Cuốn biên niên sử lưu giữ ký ức hàng vạn năm
Đến với Ninh Bình, đặt chân khám phá khu rừng nguyên sinh Cúc Phương - nơi từng được Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) gọi tên 5 năm liền (từ 2019 đến 2023) ở hạng mục Vườn quốc gia hàng đầu châu Á, du khách sẽ có cơ hội được quay ngược thời gian cả vạn năm để về với những hang động cổ xưa, nơi chứa đựng biết bao di vật, di chỉ vô giá của người tiền sử.
Đó có thể là những công cụ lao động sơ khai như rìu đá hay dao đá, vật dụng bằng đất nung như đồ đựng hay nồi vò, thậm chí là cả ba ngôi mộ cổ với các bộ xương người hóa thạch còn khá nguyên vẹn với tuổi đời khoảng 7.500 năm trong động Người xưa.
Đó có thể là hang Con Moong rộng và dài, với hai cửa thông nhau và sở hữu địa tầng văn hóa khá dày đã từng là nơi cư trú lâu dài của cộng đồng sinh sống bằng săn bắt cùng hái lượm.
Không thể không kể tới hang Mang Chiêng với di tích mộ táng của cư dân thời kỳ Đá mới với tổ hợp công cụ bằng đá rất gần với văn hóa Hòa Bình. Rồi các hang động thời tiền sử như Trăng Khuyết-Sơn Cung-Phò Mã-Thủy Tiên... ẩn mình giữa chốn rừng già, với cảnh sắc chung quanh đẹp như cõi bồng lai tiên cảnh.
Khi đến với động Người Xưa, du khách được khám phá và tìm hiểu cuộc sống con người ở thời tiền sử cách đây khoảng 7500 năm. Nguồn: VQG Cúc Phương |
Không chỉ tồn tại ở Vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình còn sở hữu dày đặc những di tích khảo cổ vô cùng giá trị mà TS Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á từng liệt kê.
Như những di tích hang động cư trú theo mùa của cư dân văn hóa Hòa Bình kiểu Tràng An (Ninh Bình) trong thời kỳ ảnh hưởng của băng hà cuối cùng (30-12 nghìn năm trước) hay điểm dừng chân của làn sóng Nam tiến Âu Lạc (thời An Dương Vương và sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng). Như căn cứ tiền đồn của Hoan Châu/Ái Châu đối với Giao Châu hay một vùng rộng lớn làm nên Kinh đô Hoa Lư. Như hậu cứ vững chắc của các triều đình Đại Việt sớm (Lý-Trần) trong công cuộc chống Nguyên Mông cùng Chăm-pa hay “làn xanh” tranh chấp của vua Lê/chúa Trịnh với nhà Mạc.
Như hành cung Vũ Lâm (vừa là căn cứ kháng chiến chống quân Mông-Nguyên vừa là nơi đầu tiên các vua Trần quy y Phật pháp) hay dấu tích Phòng tuyến Tam Điệp để chặn quân Thanh của nhà Tây Sơn.Như “lối sống Mán Bạc” khai thác nhuyễn thể trao đổi trong xã hội nông nghiệp lúa phát triển (Bình tuyến Phùng Nguyên 3.800-3.200 năm trước) hay “lối sống Chợ Gành” khai thác và chế tác đồ trang sức đá cùng vỏ nhuyễn thể (3.500-2.800 năm trước).
Tất cả cùng quần tụ ở vùng đất có bề dày lịch sử này, tất cả đều ôm chứa quá nhiều di tích-di chỉ-di vật khảo cổ với những câu chuyện hấp dẫn để trao truyền lại cho muôn đời hậu thế.
Kho tàng đồ sộ ấy đã hình thành nên một trong ba tiêu chí quan trọng giúp Tràng An trở thành di sản kép hiếm hoi của khu vực được UNESCO ghi nhận. Theo thông tin từ website chính thức của tổ chức uy tín toàn cầu này, “Tràng An là địa danh nổi bật ở Đông Nam Á thể hiện cách con người sơ khai tương tác với cảnh quan thiên nhiên và thích nghi với những thay đổi lớn về điều kiện khí hậu, địa lý và môi trường trong khoảng thời gian hơn 30.000 năm. Lịch sử văn hóa lâu đời nơi đây gắn liền với quá trình tiến hóa địa chất của khối núi đá vôi Tràng An vào cuối kỷ Pleistocene và đầu kỷ Holocen, khi cư dân phải hứng chịu biến đổi khí hậu và môi trường khắc nghiệt bậc nhất trong lịch sử Trái đất, bao gồm cả việc cảnh quan bị nhấn chìm nhiều lần do dao động mực nước biển. Trong một không gian cảnh quan nhỏ gọn, Tràng An sở hữu nhiều địa điểm, bao gồm nhiều thời kỳ và chức năng cùng các hệ thống định cư ban đầu của con người tiền sử”.
Ngồi thuyền ngắm nhìn vẻ đẹp mê hoặc của những hang động xuyên thủy Tràng An là trải nghiệm được du khách đặc biệt yêu thích. Ảnh BẢO NGỌC. |
Nguồn tài nguyên du lịch khảo cổ ấy như một “mỏ vàng” với trữ lượng vô tận đang đợi chờ Ninh Bình khai thác. Như ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình từng tổng kết: “Kết quả phát hiện và nghiên cứu một loạt các di chỉ khảo cổ học hang động ở Tràng An đã khẳng định rằng, con người đã chiếm lĩnh và khai phá vùng karst lầy, trũng tại khu vực này từ rất sớm, ít nhất cách ngày nay cũng khoảng 24.500 năm. Họ đã tồn tại và phát triển liên tục từ thời đại Đá cũ, qua thời đại Đá mới đến thời đại Kim khí, từ tiền sử đến lịch sử, từ nguyên thủy đến văn minh”.
Và “để Tràng An thực sự là mạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người, là trung tâm và nền tảng để xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ trong tương lai không xa”, việc “xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch Di sản tốt nhất dựa trên các di tích, di vật khảo cổ học kết hợp trải nghiệm dân tộc học, đồng thời đáp ứng được yêu cầu diễn giải các giá trị của Di sản theo khuyến nghị của UNESCO” là điều mà lãnh đạo Ninh Bình mong muốn, trong khuôn khổ cuộc tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch di sản”, được tổ chức vào dịp Tràng An chào đón dấu mốc 10 năm vinh dự được ghi danh.
Những sản phẩm du lịch đầy hứa hẹn
Theo TS Lê Thị Liên, Hội Khảo cổ học Việt Nam, du lịch khảo cổ và lịch sử đã phát triển ở nhiều nơi trên thế giới như một loại hình/phân khúc quan trọng của du lịch văn hóa với sự độc đáo và sức cuốn hút riêng. Tuy nhiên nó chưa được phát triển mạnh, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế ở Quần thể danh thắng Tràng An.
Những sắc độ xanh hút hồn trên hành trình khám phá tuyến Tam Cốc-Bích Động. Nguồn | Sở Du lịch Ninh Bình |
Du lịch khảo cổ hứa hẹn những cuộc “phiêu lưu” thú vị, vì mỗi địa điểm khảo cổ học thường đem lại những góc nhìn độc đáo về lịch sử loài người. Qua đó, giúp du khách khám phá, phát hiện và hiểu biết về các nền văn hóa, văn minh của nhân loại trong quá khứ. Hiện nay du lịch khảo cổ cũng được mở rộng, kết hợp với các loại hình du lịch khác như sinh thái-địa lý và di sản.
Tại cuộc tọa đàm, từ góc nhìn một chuyên gia, TS Lê Thị Liên đã gợi mở một số sản phẩm dành tặng người đam mê khám phá những trang sử quá khứ khi đến với Tràng An. Thăm các hang động thời tiền sử, khám phá các di chỉ khảo cổ học lịch sử, cắm trại và trải nghiệm không gian lịch sử hay cắm trại kết hợp sáng tác-sáng tạo các chủ đề liên quan tới khảo cổ-lịch sử-thiên nhiên-môi trường là bốn hình thức khai thác thế mạnh di sản mà quần thể danh thắng có thể triển khai, trong tương lai gần.
TS Võ Thị Phương Thúy, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đánh giá “du lịch khảo cổ có thể là một nét đặc sắc nổi bật của Tràng An - một di sản luôn gắn liền với các hoạt động nghiên cứu khoa học chuyên sâu và khai thác được thế mạnh này để phát triển du lịch”.
Bà cũng cụ thể hóa nét đặc sắc ấy bằng những hành trình đa trải nghiệm hứa hẹn độ hấp dẫn và độc đáo rất cao như “Khám phá các vòng thành Hoa Lư” (kết hợp bởi yếu tố thiên tạo như núi đá vôi-dòng sông với tường thành- con ngòi nhân tạo), “Tham quan thung lũng nhỏ và khép kín” (chứa đựng nhiều truyền thuyết lịch sử liên quan tới hai triều Đinh-Lê), “Khám phá đền chùa thời Đinh-Lê (hầu hết nằm trên các hang động ở núi đá vôi), “Hiking và trekking qua các thắng cảnh có giá trị khảo cổ” (đặc biệt là “kinh đô đá” Hoa Lư, nơi núi là thành, hang động là cung điện và sông suối là đường đi)…
Con sông Ngô Đồng rực rỡ trong lễ hội Sắc vàng Tam Cốc. Ảnh | Bảo Ngọc |
Năm 2023, chỉ riêng Tràng An đã thu hút tới 4,6 triệu lượt du khách (trên tổng số 6,6 triệu lượt của cả tỉnh Ninh Bình), tăng 83% so với năm 2022. Để chinh phục mục tiêu 7,5 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 8.200 tỷ đồng mà toàn tỉnh đặt ra trong năm 2024, biến Tràng An thành điểm đến mới mẻ, hấp dẫn của loại hình du lịch khảo cổ là một hướng đi đột phá của địa phương này, trên hành trình phát triển xanh.
Như khẳng định của ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình: “Ninh Bình nói chung, Tràng An nói riêng cuốn hút chúng ta không chỉ bởi bà mẹ trái đất đầy diễm lệ mà còn bởi cách bà đã sinh dưỡng loài người cũng như cách thích ứng của họ trước những thử thách mà bà đặt ra. Để những thế hệ trong tương lai biết tôn trọng quá khứ, yêu thiên nhiên, có trách nhiệm bảo vệ môi trường sống thông qua di sản hơn, tiếp cận với di tích khảo cổ là tạo nên xu hướng phát triển bền vững”.
Vẻ đẹp của Di sản hỗn hợp Tràng An thu hút lượng du khách rất lớn về với Ninh Bình. Ảnh: Bảo Ngọc. |