NSND Hoàng Cúc:

Người không cần "chạy đà"

“Bà hoàng” sân khấu và điện ảnh thập niên 80-90 (thế kỷ 20) đón sinh nhật tuổi 68 bằng buổi ra mắt cuốn sách đầu tiên tại khách sạn 5 sao Daewoo (Hà Nội). Phòng lớn nhất mà không đủ sức chứa những người bạn trong và ngoài nước của chủ tiệc-tác giả. Hoàng Cúc bản lĩnh sống với phương châm “Hãy tiết chế những khoảnh khắc kinh ngạc”, song chính bà lại liên tục tạo ra sự ngỡ ngàng cho tôi, cho ai vốn thân cận.
0:00 / 0:00
0:00

Hoàng Cúc xuất bản cuốn sách đầu tiên của đời mình - đúng nghĩa “sách đời” - trường ca Cúc.

Tôi tự tin dùng tên mình đặt cho tập thơ riêng ở tuổi 20, một khẳng định phong cách. Còn Hoàng Cúc không lấy tên mình để đưa ra căn cước thơ. Bởi bà đã nuôi dưỡng diệp lục thi ca từ niên thiếu để đưa vào nhân vật kịch. Hoàng Cúc không đóng kịch, đóng phim. Hoàng Cúc vào vai, nhập vai và hóa thân. Thuộc thoại và làm đúng thị phạm đạo diễn - đấy chỉ là diễn viên thợ, “công nhân sân khấu”. Từ “nghệ sĩ” đang bị lạm phát, dễ dãi; trong khi ý nghĩa của nó là người làm nghệ thuật được giới nghề và công chúng đích thực ghi nhận. Người ta cố ý quên hẳn vế sau để chỉ chung tất cả trong bối cảnh thói háo danh và tự phong nhan nhản làm rẻ đi các danh xưng, danh hiệu, giải thưởng.

Sinh ra, lớn lên tại thị xã Hưng Yên trong gia đình yêu nước, cha là nhà cách mạng Hoàng Tả Minh; từ nhỏ, Cúc - con gái út đã say mê đọc sách. Cúc xinh đẹp, khí chất nổi trội luôn được người mẹ sớm góa bụa rèn cặp nghiêm khắc.

Hoàng Cúc say mê thơ, truyện, đọc nhiều từ nhỏ và cũng sáng tác từ ấy. Bà đã có nghìn trang viết cất giấu đi. Tôi yêu thơ và tình yêu ấy không chỉ cho riêng tôi, mà trân trọng ai đề cao thơ, cổ vũ những ai ham sáng tác thực sự. Bởi tính liên tài ấy, tôi nhận ra tài của Hoàng Cúc.

Vốn đọc, sự nhạy cảm và tinh tế trong cảm thụ giúp bà hiểu sâu nhân vật để thể hiện, sáng tạo mỗi vai diễn là một dấu ấn. Hoàng Cúc chưa khi nào không gây chú ý khi có tên trên mỗi băng-rôn kịch, pa-nô, áp-phích phim. Hoàng Cúc-Hoàng Dũng là “ông bà hoàng” đúng nghĩa góp phần làm nên thời hoàng kim của Kịch Hà Nội.

“Mắt xanh” ấy, bà săn, đặt kịch bản cho Nhà hát Kịch Hà Nội, trong vai trò Phó Giám đốc nghệ thuật. Tình yêu sân khấu còn giúp lưu kí ức thắm thiết với đồng nghiệp để viết những điếu văn như trang đời sân khấu, là “văn bia” cho các tài danh: Trần Vân, Hồng Sơn, Nguyễn Quốc Toàn, Hoàng Dũng.

Mùa đông năm 2021, ngày 11/11, Hoàng Cúc nhận giải Cuộc thi truyện ngắn viết về Làng quê thời hội nhập. Mùa hè năm 2024, trước sinh nhật 3 hôm, bà ra mắt trường ca. Hoàng Cúc sở hữu vốn đọc khiến tôi nể và có thể khẳng định bà là một trong những diễn viên ham đọc nhất mà tôi biết. Và đến nay, NSND Hoàng Cúc là diễn viên đầu tiên của kịch nghệ Việt Nam thế kỉ 21 xuất bản trường ca.

Người không cần "chạy đà" ảnh 1

NSND Hoàng Cúc - Ảnh: Nguyễn Xuân Dư

Hoàng Cúc không cần chạy đà trước những cuộc đột phá, bởi bà tư duy mới, chắt chiu xúc cảm, trọng ân tình song cũng đầy lý tính. Bà không nói trước các dự án; làm gì đều đáng giá, công phu, sang, đẹp. Từ bình hoa trong nhà, thiết kế 3 salon tóc, một món quà tặng, một bữa mời... đều quý phái, cuốn hút mà tao nhã thi thư.

Tóc và thời trang của bà cũng không theo định kiến khung tuổi. Yêu màu trắng, Hoàng Cúc để tóc bạch kim và mặc đồ trắng tại cuộc hội ngộ ra mắt Cúc. Bà cự tuyệt mỹ viện, không tìm cách “trẻ hoá” bằng cách xoá nếp nhăn, căng da mặt, cổ, tay. “Thời gian và tuổi tác có giá trị của nó. Tôi không chạy trốn, không tự dối thị giác mình và mọi người. Hãy giữ tinh thần trẻ từ tâm thế sống, đấy là chịu học, chịu đi, dám dấn thân và thử nghiệm, tìm kiếm cái mới”.

Về hưu, NSND Hoàng Cúc còn bận hơn khi còn công tác. Bà đi liên tục, làm việc hơn lúc trẻ, ngay cả khi đã phát hiện ung thư vú năm 2010. Qua 14 năm chiến đấu với trọng bệnh, từ Bệnh viện Ung bướu Quảng Châu (Trung Quốc) sang Tokyo (Nhật Bản), là hành trình chữa bệnh và nỗ lực kiên cường. Hoàng Cúc là một biểu tượng của tinh thần sống tích cực, đề cao lao động và sẻ chia.

Cuối tháng 10/2023, hỏi thăm thì nghệ sĩ đang ở Nhật. Đầu tháng 11, bà lại lên Sapa làm phim ngắn Cổng trời, đóng vai chính. Đặng Hiền, con gái nuôi của NSND Hoàng Cúc là nhà sản xuất. Sinh năm 1975 tại Nam Sách (Hải Dương), sống tại Nhật 15 năm nay, Hiền là 1 doanh nhân 7X thành công.

Sang Tokyo du học, Hiền từng dậy từ 4 giờ sáng đi trong tuyết đưa báo, tự kiếm sống. Làm nhà máy, khi nhiều người Việt Nam bỏ ngang, chỉ mình cô ở lại. Hiền lập Hãng phim Cadence, về Sapa làm bộ phim 30 phút mời mẹ Cúc đóng chính, chủ ý quay mưa tự nhiên nên bà mẹ máu nghề, giúp con, dầm mưa cả tuần.

NSND Hoàng Cúc có visa 3 năm để sang Nhật chữa bệnh và du lịch. Từ năm 2022, bà sang 6 lần/năm để miễn dịch và lọc máu mỗi lần một tháng. Kính nể tinh thần và yêu mến văn hoá Nhật, bà đã mua nhà ở Chiba, gần Tokyo. Trong 2 năm qua, Hoàng Cúc đã đến Kyoto, Osaka, Fukuoka, Hokkaido... và nhiều địa danh, đưa gia đình con trai, hai cháu nội sang thăm thú.

Một nghệ sĩ được sống nhiều, đầy trải nghiệm với thế giới quan duy mỹ như Hoàng Cúc cật lực kiếm tiền và dám tiêu tiền để mở mang tri thức, vốn sống. Bà đã ngắm đủ các mùa hoa nơi xứ sở Phù Tang, song thích nhất là anh đào hồng trắng tháng tư nối mùa hoa tử đằng rực tím.

Những ngày tháng 1, Hà Nội giá rét nhất, học sinh được nghỉ học, NSND Hoàng Cúc lại về Ninh Bình rồi sang Hưng Yên ở lại đến hết tháng. Bà luôn xê dịch và làm việc không ngừng, rất biết tận hưởng các giá trị cuộc sống.

Người không cần "chạy đà" ảnh 2

NSND Hoàng Cúc cùng các cháu nội tại Nhật Bản. Ảnh | NVCC

Ngay sau Tết Giáp Thìn, NSND Hoàng Cúc giúp con gái nuôi Đặng Hiền làm thủ tục duyệt phim tại Cục Điện ảnh và họ cùng phim truyện Culi không bao giờ khóc (đạo diễn Phạm Ngọc Lân, diễn viên: NSND Minh Châu, Thương Tín) tham dự Liên hoan phim quốc tế Berlin và được giải Phim đầu tay xuất sắc nhất. Tháng tư, bà từ Nhật Bản về nhà ở Hưng Yên. Giữa tháng 5 vào bệnh viện, ngay đầu tháng 6 lại đẹp mọi mặt khi “Hoàng Cúc và Cúc” hiện diện trước bạn bè.

Yêu thiên nhiên, hiểu về thế giới tâm linh, bà là nguồn năng lượng sạch và kì diệu của tinh thần và sống sáng tạo. Sóng tâm hồn Hoàng Cúc tạo ra những vòng hòa thanh ngân tỏa tình yêu thương, vị tha, lãng mạn và khát vọng mà 30 năm bà đã sống đời sân khấu-màn bạc và tiếp tục dám là vai chính mình giữa sân khấu đời đầy khốc liệt khi kiêm đảm áp lực doanh nhân. Người nghệ sĩ nguyên chất ấy vẫn được nhớ bởi các vai để đời và bà vẫn để dành “nhung tuyết” cho nghệ thuật để trở lại khi có vai hay, bất kể là phim hay kịch.

Cuốn sách tiếp theo của NSND Hoàng Cúc, không phải thơ mang tính Thiền ca hay tự sự đời mình như trường ca Cúc. Bà không nói rõ nhưng tôi đoán, đó sẽ là một tiểu thuyết-kịch bản mà người đọc, xem không thể dứt ra. Chữ Hoàng Cúc trong thi ca, như chữ C kí tắt, tựa tấm vé máy bay hạng C cho ai biết-đọc, một chuyến phiêu du đến miền thơ lãng mà bình thản nhận ra bản nguyên-chân dung đúng nhất của mình.

Như cô công nhân Thanh trong vở Tôi và chúng ta (Tác giả: Lưu Quang Vũ, đạo diễn: Hoàng Quân Tạo) mà Hoàng Cúc nhận Huy chương Vàng đầu tiên trong sự nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, hạnh phúc là dám sống là mình và biết vì người khác. Hoàng Cúc sẵn sàng ngừng giao dịch bất động sản để bán từng cuốn sách gom tiền thêm cho trẻ nghèo vùng cao.

Bà sung sướng hơn cả những năm vinh quang, khi nhận vô số tràng vỗ tay trong và sau vở diễn, bộ phim. Sung sướng hơn, khi thi ca có sức sống, được tìm đọc. Đấy là điều nghệ sĩ thích “tiên tri và dự đoán” về tương lai bởi đồng cảm lớn với thi sĩ Nguyễn Quang Thiều: Thi ca không thể mất, dù bùng nổ công nghệ AI.

Ngôi nhà sơn trắng không khi nào thiếu hoa hồng, hoa tươi (thuê công ty đến chăm sóc) toàn các bồn chậu bình đẹp, đắt tiền và thanh tao: lan trắng, ly trắng giữa hàng chục ảnh chân dung thời xuân sắc của giai nhân Hoàng Cúc trong các cảnh phim.

Cao 1m65/59 kg, sắc vóc lý tưởng từ thế hệ mình đến hôm nay vẫn đẹp. NSND Hoàng Cúc rất thời trang, sành điệu, sang quý từ cốt cách, tâm hồn.

Gần Hoàng Cúc, cuộc sống được nâng lên và thêm thú vị, đó là món quà mà nghệ sĩ tặng mọi người, không chỉ là các vai diễn để đời và thơ in báo Tết mỗi Xuân về đẫm tình nhân thế.

Người không cần "chạy đà" ảnh 3

NSND Hoàng Cúc trong buổi ra mắt trường ca Cúc của bà - Ảnh: Nguyễn Xuân Dư

Vài phen kề cận sống chết, Hoàng Cúc sống càng đẹp, sâu sắc và thơ tình đầy ám ảnh: “Đổi bao lần tàu/ Sâu vào lòng đất/ Ngây ngất/ bay ra/ Ngột ngạt người/ Ào xuống/ Em đứng/ một chân/ Tim người dưng thình thịch/ chóng mặt…/ Anh/ Em không biết anh đợi ga nào/ bấn loạn/ Ga nào về ngả tử đằng/ Ga nào vào mùa tulip/ Tít mít một ngày/ Nụ cười anh gần quá/ Nhưng ở con tàu phía kia!”.