Đạo diễn Lê Hải Yến:

Ý tưởng trên giấy thì dễ, hiện thực hóa mới khó

Còn trẻ, nữ đạo diễn Lê Hải Yến đã có cho mình những thành công ngoài mong đợi khi trực tiếp tham gia xây dựng ý tưởng, viết kịch bản, làm tổng đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật lớn, mà Chuyến tàu huyền thoại khai mạc Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh vừa thu hút được sự chú ý của công chúng rộng rãi là minh chứng tiêu biểu.
0:00 / 0:00
0:00
Chương trình Chuyến tàu huyền thoại đã tạo được cảm xúc mạnh mẽ cho công chúng
Chương trình Chuyến tàu huyền thoại đã tạo được cảm xúc mạnh mẽ cho công chúng

Tâm trạng của chị hiện nay thế nào, khi chương trình Chuyến tàu huyền thoại khép lại đã lâu mà dư âm tích cực vẫn còn sâu đậm trong lòng công chúng?

Tôi thật sự hạnh phúc vì mong ước ấp ủ lâu năm đã thành hiện thực. Tôi mong có cơ hội được thực hiện một tác phẩm lịch sử hoành tráng, làm sống dậy những câu chuyện lịch sử, được kể về những nhân vật lịch sử vĩ đại, những vị anh hùng mà cả dân tộc Việt Nam tôn kính, trong một bối cảnh thật và địa danh thật…

Tôi rất ngưỡng mộ Bác Hồ, thích đọc, nghiên cứu những câu chuyện về Người. Tôi muốn kể những câu chuyện đó đầy cảm xúc, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ để họ cũng yêu lịch sử như mình đã yêu, đã ngấm vào trong máu. Tôi dành hơn nửa năm nghiên cứu tư liệu, viết kịch bản, gặp gỡ nhân chứng, tìm tòi thủ pháp nghệ thuật, cách thức để kể câu chuyện đủ hấp dẫn và bất ngờ.

Ý tưởng trên giấy thì dễ, hiện thực hóa mới khó ảnh 1

Đạo diễn Lê Hải Yến

Tôi vui, tự hào vì chương trình nhận được nhiều sự yêu mến và phản hồi tích cực từ khán giả. Đó là nguồn động viên lớn lao cho cả đội ngũ chúng tôi. Tôi cũng biết ơn những người đã đồng hành giúp tôi thực hiện giấc mơ này.

Đây không chỉ là câu chuyện của TP Hồ Chí Minh, của dòng sông Sài Gòn, mà của cả dân tộc. Chúng ta tự hào vì tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện trọng đại, mà dòng sông chính là một nhân chứng. Sự thành công của Chuyến tàu huyền thoại không chỉ là thành quả của cá nhân tôi mà là công sức của toàn bộ ekip đã làm việc chăm chỉ và cống hiến hết mình suốt thời gian qua.

Cơ duyên nào để chị, một nữ đạo diễn, cũng gọi là còn trẻ, được đảm nhận tổng đạo diễn chương trình lễ hội có tính sử thi lớn như thế?

Đôi khi trong cuộc sống, những điều tốt đẹp sẽ tự tìm đến với nhau. Nó giống như lực hấp dẫn. Cũng có thể do khát khao đến cháy bỏng và tình yêu với lịch sử, với văn hóa dân tộc của tôi quá đỗi mạnh mẽ, nên thông điệp này đã đến đúng nơi cần đến.

Tôi biết ơn Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh với tư duy đổi mới mang tính đột phá đã tin tưởng và cho tôi được thực hiện sứ mệnh quan trọng này.

Ý tưởng trên giấy thì dễ, hiện thực hóa mới khó ảnh 2

Cảnh tái hiện cuộc chiến đấu hào hùng và bi tráng của các chiến Đặc công rừng Sác gây xúc động mạnh mẽ tới người xem

Lễ hội sông nước là sản phẩm du lịch văn hóa hiện chỉ có ở TP Hồ Chí Minh, vì thế tôi muốn kể những câu chuyện khai thác từ chính chất liệu lịch sử và văn hóa riêng của vùng đất này, để biến nó trở thành sản phẩm du lịch có sức hút. Việc đưa lịch sử, đặc biệt là lịch sử mang yếu tố chính trị vào một sản phẩm du lịch văn hóa không phải điều dễ làm và cũng không phải thứ dễ xem.

Nhưng cái gì càng khó, tôi càng muốn làm, mọi người càng e ngại tôi càng muốn thử, để biết được giới hạn bản thân và mình có thể tạo ra được một hướng đi riêng biệt hay không? Quan trọng hơn, để lịch sử Việt Nam không bị nguội đi với giới trẻ.

Chị có áp lực không khi đương đầu với một sự kiện không chú trọng vào tính giải trí, nhất là diễn ra tại một đô thị mà công chúng thường quan tâm hơn tới các chương trình văn hóa nghệ thuật thuần giải trí?

Đôi khi chính chúng ta lại tự đặt ra những rào cảnđịnh kiến. Nhiều năm làm đạo diễn của rất nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội, tôi nhận ra rằng tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc luôn có trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.

Dù ở bất kỳ đâu, chỉ cần chạm đến và khơi gợi nó bằng những câu chuyện cảm xúc thì thứ tình cảm đặc biệt ấy trong sâu thẳm mỗi người sẽ trỗi dậy. Ngay từ Dòng sông kể chuyện mùa 1, khi thử nghiệm khai thác câu chuyện lịch sử văn hóa, tôi đã nhận thức được rõ rệt điều này với khán giả thành phố.

Ý tưởng trên giấy thì dễ, hiện thực hóa mới khó ảnh 3

Vẻ đẹp lung linh kỳ ảo của dòng sông Sài Gòn được thể hiện trong chương trình

Đến mùa 2, tôi mạnh dạn hơn khi lựa chọn câu chuyện mang nặng tính lịch sử, thậm chí cả màu sắc chính trị và chiến tranh vào show diễn Chuyến tàu huyền thoại bằng hình thức nhạc kịch đương đại. Từ những ngày đầu trình bày ý tưởng, tôi đã đối mặt với sự hoài nghi: “Nhạc kịch có phù hợp thói quen nghe nhạc của đại chúng không?”, “Chương trình mang nặng tính lịch sử thì khán giả, đặc biệt giới trẻ có xem, có hiểu được không?”.

Sự e ngại này không hề sai, nhưng tôi đủ tự tin, kiên nhẫn để từng bước hiện thực hóa các ý tưởng. Thực tế sẽ là đáp án rõ ràng và vững chắc nhất cho mọi câu hỏi. Vì ý tưởng trên giấy thì nhiều lắm, muốn hay, muốn hoành tráng thế nào cũng có.

Nhưng người đủ bản lĩnh, kiên nhẫn và đủ khả năng biến ý tưởng thành hiện thực mới khó. Vượt lên trên tất cả, tôi luôn mong muốn truyền cảm hứng, truyền tình yêu lịch sử, niềm tự hào dân tộc đến với khán giả, nhất là các bạn trẻ. Để sau này, khi ra nước ngoài học tập, các bạn vẫn muốn quay trở về dựng xây Tổ quốc, kế thừa truyền thống hào hùng của cha ông đã dày công vun đắp và gìn giữ.

Nhiều người cho rằng tôi tự làm khó mình, nhưng tôi nghĩ những người làm văn hóa hãy mạnh dạn thử sức, khai phá bản thân, đồng thời định hướng cho công chúng về nghệ thuật và gu thưởng thức thông qua tác phẩm. Hãy giúp khán giả được thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật chất lượng cao với các loại hình nghệ thuật phong phú hơn.

Nhìn lại cả chương trình, nếu được thay đổi, chỉnh sửa, chị sẽ thay đổi chi tiết nào, phân cảnh nào?

Vẫn còn một số chi tiết mà nếu có thời gian tôi sẽ làm kỹ hơn, hay hơn nữa. Nhưng quan trọng nhất, nếu được làm lại, tôi sẽ cố gắng được biểu diễn 2 đêm để chương trình có thể đến được với nhiều khán giả hơn. Bởi cảm giác xem một vở đại nhạc kịch với nhiều phần trình diễn sống động, hiệu ứng cháy nổ và âm nhạc chơi live sẽ thú vị hơn rất nhiều so với chỉ xem trên màn ảnh.

Ý tưởng trên giấy thì dễ, hiện thực hóa mới khó ảnh 4

Chương trình Chuyến tàu huyền thoại khai mạc Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2 đã thu hút sự quan tâm của dư luận

Từ Chuyến tàu huyền thoại, liệu đã có thể lạc quan để nói: Các chương trình nghệ thuật tuyên truyền giáo dục lịch sử, truyền thống vẫn thu hút được người xem, nếu hay?

Lịch sử Việt Nam có rất nhiều câu chuyện hay và những đề tài thú vị mà tiếc là chúng ta chưa kể được, hoặc chưa có cách kể hấp dẫn... Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã thành công quảng bá lịch sử của họ thông qua điện ảnh, văn học, âm nhạc và nhiều hình thức nghệ thuật, giải trí khác.

Không chỉ quảng bá trong nước, họ còn “xuất khẩu” những câu chuyện lịch sử ra thế giới. Đó chính là xu hướng kết hợp giữa giáo dục và giải trí - Edutainment - mà thế giới đang áp dụng rất hiệu quả. Các chương trình này đều được chính phủ của họ bảo trợ hoặc định hướng.

Kho tàng lịch sử văn hóa của chúng ta vô cùng hoành tráng cả về chiều dài và bề rộng. Tôi muốn là một người kể chuyện bằng cả trái tim để làm sống dậy những câu chuyện lịch sử và văn hóa Việt ấy.

Tôi tin rằng, một ngày nào đó, những câu chuyện này sẽ vượt qua giới hạn không gian để đến với công chúng quốc tế. Lễ hội là cơ hội truyền tải các câu chuyện đó một cách dễ dàng nhất. Chúng ta hãy xây dựng những lễ hội có thể khơi gợi lòng tự hào, gợi mở những hành trình trở về lịch sử, nguồn cội.

Tôi thuộc thế hệ 8X, có điều kiện được đọc, được học, được gặp gỡ nhiều nhân chứng lịch sử, nên tôi tự cho rằng mình có sứ mệnh kể lại những câu chuyện lịch sử này bằng cả trái tim của mình.

Cũng bởi thế, khi viết kịch bản, tôi thường hỏi các bạn nhân viên gen Y, gen Z có cảm, có thích kịch bản đó không? Tôi sẽ chọn cách kể sử sao cho mới mẻ, hấp dẫn nhưng vẫn tôn trọng các yếu tố thật để thu hút được sự quan tâm và đánh vào cảm xúc của người xem.

Ý tưởng trên giấy thì dễ, hiện thực hóa mới khó ảnh 5

Một cảnh trong đại nhạc kịch Chuyến tàu huyền thoại

Vậy chị có đặt ra mục tiêu, hoặc tham vọng xây dựng những chương trình sân khấu thực cảnh dựa vào bối cảnh sông nước đặc trưng của TP Hồ Chí Minh để biểu diễn bán vé thường kỳ phục vụ khán giả, nhất là du khách?

Trước hết, tôi hy vọng có được một không gian cố định, một sân khấu hay một bảo tàng nghệ thuật ngoài trời để xây dựng những chương trình nghệ thuật mang phong cách thực cảnh, khai thác những chất liệu lịch sử văn hóa thành những sản phẩm đem lại giá trị kinh tế và hiệu quả về du lịch cho thành phố.

Tôi cũng hy vọng những nội dung trong vở đại nhạc kịch Chuyến tàu huyền thoại sẽ được sử dụng như một tài liệu tham khảo thêm trong trường học, để học sinh có thể tiếp cận lịch sử thông qua nghệ thuật và các hình thức giải trí khác, giúp việc học và cảm thụ môn sử trở nên dễ dàng, hấp dẫn hơn.

Tôi sẽ không dừng lại ở các lễ hội mà sẽ lựa chọn nhiều cách kể, nhiều hình thức, nhiều không gian kể khác nhau với những đối tượng khác nhau để lịch sử Việt Nam được sống dậy đúng với những giá trị hấp dẫn vốn có mà các khán giả của tôi cần được biết.

Tôi cũng mong muốn liên tài, hợp tác với nhiều nghệ sĩ lớn trong nước và quốc tế để cùng nhau tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo, có ý nghĩa và giá trị cho cộng đồng.

Chúc mừng thành công và trân trọng cảm ơn chị.