có một vài cái bình Gốm Chi trong nhà. Tôi từng làm phim tài liệu về nghệ nhân Chi Gốm (phát sóng trên VTV3, khoảng năm 1999-2000). Tôi gọi ông là “Người đùa với Lửa”. Ông có tài điều khiển lửa, khiến những sắc men trên gốm biến ảo khôn lường. Tôi được tặng chiếc bình ông Chi làm lúc quay phim. Mỗi năm đôi ba bận, tôi mang bình ra cắm sen. Ngắm bình âu yếm ôm hoa, tôi thường nhớ khoảnh khắc nó dần hiện hữu, nên hình nên dáng từ bàn tay kì diệu của ông, trong một chiều nắng vàng rười rượi. Ánh nắng lấp loáng hoà quyện từng giọt đất, giàn giụa chảy trên tay ông, như khóc, như cười...

Tôi xin ông khắc một đoá sen mềm mại uốn theo đường cong thân bình. Đoá sen ấy, nhìn phía nào cũng như đang run rẩy nở. Ông Chi rời cõi này đã hơn chục năm. Vài năm sau khi ông ra đi, tôi mới được biết Gốm Chi không còn Chi Gốm nữa. Tôi ân hận mãi, vì không có cơ hội tạm biệt ông. Nhưng những chiếc bình Gốm Chi thì vẫn còn đây, để mỗi mùa sen tôi mang ra cắm hoa, thoáng nhớ đến ông trong niềm hân hoan chờ sen nở, trong nỗi nhớ tiếc tiễn sen tàn.

Một sớm yên tĩnh, tôi mở cửa phòng ngủ bước ra phòng khách, nơi có bình sen vừa cắm hôm trước. Sen ùa vào mọi giác quan, choáng ngợp. Đêm qua sen còn khép cánh e ấp nín lặng, nay đã rỡ ràng khoe sắc đầy bình Gốm Chi, hương say vấn vít khắp nhà, quẩn vào môi vào tóc. Tôi chụp ảnh sen gửi cho cô bạn. Cô ấy nhắn tin: “Lúc mình ngủ, nó âm thầm nở cho mình”, rồi cô ấy gửi vào tin nhắn một trái tim và một nụ cười.

Sen âm thầm nở, ướp thơm buổi sáng của tôi. Và tôi biết, tối nay nó sẽ rụng cánh, rơi tan tác như những mảnh thuyền mắc cạn. Tôi biết mình sẽ lại bần thần suốt mấy hôm trong nhớ tiếc đầy vơi. Trong một bài thơ cũ, tôi đã viết: “Những cánh thuyền sen mắc cạn/ Hương vừa theo gió rong chơi/ Nhụy tàn gợi ánh sen tươi/ Bình thơm vẫn đầy ngan ngát”.

Lại một mùa sen. Lại nhớ sen ngay cả khi sen đang kề cận. Lại rón rén cắm sen đôi bận. Lại sợ cảm giác phải nhìn sen lụi tắt. Nhưng, dẫu sen sắp lìa xa thì chút thơm còn dăng níu mãi. Mùa nối mùa, những đầm sen mê man nở, dâng hiến hết mình, lặng lẽ héo úa. Và rồi, qua bao ngày ủ kín tình yêu dưới bùn sâu đáy nước, sẽ đến lúc sen bừng thức, lộng lẫy trổ hương. Vòng luân hồi vô tận của những đời sen, những nỗi người.