Những góp ý cụ thể cho dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi

NDO -

NDĐT- Ngày 2-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi). Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện thêm dự thảo luật, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ. Dự thảo cần sửa đổi những nội dung không còn phù hợp, xóa bỏ tính lồng ghép, chồng chéo, kém hiệu quả trong quản lý ngân sách nhà nước...

Các đại biểu phát biểu tại hội trường ngày 2-6 (Ảnh: Đăng Khoa).
Các đại biểu phát biểu tại hội trường ngày 2-6 (Ảnh: Đăng Khoa).

Làm rõ vấn đề về phân quyền, phân cấp ngân sách

Đại biểu Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) nêu ý kiến, nội dung Luật Ngân sách nhà nước gắn với nội dung Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Do đó, trong Luật Ngân sách nhà nước, đề nghị bổ sung, làm rõ vấn đề về phân quyền, phân cấp ngân sách, mối quan hệ giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, bảo đảm Hội đồng nhân dân có thực quyền trong việc quyết định ngân sách địa phương trong phạm vi được phân quyền.

Đại biểu Nam cho rằng, khi còn duy trì tính chất ngân sách Nhà nước lồng ghép, nhưng trong phạm vi có thể cần minh bạch hơn về quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi ngân sách được phân quyền. Bởi vì tính chất lồng ghép của hệ thống ngân sách nhà nước, mà nhiều chi, tiêu, thu, chi của ngân sách cấp dưới do cấp trên ấn định. Điều này đã không khuyến khích cấp dưới cân đối thu, chi, lập dự toán tích cực mà thường xuyên có xu hướng lập dự toán thấp, dự toán chi cao để được nhận hỗ trợ nhiều hơn. Trên thực tế, chính quyền địa phương mới chỉ được ban quyền về tổ chức thực hiện chi ngân sách còn thẩm quyền quyết định vẫn thuộc về Trung ương.

Đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam) đề nghị bổ sung nguyên tắc, tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong quản lý thu chi ngân sách. Thực tế, trong thời gian qua, có nhiều bộ, ngành quản lý, nhiều cấp ngân sách thực hiện, chưa phân định rõ phạm vi, trách nhiệm của từng cấp ngân sách dẫn đến việc trùng lắp, chồng chéo, hiệu quả không như mong muốn; đặc biệt là các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo.

Cụ thể, Khoản 11, Điều 8 quy định, đối với các công trình dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách cấp trên, trước khi quyết định đầu tư phải có thỏa thuận của cấp có thẩm quyền. Khoản 11, Điều 39 cũng quy định việc hỗ trợ cho các chương trình dự án của địa phương, những công trình quốc gia có nguồn vốn lớn, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, ngân sách Trung ương có hỗ trợ, nhưng mức độ hỗ trợ bao nhiêu, các đặc điểm tiêu chí để hỗ trợ như thế nào thì không rõ trong quy định. Đề nghị phải làm rõ hơn tiêu chí để ngân sách Trung ương hỗ trợ cho địa phương đối với những công trình có tác động lớn đến kinh tế xã hội, vượt quá khả năng ngân sách của địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong dự toán ngân sách hằng năm. Đối với những công trình dự án lớn cần đưa vào kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn ba năm, chủ động trong việc hỗ trợ ngân sách từ Trung ương cũng như địa phương.

Đại biểu Vinh thống nhất với những quy định về mức dư nợ tối đa vốn vay của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, quy định dư nợ tối đa bao nhiêu cũng cần làm rõ hơn để bảo đảm an toàn ngân sách. Luật cần bổ sung thêm các quy định về xây dựng hệ thống cảnh báo về nợ sớm đối với chính quyền địa phương. Hệ thống bao gồm có chỉ tiêu, tổng hợp phản ánh, kể cả về các vấn đề rủi ro về tài khóa, cũng như năng lực, khả năng về tài chính của các địa phương để vay nợ. Như vậy, các địa phương sẽ chủ động hơn trong thực hiện cho phép thu hút các nguồn vốn đầu tư.

Công khai và giám sát ngân sách tại cộng đồng

Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) góp ý về vấn đề công khai ngân sách và giám sát ngân sách tại cộng đồng. Nữ đại biểu này cho rằng, dự thảo luật lần này đã quy định về nội dung, về hình thức, thời hạn công khai khá cụ thể nhưng chưa quy định về đối tượng chịu trách nhiệm, việc phải công khai chưa được rõ.

Đại biểu Duyền đề nghị, luật phải quy định bắt buộc về công khai từ khâu dự toán đến việc chấp hành dự toán và việc quyết toán ngân sách. Các nguồn quỹ có nguồn ngân sách của nhà nước và quỹ đóng góp của nhân dân phải được công khai.

Về trách nhiệm giải trình, đại biểu Duyền đồng tình cao với dự thảo luật tại Khoản 10, Điều 30 quy định về trách nhiệm giải trình để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật. Giải trình hoặc phân công giải trình của các cơ quan đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới để giải trình trước Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp về vấn đề quan trọng trong dự toán phân bổ, chấp hành, quyết toán ngân sách của địa phương. Đây là một điểm rất mới bổ sung vào trong dự thảo của luật lần này. Các đơn vị là Hội đồng nhân dân, ngay cả Quốc hội đều có quyết định về dự toán cho các đơn vị thì trách nhiệm của các đơn vị cũng phải giải trình về quyết toán thu, chi của mình. Trong luật cũng cần quy định rõ về trách nhiệm của các cấp, các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc giải trình trước Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân các cấp về việc thu, chi ngân sách của mình để bảo đảm công khai và minh bạch hơn.

Cùng quan điểm này, đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cũng đồng ý với những sửa đổi, bổ sung tại Điều 15 theo hướng đã có tiếp thu, chỉnh sửa về công khai dự toán, chấp hành quyết toán, kết quả kiểm toán ngân sách nhà nước của các cấp ngân sách, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách hỗ trợ, các chương trình, dự án, đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Bảo đảm chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nhấn mạnh, trong những năm qua, khi trình quyết toán ngân sách nhà nước, chi ngân sách thường vượt lớn. Quyết toán ngân sách năm 2013 vượt hơn 110 nghìn tỷ. Ông cho rằng, Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi lần này chỉ góp phần hạn chế được tình trạng chi vượt dự toán. Bởi vì, nguyên nhân của tình trạng chi vượt dự toán ngân sách so với dự toán Quốc hội quyết định do hai nguyên nhân: thứ nhất là do cơ chế chính sách; thứ hai, chính do quản lý điều hành ngân sách và dẫn đến làm tăng chi so với dự toán được duyệt.

Từ tình hình đó, đại biểu Thụ kiến nghị, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi) lần này cần rà soát lại các khoản chi trên và hạn chế về diện, quy định về trần được phép sử dụng nguồn tăng thêm ngoài dự toán chi được Quốc hội quy định. Bên cạnh đó, để tăng cường kỷ luật tài chính ngoài quy định thể chế hóa trách nhiệm của người đứng đầu của các tổ chức, cá nhân quản lý, điều hành ngân sách, cần phải chuyển từ Nghị quyết Quốc hội về dự toán ngân sách, phân bổ ngân sách hằng năm sang Luật Ngân sách thường niên. Và chỉ trong chừng mực đó, kỷ luật tài chính mới được tăng cường.

Những góp ý cụ thể cho dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi ảnh 1

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Ảnh: Đăng Khoa).

Đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) cũng khẳng định, việc quan trọng là kiểm soát được tình trạng quyết toán ngân sách, tránh tình trạng bội chi so với quyết định của Quốc hội, của Hội đồng nhân dân. Hầu như trong quyết toán ngân sách của các cấp từ Trung ương cho đến địa phương, tình trạng nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Hội đồng nhân dân về dự toán ngân sách thường thu ổn nhưng vấn đề chi luôn luôn vượt. Do đó, bảo đảm chấp hành một cách nghiêm về kỷ luật tài chính để khi các cơ quan kiểm toán, thanh tra vào sẽ bảo đảm không vi phạm.