Nhóm nhạc nào cũng đến lúc chia tay?

Ðời sống âm nhạc chưa từng và không thể thiếu vắng các ban nhóm, nhưng dường như mô hình này chỉ có vai trò tô điểm, đóng vai phụ bên cạnh các ngôi sao tỏa sáng một mình. Ðược hâm mộ như Ngọt đến một ngày cũng “đứt gánh giữa đường” khiến nhiều người phải nghĩ đến những kế sách hữu hiệu, để ban nhạc có thể đi đường dài và cống hiến nhiều hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Ban nhạc Ngọt
Ban nhạc Ngọt

Ngọt ngào đến mấy... cũng tan!

Sự tan vỡ của ban nhạc Ngọt đã được báo trước, vì sự đa năng và nổi bật hẳn lên của trưởng nhóm Vũ Đinh Trọng Thắng. Anh sáng tác gần như tất cả các bài hát, hát chính và tự đệm ghi-ta tốt. Thắng ngày càng chín muồi trong kỹ năng biểu diễn trên sân khấu và vào những năm tháng cuối của ban nhạc đã đảm nhận nhiều buổi diễn riêng mà không cần đến sự phụ trợ của các thành viên khác trong ban. Có thể coi 10 năm qua là thời gian tập dượt, xây dựng tên tuổi và hình ảnh của Thắng. Và khi đã trưởng thành, Ngọt khó mà có thể giữ chân được anh.

Sau tuyên bố giải tán của nhóm ít hôm, Thắng có nói về lý do sức khỏe nên chưa thể xuất hiện trở lại. Đồng thời cũng là một cách tuyên bố, anh sẽ vẫn tiếp tục sự nghiệp sô-lô đang lên.

Khán giả có thể sốc một chút với kiểu chia tay “đánh úp” không được lịch sự lắm (sau khi tuyên bố chia tay trên mạng xã hội thì hủy luôn 2 show diễn chung đã quảng bá gây ảnh hưởng tới khán giả và nhà tổ chức) của ban nhạc nhưng chắc rồi họ sẽ quên nhanh thôi. Đây không phải là một xì-căng-đan gì lớn mà giống như tai nạn. Tức là nếu biết trước đó là kết cục không thể tránh khỏi thì Ngọt nên hóa giải từ trước, để giây phút chia tay vẫn có thể ngọt ngào đến phút chót.

10 năm tồn tại của một ban nhạc không phải ngắn. Thậm chí những ban nhạc nổi tiếng nhất thế giới như Beatles hay ABBA cũng không vượt qua được mốc này.

Nhưng vấn đề là họ đã làm được những gì và để lại những di sản tầm cỡ cho đến nay vẫn còn tiếp tục sinh lời ra sao. Hiện chưa rõ việc ăn chia bản quyền các bản ghi của Ngọt sẽ ngã ngũ thế nào. Trong trường hợp xấu nhất, nếu Thắng nắm hoàn toàn tác quyền thì thậm chí anh có thể đem các bài hát của nhóm đi phối khí và thu âm lại một mình để có thể hưởng trọn các quyền phái sinh.

Có thể phỏng đoán cuộc chia tay đột ngột, không có sự chuẩn bị của Ngọt xuất phát từ việc các thành viên không tìm được tiếng nói chung. Chứ cũng chia tay sau 10 năm hoạt động, nhưng Cá Hồi Hoang tổ chức hẳn một tour xuyên Việt dài gần một tháng qua nhiều tỉnh, thành.

Chưa hết, sự chia tay của Cá Hồi Hoang còn để lại cho khán giả hy vọng, khi thành viên Ming từng trả lời báo chí: “Kể cả dừng lại, sau 5-10 năm nữa nếu còn cảm hứng, chúng tôi vẫn có thể quay lại, tiếp tục làm Cá Hồi Hoang”. Nghĩa là họ dừng lại chỉ vì không tiếp tục được, vì tuổi 30 cần một cái gì đó vững chắc hơn, vì nền công nghiệp âm nhạc chưa đủ phát triển để song hành với một ban nhạc... chứ không phải vì những trục trặc nội bộ nào đó.

Trong trường hợp của Ngọt, kể cả nếu tồn tại mâu thuẫn nội bộ nhưng nếu có hợp đồng ràng buộc và bên thứ ba quản lý, giám sát thì vẫn có thể đưa đến một kết cục khác. Trong đó quyền lợi của tất cả các thành viên có thể sẽ được bảo đảm đồng đều hơn. Giả sử có một sự hậu thuẫn chu đáo đến thế, chưa chắc Ngọt nói riêng và các ban nhạc trong V-pop nói chung đã phải đứt gánh giữa đường, khi họ được bảo đảm một sự nghiệp và thu nhập vững chắc với âm nhạc.

Những lời mời gọi dành cho một nghệ sĩ sô-lô bao giờ cũng hấp dẫn hơn. Trong tình hình cụ thể của showbiz ngày nay, muốn nhanh thì nên đi một mình và muốn đi xa cũng vậy. Sự xuất hiện của một ban nhạc bao giờ cũng cồng kềnh, tốn kém hơn cho nhà tổ chức. Chắc chắn khi một thương hiệu được gây dựng bởi nhiều thành viên thì cát-xê phải được ăn chia phù hợp với đóng góp và công trạng của mỗi người. Ðương nhiên sẽ đắt hơn việc thuê một ban nhạc đệm thời vụ.

Mô hình thích ứng

Trong nền âm nhạc giải trí hiện nay, sau sự thống trị của nghệ sĩ hát đơn, các ban nhạc thiên về hát múa vẫn gặp nhiều lợi thế hơn. Trước hết với những nhóm hát kiểu này, các phần việc trên sân khấu thường được chia đều. Tránh sự tị nạnh cũng như sự quá tải khi một cá nhân phải ôm nhiều đầu việc hơn hẳn các thành viên còn lại.

Tuy nhiên mô hình làm việc tập thể bao giờ cũng phức tạp và cần có sự quản lý sát sao. K-pop chính là môi trường lý tưởng dành cho những ban nhóm kiểu này. Để bảo đảm sự gắn bó chặt chẽ giữa các thành viên với nhau và với công ty chủ quản, các nhóm hát K-pop đều được tuyển chọn và đào tạo kỹ lưỡng từ sớm. Chi phí đào tạo cũng là một yếu tố ràng buộc khiến các nhóm hát K-pop phải tập trung biểu diễn kiếm tiền một thời gian tương đối dài cho công ty chủ quản. Thương hiệu và quyền lợi của họ gắn chặt với công ty, cho đến khi họ đạt được danh tiếng toàn cầu để tiếng nói có trọng lượng hơn trên bàn gia hạn hợp đồng.

Nhóm nhạc nào cũng đến lúc chia tay? ảnh 1

Ban nhạc Cá Hồi Hoang

Đương nhiên cuộc cạnh tranh là rất khốc liệt giữa các nhóm nhạc có mô hình và phong cách tương tự nhau. Không phải ai cũng đạt đến tầm cỡ như BlackPink hay BTS. Riêng trong năm 2022, đã có 19 nhóm K-pop tuyên bố tan rã. Đại dịch cũng được coi là một tác động nhưng nguyên nhân chủ chốt vẫn là thu không đủ bù chi. Khi sản phẩm có sức mua chậm, tốt nhất là xóa sổ, lập nhóm khác.

Tuy thế, tuổi thọ của nhóm nhạc K-pop thành công nhìn chung vẫn ăn đứt V-pop. Vì họ có những thứ mà ta chưa thể đạt tới: bộ máy hùng hậu hậu thuẫn và thị trường toàn cầu thu lợi lớn. Dăm năm trước, V-pop bùng nổ hàng loạt nhóm nhạc áp dụng mô hình K-pop, thậm chí một số nhóm do chính nhà đầu tư Hàn Quốc đứng sau nhưng đều tan rã sau thời gian ngắn. Đơn giản vì đã có các thần tượng K-pop xịn, khán giả không có nhu cầu tiếp nhận các bản sao.

Tuy nhiên, dù phát triển tự phát hay được đầu tư quản lý thì sự cạnh tranh và đào thải với mô hình ban nhạc bao giờ cũng khốc liệt hơn. Nhất là với bối cảnh V-pop, khán giả đã quá quen với các nghệ sĩ đứng một mình, nên mỗi thời kỳ dường như chỉ cần một vài ban nhạc gọi là để làm phong phú nhạc mục mà thôi.

Có thể thấy ít nhất 2 kiểu ban nhạc đang hoạt động tích cực trong V-pop. Về phía các nhóm hát (các thành viên không chơi nhạc cụ trên sân khấu) thường xuất hiện trên sân khấu lớn, Oplus đang là một đại diện tiêu biểu. Từ một nhóm chuyên hát lại bài của người khác, mấy năm trước, nhóm nhận được sự đào tạo và định hướng từ nhà sản xuất và nghệ sĩ bass người Úc Tass Petridis. Trong một thời gian tương đối ngắn, ông đã giúp các thành viên Oplus lột xác từ ca sĩ thành nhạc công, nhạc sĩ và có thể tự sản xuất luôn. Có thêm nhiều kỹ năng đồng nghĩa nhóm trở nên mạnh hơn, chủ động hơn trong sự nghiệp. Oplus hiện đóng vai trò gạch nối thú vị giữa âm nhạc thị trường và độc lập.

Những ban nhạc vừa đàn vừa hát với những sáng tác riêng bao giờ cũng được xếp vào dòng indie (độc lập) lúc mới xuất hiện. Họ đi lên bằng thực lực và có chỗ đứng trong thị trường khi tập hợp đủ người hâm mộ. Tuy nhiên đạt được vị trí như Ngọt hay Cá Hồi Hoang cũng đều không vượt qua được “lời nguyền 10 năm”. Lộn Xộn thậm chí còn vắn số hơn nhiều.

Việc của các ban nhóm indie là phải phá vỡ được cái kén độc lập vào lúc phù hợp mới mong cất cánh. Đến lúc này, chỉ Chillies là có cơ bay bổng khi chỉ sau 2 năm thành lập đã có công ty chủ quản là Warner Music Vietnam, trở thành ban nhạc đầu tiên ở Việt Nam có được quản lý chuyên nghiệp theo mô hình Âu-Mỹ. Điều này dự báo khoảng cách ngày càng xa giữa các ban nhạc tự do và ban nhạc có đầu tư quản lý. Vì vậy con đường được chỉ ra cho các ban nhạc đang trở nên rõ ràng hơn: Tìm được nhà quản lý xứng tầm nếu không muốn “chết yểu”.

Dù sao ban nhạc vẫn là một mô hình khởi nghiệp căn bản không thể thiếu trong bất cứ nền âm nhạc nào, khi đáp ứng nhu cầu thể hiện đam mê tự nhiên của các tài năng trẻ. Nhưng để đi đường dài, ban nhạc bao giờ cũng gặp khó khăn và cần nguồn lực quản lý, đầu tư từ bên ngoài hơn. Các nghệ sĩ đơn lẻ có thể nghỉ hát rồi quay lại khi nào tùy thích nhưng ban nhạc thì rất khó có cơ hội tái hợp