NSND Phạm Thị Thành:

Người tiếp lửa sân khấu

NDO - Thời gian mới đấy đã qua vài kỳ liên hoan hội diễn sân khấu. Những năm dài của thập niên đầu tiên thế kỷ 21, các nhà hát ở Hà Nội rộn ràng ra mắt vở diễn mới, thường thấy NSND Phạm Thị Thành xuất hiện, chung vui cùng các đồng nghiệp trẻ. Ở vào cái tuổi hưu trí, đã thôi đảm đương các chức vụ, NSND Phạm Thị Thành vẫn không xa rời sân khấu. Bà vẫn dựng vở, vẫn miệt mài với các hoạt động nghệ thuật, vẫn say sưa với cách tân, thử nghiệm, với niềm đam mê đã đeo đẳng từ khi còn là cô gái nhỏ ở chiến khu Việt Bắc. Niềm đam mê bất tận ấy chỉ tạm ngưng lại lúc bị ngáng trở bởi tuổi tác, bệnh tật...
0:00 / 0:00
0:00
NSND Phạm Thị Thành
NSND Phạm Thị Thành

Thời gian mới đấy đã qua vài kỳ liên hoan hội diễn sân khấu. Những năm dài của thập niên đầu tiên thế kỷ 21, các nhà hát ở Hà Nội rộn ràng ra mắt vở diễn mới, thường thấy NSND Phạm Thị Thành xuất hiện, chung vui cùng các đồng nghiệp trẻ. Ở vào cái tuổi hưu trí, đã thôi đảm đương các chức vụ, NSND Phạm Thị Thành vẫn không xa rời sân khấu.

Bà vẫn dựng vở, vẫn miệt mài với các hoạt động nghệ thuật, vẫn say sưa với cách tân, thử nghiệm, với niềm đam mê đã đeo đẳng từ khi còn là cô gái nhỏ ở chiến khu Việt Bắc. Niềm đam mê bất tận ấy chỉ tạm ngưng lại lúc bị ngáng trở bởi tuổi tác, bệnh tật...

Một dạo, dễ bắt gặp NSND Phạm Thị Thành ngồi trầm tư trên các hàng ghế đầu ở khán phóng Nhà hát Tuổi trẻ. Mái tóc ngắn cố hữu, cặp kính cận thường trực, khuôn miệng tươi rất hay cười, thi thoảng lại thấy bà tự cắt ngang những luồng suy nghĩ riêng mình bằng động tác châm thuốc rồi nhả khói.

Nguyên dàn học trò, những nghệ sĩ danh tiếng xúm xít chung quanh, khung cảnh y như cái ngày đầu tiên, đạo diễn Phạm Thị Thành vừa mới học ở Liên xô về nước, xắn tay cùng nghệ sĩ Hà Nhân lo liệu đủ thủ tục để thành lập nên nhà hát dành riêng cho thanh thiếu niên mang tên Tuổi trẻ. Cũng lứa diễn viên đầu tiên - Khóa 1 Nhà hát Tuổi trẻ - do chính hai người đàn bà tháo vát Phạm Thị Thành - Hà Nhân tuyển chọn, tham gia đào tạo, hướng nghiệp, truyền cho tình yêu nghề đã trở thành những tên tuổi sáng giá của sân khấu kịch.

Người tiếp lửa sân khấu ảnh 1

NSND Phạm Thị Thành và Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ

Bà Hà Nhân làm Giám đốc, Phạm Thị Thành - Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn - đã thành chỗ dựa cho những NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSND Anh Tú, NSND Ngọc Huyền, NSƯT Chí Trung... và nhiều gương mặt khác tỏa sáng. Họ đều là “học trò cô Thành”, luôn nhắc nhớ “cô Thành” với tình cảm đặc biệt nhất.

Bước khởi đầu của NSND Phạm Thị Thành ở Nhà hát Tuổi trẻ còn là cơ duyên, làm nên sàn diễn cho sự xuất hiện, tỏa sáng của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Sống mãi tuổi 17 về anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng, Lưu Quang Vũ được Phạm Thị Thành tìm đến đặt hàng, lúc nhà thơ tài hoa làm phóng viên Tạp chí Sân khấu, còn đang rất lận đận cả đường đời đường sự nghiệp.

Muốn tìm kịch bản cho lứa diễn viên vừa ra ràng, Phạm Thị Thành đã loay hoay đủ cách. Cuối cùng, được NSND - họa sĩ Phùng Huy Bính giới thiệu Lưu Quang Vũ, Phạm Thị Thành đã chính thức ngỏ lời, đề nghị thi sĩ viết một kịch bản thật trẻ, thật tươi mới hấp dẫn như tinh thần cái tên Nhà hát đang gánh trọng trách. Không cần 20 ngày như thỏa thuận ban đầu, chỉ sau hai tuần, nhà thơ Lưu Quang Vũ đã nộp kịch bản.

Buổi đọc kịch đầu tiên, Phạm Thị Thành đã choáng ngợp “hay quá”, tư duy nhạy bén của một đạo diễn năng động khiến bà lập tức nhận ra trữ lượng tài nguyên hiếm có của tác giả đã đi qua nhiều khúc quanh số phận. Sống mãi tuổi 17 ra mắt thành công, không chỉ giới thiệu một lứa diễn viên thanh sắc đủ đầy, mà còn dựng viên gạch nền móng cho cặp đôi tác giả-đạo diễn luôn được xưng tụng như “cặp bài trùng” của sân khấu: nhà viết kịch Lưu Quang Vũ-đạo diễn Phạm Thị Thành.

Mở hàng may mắn với Sống mãi tuổi 17, bước chạy đà hanh thông, đạo diễn Phạm Thị Thành tiếp tục đặt hàng Lưu Quang Vũ những kịch bản mới. Một loạt dấu ấn gắn với cặp đôi Lưu Quang Vũ - Phạm Thị Thành trình làng, chung tay làm nên đời sống sân khấu sôi động ở Hà Nội và nhiều địa phương cả nước trong thập niên 80, thế kỷ 20. Mùa hạ cuối cùng, Trái tim trong trắng, Ông vua hóa hổ, Người tốt nhà số 5, Nếu anh không đốt lửa..., tính tới cả thập niên 90 (thế kỷ 20) và những năm đầu thế kỷ 21, Phạm Thị Thành đã dàn dựng chừng 25 kịch bản của Lưu Quang Vũ - một con số mà chưa đạo diễn nào theo kịp.

Nhưng Phạm Thị Thành không chỉ gắn bó với Lưu Quang Vũ, chất chính luận sắc bén luôn được diễn giải qua một cách nhìn hài ước, y như chân dung ngoài cuộc sống của bà - luôn hiện diện với nụ cười mủm mỉm - còn rất hợp với tư duy kịch Xuân Trình, nhất là trong giai đoạn đất nước chuẩn bị bước vào thời kỳ mở cửa.

Năm 1985, Hội diễn sân khấu toàn quốc tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 10 năm ngày thống nhất đất nước, Phạm Thị Thành nhận lời với Đoàn kịch nói Hà Nam Ninh, đưa kịch bản Mùa hè ở biển của Xuân Trình lên sân khấu.

Bất chấp những định kiến máy móc cũng như thói quen suy diễn của một thời tác động tiêu cực tới không gian sáng tạo của các nghệ sĩ, đạo diễn Phạm Thị Thành-tác giả Xuân Trình và tập thể nghệ sĩ Đoàn kịch Hà Nam Ninh, được sự cảm thông, thấu hiểu chia sẻ của các cán bộ lãnh đạo địa phương thời điểm ấy - đã làm nên vở diễn nóng hổi tính thời sự, nhắm thẳng vào tệ quan liêu, giáo điều, cửa quyền đang gây bức xúc xã hội.

Mùa hè ở biển giành Huy chương vàng Hội diễn kỳ đó, và phấn khích hơn nữa, vở diễn nhận được sự ủng hộ hết mình của công chúng phương nam - một sự tưởng thưởng xứng đáng cho những nghệ sĩ dám dấn thân, chấp nhận đương đầu để thực hiện phận sự của mình...

Trong lịch sử sân khấu Việt Nam đương đại, NSND Phạm Thị Thành luôn được ghi danh như một đạo diễn có bề dày thành tích bậc nhất. Sau nhiều năm lăn lộn cùng Nhà hát Tuổi trẻ, bà lãnh thêm trọng trách Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Người tiếp lửa sân khấu ảnh 2

Cảnh trong vở Mùa hè ở biển của Đoàn kịch Hà Nam Ninh

Thẩm quyền của một người làm quản lý, kiến thức của một người được đào tạo bài bản ở nước ngoài cộng với kinh nghiệm tích lũy được từ các nhà hát, đoàn nghệ thuật... đã giúp Phạm Thị Thành thúc đẩy tiến trình mở cửa sân khấu, đưa sân khấu Việt Nam hội nhập, giao lưu quốc tế. Càng đi qua nhiều năm tháng, bà dường như càng hoạt động miệt mài hơn.

Ngoài kịch, bà còn tham gia dàn dựng lễ hội, mà nhiều trong đó là các lễ hội có quy mô quốc gia. Người đàn bà nhỏ bé, tiểu thư con quan nhà Nguyễn Phạm Khắc Hòe, theo cha lên chiến khu Việt Bắc, được các bác, các chú bạn của cha giới thiệu vào Đoàn văn công Nhân dân trung ương học nghề và đắm trong môi trường nghệ thuật từ đó. Được đích thân các bậc thầy: Nhà thơ Thế Lữ, NSND Song Kim, NSND Đào Mộng Long... rèn giũa, tiểu thư bé nhỏ vững vàng từng ngày.

Mê vì tiếng mến vì tài, cô gái 18 ngày đó phải lòng chàng kép hào hoa Đào Mộng Long, bất chấp việc chênh lệch 20 tuổi đời. Phạm Thị Thành và Đào Mộng Long kết duyên vợ chồng. Trong tiềm thức của bà mà thực ra trong con mắt nhà nghề của một đạo diễn: “Đào Mộng Long là một diễn viên xuất chúng. Ông thuộc tuýp những diễn viên đã bước ra sân khấu, là khán giả chỉ còn biết đến nhân vật, dù đó là nhân vật nào”.

Ông cũng là nhân tố bồi đắp thêm tình yêu sân khấu trong chính Phạm Thị Thành. Rất tiếc mối tình đẹp một thời không đi được đến cuối con đường, cũng một phần vì Phạm Thị Thành tự nhận, bà quá say mê công việc...

Sinh năm 1941, ngoài tuổi 80, NSND Phạm Thị Thành không còn đủ sức để tới với các liên hoan, hội diễn sân khấu dài ngày, cũng không còn nhiều dịp xuất hiện ở những hàng ghế đầu trong các buổi công diễn vở mới. Dẫu vậy, dấu ấn của bà, tinh thần của bà vẫn tiếp nối mỗi ngày, trong các đồng nghiệp học trò, và cả học trò của những học trò, những người tiếp tục “đốt lửa” trên sân khấu...