Những lộ trình xuất ngoại hấp dẫn
Đang đau đầu tính toán lộ trình du lịch cho cả gia đình trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, khi giá vé máy bay nội địa tăng chóng mặt, khi các cơ sở lưu trú hầu như đều đã kín phòng, khi nỗi ám ảnh về biển người chen chúc tại mọi điểm đến hút khách luôn hiện diện, chị Hoàng Thị Hà - một nhân viên kế toán sinh sống tại phố Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) dừng lại trước dòng thông tin quảng cáo về chùm sản phẩm du lịch biên giới Việt - Trung ngắn ngày, với mức giá chỉ vài triệu đồng mỗi khách. Truy cập website của một số đơn vị lữ hành, chị vô cùng ngạc nhiên khi được cung cấp khá nhiều lựa chọn đặc biệt hấp dẫn.
Từ cửa khẩu quốc tế Lào Cai, du khách có thể ghé thăm Hà Khẩu - Bình Biên - Di Lặc - Kiến Thủy và Mông Tự thuộc châu tự trị Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Chỉ trong 4 ngày 3 đêm, khách Việt có thể chụp ảnh check in từ nhà ga Hà Khẩu đến Công viên Ánh sáng. Rồi ngắm nhìn vẻ đẹp ngôi làng Miêu Tích Thủy và ghé chùa cổ Di Lặc xây dựng từ triều nhà Thanh. Rồi đắm chìm trong sắc hoa rực rỡ cùng những công trình kiến trúc cổ làm từ gốm đỏ ở khu phức hợp du lịch Đông Phong Vận, chiêm ngưỡng vẻ thâm u trầm mặc nơi phố cổ Kiến Thủy 1.200 tuổi hay lang thang tản bộ Chu Gia Hòa viên đẹp như phim trường cổ trang.
Vẻ đẹp trầm mặc cổ kính của Cửu Châu Cổ trấn - một "bảo tàng văn hóa" của dân tộc Choang. |
Xuất phát từ cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), khách du lịch có cơ hội xuất cảnh sang Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để đến với cây cầu hữu nghị Bắc Luân bắc qua sông Ka Long, ngắm khu đô thị Vịnh Bắc Bộ - Phố Tây và ngôi chùa Quan Âm tuyệt đẹp rồi trở về dầm mình dưới làn nước trong xanh, mát lành nơi bãi biển Trà Cổ.
Nếu chọn cửa khẩu Hữu Nghị, gia đình chị Hà có thể thưởng lãm hàng loạt địa danh nổi tiếng gắn liền với tỉnh Lạng Sơn như động Tam Thanh, thành nhà Mạc, đền Kỳ Cùng, đền mẫu Đồng Đăng, chợ đêm Kỳ Lừa... trước khi ghé thăm chùa Bạch Ngọc, mua sắm tại Trung tâm thương mại Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc).
Đặc biệt, cặp cửa khẩu vừa được nâng cấp quốc tế Trà Lĩnh (Cao Bằng, Việt Nam) - Long Bang (Quảng Tây, Trung Quốc) sẽ đem tới hành trình đặc biệt thú vị, khi chỉ trong khoảng thời gian 3 ngày 2 đêm, khách tham quan được trải nghiệm từ thác nước kỳ vĩ đến hệ thống hang động Cổ Long Sơn, thăm Cửu Châu cổ trấn - “quê hương quả tú cầu” và “theo dấu chân Bác Hồ” tại Nhà kỷ niệm Hồ Chí Minh với nhân dân dân tộc Choang, ngắm con suối Nga Tuyền nổi tiếng nhất Tây Nam Trung Quốc với hơn 700 năm lịch sử hay ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thác Bản Giốc khi về lại Cao Bằng.
Du khách Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng, Việt Nam) |
Cũng nhờ mô hình du lịch biên giới, du khách có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn thắng cảnh Bản Giốc - Đức Thiên kỳ vĩ nằm trong Top 21 thác nước đẹp nhất thế giới (do tạp chí Travel and Leisure bình chọn năm 2022), Top 5 đường biên giới tự nhiên đẹp nhất thế giới (do SCMP, tờ báo hàng đầu Hongkong - Trung Quốc vinh danh năm 2023) từ cả hai quốc gia đồng sở hữu. Đây cũng là khu cảnh quan khai thác chung đầu tiên giữa hai nước. Không chỉ có cơ hội trầm trồ với rất nhiều con thác lớn nhỏ trải rộng cả trăm mét, với lượng nước chảy không ngừng qua các tầng bậc vòng cung như hình móng ngựa, khách du lịch còn được thăm thú Khu di tích quốc gia đặc biệt Pắc Bó, chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc 108 lịch sử - nơi Bác Hồ kính yêu đặt chân về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
Các tỉnh vùng biên giới của cả hai nước đều sở hữu phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, sơn thủy hữu tình nên thơ và hùng vĩ. Phong tục tập quán và đời sống, văn hóa đậm sắc màu bản địa đặc trưng của những tộc người thiểu số vùng biên cũng luôn gợi nên sự tò mò tìm hiểu, khám phá cho du khách cả hai nước. Thúc đẩy phát triển loại hình du lịch thế mạnh này không chỉ giúp phát triển mạnh mẽ kinh tế các địa phương dọc theo biên giới mà còn góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch và bảo tồn, gìn giữ, lan tỏa các giá trị di sản, văn hóa đến những thế hệ kế tiếp.
Nhũ đá tuyệt đẹp trong hang động Cổ Long Sơn (Tịnh Tây, Trung Quốc) |
Dòng sản phẩm giàu tiềm năng phát triển
Tất cả những tour tuyến kể trên đều có chi phí rất rẻ, chỉ vài triệu đồng cho một hành trình 3 - 4 ngày (khởi hành từ Hà Nội) và trên dưới 1 triệu đồng cho tour đi về trong ngày (xuất phát tại cửa khẩu phía Việt Nam). Không cần hộ chiếu (passport), chẳng cần thị thực (visa), chỉ bỏ ra khoản phí 200 nghìn đồng với thủ tục vô cùng đơn giản, khách Việt Nam sẽ được cấp một cuốn sổ thông hành có giá trị nhập cảnh một lần, trong thời gian 1 tháng, được phép di chuyển tại các khu vực cách biên giới dưới 100km.
Đường bộ đi lại rất thuận tiện, sinh viên và người lao động có thể tận dụng tối đa hai ngày cuối tuần hoặc những kỳ nghỉ lễ dài trong năm nên hạn chế tối đa việc phải xin nghỉ học, nghỉ làm. Những lộ trình được thiết kế với trải nghiệm phong phú để đem lại sự hài lòng cho mọi đối tượng du khách, với đa dạng nhu cầu. Thưởng lãm vẻ đẹp thiên nhiên - có, trải nghiệm văn hóa tại các trấn cổ - có, du lịch tâm linh tại các đền chùa cổ kính - có, chụp hình check in phục vụ sống ảo - có và mua sắm - cũng có luôn.
Tượng Bác Hồ được đặt trang trọng trong khuôn viên Nhà kỷ niệm Hồ Chí Minh với nhân dân dân tộc Choang - một điểm đến đặc biệt mà du khách Việt Nam không thể bỏ qua, khi đến với Tịnh Tây, Trung Quốc. |
Hơn nữa, các doanh nghiệp áp dụng phương án đón trả khách khá linh động, đi từ Hà Nội cũng được mà đón từ biên giới cũng sẵn lòng. Du khách có thể lựa chọn phương tiện phù hợp di chuyển lên cửa khẩu, nhờ đó tiết kiệm khá nhiều chi phí. Hầu hết các tỉnh lỵ vùng biên Trung Quốc chưa phát triển du lịch nên dịch vụ không nhiều, lịch trình không bị chèn thêm điểm mua sắm bắt buộc nên giá thành cũng khá phù hợp với túi tiền của số đông.
Tích hợp hàng loạt ưu điểm như vậy nên mô hình này rất thu hút du khách Việt - Trung qua lại trải nghiệm điểm đến đôi bên, nhờ đó giúp giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất cho cộng đồng dân cư vùng sâu vùng xa thuộc cả hai nước láng giềng. Không có gì lạ khi chỉ trong dịp Tết Nguyên đán 2023, có tới hơn 56,5 nghìn lượt người xuất - nhập cảnh qua cửa khẩu Móng Cái. Tính riêng một ngày 29/4/2023, con số này là 5 nghìn lượt. Tại cửa khẩu Lào Cai, ước tính mỗi ngày lễ có tới 7,5 nghìn người làm thủ tục xuất - nhập cảnh. Chỉ một ngày 1/9/2023 đã ghi nhận tới 3 nghìn người sang tham quan thị trấn Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam. Ở phía bạn thì chỉ tính trong năm 2023, Đông Hưng đã đón hơn 10 nghìn đoàn khách, với hơn 120 nghìn lượt người Việt Nam chọn khám phá thành phố xinh đẹp này.
Du khách Việt tại suối Ngỗng (Nga Tuyền) - một thắng cảnh tuyệt đẹp của Tịnh Tây. Trung Quốc |
Và cũng nhờ những thế mạnh độc đáo đó, dạng tour này đặc biệt hấp dẫn đối tượng người trẻ, vốn đam mê trải nghiệm những miền đất mới nhưng không dư giả cả về thời gian lẫn tiền bạc. Bị nhịp sống bận rộn, gấp gáp cuốn đi, người trẻ rất khó thu xếp một chuyến du lịch dài ngày. Theo số liệu nghiên cứu được công bố mới đây, 82,5% du khách trẻ (từ 15 đến 30 tuổi) chỉ chọn lên đường vào dịp nghỉ cuối tuần, lễ, Tết. Viện Nghiên cứu thanh niên, sau cuộc khảo sát về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định du lịch với 900 người trẻ năm 2022 đã đưa ra kết quả có 67,3% người tham gia cho rằng, điều kiện tài chính là yếu tố quyết định. Đang còn đi học hoặc mới đi làm, mức lương thường thấp, nhu cầu chi tiêu nhiều nên “một hành trình - hai điểm đến” kể trên đặc biệt hấp dẫn người trẻ.
Sau khi cân nhắc, chị Hoàng Thị Hà đã quyết định chọn tuyến thông quan tại cặp cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang, với chi phí trọn gói khoảng 15 triệu đồng cho cả bốn thành viên, vào dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày sắp tới. “Đúng là ngon - bổ - rẻ, quá hợp lý trong thời buổi khó khăn phải thắt chặt chi tiêu như hiện nay”, chị vui mừng cho biết.
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Việt Nam có khoảng 4.550km đường biên giới đất liền tiếp giáp với ba nước Trung Quốc - Lào - Campuchia, bao gồm 25 tỉnh biên giới trải dài từ bắc tới nam, với 42 cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính là nơi sở hữu nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú. Bởi thế, để tăng lượng khách quốc tế đến với Việt Nam thì hướng đi phát triển du lịch biên giới là đặc biệt hiệu quả.