Trong các ngày từ 21 đến 23-10, các nhóm làm việc của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã thực hiện các chuyến khảo sát tại các tỉnh miền trung Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt. Dưới đây là một số khuyến nghị được UNDP đưa ra nhằm hỗ trợ người dân phục hồi và tái thiết sau lũ.
Theo khảo sát và thống kê của UNDP tại năm tỉnh miền trung trong các ngày từ 21 đến 23-10, mưa lớn, lũ lụt tại các địa phương đã làm hơn 37 nghìn ngôi nhà ở bị thiệt hại, hư hỏng. Các đồ dùng gia đình, trong đó có chăn, màn, đồ dùng nhà bếp bị hư hỏng và nước lũ cuốn trôi.
UNDP đánh giá, những gia đình bị hư hỏng nhà cửa, nhà cửa bị ngập nước và đồ đạc gia đình bị thiệt hại, mất mát sẽ không thể quay trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường hoàn toàn trong vòng 3-5 tuần tới vì nhà của họ sẽ hỏng rất nhanh. Do đây là các hộ nghèo và cận nghèo cũng mất mọi thứ và không có khả năng đầu tư sửa chữa nhà cửa hay mua vật dụng mới.
Các nhu cầu cần ưu tiên hiện nay là giải quyết nhu cầu tránh trú của những người đã được sơ tán, thiết lập, xây dựng các trung tâm tránh trú, sơ tán phù hợp - để tăng cường khả năng chuẩn bị ứng phó trước các trận bão, lũ sắp tới. Các trung tâm trú, tránh cần tính đến phương án phòng ngừa Covid-19.
Cần khẩn trương sửa chữa và xây dựng lại tổng số 100 nhà bị hư hỏng, sập hoàn toàn cần cho năm tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Cung cấp các vật dụng phi thực phẩm như chăn, màn chống muỗi, đồ dùng nhà bếp, nấu ăn (rổ rá, nồi niêu, xô, đũa, bát,…).
Về trung và dài hạn (3-6 tháng, 6-12 tháng), cần sửa chữa, cải tạo dựa trên nguyên tắc xây dựng lại tốt hơn cho nhà ở của người dân bị ảnh hưởng, công trình công cộng. Nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của các ngôi nhà chống chịu bão lũ, về việc cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó lũ lụt đối với các vùng trũng thấp dễ bị rủi ro lũ lụt.
Về lâu dài, cần nhân rộng các mô hình nhà ở chống chịu bão lũ thành công tại các tỉnh ven biển; thực hiện Quy hoạch quản lý rủi ro lũ lụt gắn liền với khả năng phòng chống lũ ở quy mô liên tỉnh; tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương về các kỹ năng, kỹ thuật gia cố, kiên cố nhà ở; tiến hành tập huấn cho lực lượng xung kích xã về các kỹ năng, kỹ thuật gia cố nhà ở để họ có thể hỗ trợ cộng đồng trước mùa thiên tai; lồng ghép các nội dung phòng chống lũ lụt vào các Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở cấp xã, huyện và tỉnh (2021-2025).
Hầu hết tài sản, lương thực dự trữ (lúa đã thu hoạch) đã bị thiệt hại, đặc biệt ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Một khối lượng lớn lúa thu hoạch đã bị ướt và chỉ có thể được sử dụng làm thức ăn cho gà. Thiệt hại về hoa màu (chủ yếu là rau) không chỉ lấy đi nguồn thu nhập mà lấy đi cả nguồn lương thực của các gia đình và trồng rau mang lại thu nhập đáng kể cho phụ nữ.
Đất nông nghiệp bị lũ bồi lấp; bờ vùng bờ thửa bị hư hại, vỡ, lấp… sẽ mất nhiều chi phí hơn để khôi phục. Số lượng lớn gia súc, gia cầm bị chết do mưa lũ.
UNDP đánh giá, các đối tượng dễ bị tổn thương bị ảnh hưởng bởi lũ sẽ không bị đói nhưng họ sẽ rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực. Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo trong sáu tháng tới (thời gian giáp hạt).
Người dân cần đầu tư nhiều để khôi phục đất đai, sản xuất và để tiếp tục trồng cấy vụ đông xuân sau hai tháng nữa. Ít nhất 150.000 người cần hỗ trợ lương thực khẩn cấp trong 5-6 tháng tới (thời gian giáp hạt). 110.000 người dễ bị tổn thương sẽ cần hỗ trợ để khôi phục các hoạt động sinh kế, sản xuất nông nghiệp (trồng lúa, trồng màu, chăn nuôi gia cầm, đánh bắt cá,…)
Khôi phục sản xuất nông nghiệp bằng cách cải tạo đất nông nghiệp, cải thiện tưới tiêu, bơm tưới và cung cấp vật tư/giống nông nghiệp. Khôi phục hoạt động chăn nuôi, đặc biệt là khôi phục đàn gia cầm cùng với việc cung cấp các dịch vụ khuyến nông và thú y. Các gia đình bị ảnh hưởng cũng cần cung cấp các công cụ đánh bắt (ngư lưới cụ, ngư cụ, các công cụ khác và được gia hạn nợ ngân hàng.
Theo UNDP, hiện môi trường thực hiện chương trình cấp phát tiền mặt khá thuận lợi, các hoạt động cứu trợ khẩn cấp nên xem xét sử dụng tiền mặt để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng. Việc cấp phát gạo và các loại thực phẩm đang diễn ra chỉ đáp ứng được 10-20% nhu cầu lương thực hàng tháng của các hộ gia đình để bảo đảm an ninh lương thực.
Hộ gia đình bị thiếu lương thực hoặc bị đói hiện chưa phải là vấn đề lớn ở Quảng Nam và Quảng Ngãi nhưng các hộ nghèo và hộ bị ảnh hưởng nặng nề. Ước tính hơn 200.000 hộ sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực về ngắn hạn và trung hạn, đặc biệt là ở Quảng Bình và Quảng Trị.
Thức ăn và dinh dưỡng của trẻ đã bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là chất lượng thức ăn bổ sung cho trẻ nhỏ ở các vùng bị ngập lũ. Chưa có nơi nào thực hiện việc tặng sữa bột cho trẻ sơ sinh và cũng chưa được báo cáo.
Theo khảo sát của UNDP, 61 trạm y tế xã bị hư hỏng một phần. Các dịch vụ y tế bị giới hạn, bao gồm khám thai và cung cấp dinh dưỡng tại các trạm y tế hoặc tại các cơ sở y tế bên ngoài do thiếu cán bộ và không có phương tiện di chuyển trong vùng lũ. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh liên quan đến nước rất cao. Dịch bạch hầu đang diễn ra ở Quảng Nam và Quảng Trị. Báo cáo cũng cho thấy, có nhiều trường hợp bị bệnh ngoài da ở tất cả các tỉnh.
Trong ngắn hạn, cần hỗ trợ các Sở Y tế địa phương thực hiện các hoạt động truyền thông lồng ghép về sức khỏe, dinh dưỡng tốt và giữ gìn vệ sinh, phòng chống thiên tai và phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (Covid-19 và bệnh bạch hầu cũng như những bệnh dịch khác).
Cần hỗ trợ các Sở Y tế địa phương mua sắm các thuốc dinh dưỡng thiết yếu để cung cấp cho các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ.
Hỗ trợ thực hiện các hoạt động vệ sinh để phòng chống các bệnh liên quan đến nước và các dịch bệnh khác (đặc biệt là dịch Covid-19; bạch hầu và sốt xuất huyết)
Hỗ trợ nhằm nhanh chóng tiếp tục và duy trì các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là cho 61 trạm y tế xã đã bị thiệt hại và ngập do lũ.
Xây dựng các bể chứa nước dự trữ và cung cấp máy phát điện, máy thở, đèn sạc, áo phao cho các trạm y tế xã.
Đào tạo, hỗ trợ các ngành y tế các cấp xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp thiết thực, lập kế hoạch và phương tiện di chuyển để cấp cứu trong lũ lụt.
Duy trì lực lượng nhân viên y tế thôn bản để kết nối ngành y tế với cộng đồng và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế.
Trong trung và dài hạn cần tăng cường năng lực cho các nhân viên y tế trong vấn đề xây dựng Kế hoạch phòng ngừa hằng năm. Cần đào tạo cho các nhân viên y tế chịu trách nhiệm về các biện pháp ứng phó trong trường hợp khẩn cấp.
Mưa lũ tại các tỉnh miền trung cũng khiến nhiều hệ thống cấp nước sinh hoạt, hệ thống thiết bị tại gia đình và trường học bị hư hỏng.
Nhu cầu hiện nay là cần hướng dẫn các huyện và xã xử lý vệ sinh trước, trong và sau lũ. Cần cung cấp 10.000.000 vỉ Aquatab và 200kg Chloramine B cho Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị;
300 máy lọc nước RO cho 300 trường học, trạm y tế tại Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, ưu tiên cho các trường mầm non bán trú;
10.000 bồn nước với 1000 m3 cho các hộ gia đình tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; 50.000 bộ lọc nước bằng gốm cho các hộ gia đình ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị;
Nên có 100.000 bộ dụng cụ vệ sinh cho phụ nữ và trẻ em gái ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế; 100.000 bánh xà phòng và dung dịch vệ sinh cho cán bộ y tế trạm y tế xã.
Về lâu dài, cần nâng cấp các công trình nước máy bị hỏng đặc biệt ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị; cải thiện, nâng cấp cơ sở vệ sinh cho trạm y tế và trường học; xây dựng các công cụ hướng dẫn đơn giản và hướng dẫn nhân viên y tế và cộng đồng xử lý và lưu trữ nước để ứng phó với bão lũ; thiết kế nhà tiêu di động cho những nơi trú ẩn được chỉ định và vùng lũ lụt.
Về giáo dục, tổng số 362 trường học được báo cáo bị hư hại, ước tính có 2.747 trường học ở các tỉnh bị ảnh hưởng đang hoặc đã phải đóng cửa, làm gián đoạn việc học của ước tính khoảng 1,2 triệu học sinh.
Một số trường, có khả năng nhiều trường nhỏ hơn, đã bị hư hại, bao gồm thiết bị giáo dục, sách và các thiết bị vệ sinh. Nhiều trẻ em có nhà bị ngập lụt bị mất tài liệu học tập.
Về ứng phó khẩn cấp, cần cung cấp đồ dùng giáo dục khẩn cấp cho các tỉnh bị ảnh hưởng, đặc biệt là cho trẻ em có nhà hoặc trường học bị ngập lụt. Bảo đảm một môi trường học tập an toàn bằng cách đánh giá sự an toàn của trường học hiện tại và tương lai và thiệt hại đối với cơ sở giáo dục.
Nội dung và Trình bày: BÔNG MAI
Ảnh: UNDP