Giám đốc Công ty bảo tồn Di sản văn hóa Nguyễn Văn Mạc:

“Một đầu tư quá hiệu quả cho văn hóa”

NDO - “Quá choáng ngợp, quá sinh động” là cảm giác thường trực của nhiều người được chiêm ngưỡng bức tranh tròn panorama “Chiến dịch Ðiện Biên Phủ”, choán hầu như toàn bộ không gian chính của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, ở một thành phố còn lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử anh hùng... Dành xấp xỉ 10 năm chuẩn bị và trực tiếp thi công, cho tới khi công trình khánh thành, đưa vào phục vụ, nhận được sự chào đón, hưởng ứng tích cực từ công chúng cả trong, ngoài giới nghệ thuật lẫn ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Mạc - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bảo tồn di sản văn hóa - đơn vị chủ trì xây dựng ý tưởng và thực hiện bức tranh cho rằng mình đã có được tác phẩm lớn nhất cuộc đời:
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Văn Mạc
Ông Nguyễn Văn Mạc

Từ khi ra mắt công chúng, bức tranh tròn panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” đã trở thành điểm nhấn quan trọng thu hút du khách đến với thành phố Điện Biên. Ông biết những chuyện này chứ?

Tôi vẫn thường xuyên lên Điện Biên, tới Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, vừa như một người góp phần tạo dựng nên tác phẩm tới kiểm tra, giám sát, chăm sóc đứa con tinh thần của mình, phát hiện xem có chỗ nào cần bảo dưỡng, sửa chữa để kịp thời can thiệp lại vừa muốn quan sát thái độ của khách tham quan khi xem tranh.

Tôi nhiều lần xúc động, thậm chí chứng kiến rất nhiều lần mà vẫn giữ nguyên được sự xúc động, bởi nhận thấy hầu hết du khách đều vô cùng thích thú. Họ phần lớn là khách ở các địa phương trên cả nước về, mua vé vào bảo tàng và vô cùng phấn khích, ngạc nhiên khi xem tranh. Có những đoàn du khách ở Thành phố Hồ Chí Minh, bay ra Hà Nội, bay lên Điện Biên ngắm tranh, chụp ảnh rồi rối rít điện thoại cho người thân ở nhà khoe.

“Một đầu tư quá hiệu quả cho văn hóa” ảnh 1

Một trường đoạn của bức tranh tròn panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhiều du khách chia sẻ với tôi, họ đã được học một bài học lịch sử cực kỳ trực quan sống động, hấp dẫn và dễ hiểu hơn nhiều các bài giảng khác. Tôi tự thấy rằng, tình cảm mà người dân dành cho bức tranh xuất phát từ niềm tự hào với thắng lợi hào hùng trong lịch sử chiến tranh giữ nước của các lớp cha anh đi trước. Bây giờ câu chuyện lịch sử ấy được tái hiện chân thực qua một tác phẩm nghệ thuật mang lại những trải nghiệm có thể nói là chưa từng có.

Duyên cớ nào đưa ông tới với Điện Biên?

Cũng không có gì là tự dưng cả. Tôi được biết, ngay khi khởi công xây dựng Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, những người có trách nhiệm ở địa phương đã nung nấu ý tưởng thực hiện một bức tranh tròn panorama tái hiện lại chiến thắng “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Từ lúc có thông tin, chúng tôi đã về thực địa tìm hiểu chi tiết và bắt tay vào chuẩn bị. Ngay lúc đó, chúng tôi đã có dự định nghiêm túc muốn tham gia vào công trình nghệ thuật lịch sử nhiều ý nghĩa này.

Thật ra địa phương đã mời rất nhiều người, cả các chuyên gia nước ngoài, nhất là những chuyên gia đến từ nước Nga - một cường quốc về tranh tròn panorama, tới để tham quan nghiên cứu nhưng không đạt được thỏa thuận. Người nước ngoài sao làm được, họ không thấm đẫm được lịch sử của nước mình, không hiểu được từ mầu đất, từ không gian, thời gian...

Trong nước cũng không nhiều cá nhân, đơn vị mặn mà vì tạo dựng tranh tròn panorama rất khó, thế giới không có nhiều, không phải quốc gia nào cũng quan tâm và cũng làm được. Với niềm tự hào về Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi lao vào cuộc với tất cả sức mình.

Chúng tôi thực hiện một bức phác thảo lớn, tốn kém tới vài tỷ đồng mà chưa chắc đã được duyệt, vì chủ đầu tư họ có đặt mình đâu. Chúng tôi làm trước hết vì thích, vì hiểu được tầm quan trọng của bức tranh trong tổng thể bảo tàng. Đấy chính là linh hồn của bảo tàng.

“Một đầu tư quá hiệu quả cho văn hóa” ảnh 2

Du khách chiêm ngưỡng bức tranh tròn panorama

Làm cũng vì muốn tri ân với quá khứ, với những chiến sĩ Điện Biên, những người dân công và tất cả những người đã đóng góp xương máu của mình, thanh xuân của mình... để làm nên một kỳ tích vẻ vang, tác động tích cực và thay đổi hẳn cục diện thế giới vào thời điểm đó.

Ông không đặt ra tình huống, phác thảo của ông sẽ không được duyệt sao?

Chúng tôi chuẩn bị bằng rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc. Hàng trăm chuyến đi thực tế, gặp gỡ hàng nghìn nhân chứng, nghiên cứu lục tìm hàng chục nghìn hiện vật và sưu tầm tư liệu, vật chứng mới cho ra được phác thảo.

Hàng trăm người xúm vào, ngược xuôi Hà Nội - Điện Biên trong bằng đấy năm trời. Khi hoàn thành phác thảo thứ hai, tôi đã nghĩ, nếu Điện Biên không duyệt, tôi sẽ dành cho Bảo tàng Lịch sử quân sự. Nếu họ cũng từ chối, thì tôi mang về nhà làm kỷ niệm.

Chúng tôi mất 6 năm chuẩn bị, 3 năm thi công mới hoàn thành công trình. Vất vả vô cùng vì thi công đúng vào mùa dịch Covid-19. Các họa sĩ trẻ của chúng tôi vô cùng hào hứng, phấn khích, làm việc với quyết tâm cao độ, đúng tinh thần xả thân của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, từ trải nghiệm của tôi, không gì hữu ích bằng cách, để chính những người trẻ trực tiếp tham gia vào các công việc gắn liền với lịch sử, văn hóa, với quá khứ oanh liệt, hào hùng trong quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc mình.

Hiệu ứng tích cực của bức tranh có tác động tới việc đầu tư công cho các công trình, tác phẩm văn hóa không, theo ông?

Đúng là ngay từ lúc duyệt phác thảo, các thành viên Hội đồng duyệt đã rất tâm đắc, ủng hộ. Khi bức tranh hoàn thành, các thành viên đó cũng nhất trí cho rằng chúng ta đã có một công trình nghệ thuật đặc biệt.

Mấy năm qua, nhất là dịp chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ, tôi nhận thấy người dân vẫn tìm về Điện Biên và chiêm ngưỡng bức tranh. Quả thực đây là một sản phẩm đang rất hấp dẫn của du lịch Điện Biên, trong tương quan kết nối với các di tích chiến trường xưa.

“Một đầu tư quá hiệu quả cho văn hóa” ảnh 3

Hình ảnh những đoàn xe thồ chuyên chở hàng lên chiến trường Điện Biên Phủ được thể hiện rất sinh động

Chúng ta nói nhiều về công nghiệp văn hóa, về việc dùng sản phẩm văn hóa để quảng bá cho hình ảnh đất nước và tạo ra các giá trị gia tăng. Công trình mỹ thuật này chính là minh chứng điển hình về thành quả của công nghiệp văn hóa, một sự đầu tư văn hóa quá hiệu quả, rất xứng đáng để được ủng hộ, khích lệ, nhân rộng.

Vậy ông và đơn vị của ông còn tham gia thực hiện những công trình nào khác nữa?

Nhiều chứ, mà tiêu biểu là tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên ở Gia Lai, tượng đài Bác Hồ trong khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân ở Bắc Giang, Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành ở Quy Nhơn..., toàn các công trình đã có dấu ấn trong đời sống của nhân dân...

Trân trọng cảm ơn ông!

Bức tranh tròn panorama có đường kính 42m, bao trùm cả kiến trúc hình trụ của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ. Bức tranh có diện tích hơn 3.200m2, cao 20,5m, dài 132m, thể hiện hơn 4.500 nhân vật, trong đó có những nhân vật kích thước bằng người thật. Nội dung bức tranh được chia thành 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận, Khúc dạo đầu hùng tráng, Cuộc đối đầu lịch sử và Khúc khải hoàn. Công trình là một tổng thể của nghệ thuật hội họa, điêu khắc, sắp đặt, ánh sáng, âm nhạc...

Công trình Bức tranh tròn panorama Chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã giành được Giải đặc biệt trong cuộc vận động Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2023; Giải Xuất sắc Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2022; Giải Nhất Giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022.