RẠP CHIẾU CÓ CHÈN ÉP PHIM NỘI?

Ðầu tháng 5, Ðóa hoa mong manh nói lời tạm biệt công chúng, với doanh thu ít ỏi 428 triệu đồng sau ba tuần trụ rạp. Trong khi theo lời chia sẻ của đạo diễn Mai Thu Huyền, “phim cần cả trăm tỷ đồng mới có thể hòa vốn”. Số dự án điện ảnh nội địa thất bại về doanh thu hàng năm không ít, nhưng lý do “bị các cụm rạp chèn ép suất chiếu” mà nhà sản xuất này đưa ra đã khiến cáo buộc “gây bất bình đẳng trong khâu phát hành phim” từng tồn tại dai dẳng nhiều năm qua được hâm nóng trở lại.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong phim Đóa hoa mong manh - Nguồn: ĐPCC
Cảnh trong phim Đóa hoa mong manh - Nguồn: ĐPCC

Chuyện dài kỳ chưa có hồi kết

Đóa hoa mong manh không phải là tác phẩm điện ảnh duy nhất “ngã ngựa”, trên đường đua phát hành từ đầu năm đến giờ. Trà của đạo diễn Lê Hoàng lặng lẽ rời rạp sau vài ngày, với doanh thu chỉ 1,3 tỷ đồng. Đạo diễn Hoàng Tuấn Cường quyết định đưa Sáng đèn trở lại, vào thời điểm thích hợp khi đã có sự chuẩn bị chín muồi hơn nhưng cũng chỉ nhận về vài tỷ đồng doanh thu, sau lần tái xuất. Cả hai tác phẩm kể trên đều không đủ sức cạnh tranh, khi chọn công chiếu vào thời điểm mùa phim Tết 2024 (cùng Mai của Trấn Thành và Gặp lại chị bầu của đạo diễn Nhất Trung) nên chọn cách sớm rút lui là hợp lý.

Đó cũng là hướng đi mà Quý cô thừa kế 2 của đạo diễn Hoàng Duy đành chấp nhận, khi gồng gánh khoản lỗ hàng chục tỷ đồng, sau 20 ngày phát hành. Chiến binh mới nhất vừa lọt vào nhóm “bại trận” là B4S - Trước giờ “yêu”, với hơn 3,8 tỷ đồng doanh thu cho hơn nửa tháng trụ rạp. Thậm chí, đến trưa 3/5, phim chỉ bán được 4 vé cho ba suất chiếu trên cả nước. Như vậy, Đóa hoa mong manh không phải trường hợp hiếm gặp trong ngành công nghiệp điện ảnh, khi mà khoản tiền đầu tư luôn đồng nghĩa với tỉ lệ thắng - thua 50/50.

Trong những cái tên kém may mắn kể trên, chỉ duy nhất nữ đạo diễn Mai Thu Huyền có phản ứng khá gay gắt, khi cho rằng với một bộ phim thuộc thể loại âm nhạc - tâm lý gói trọn tâm huyết của cả ê-kíp, lại được quay hoàn toàn tại Mỹ và nhận tới 11 giải thưởng tại các LHPQT như Đóa hoa mong manh, con số doanh thu bết bát chỉ có thể vì một nguyên do duy nhất: bị các cụm rạp chèn ép suất chiếu. Khách quan mà nói, số suất chiếu của phim này rất khiêm tốn, so với một dự án nội địa mới công chiếu, lại đúng vào khoảng thời gian thấp điểm, khi không hề phải cạnh tranh với cả loạt đối thủ “nặng ký”. Ngay trong tuần đầu chỉ có khoảng 100 suất chiếu, mỗi rạp 1-2 suất vào khung giờ quá sớm hoặc quá muộn nên khán giả rất khó thu xếp đi xem. Nhưng ở chiều ngược lại, với số lượng phân bổ 400 suất mỗi ngày dịp cuối tuần, phim cũng chỉ bán được khoảng 2.000 vé đồng nghĩa với con số 5 vé trung bình/suất chiếu. Tuần cuối cùng, Đóa hoa mong manh còn bị cơn lốc Lật mặt 7: Một điều ước quét qua, với 4.300 - 4.700 suất chiếu mỗi ngày nên việc rời rạp là đương nhiên.

RẠP CHIẾU CÓ CHÈN ÉP PHIM NỘI? ảnh 1

Thất bại doanh thu của Đóa hoa mong manh được nhà sản xuất lý giải bị chèn ép suất chiếu - Nguồn: ĐPCC

Thực ra, nhà sản xuất này không phải là người đầu tiên và chắc chắn không phải người cuối cùng tỏ ra bức xúc về ứng xử được quy kết là bất bình đẳng của hệ thống rạp chiếu (do các doanh nghiệp Hàn Quốc Lotte, CGV chiếm tỉ trọng áp đảo) với dòng phim nội địa ngay trên sân nhà.

Năm 2016, đã từng có tới tám nhà sản xuất và phát hành phim trong nước đồng lòng gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền, với nội dung bị CGV - vốn sở hữu tới 40% cụm rạp (cineplex) trên cả nước chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu và hình thức chiếu phim tại rạp. Những cái tên đình đám như BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Early Rises, VAA, Saigon Media... đều chịu cảnh lép vế, khi “dựa vào tỷ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp, CGV đã và đang áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình. Trong khi phim Việt do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia 45/55 (CGV hưởng 55%) thì phim Việt do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại CGV, tỷ lệ vẫn giữ nguyên 45/55 (CGV hưởng 55% doanh thu trong tuần đầu, tỷ lệ hạ dần từ những tuần sau)”. Điều đó đồng nghĩa, đại gia phát hành này đang áp đặt điều kiện thương mại khác nhau trong giao dịch thương mại như nhau, gây bất bình đẳng và có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Không chỉ có vậy, xu hướng ưu tiên phim nước ngoài, đặc biệt phim do chính nước họ sản xuất với lượng suất chiếu cao hơn, vào khung giờ vàng lâu hơn mang tính chất “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường dẫn đến độc quyền chèn ép” cũng là một phần trong nội dung khiếu nại.

RẠP CHIẾU CÓ CHÈN ÉP PHIM NỘI? ảnh 2

Theo đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, hạn chế trong quá trình quảng bá khiến tác phẩm "Sáng đèn" chưa được đông đảo khán giả biết tới - Nguồn: ĐPCC

Lùi lại 6 năm trước nữa, CGV (lúc đó còn là Megastar) cũng đã từng trở thành “bị đơn” xoay quanh câu chuyện áp đặt suất chiếu, chỉ định phòng chiếu, buộc thuê phim kèm phim... Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng như Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Cục Điện ảnh, Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL)... dường như mới chỉ dừng lại ở giải quyết “phần ngọn”, khi hai bên nguyên và bị đơn cùng thống nhất một giải pháp trung dung. Nhưng căn cứ vào phản hồi của đại diện CGV, “đơn vị chiếu phim có số lượng cụm rạp và phòng chiếu cao hơn, giá vé cao hơn sẽ mang về lợi nhuận cao hơn cho nhà sản xuất, dù tỷ lệ phân chia có thể chênh lệch 5-10%”, câu hỏi về “lạm dụng vị trí thống lĩnh dẫn đến độc quyền chèn ép” vẫn chưa có lời giải đáp thấu đáo.

Chất lượng phim vẫn là yếu tố sống còn

Đã có nhiều bài viết dụng công mổ xẻ, phân tích nguyên do thất bại nhãn tiền của Đóa hoa mong manh. Nhưng tựu trung, chất lượng nghệ thuật, độ bùng nổ truyền thông và hiệu ứng khán giả sẽ là ba yếu tố quyết định khả năng đi đường dài của một bộ phim. Thông thường, nhà rạp sẽ xem trước và cân nhắc tiềm năng của dự án, trước khi sắp xếp lịch chiếu mở màn. Như ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Nội dung của CGV Việt Nam từng giải thích, “nhà rạp luôn có quy tắc xếp suất chiếu rõ ràng, dựa theo nhu cầu người xem thực tế từ suất chiếu sớm (early bird), doanh thu bán vé trước cũng là một cơ sở quan trọng. Sau khi phim chính thức công chiếu, dựa vào sức mua của khán giả, rạp sẽ tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp”. Từ đó, sẽ dễ hiểu tại sao Lật mặt 7 - Một điều ước nhanh chóng được tăng từ 4.300 đến 4.700 suất chiếu mỗi ngày, khi hiệu ứng rất tốt từ những suất chiếu sớm đã giúp tác phẩm đạt số lượng 105 nghìn vé đặt trước, cao nhất mọi thời. Tính tới hết ngày 15/5/2024, phim đã đạt doanh thu vô cùng ấn tượng, hơn 387 tỷ đồng.

RẠP CHIẾU CÓ CHÈN ÉP PHIM NỘI? ảnh 3

"Lật mặt 7- Một điều ước" được hệ thống rạp quyết định tăng suất chiếu ngay sau khi đật tới 105 nghìn vé đặt trước - Nguồn ĐPCC

Đó là lộ trình hợp lý, bởi không phải đánh giá ban đầu nào của các cụm rạp cũng chuẩn xác, bởi thị trường phim ảnh luôn là một bài toán hóc búa với ngay cả những nhà sản xuất - phát hành lão luyện. Nhiều cú lội ngược dòng ngoạn mục đã từng diễn ra, khi hiệu ứng truyền miệng hay đánh giá tốt từ một ứng dụng mạng xã hội uy tín nào đó cũng có thể khiến khán giả ùn ùn xếp hàng mua vé, khiến nhà rạp phải tăng cường số buổi chiếu, đổi từ rạp nhỏ sang rạp lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường như tác phẩm Đào, Phở và Piano mới đây. Nhiều người chắc chưa quên trường hợp Bẫy ngọt ngào, với số suất chiếu ban đầu chỉ bằng 1/3 so với tác phẩm Chuyện ma gần nhà. Nhưng phản hồi rất tốt từ thị trường sau đó một tuần đã giúp số buổi chiếu được nhà rạp tăng gấp ba, nhờ đó đạt tổng thu 83 tỷ đồng, không những hoàn được vốn mà còn có lãi.

Cũng có những bộ phim như Cái giá của hạnh phúc (đạo diễn Nguyễn Ngọc Lâm), được xếp vào nhóm trọng điểm khi ra mắt trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mới đây và thu về hơn 10 tỷ đồng trong ba ngày cuối tuần, với tổng cộng 4.100 suất chiếu. Với gương mặt Thái Hòa là “con dấu bảo chứng”, phim nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí số 1 xếp hạng phòng vé trong tuần đầu ra mắt. Nhưng chỉ sau những phản hồi trái chiều từ dư luận mà chủ yếu là chê bai nội dung, số suất chiếu đã lao dốc theo phương thẳng đứng, từ 2.000 suất trung bình xuống còn 427 suất vào ngày cuối tháng 4, doanh thu chốt ở mức hơn 26,3 tỷ đồng, có khoảng cách khá xa so với kỳ vọng ban đầu.

RẠP CHIẾU CÓ CHÈN ÉP PHIM NỘI? ảnh 4

"Lật mặt 7 - Một điều ước" vừa lọt Top 3 phim Việt ăn khách nhất mọi thời đại, nhờ vẫn giữ được sức hút sau hơn ba tuần trụ rạp - Nguồn ĐPCC.

Trong thực tế, dù có áp dụng theo tỷ lệ ăn chia nào thì nhà rạp cũng phải thuận theo quy luật điều phối của thị trường. Không cụm rạp nào ngớ ngẩn tới mức chèn ép suất chiếu một sản phẩm tốt, được ủng hộ mạnh mẽ vì phần lợi nhuận họ được hưởng luôn tỷ lệ thuận với chất lượng phim, với chiến dịch quảng bá hiệu quả và nội dung thỏa mãn gu thưởng thức của khán giả đại chúng.

Khi tác phẩm bị người xem quay lưng, ê kíp làm phim cũng cần bình tĩnh tự vấn, nhìn nhận những điểm yếu để khắc phục trong tương lai. Như đạo diễn Hoàng Tuấn Cường nhìn thấy hạn chế trong quá trình quảng bá khiến Sáng đèn chưa được nhiều người biết tới, hay đạo diễn Hoàng Duy hiểu Quý cô thừa kế 2 không hút khách vì chưa đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường.

Chuyện chèn ép vẫn có thể xảy ra đâu đó, trong một trường hợp cụ thể nào đó. Nhưng nói cho cùng, chất lượng tác phẩm vẫn là yếu tố sống còn. Chuyên chú vào sản phẩm của chính mình, phim hay thì sẽ có người xem, vé bán được thì cả nhà sản xuất lẫn đơn vị phát hành đều hưởng lợi.