Hướng đi bền vững cho sân khấu thực cảnh

Sau thành công bước đầu của “Tinh hoa Việt Nam” lung linh trên đảo ngọc Phú Quốc, “Ký ức Hội An” thắp sáng Phố Hội hằng đêm, “Vũ điệu trên mây” đậm dấu ấn Tây Bắc trên đỉnh Fansipan, “Chuyện tình Bản Giốc” lộng lẫy nhờ biến ngọn thác kỳ quan thành hậu cảnh và “Tinh hoa Bắc Bộ” là “chương trình nhất định phải xem” khi khám phá Hà Nội..., sân khấu thực cảnh nước nhà đã kịp có thêm “Dòng sông kể chuyện”, “Huyền tích U Va”...
0:00 / 0:00
0:00
Tinh hoa Bắc Bộ được kênh CNN bình chọn là “vở diễn nhất định phải xem khi đến Hà Nội”. Nguồn | tinhhoabacbo.hvcg.vn
Tinh hoa Bắc Bộ được kênh CNN bình chọn là “vở diễn nhất định phải xem khi đến Hà Nội”. Nguồn | tinhhoabacbo.hvcg.vn

Trăm hoa đua nở

Tất cả những cái tên kể trên đều là những vở diễn thực cảnh có quy mô hoành tráng, ứng dụng công nghệ đa phương tiện tiên tiến và hiện đại nhất, đều chuyển tải nội dung khơi nguồn và gạn lọc từ dòng chảy văn hóa - lịch sử mà cha ông bao đời gìn giữ và trao truyền. Và tất cả đều trở thành thỏi nam châm hút khách, được gửi gắm hy vọng sẽ trở thành những trải nghiệm khám phá đậm đặc sắc màu văn hóa bản địa mà du khách không thể bỏ qua.

Sân khấu thực cảnh là khái niệm lạ lẫm, chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam dăm bảy năm trước. Nhưng những show diễn quy mô mang tinh hoa văn hóa cùng bề dày lịch sử của miền đất và con người đã trở nên quen thuộc trên khắp thế giới từ lâu. Tới Hàn Quốc không thể bỏ qua The Queen’s Banquet, thăm Siem Riep (Cambodia) là phải thưởng thức Smile of Angkor, qua xứ sở Chùa Vàng Thailand đừng bỏ lỡ Siam Niramit. Và sang nước bạn Trung Quốc thì đừng quên mua vé xem Ấn tượng Lệ Giang nơi núi tuyết Ngọc Long, Tống Thành thiên cổ tình ở Hàng Châu hay Văn Thành công chúa ở Lhasa (Tây Tạng)...

Những show diễn này gói gọn cả dòng chảy lịch sử lẫn mạch nguồn văn hóa nghệ thuật truyền thống bằng một hình thức vừa sinh động và hấp dẫn chỉ trong thời lượng một vài tiếng đồng hồ, giúp đưa những tinh hoa bản nguyên, độc đáo của một vùng đất, một quốc gia đến với đông đảo du khách.

Đạo diễn Phạm Hoàng Nam, người dành tới 15 năm để nghiên cứu, học hỏi về loại hình mới mẻ này đã xếp Cinescenie của đạo diễn Pháp Philippe de Villiers là vở diễn thực cảnh đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới, khi ra đời từ năm 1978 và vẫn tiếp tục diễn đến tận hôm nay với quy mô ngày một lớn hơn. Cũng theo ông, đạo diễn Mai Soái Nguyên của Ký ức Hội An chính là cha đẻ của hình thức thực cảnh phong cách Trung Hoa (Chinese style fantasy landscape) mà sự ra đời của siêu phẩm Ấn tượng Lưu Tam Tỷ công diễn 20 năm trước với dấu ấn tài hoa của Trương Nghệ Mưu đã mở ra trang mới cho chuỗi sản phẩm đóng dấu Ấn tượng... vô cùng thành công sau này.

Hướng đi bền vững cho sân khấu thực cảnh ảnh 1

Vở diễn thực cảnh "Văn Thành công chúa" với quy mô hoành tráng tại Lhasa (Tây Tạng, Trung Quốc) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã trở thành điểm nhấn không thể bỏ qua của mọi du khách

Đó là còn chưa kể tới hiệu ứng tích cực kích thích phát triển mô hình kinh tế đêm tại các điểm đến, khi khoảng trống buổi tối được lấp đầy bằng một chương trình giải trí giàu ý nghĩa nhân văn, khi giá trị gia tăng mà nó mang lại giúp định vị thương hiệu quần thể nghỉ dưỡng - vui chơi và giải trí đẳng cấp ở tầm khu vực và thế giới. Ngoài những vở diễn đậm đặc hồn cốt văn hóa Việt kể trên, chúng ta đang có Tata Show lộng lẫy nơi thành phố biển Nha Trang hay Vũ hội Ánh Dương rực rỡ sắc màu trên đỉnh Bà Nà, như The Grand Voyage kỳ ảo trên sân khấu thuyền tại một khu đô thị phía Đông Hà Nội hay Sắc màu Venice náo nhiệt Hồ Tình yêu, Once thắp sáng quảng trường Phượng Hoàng lửa tại Phú Quốc...

Với mong muốn mang lại cho du khách trong và ngoài nước bầu không khí lễ hội tưng bừng, sáng tạo những sản phẩm văn hóa giải trí đã mắt đã tai, những vở diễn thực cảnh có vẻ như đang trở thành trào lưu mang tính thời thượng trong thời gian gần đây.

Những cuộc chơi mạo hiểm và tốn kém

Quy tụ những tên tuổi đạo diễn hàng đầu như Phạm Hoàng Nam (Vũ điệu trên mây, Vũ điệu Ánh dương), Việt Tú (Tata Show, Tinh hoa Việt Nam), Mai Soái Nguyên (Ký ức Hội An), Hoàng Nhật Nam (Tinh hoa Bắc Bộ), Hoàng Công Trường (Chuyện tình Bản Giốc), Dương Mai Việt Anh (The Grand Voyage), Lê Hải Yến (Dòng sông kể chuyện)... đây cũng là những sản phẩm du lịch đắt đỏ, với khoản tiền đầu tư lên tới nhiều tỷ đồng hay cả chục triệu USD cho mỗi show. Như Once tiêu tốn 12 triệu USD, Ký ức Hội An cũng “ngốn” tới 10 triệu USD...

Để nhận về những lời khen “mãn nhãn” và “choáng ngợp” từ khán giả, những công nghệ biểu diễn tối tân, hiện đại nhất trên thế giới đã được sử dụng; những sân khấu thực cảnh được tọa lạc trên cạn, trên mặt nước có diện tích khổng lồ; những dàn diễn viên (hầu hết là nghiệp dư, không chuyên) lên tới vài trăm người được huy động và những sàn diễn với cả trăm tấn thiết bị phải lắp đặt, vận hành hoàn hảo.

Có thể kể tới sân khấu 25 nghìn m2 với 500 diễn viên của Ký ức Hội An, hay Tinh hoa Việt Nam với 300 diễn viên biểu diễn trên sàn diễn 11 nghìn m2 trong không gian Thăng Long cổ thành với mái đình, lũy tre, cổng làng... được phục cổ nguyên bản. Tata Show, The Grand Voyage có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ 3D Mapping, Tinh hoa Bắc Bộ kiến tạo một sân khấu với hơn 600 thiết bị âm thanh và ánh sáng, trên mặt hồ rộng 4.300 m2 và biến 200 nông dân thành linh hồn của vở diễn. Tre, nứa, trúc là đạo cụ chủ đạo của Vũ điệu trên mây và ngôn ngữ múa đương đại cùng kỹ thuật múa Duo đặc sắc làm bừng nở sức sống cho đỉnh thiêng Fansipan. Dòng sông kể chuyện hội tụ 600 diễn viên trên mặt sông Sài Gòn đong đầy hoài niệm. Mới nhất là Huyền tích U Va vừa ra mắt trong Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024. Lấy bản nhỏ U Va, xã Noong Luống làm phông nền, sự tích quả bầu cùng truyền thuyết khăn piêu được rất đông nghệ nhân dân gian cùng người dân địa phương kể lại hấp dẫn, với mong muốn trở thành sản phẩm du lịch đầy ấn tượng của tỉnh Điện Biên trong thời gian tới.

Tuy nhiên, với khoản đầu tư ban đầu quá lớn, show thực cảnh vẫn là một cuộc chơi mạo hiểm và hàm chứa khá nhiều rủi ro, ngay cả với những tập đoàn lớn như Tuần Châu, Vin Group, Sun Group... Giá vé dao động từ vài trăm nghìn tới cả triệu đồng không phải mức chi tiêu vừa vặn với số đông. Và nếu không duy trì được sức hấp dẫn để kéo dài vòng đời của vở diễn ít ra là chục năm, nhà đầu tư cầm chắc thua lỗ.

Hướng đi bền vững cho sân khấu thực cảnh ảnh 2

Tinh hoa Việt Nam lung linh thắp sáng đảo ngọc Phú Quốc. Nguồn | VinGroup

Hướng đi cần được khuyến khích

Gần đây, thay vì đơn thuần chọn hướng khai thác, tận thu những lợi thế được thiên nhiên hào phóng ban tặng, nhiều nhà đầu tư trong nước đã dốc sức xây dựng những chương trình hoành tráng để tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt. Lấy văn hóa-lịch sử làm điểm khởi đầu, biến giá trị nhân văn này trở thành sợi dây xuyên suốt thời lượng vở diễn là nỗ lực cần được trân trọng.

Ngoài số lượng lớn khán giả được thưởng thức trực tiếp, các vở diễn kể trên đã được nhiều tổ chức uy tín trong nước và quốc tế vinh danh. Điều đó cho thấy, show thực cảnh chất lượng sẽ trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa hiệu quả trên lộ trình định vị công nghiệp văn hóa, như một hướng phát triển bền vững cần được khuyến khích và ưu tiên.

Hướng đi này cũng phù hợp với nội dung mà Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đề ra, khi xác định rõ “tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của từng điểm đến”. Trong đó nhấn mạnh “chú trọng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử truyền thống của dân tộc để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh và góp phần tạo dựng thương hiệu nổi bật của du lịch Việt Nam với bè bạn quốc tế”.

Nhưng để có thể đi xa, theo đạo diễn Phạm Hoàng Nam, “Thực cảnh là giải pháp hữu hiệu cho ngành du lịch, nếu biết khai thác đúng và hiệu quả. Không chỉ là cuộc chơi giải trí hay văn hóa thuần túy, nó cần một tầm nhìn dài hạn cấp quốc gia qua sự kết hợp giữa quản lý văn hóa - nhà đầu tư và đội ngũ sáng tạo. Thực cảnh đúng nghĩa là cuộc chơi tốn kém, không thể chỉ làm một lần rồi bỏ. Vở diễn phải được bán vé hằng ngày tại một địa điểm, cần dựa vào nhân lực và vật lực địa phương. Chủ đề nên tập trung vào câu chuyện và tính bản địa của văn hóa và thiên nhiên nơi diễn ra, không nên ôm đồm nhiều lát cắt văn hóa vào trong một vở cũng như mang tinh hoa nơi này sang một địa phương khác. Cuộc chơi sáng tạo cần sự đồng sáng tạo của một tập thể tinh nhuệ và ăn ý. Kinh nghiệm và thể nghiệm, truyền thống và hiện đại, công nghệ và thủ công được phối trộn hài hòa sẽ tạo nên thành công”.

Hướng đi bền vững cho sân khấu thực cảnh ảnh 3

"Ký ức Hội An" được hãng thông tấn Reuters ca ngợi là "Show diễn đẹp nhất thế giới" - Nguồn: Hoianpark.com