NSND Diệu Hương

Truyền nhân của ca Huế

5 tuổi đã bạo dạn lên sân khấu biểu diễn, suốt những năm học cấp 1, cấp 2, Diệu Hương đều nhiệt tình tham gia các buổi biểu diễn văn nghệ của lớp của trường. Nhưng vì nhà nghèo, cô gái trẻ ở vùng đất lửa Vĩnh Linh (Quảng Trị) phải nghỉ học sớm đi làm, đổi công sức lấy 1,2 tạ lúa mỗi năm đỡ đần mẹ nuôi em. Những tưởng cuộc sống cứ thế trôi xuôi, giấc mơ ca hát đành vùi sâu dưới tháng ngày chật vật, nhưng nghị lực phi thường đã giúp Diệu Hương vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác, giành được danh hiệu danh giá trong nghề, trở thành NSND khi tuổi đời còn đang xuân sắc...
0:00 / 0:00
0:00
NSND Diệu Hương (áo xanh) trong một tiết mục biểu diễn
NSND Diệu Hương (áo xanh) trong một tiết mục biểu diễn

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, 5 ngày liên tiếp vào các buổi tối, Diệu Hương cùng nhiều đồng nghiệp của mình lăn xả phục vụ công chúng tại địa điểm: Quần thể di tích tưởng niệm vua Lê- 16 Lê Thái Tổ (Hà Nội). Xẩm, ca trù, chầu văn, ca Huế, quan họ..., các nghệ sĩ sau công việc thường nhật của mỗi người, tập trung ở chốn linh thiêng này, đem những làn điệu cổ truyền giới thiệu tới khách du lịch nước ngoài và cả người dân khắp xứ dồn về trung tâm Thủ đô.

Góp mặt ở đây phần lớn là các nghệ sĩ tên tuổi, sẵn thâm niên, lấy tình yêu với âm nhạc truyền thống làm lẽ sống giống như Diệu Hương - một người Quảng Trị ở Hà Nội - mà đi tới đâu cũng nhiệt thành quảng bá ca Huế. Một thập niên qua, ca Huế được biểu diễn nhiều hơn, được biết tới rộng rãi hơn ở Hà Nội một phần nhờ những nghệ sĩ như Diệu Hương. Ngược lại, cô cũng dùng chính giọng hát của mình để tri ân loại hình âm nhạc dân tộc đã giúp cô có những bứt phá, thăng hoa trong sự nghiệp.

Hành trình của Diệu Hương, xấp xỉ 30 năm, từ lúc bỏ dở việc học giữa năm lớp 11 đi làm cô nuôi dạy trẻ ở địa phương, rồi được nhận vào đội văn nghệ của Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đến khi thành Nghệ sĩ Nhân dân, được đồng nghiệp, người hâm mộ gọi bằng nghệ danh Hương Huế, là một chuỗi những nỗ lực không ngừng.

Truyền nhân của ca Huế ảnh 1

NSND Diệu Hương.

Đi làm những buổi đầu tiên, bắt đầu lĩnh những tháng lương đầu tiên, cô dành dụm mãi mới mua nổi cái xe đạp, xúng xa xúng xính được đúng một buổi sáng đến chiều thì bị mất cắp. Khóc quá trời luôn, khóc đến tận bây giờ, mỗi lúc nhớ lại thời khắc ấy, cô vẫn không kìm được để mắt vẫn còn đỏ hoe. Thời gian hoạt động nghệ thuật ở quê nhà, Diệu Hương tới không thiếu một bản làng nào phục vụ người dân đúng tinh thần nghệ sĩ - chiến sĩ.

Coi khó khăn là động lực, tự động viên mình cố gắng mỗi ngày, vừa đi làm vừa học, tốt nghiệp cấp 3, thi vào Học viện Âm nhạc Huế, rồi được giữ lại trường làm giảng viên, cuộc sống đã dần mỉm cười với cô gái giàu ý chí, tạo đà cho cô tự tin bước tiếp những bước đi đường hoàng vững chắc trên con đường nghệ thuật...

Từ khoảng những năm 2011, trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu xuất hiện giọng ca Huế mang tên Diệu Hương. Từ Học viện âm nhạc Huế, Diệu Hương dắt con gái nhỏ ra Hà Nội theo học thạc sĩ ở Học viện Âm nhạc quốc gia, xin học cho con, lo học cho mẹ, cơ cực vô cùng.

Vận may của số phận gửi gắm qua sự nhiệt tình của những người anh, người chị, người bạn đã đưa Diệu Hương đến với Đài Tiếng nói Việt Nam đúng lúc VOV cần một nghệ sĩ thu âm ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên. Ứng tuyển, được nhận, từ đó Diệu Hương chuyên tâm học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu để thực hiện những bản thu âm mẫu mực các bản ca Huế nói riêng, dân ca Bình Trị Thiên nói chung theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của VOV, được trao truyền qua nhiều thế hệ nghệ sĩ từng nằm lòng trong tâm tưởng khán thính giả cả nước hơn nửa thế kỷ qua.

Bắt đầu vào nghiệp ca hát bằng nhạc mới, nhạc cách mạng rồi dừng bước ở ca Huế, Diệu Hương đúng nghĩa nghề chọn người, được tổ nghề lựa chọn. Ca Huế vốn chưa được biết đến nhiều, chưa nhiều người yêu thích, cô tự đặt cho mình nhiệm vụ mở rộng khán giả, tìm đến với công chúng, kể cả công chúng trẻ.

Truyền nhân của ca Huế ảnh 2

NSND Diệu Hương trong một chuyến đi biểu diễn tại Trường Sa

Kết hợp những kiến thức kinh viện học ở trường, trau dồi tích lũy thêm bằng cách tự học ở những bậc thầy đi trước như GS Trần Văn Khê hay các nghệ nhân lão thành, Diệu Hương ngoài việc bảo tồn bài bản mẫu, đã mạnh dạn kết hợp làm mới tiết tấu, thậm chí đưa cả rap... vào ca Huế, vừa không làm mất đi hồn cốt vừa có thể dễ nghe hơn với giới trẻ.

Yêu ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên và không thụ động với tình yêu ấy, NSND Diệu Hương luôn tìm mọi cơ hội quảng bá, lan tỏa các làn điệu âm nhạc truyền thống. Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ bằng những lời nói suông, những khẩu hiệu sáng choang, mà phải từ những hành động thực tế nhất. Diệu Hương chia sẻ, thời đại mới, bối cảnh xã hội mới, đòi hỏi của công chúng cũng khác xưa nhưng không có nghĩa rằng công chúng xa lánh, ghét bỏ âm nhạc truyền thống...

Năm 2017, trong một sự kiện nghệ thuật lớn tổ chức ở sân vận động Mỹ Đình, giữa sân khấu lớn những tưởng không phù hợp với ca Huế, Diệu Hương xuất thần thể hiện bản chầu văn Huế “Cảnh đẹp cố đô” và được hưởng ứng nồng nhiệt: “Huế đô cảnh đẹp là đây/ Sông Hương núi Ngự sẵn bày thiên nhiên/ Hai bên cồn Huế Dã viên/ Uốn quanh dòng nước Trường Tiền bắc ngang/ Lâu đài rực rỡ huy hoàng/ Muốn qua Đập Đá phải sang đò Ghềnh/ Bên kia Vĩ Dạ đẹp xinh/ Dóng xem phong cảnh dóng hình Dinh Châu/ Đông Ba-Gia Hội hai cầu...” rồi “Ngọn gió đưa ríu rít chòm thông/ Trời in sắc nước trăng lồng bóng mây/ Đào nguyên lạc lối đâu đây/ Mà mình như tỉnh như say thế này”...

Khúc hát trữ tình mượt mà, ca từ sâu lắng tình tứ bao trùm không gian mênh mông, lập tức được công chúng hưởng ứng. Tiếc rằng, những cơ hội lớn như thế lại không có nhiều. Trên thực tế, cả ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên và âm nhạc truyền thống, dù luôn được xưng tụng là hay là độc đáo, lại rất ít được xuất hiện trong các chương trình biểu diễn quy mô, kể cả chương trình do các đơn vị công lập tổ chức, nhân những ngày lễ lớn hoặc sự kiện quan trọng của đất nước, được phát trực tiếp trên các kênh truyền hình.

Mở màn những chương trình nghệ thuật được nhà nước đầu tư công phu bài bản, thay vì những bản hùng ca theo mô típ thường lệ, đưa những bài bản âm nhạc dân tộc tươi sáng, nhẹ nhàng, réo rắt giai điệu lễ hội, chính là cơ hội thêm vào của công chúng và của dân ca, nhạc cổ truyền. Giữ gìn, phát huy nghệ thuật truyền thống cũng phải vun xới, tưới tắm và những hành động cụ thể từ các cơ quan quản lý văn hóa, chứ không thể để các nghệ sĩ nhẫn nại, mỏi mòn trong sự cô đơn dễ bào mòn tình yêu, nhiệt huyết.

Truyền nhân của ca Huế ảnh 3

Diệu Hương trong ngày nhận danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Được phong tặng NSƯT năm 2012, đầu năm 2024, Diệu Hương nhận danh hiệu NSND - sự tưởng thưởng, ghi nhận xứng đáng cho tài năng, đóng góp của cô trong lĩnh vực ca Huế, dân ca Bình Trị Thiên... Những hanh thông sự nghiệp cũng giúp cuộc sống riêng dần ổn định hơn, NSND Diệu Hương lại nhân thêm sức lực, nguồn năng lượng đem ca Huế và dân ca Bình Trị Thiên tới mọi nơi chốn đời thường.

Có trữ lượng kiến thức nền, tự tin làm mới âm nhạc truyền thống, sản xuất những video ca Huế theo phong cách mới, “dám” phối khí trên nền nhạc điện tử và từng bước được người nghe, xem đón nhận, NSND Diệu Hương trong mỗi ngày thường, đang trả ơn cho người, cho đời, cho loại hình âm nhạc dân tộc đã ưu ái chọn cô làm truyền nhân tiếp nối...