Bảo tàng ngoài công lập

Đi mãi cũng thành đường

“Những bảo tàng tư nhân nhất định phải ghé thăm một lần, khi đặt chân tới Hà Nội/TP Hồ Chí Minh/Huế…” là những tựa đề bài viết thu hút khá đông du khách tìm đọc, trên những website tư vấn du lịch đình đám trong nước và quốc tế. Từ con số rất ít những cái tên mạnh dạn khai mở lúc ban đầu, xây dựng bảo tàng ngoài công lập để gửi gắm trọn vẹn tâm huyết đóng góp cho cộng đồng đang trở thành một hướng đi được nhiều cá nhân lựa chọn.
0:00 / 0:00
0:00
Bảo tàng Áo Dài được khởi xướng từ ý tưởng của NTK Sỹ Hoàng, nơi tái hiện dòng chảy áo dài Việt Nam theo suốt chiều dài lịch sử. Nguồn: Bảo tàng Áo Dài.
Bảo tàng Áo Dài được khởi xướng từ ý tưởng của NTK Sỹ Hoàng, nơi tái hiện dòng chảy áo dài Việt Nam theo suốt chiều dài lịch sử. Nguồn: Bảo tàng Áo Dài.

Trăm hoa đua nở

Bên cạnh các đơn vị công lập, hệ thống bảo tàng ngoài công lập lớn mạnh dần qua từng năm đã cho thấy vai trò quan trọng trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc. Theo số liệu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp, tính tới hết năm 2023, trong tổng số 197 bảo tàng trên toàn quốc đã có tới 70 bảo tàng ngoài công lập, chiếm xấp xỉ 35%.

Nếu trong 8 năm đầu tiên (2001-2009), chỉ có 6 bảo tàng tư nhân được ghi nhận thì từ năm 2010 trở đi, hệ thống này đã phát triển mạnh mẽ với 64 cái tên được bổ sung vào danh mục. Đặc biệt có giai đoạn chỉ sau 5 năm ngắn ngủi, con số thống kê đã tăng lên gấp đôi, từ 25 của năm 2015 lên tới 52 của năm 2020.

Thủ đô Hà Nội hiện cũng là địa danh sở hữu nhiều bảo tàng ngoài công lập nhất cả nước. Đến với mảnh đất nghìn năm văn hiến thì không thể bỏ qua những cái tên nổi bật như Bảo tàng Sĩ Tốt và gia đình (Cổ Đô, Ba Vì), Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày (Nam Quất, Phú Xuyên), Bảo tàng Bát Tràng của cố Nghệ nhân Nhân dân Vũ Thắng (Bát Tràng, Gia Lâm).

Vào Huế thì đừng quên khám phá Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng, Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham, Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị… Tới Đà Nẵng nhất định phải ghé qua Bảo tàng Đồng quê của NSƯT Đoàn Huy Giao, Bảo tàng Văn hóa Phật giáo tọa lạc trong ngôi chùa Quán Thế Âm và Bảo tàng Ký ức điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước – Ngũ Hành Sơn…

Đặt chân tới TP Hồ Chí Minh thì cố dành thời gian thưởng lãm Bảo tàng Áo dài của nhà thiết kế Sỹ Hoàng cùng Bảo tàng tranh 3D Artinus với 9 khu trưng bày theo từng chủ đề. Hoặc đắm chìm trong bộ sưu tập cả nghìn tác phẩm nghệ thuật giá trị tại Bảo tàng nghệ thuật Quang San của nhà sưu tập Nguyễn Thiều Quang và ngó qua 2.500 kỷ vật quý giá của Phòng trưng bày văn hóa người Hoa Sài Gòn-Chợ Lớn…

Đi mãi cũng thành đường ảnh 1

Bảo tàng Nghệ thuật Quang San giới thiệu hơn 1.300 tác phẩm mỹ thuật giá trị của nhà sưu tập Nguyễn Thiều Quang. Nguồn | Quang San Art Museum

Ngay cả những thành phố nhỏ cũng có thể khiến người yêu văn hóa phải ngạc nhiên về cả quy mô lẫn chất lượng, khi đến với Bảo tàng Thế giới cà-phê ở Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Nhà Việt (Hội An), Bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya (Bình Định), Bảo tàng Nghệ thuật Đông Dương (Hải Phòng), Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình) hay không gian giới thiệu nghệ thuật tranh thêu XQ Sử quán nơi thành phố ngàn hoa Đà Lạt…

Theo một nghiên cứu của bà Hoàng Thanh Mai, Trường đại học Văn hóa Hà Nội thì bảo tàng ngoài công lập ở nước ta gồm 8 nhóm trưng bày chính: Cổ vật (Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, Bảo tàng Văn hóa Việt)-Nghệ thuật (Bảo tàng Mỹ thuật Phan Thị Ngọc Mỹ, Bảo tàng Nghệ thuật Wada)-Lịch sử chiến tranh (Bảo tàng Ký ức chiến tranh Hà Nội, Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến Minh Chuyên)-Chuyên ngành/lĩnh vực (Worldwide Arms Museum, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá)-Tôn giáo/Văn hóa (Bảo tàng Kiến trúc nhà cổ Việt, Bảo tàng Ama H’Mai)-Danh nhân (Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Bảo tàng Nhà văn Nguyễn Tuân) và Tổng hợp (Bảo tàng Cội nguồn, Bảo tàng Hoa Cương).

Những cái tên bảo tàng kể trên đều kết tinh từ nỗ lực một đời sưu tầm, lưu giữ và lan tỏa những tinh hoa văn hóa-lịch sử mà cha ông bao đời hun đúc đến với cộng đồng của rất nhiều cá nhân. Như ông Lê Văn Vĩnh của Bảo tàng Nhà Việt, với hành trình ly kỳ kéo dài 4 năm chỉ để mua lại nếp nhà cổ Bắc Bộ với 108 cây cột lim. Như “đại gia” Trần Đình Thăng với ba “bảo vật quốc gia” đã làm nên tên tuổi cho Bảo tàng An Biên (Hải Phòng). Như cô giáo Ngô Thị Khiếu vinh danh nền văn minh lúa nước cùng đức tính chịu thương chịu khó của người nông dân bằng Bảo tàng Đồng quê (Giao Thủy, Nam Định)...

Những công trình bảo tàng này cũng in đậm dấu ấn sáng tạo đầy tâm huyết của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Như KTS Pháp Veronique Dollfus đã thổi hồn từ thiết kế tới trưng bày cho Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, hay KTS Hoàng Thúc Hào đã tạo nên Bảo tàng Gốm Bát Tràng với cấu trúc lấy cảm hứng từ chiếc bàn xoay tuyệt đẹp…

Sự góp mặt của những vị chủ nhân đầy tâm huyết đã tạo nên sức sống mạnh mẽ cho những địa chỉ văn hóa này và đang mở ra xu thế cùng hướng đi mới trên hành trình giới thiệu, quảng bá những hạt vàng di sản quý giá đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Đi mãi cũng thành đường ảnh 2

Cụm tác phẩm của nhà điêu khắc tài danh Điềm Phùng Thị được trưng bày trong khuôn viên Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (Huế). Ảnh: Bảo Ngọc.

Băn khoăn giải bài toán tồn tại và phát triển

Hệ thống bảo tàng ngoài công lập đang chung tay tạo nên một bức tranh tổng thể rất phong phú và đa dạng. Tuy chỉ trông đợi vào nguồn kinh phí cùng công sức bỏ ra của một cá nhân nhưng quy mô công trình, số lượng hiện vật-tác phẩm trưng bày, sức sáng tạo trong kiếm tìm những phương thức biểu đạt và chuyển tải thông tin của phần lớn các bảo tàng này khiến công chúng thật sự nể phục.

Nhiều bảo tàng trở thành điểm đến check in yêu thích được giới trẻ chọn lựa nhờ cảnh quan bắt mắt, kiến trúc ấn tượng như Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng hay Bảo tàng Thế giới cà-phê… Nhiều cái tên lọt vào danh sách must see nhờ vào bộ sưu tập giá trị rất lớn mà nó sở hữu như hơn 300 tác phẩm hội họa cùng 2.000 cổ vật quý hiếm mà doanh nhân Cao Văn Tuấn giới thiệu trong Bảo tàng văn hóa Nghệ thuật Đông Dương (Hải Phòng), hay 40 nghìn hiện vật-cổ vật được ông chủ Nguyễn Ngọc Ân trưng bày trang trọng ở Bảo tàng Cổ vật Mũi Né (Bình Thuận)…

Tuy chuyên chở rất nhiều tâm huyết của chủ nhân, nhưng các hệ thống ngoài công lập này cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do hạn chế về nguồn kinh phí, việc thuê nhân viên được đào tạo bài bản, chất lượng cao đặt ra bài toán rất khó tìm lời giải. Việc điều hành hoạt động bảo tàng, lựa chọn phong cách trưng bày chỉ trông chờ vào nỗ lực tự thân của chủ sở hữu cùng con cháu trong nhà nên thường rơi vào tình trạng thiếu chuyên nghiệp, hiệu quả đạt được không cao.

Đi mãi cũng thành đường ảnh 3

Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (hay còn gọi là Bảo tàng Gốm Bát Tràng)-nơi lưu giữ và bảo tồn tinh hoa làng nghề gốm cổ nổi tiếng Hà Nội. Nguồn | TT Tinh hoa làng nghề Việt

Ngoài một số đơn vị có nguồn thu ổn định từ bán vé như Bảo tàng Gốm Bát Tràng, Bảo tàng Áo dài, Bảo tàng Sâm Ngọc Linh…, phần đa các bảo tàng tư nhân hiện đều miễn phí vào cửa, nguồn thu chỉ trông vào một số hoạt động kinh doanh bổ trợ (như dịch vụ ăn uống ở Bảo tàng Cổ vật Hoàng Long-Thanh Hóa, hệ thống phục vụ lưu trú-ăn ở cho khách tham quan trong khuôn viên Bảo tàng Không gian văn hóa Mường-Hòa Bình) hoặc kêu gọi sự đóng góp tự nguyện như cộng đồng dân cư trong làng ủng hộ cho Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá hoặc từ các thành viên trong gia đình PGS, TS Nguyễn Văn Huy cho Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên…

Du lịch được nhìn nhận là đầu ra hữu hiệu giúp hệ thống ngoài công lập này có thể tồn tại và phát triển, nhưng để những bộ sưu tập trọn đời tích góp có thể mang lại giá trị kinh tế là điều không đơn giản. Để có thể mời gọi 10 nghìn khách tham quan Bảo tàng Áo dài mỗi năm, ý tưởng đặc sắc cùng cách trình bày lôi cuốn của nhà thiết kế Sỹ Hoàng là điểm nhấn tạo thành công. Để có được doanh thu ổn định, Bảo tàng Làng chài xưa (Phan Thiết) đã tái hiện một không gian nghề truyền thống hơn 300 năm trước với vẻ đẹp đặc trưng, kèm theo một nhà hát hiện đại trình diễn kịch mục hấp dẫn, một khu ẩm thực phục vụ tận tình đối tượng du khách tới đây.

Ở chiều ngược lại, thất bại của Bảo tàng Tượng sáp nghệ sĩ, khi đành chấp nhận lỗ nặng sau thời gian ra mắt ngắn ngủi vì “đi theo lối mòn” và “không tạo được điểm nhấn độc đáo” khiến “khách cảm thấy nhàm chán” là một bài học nhãn tiền. Muốn tồn tại và có thể phát triển, mỗi bảo tàng phải tìm được lối đi riêng, độc lạ-duy nhất-hấp dẫn-sáng tạo.

Trên hành trình khó khăn ấy, rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, sự chung tay vào cuộc của các cấp quản lý, sự đồng tâm hiệp lực của những cá nhân/tổ chức yêu di sản cùng sự ủng hộ nhiệt thành của cả cộng đồng, để con đường không chỉ thành hình mà còn vươn xa, vươn mãi!

“Xu hướng phát triển quan trọng của bảo tàng và bảo tàng học trong thế kỷ XXI là sự tăng nhanh về số lượng các bảo tàng ngoài công lập. Trong khi hệ thống công lập trên toàn thế giới nói chung gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch Covid-19... thì hệ thống ngoài công lập lại bùng nổ ở hầu khắp các châu lục. Số lượng đơn vị tư nhân đã tăng lên đáng kể trong hai thập kỷ qua, chỉ riêng bảo tàng nghệ thuật đã tăng thêm khoảng 317. Theo Hội đồng bảo tàng quốc tế ICOM, số lượng bảo tàng tư nhân thế giới hiện đang nhiều hơn so với các bảo tàng công cộng”-bà Hoàng Thanh Mai (Trường đại học Văn hóa Hà Nội).