Một thể nghiệm về bản ngã của Ðoàn Văn Tới

Nối tiếp triển lãm “Gate Gate” lần đầu ra mắt công chúng vào tháng 11/2022, ngày 14/4/2024 tại không gian Indochine House 32A Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội, họa sĩ trẻ Ðoàn Văn Tới trưng bày triển lãm cá nhân thứ hai của anh mang tên “Karaoke Karaoke”. Vẫn khai thác chất liệu lụa, song ở lần trưng bày này anh đã có thể nghiệm mới, thể hiện chiều sâu tư duy trong thực hành nghệ thuật của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Sương mờ, 104x78 cm, 2024, lụa, vải, chỉ thêu, mầu nước.
Sương mờ, 104x78 cm, 2024, lụa, vải, chỉ thêu, mầu nước.

1. Lấy tên “Karaoke Karaoke” để đặt cho một triển lãm tranh thật dễ khiến nhiều người lầm tưởng hoặc khó hiểu. Bởi phòng tranh không phải là phòng hát và các bức tranh không phải là các bài hát được tùy chọn ngẫu hứng hiện ra. Triển lãm cũng không có gì giống như một sự tưởng niệm người sáng tạo ra karaoke - dù ông Shigeichi Negishi cha đẻ của công nghệ này mới qua đời ở Nhật hồi tháng 1 năm nay. Nhưng nếu hiểu nguyên lý “đúng lúc” (không nhanh, không chậm) như khi ta bắt đầu hát một bài hát, việc thưởng lãm các bức tranh sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Nếu như “Gate Gate” lấy nguồn cảm hứng từ những người tắm trên sông Hồng và đời sống Phật giáo, dựng lên một khung cảnh con người bản nguyên trước thiên nhiên tĩnh lặng chảy trôi thì ở “Karaoke Karaoke”, ý niệm về sự hữu hạn tiếp tục được thể hiện nhưng ở mức độ sâu sắc hơn. Với hai dạng thức chính: các màn hình điểm (pixel) và hình ảnh giả hợp (thiên nhiên, chân dung gia đình), ranh giới của vạn vật gần như xóa mờ trong không thời gian. Ở đó mỗi sự hữu hạn đều chứa cái vô cùng, nằm trong vô cùng, liên kết mật thiết với nhau tạo thành không gian thường hằng.

Về bản chất, hai dạng thức biểu hiện không có sự khác nhau, theo họa sĩ Đoàn Văn Tới. Trong cái nhìn tổng thể, cũng không phân biệt sự tan rã với hình thành: con người hay con thú, tảng đá hay cội cây, dòng sông hay khu rừng… Hươu đang chạy, thiên nga đang bơi, hoa đang nở, cây đầy trái chín nẫu, xương cốt đứng kia, bóng người thấp thoáng... Tất cả đều tan hợp: tan cũng lại hợp, mà hợp cũng lại tan, tạo nên vòng tuần hoàn bất biến. Nền lụa (bên trên) và nền vải (bên dưới) tương giao với nhau, phản chiếu nhau, cấu thành bức tranh 2 lớp, như âm-dương, sinh-diệt.

Với các tranh dạng màn hình điểm (pixel), hình ảnh luôn kèm dòng chữ “chạy ngang” phía dưới: có thể là một từ Phật học, một câu hát hay một câu thơ Thiền thêu lên nền lụa. Còn các tranh chứa hình ảnh giả hợp, dòng chữ đính kèm là lời kinh được trích ra thêu trên mặt vải, cũng có khi lời không hiện ra.

Việc kết hợp hình ảnh và ngôn từ làm người xem đặt câu hỏi, rằng ý nghĩa thực sự của việc thêm phần lời như một yếu tố hình thức trong tranh hay là sự giải thích tranh? Một tác phẩm nghệ thuật thị giác đặc sắc chỉ cần hình thức tự thân là đủ, hay bên cạnh tính thẩm mĩ cũng thể hiện cả ý niệm (concept) của tác giả? Suy cho cùng, các câu hỏi đặt ra lại quay trở về hai yếu tố cơ bản là nội dung và hình thức của tác phẩm. Đây là hai yếu tố luôn luôn song hành cùng nhau, không tách rời nhau, bao hàm nhau.

2. So với “Gate Gate”, “Karaoke Karaoke” tiết chế hơn trong việc vẽ mà đẩy sâu vào việc sử dụng họa tiết, các mũi khâu, mũi thêu. Lớp lụa được nhuộm mầu viền chung quanh hoặc nhuộm một phần (trên hoặc dưới tranh), trên đó họa sĩ chỉ còn vẽ hình mặt trăng, mặt trời. Các họa tiết đính kèm hoặc các chi tiết thêu, thay vì hiện lên thấp thoáng ở những vị trí nhất định như triển lãm lần trước thì lần này được dàn đều hầu khắp mặt vải.

Việc ưu tiên các thao tác thủ công cắt, khâu, thêu những hình ảnh phổ biến, quen thuộc của đời sống hằng ngày là cách họa sĩ muốn tác phẩm của mình trở nên gần gũi. Rằng cái đẹp không quá khó để có được và nó có thể tạo ra từ những vật liệu không quá kén chọn cầu kỳ.

Một thể nghiệm về bản ngã của Ðoàn Văn Tới ảnh 1

Tâm từ vô lượng 2, 90x180 cm, 2024, lụa, vải, chỉ thêu, mầu nước.

Khi cắt ghép các chi tiết với thao tác đính, khâu trên nền vải, hình ảnh giả hợp hiện ra: tấm da, bộ xương (người hoặc thú), cội cây. Núi vẫn đây, sông vẫn đây, mặt trời vẫn chiếu sáng, lá vẫn xanh, quả vẫn chín, buồm ra khơi... không có gì thay đổi. Nhưng nếu ta ngừng “tái tạo” hình ảnh trong tâm trí, thì “xương tan”, “trái rữa”, các điểm pixel lại có thể tan biến. Cũng như các dòng chữ thêu lên mặt lụa lúc nổi lên, lúc sáng, tối, hoặc biến mất như quy luật của sự vận hành vạn vật.

Cách ứng biến với lụa khác với tranh lụa thông thường, tạo cho người xem một khả năng khác khi tiếp cận một tác phẩm nghệ thuật thị giác. Các giác quan được huy động khi đứng trước một vùng thiên nhiên, cảnh vật đan cài mở ra trước mắt nhưng vẫn đủ độ bao quát, tĩnh tâm mà không thấy hỗn loạn hay tản mạn. Không gian thưởng lãm bức tranh được mở rộng ra mà vẫn không xa rời ý nghĩa hướng tới cái đẹp, khiến tác phẩm trở nên không có khoảng cách.

3. Nghệ thuật hiện đại vốn đề cao cái tôi của người sáng tạo. Người nghệ sĩ thường trăn trở “tìm cách biểu hiện mình” sao cho thật riêng biệt, độc đáo, không giống với bất kỳ ai. Những cảm xúc mãnh liệt yêu, ghét, say mê... rất dễ trở thành nguồn cơn để họ bộc lộ ra thành tác phẩm, thành dấu ấn riêng, thể hiện bản ngã, tạo sức hút truyền cảm lôi cuốn người xem.

Ở “Gate Gate” hay “Karaoke Karaoke”, Đoàn Văn Tới không hướng tới biểu lộ cảm xúc cá nhân thông thường, mà cảm xúc được điều hòa bởi tâm trí với một nhãn quan rộng mở. Không định làm nổi bật mình, bày ra một tuyên ngôn to tát, mà họa sĩ dường như hòa vào với khung cảnh không gian của bức tranh, như một phần trong nó để chứng nghiệm. Đôi khi anh là một đám mây, một cánh chim, một gương mặt thấp thoáng trong tấm ảnh gia đình. Đôi khi là con rắn, là hòn đá, là bộ xương. Đôi khi họa sĩ thấy mình cũng chỉ là một chấm điểm mơ hồ trong vô số điểm pixel hiện lên...

Việc “xa rời” bản ngã tưởng như rất có hại cho sáng tạo nghệ thuật vì dễ làm cho tác phẩm trở nên mòn sáo, chung chung nhưng ở đây lại trở thành sự gợi mở đáng giá giải quyết những bế tắc trong cả đời sống lẫn thực hành nghệ thuật của người nghệ sĩ. Cân bằng là một trạng thái đẹp mà họa sĩ hướng đến và có thể đạt đến trong nghệ thuật để chia sẻ cùng mọi người.

Ryokan (1758-1831), một thiền sư người Nhật đã viết lên những vần thơ thiền lay động: “Trong sáng nay, nếu nắm được bản thể đích thực của mình/ Hoa chỉ là những hạt bụi bám trong thế gian này” (Hoàng Phong chuyển ngữ). Ông chính là minh chứng cho việc trút bỏ hẳn cái “ngã” của mình để sống đời sống “vô lượng từ bi” với cả tâm hồn “bén nhậy và trong sáng bao la”.

Họa sĩ Ðoàn Văn Tới sinh năm 1989
Quê quán Thủy Nguyên, Hải Phòng
Tốt nghiệp Ðại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2017.
Triển lãm “Karaoke Karaoke” trưng bày khoảng 40 bức tranh, từ 14 - 21/4/2024 tại Indochine House Gallery, 32A Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội.