Chuyển đổi số trong xuất bản còn chậm chạp

Tính đến hết năm 2023, mới có 24/57 đơn vị (chiếm 42,1% tổng số) tham gia xuất bản và phát hành điện tử. Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành tuy đã được đẩy mạnh, song vẫn tồn tại nhiều hạn chế... Ðó là thông tin đáng chú ý tại Hội nghị Triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2024 vừa diễn ra tại Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Sách truyền thống vẫn tạo được sức hút với độc giả.
Sách truyền thống vẫn tạo được sức hút với độc giả.

Chưa thật sự tạo ra bước tiến...

Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, số lượng nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử tăng 26,3%; góp phần đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử/tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3% và vượt chỉ tiêu đề ra 12%.

Điểm nhấn là doanh thu sách nói tăng trưởng tốt, theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp trong năm 2022-2023, tổng doanh thu từ sách nói đạt khoảng 116,1 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, một số nhà xuất bản đã xây dựng thành công nền tảng riêng, kết hợp với Waka, Fonos, VoizFM... để phát hành thuận lợi.

Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh toàn cảnh, việc đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử trong các nhà xuất bản nhìn chung còn hạn chế. Dù đã có bốn nền tảng xuất bản điện tử dùng chung và đang triển khai nền tảng thứ năm, song việc ứng dụng công nghệ tích hợp, đưa AI vào hỗ trợ quy trình xuất bản còn chậm, kết quả chưa rõ nét. Mặt khác, mảng sách điện tử mới chỉ phát triển mạnh ở thị trường sách nói và nhìn chung việc xuất bản, phát hành mảng này chưa thật sự có bước tiến mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng.

Trao đổi về nguyên nhân, các chuyên gia cho rằng, một trong những khó khăn lớn nhất của các đơn vị nằm ở khâu nhân sự cùng việc đầu tư chưa đồng bộ. Hầu hết các đơn vị đều gặp khó khăn trong việc thu hút, đào tạo nguồn nhân lực trẻ có chất lượng, có kỹ năng về công nghệ thông tin đồng thời cũng thiếu các vị trí công việc nhằm nắm bắt thị hiếu bạn đọc, xây dựng thương hiệu, marketing, phát hành... Chưa kể, dù mới nhen nhóm phát triển, song tình trạng xâm phạm bản quyền sách điện tử, đặc biệt là trên không gian mạng đã khá nhức nhối. Các cơ quan chức năng đã xử lý song biện pháp giải quyết chưa đồng bộ, các chế tài xử lý còn thiếu và chưa đủ sức răn đe.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Nhà xuất bản Trẻ cho biết, bên cạnh sách giấy, đơn vị đã có kênh phát hành sách điện tử và hiện có gần 500 tựa sách được phát hành. Đặc biệt, với nền tảng sách số này, Nhà xuất bản có đầy đủ các sách điện tử của bộ Di sản Hồ Chí Minh. Ở mảng sách nói, đơn vị phát hành thông qua nền tảng của đối tác cung cấp dịch vụ. Tính đến nay, doanh số sách điện tử, sách nói tăng trưởng khá ổn định. Tuy nhiên, để xây dựng hệ sinh thái tích hợp hiệu quả, cần nhiều nguồn lực, như: đội ngũ nhân sự, nguồn đề tài và tài lực để đầu tư cho các nền tảng điện tử. Việc đàm phán bản quyền với các tác giả trong ngoài nước để sách xuất bản trên đa nền tảng, hoặc xuất bản trên nền tảng điện tử trước, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Công nghệ thì nhanh chóng lỗi thời, đòi hỏi phải cập nhật liên tục. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ bản quyền trên không gian mạng còn gặp nhiều khó khăn.

Cần có giải pháp đột phá

Nhà xuất bản Trẻ đề xuất, cần sớm có chiến lược quốc gia về xuất bản sách điện tử để tận dụng được nguồn lực và lợi ích to lớn của công nghệ, hợp lực đưa được nhiều sách hơn nữa tới đông đảo bạn đọc không chỉ trong nước, ở vùng sâu, vùng xa mà còn trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, cần mạnh tay dẹp bỏ triệt để các hành vi chia sẻ lậu, bất hợp pháp các ebook, audiobook trên mạng... Đặc biệt, xử lý nhanh chóng nhiều đơn vị vẫn đang ngang nhiên xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử mà chưa được cấp phép; quan tâm, hỗ trợ đầu tư công nghệ cho các đơn vị xuất bản và tăng cường đào tạo nhân lực về công nghệ mới và các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động xuất bản, để có thể hỗ trợ cho việc phát triển hệ sinh thái xuất bản.

Chuyển đổi số trong xuất bản còn chậm chạp ảnh 1

Thực hiện chuyển đổi số trong xuất bản tuy được đẩy mạnh nhưng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Nguồn | Internet

Trước vấn đề bản quyền sách điện tử đang bị xâm phạm nghiêm trọng, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhấn mạnh: Trong kỷ nguyên số, cũng như các lĩnh vực chuyên ngành khác của bảo vệ quyền tác giả, bản quyền sách hiện nay cũng đang chịu những ảnh hưởng to lớn của thời kỳ công nghệ 4.0, đặc biệt là trên không gian mạng. Sự xuất hiện và phát triển của thời đại kỹ thuật số, đặc trưng bởi các công nghệ kỹ thuật số (như internet, điện toán đám mây, AI, máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại thông minh, ti-vi thông minh, phương tiện truyền thông xã hội, máy quét, sách điện tử...) một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho việc sáng tạo, lưu giữ, sao chép và phổ biến tác phẩm ở định dạng kỹ thuật số, trong không gian kỹ thuật số, thay đổi phương thức cung cấp, truyền đạt sách đến công chúng và phương thức khai thác, sử dụng sách. Mặt khác, không gian mạng là môi trường trung gian tiếp tay cho các hành vi xâm phạm bản quyền sách diễn ra phổ biến và dễ dàng hơn nên đã tạo ra những thách thức không nhỏ trong việc bảo vệ bản quyền sách.

Vấn đề vi phạm bản quyền sách điện tử xuất phát từ nhiều nguyên nhân: các đối tượng chạy theo lợi nhuận, vì lợi ích cá nhân; các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng và công chúng chưa ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ về quyền tác giả, quyền liên quan; một số tác giả, chủ sở hữu quyền chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; một số cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm còn có biểu hiện né tránh trách nhiệm, chưa phối hợp đồng bộ nhịp nhàng.

Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, bên cạnh những giải pháp mang tính nền tảng và bền bỉ, cần sớm có những giải pháp đột phá với mục đích thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng nhưng hiệu quả. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, đầu tiên cần nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; triển khai các giải pháp phối hợp giữa các đơn vị công nghệ và đơn vị xuất bản. Ngoài ra, cần tích cực nghiên cứu, triển khai các giải pháp mới, tiên tiến từ việc chuyển đổi phương thức xuất bản để phù hợp với xu thế hội nhập cho tới kết nối, chia sẻ thông tin, chế độ báo cáo trên hệ thống cổng thông tin điện tử; nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng số của lĩnh vực xuất bản đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số; phát triển các nền tảng số để thúc đẩy văn hóa đọc, thiết chế văn hóa đọc ở cơ sở; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thông tin đối ngoại... Vấn đề thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, liên kết trong hoạt động xuất bản cần được tăng cường, đặc biệt các giải pháp phối hợp phát hiện và chống xâm phạm bản quyền trên không gian mạng.

Các cơ quan quản lý tại địa phương cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản. Các cơ quan chủ quản nhà xuất bản cần quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn lực biên tập viên và nhân sự lãnh đạo kế cận, tránh tình trạng thiếu hụt nhân sự kéo dài như một số nhà xuất bản thời gian vừa qua, đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn và thực tiễn hoạt động xuất bản; quan tâm, đầu tư hạ tầng, nhân lực kỹ thuật cho các nhà xuất bản để ứng dụng công nghệ thông tin, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển.

Về phía các nhà xuất bản, cần xây dựng kế hoạch, có sự đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực kỹ thuật nhằm phục vụ việc phát triển xuất bản điện tử, đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình quản lý, biên tập, phát hành để bắt kịp xu hướng phát triển hiện nay, đồng thời thực hiện các thủ tục hành chính được hiệu quả. Với nhiệm vụ đồng hành cùng cơ quan quản lý trong việc áp dụng các biện pháp công nghệ và chỉ đăng ký xuất bản khi bản thảo đã hoàn chỉnh, tránh gây lãng phí thời gian vật chất, thậm chí làm chậm quá trình giải quyết thủ tục hành chính, các nhà xuất bản cần nghiên cứu đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh nhằm đạt được kết quả tích cực trong các năm tiếp theo.