Bức tranh toàn cảnh Bóng đá Việt Nam năm 2004:

Những gam màu sáng tối!

Thất bại của ĐTVN<br>tại Tiger Cup 2004.
Thất bại của ĐTVN<br>tại Tiger Cup 2004.

Một năm đã trôi qua bóng đá Việt Nam đã có biết bao chuyện vui buồn. Có thể bóng đá Việt Nam trong 12 tháng qua với những chuyện đáng nhớ và cũng có chuyện nên quên đi hoặc mong rằng đừng tái diễn...

Những chuyện đáng nhớ

1. Cố danh thủ Trương Tấn Bửu (1914-2000):

Nguyên tuyển thủ Nam kỳ, HLV trưởng CLB Thể Công, HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Phó Giám đốc Trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT Trung ương, Giám đốc Sở TDTT TP.HCM... được đề cử nhận “Huân chương kỷ niệm 100 năm FIFA” với tư cách “Nhân vật tiêu biểu của bóng đá Việt Nam”.

2. Việt Nam là nước chủ nhà của hàng loạt sự kiện bóng đá quan trọng của khu vực và châu lục:

Vòng đấu bảng giải vô địch Đông Nam Á lần 5 (cùng tổ chức với Malaysia), giải vô địch nữ Đông Nam Á lần thứ nhất, giải U20 Đông Nam Á, Festival bóng đá U14 châu Á (bảng E)... đồng thời được tín nhiệm giao quyền đăng cai các giải đấu quan trọng những năm tiếp theo, như giải vô địch Futsal châu Á 2005, VCK Cúp châu Á 2007 (cùng với Thái-lan, Malaysia, Indonesia).

3. Những trận đấu làm nức lòng người hâm mộ:

- Đội tuyển U14 đoạt Cúp vô địch Festival U14 châu Á (bảng E) sau khi vượt qua các đối thủ đồng trang lứa Singapore, Lào, Malaysia, chiến tích duy nhất trong năm của bóng đá Việt Nam tính chung ở mọi cấp độ.

-  Lần đầu tiên, ĐTVN giành được chiến thắng trong khuôn khổ vòng loại World Cup (thắng Maldives 4-0 ngày 18-2) rồi thi đấu ngang ngửa với tuyển Hàn Quốc (thua 1-2).

- Ở đẳng cấp CLB, Hoàng Anh Gia Lai có hai chiến thắng đầu tay ở đấu trường châu lục trước PSM Makassar (Indonesia) và Dalian Shide (Trung Quốc)...

4. Những kỷ lục:

- Đội tuyển nữ U19 Việt Nam đè bẹp Malaysia 17-0 ở vòng loại giải U19 châu Á; SLNA thắng Thể Công 8-1.

- Chân sút Amaobi lập hai kỷ lục ghi bàn tại V-League (bàn thắng sớm nhất - giây 35 - trong trận đấu Nam Định - Hải Phòng và ghi bàn nhiều nhất với 15 bàn) ngay trong mùa giải đầu tiên thi đấu ở Việt Nam; HAGL toàn thắng 11 trận trên sân nhà.

- Nam Định bất bại 16 trận...

5. Cầu thủ nước ngoài (gốc Việt) đầu tiên Ludovic Casset được mời thử việc tại đội tuyển quốc gia.

 Tuy không thành công, song trường hợp của Casset vẫn mở ra hy vọng là sự khởi đầu cho “cuộc hành hương về cội nguồn” của nhiều tài năng thể thao trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

6. Kết thúc “Thế hệ vàng”:

Bộ ba Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Quang, Nguyễn Đức Thắng được triệu tập tham dự ĐTQG lần cuối tại Tiger Cup 2004, tạo cơ hội cho Huỳnh Đức lập kỷ lục 5 lần tham dự đấu trường này và dẫn đầu danh sách các cầu thủ ghi bàn qua 5 lần tổ chức. 

7. Bản quyền truyền hình:

Lần đầu tiên, bóng đá Việt Nam bán được quyền truyền hình trực tiếp một trận đấu (Việt Nam gặp Hàn Quốc ở trận lượt về vòng loại World Cup 2006) dù khoản thu còn khá khiêm tốn là 3.000 USD!

8. LĐBĐVN quyết định tiến hành giải Chuyên nghiệp 2005 sau 4 mùa thử nghiệm và đồng ý cho các CLB được đăng ký chính thức 5 cầu thủ ngoại (3 người được thi đấu trên sân).

9. Khủng bố: Danh xưng “độc địa” mà cảnh sát Li-băng gán ghép cho tuyển thủ Nguyễn Mạnh Dũng khi sang Beiruth thi đấu vòng loại World Cup hòng gây bất ổn tâm lý cho ĐTVN. Nhưng ĐT Li-băng bị Việt Nam chia điểm trong hoàn cảnh đã mất suất dự tranh vòng loại thứ nhì vào tay Hàn Quốc.

10. Bán vé qua mạng:

Phương thức bán vé hiện đại vừa xuất hiện ở Việt Nam, chính xác hơn là tại sân Mỹ Đình ở hai giải đấu có ĐTQG: Agribank Cup và Tiger Cup. Bán vé qua mạng đem lại nhiều tiện ích cho người hâm mộ chân chính đồng thời cũng mang về khoản lãi ròng cho LĐBĐ Việt Nam chỉ qua vòng đấu bảng Tiger Cup.

Những chuyện đáng quên

1. Thất bại tại Tiger Cup 2004: 

Thất bại của ĐTQG tại Tiger Cup 2004 có lẽ là dấu lặng buồn nhất của bóng đá Việt Nam năm 2004. Buồn không chỉ vì lần đầu tiên ĐT không vượt qua được vòng đấu bảng ở Tiger Cup mà vấn đề chủ yếu thất vọng vì cách thua và cung cách điều hành của những người có trách nhiệm. ĐTVN có đủ khả năng và điều kiện để đi đến trận đấu cuối cùng và giành chức vô địch, nhưng những bất cập của cả hệ thống đã khiến ĐT chấp nhận dừng bước ngay từ vòng đấu bảng.

2. Lãnh đạo LĐBĐVN thiếu quyết đoán:

Thất bại có ĐTQG có lỗi rất lớn của các thành viên LĐBĐVN. Chỉ một thời gian ngắn trở lại Việt Nam, ông Tavares đã gây ra biết bao nhiều phiền toái trong hành động và lời nói, dư luận đã sớm lên tiếng rất nhiều cảnh báo với LĐBĐVN về tương lai bất ổn của ĐTQG nếu ông này tiếp tục tại vị, nhưng lãnh đạo LĐBĐVN đã bỏ qua tất cả. Niềm tin đó đã phải trả giá.

3. Chậm tìm ra nhà tài trợ cho ĐT:

Gần hết năm 2004, ĐTQG mới tìm ra nhà tài trợ là Vietcombank. Sự chậm chễ này đã kéo theo nhiều vấn đề, trong đó kinh phí hạn hẹp đã khiến LĐBĐVN không có nhiều lựa chọn những HLV ưng ý như ông Peter Withe, thay vào đó phải chấp nhận ông Tavares. Đây được coi là sai lầm lớn nhất của bộ máy LĐBĐVN và đã được thừa nhận.

4. Một số thành viên ĐTQG thiếu dũng cảm:

Thất bại của ĐT có phần nguyên nhân rất lớn từ một số thành viên của chủ chốt như Trưởng đoàn, HLV phó và cả đội trưởng ĐT. Họ đã không dám bày tỏ chính kiến về những vấn đề bất ổn trong ĐT cũng như suy nghĩ của bản thân. Hành động đó còn được hiểu là sự trốn chạy trách nhiệm.

5. Quả bóng vàng Việt Nam 2003 hai lần bị loại khỏi ĐT:

Phạm Văn Quyến bị loại được coi là sự kiện buồn của bóng đá Việt Nam. Trước ông thầy lập dị, Quyến đã hai lần bị loại khỏi ĐTQG vì lý do phong độ sa sút. Quyết định này đã gây ra những luồng ý kiến khác nhau, người chê, kẻ bênh.

6. ĐT nữ mất ngôi số 1:

Sau hai lần liên tiếp thống trị ở ngôi vị số 1 khu vực ở sân chơi SEA Games ĐT nữ quốc gia đã đánh mất vị trí vào đối thủ kình địch Myanmar ở giải vô địch Đông Nam á lần đầu tiên được tổ chức. Thất bại ở trận chung kết là dấu hiệu cảnh báo cho ĐT cần phải có thái độ nghiêm túc hơn trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 23.

7. Thể Công xuống hạng:

Năm nay, Thể Công kỷ niệm 50 năm thành lập bằng nỗi buồn xuống hạng. Nhìn ở góc độ khác, cú sốc này sẽ rất cần thiết cho đội bóng có quá khứ hào hùng nhưng dường như lại đang lạc lõng, không có được sự chuyển mình cần thiết trong cơ chế bóng đá chuyên nghiệp.

8. Pjico SLNA tiến hành đại phẫu:

Gây ồn ào nhất ở mùa giải 2004 là cuộc "đại phẫu" ở đội bóng xứ Nghệ. Trận thua trước Thể Công ở bán kết Cúp Quốc gia là những giọt nước làm tràn ly, chỉ ra tất cả những bất ổn trong nội bộ đội bóng.

9. Ngoại binh lấn lướt:

Sau 4 năm thử nghiệm bóng đá chuyên nghiệp, ở mùa giải 2004 đã chứng kiến sự nổi bật của cầu thủ ngoại trong lối chơi của các đội bóng như Amaobi, Kiatisuk. Cả hai cầu thủ này thay nhau chiếm giữ những danh hiệu cá nhân cao quý nhất của bóng đá Việt Nam.

10. Dấu hiệu tiêu cực:

Dù LĐBĐVN đã kết hợp với cơ quan điều tra, nhưng tiêu cực vẫn đang lởn vởn đe doạ tới sự trong sạch và phát triển lành mạnh của bóng đá Việt Nam. Vẫn còn có những trận đấu, những cá nhân cầu thủ có biểu hiện tiêu cực. Trong khi đó LĐBĐVN chưa thật sự kiên quyết xử lý những biểu hiện tiêu cực dù đã có trong tay cả Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp.