Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập quân đội Nhân Dân Việt Nam và 20 năm Ngày quốc phòng toàn dân

Những chiến sĩ đổ bộ đường không đầu tiên của Việt Nam

Năm 1944, cục diện của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai biến đổi nhanh chóng theo hướng có lợi cho phe chống phát-xít. Ở châu Âu, Ðức, I-ta-li-a đang trên đà gục ngã, Nhật ở châu Á - Thái Bình Dương đã mất thế tấn công, đang trong thế phòng thủ. Ở Pháp, phe kháng chiến Ðờ Gôn đã thắng thế. Bộ tư lệnh quân Anh tại Ấn Ðộ triển khai kế hoạch tung một số lực lượng chống Nhật là người bản xứ xuống những thuộc địa của Anh, Pháp bị Nhật chiếm từ đầu cuộc chiến tranh. Mục đích của quân Anh là muốn đẩy mạnh cuộc chiến tranh du kích ở các vùng này, chuẩn bị cho những chiến dịch lớn của quân Ðồng Minh tiêu diệt hoàn toàn phát-xít Nhật. Ðối tượng quân Anh nhắm đến để tung vào chiến trường Ðông Dương là những tù chính trị người Việt Nam ở Ma-đa-ga-xca. Tại đảo quốc này lúc đó Pháp đang giam cầm 27 người tù thuộc các khuynh hướng chính trị khác nhau, tù thân Nhật cũng có, tù cộng sản cũng có... Những người được chọn đều là những người tù cộng sản - lý do để giải thích điều này là họ có tinh thần chiến đấu, có quyết tâm rất cao, có nghị lực và tư cách đạo đức tốt. Bảy người được chọn nhảy dù xuống Việt Nam có quê ở cả ba miền trung, nam, bắc. Trong đó Dương Công Hoạt và Hoàng Ðình Giong rất thông thạo địa hình vùng Cao Bằng và tuyến biên giới Việt Trung.

Phương án đổ bộ bằng đường không được quân Anh lựa chọn vì nó có nhiều lợi thế và triển khai nhanh chóng hơn cả: bất ngờ, giữ được bí mật, có thể tới thẳng những vùng căn cứ ở sâu trong nội địa, nơi phong trào cách mạng và chiến tranh du kích đã phát triển mạnh, có thể bảo vệ an toàn cho các chiến sĩ nhảy dù và tiếp nhận các phương tiện vũ khí... Nhưng để thực hiện phương án này, cả bảy người phải gấp rút học kỹ thuật nhảy dù - một phương pháp tác chiến còn khá mới với cả thế giới, đối với người Việt Nam nó hoàn toàn mới. Với tinh thần yêu nước cháy bỏng, các chiến sĩ cộng sản Việt Nam đang chịu án đày biệt xứ đã tranh thủ tận dụng tối đa cơ hội ngàn vàng để trở về Tổ quốc, góp sức vào cuộc đấu tranh của dân tộc đang dần tiến tới cao trào. Toàn bộ kỹ thuật nhảy dù được huấn luyện gọn trong khoảng ba tháng. Ngoài việc học kỹ thuật nhảy dù, kỹ thuật xử lý các tình huống bất ngờ có thể xảy ra, các chiến sĩ còn phải học kỹ thuật lấy tin tức, kỹ thuật thông tin liên lạc và các kỹ năng chiến đấu cơ bản. Cả bảy người đã hoàn thành khóa huấn luyện một cách xuất sắc. Tất cả anh em chỉ nhảy thử một lần đã đạt yêu cầu. Ðiều này gây ngạc nhiên lớn cho các sĩ quan huấn luyện người Anh.

Ngày về chỉ được báo trước hai ngày. Chuyến nhảy dù đột kích đầu tiên tiến hành trong tháng 10-1944. Nhóm đầu tiên gồm Lê Giản và Hoàng Ðình Giong đổ bộ xuống vùng ven cách thị xã Cao Bằng chừng hai cây số. Hai đồng chí được đồng chí Hồng Kỳ - một bạn tù trước đây ở Sơn La đón an toàn. Khoảng một tháng sau, Dương Công Hoạt và Hoàng Hữu Nam nhảy dù xuống cánh đồng Khau Tòng (làng Khau Ðồn, Cao Bằng) - gần quê Dương Công Hoạt. Ðầu năm 1945, nhóm thứ ba gồm Trần Hiệu, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Minh nhảy dù xuống vùng Chương Mỹ - gần quê của Trần Hiệu (Ba Thá, Vân Ðình, Hà Nội). Dù sau lưng, trang bị cá nhân đeo quanh người, trước bụng là máy thu phát vô tuyến điện. Những người cộng sản đã bí mật thay lớp xốp bảo vệ máy bằng những sách vở tài liệu đã thu thập được về cho cách mạng. Cả bảy chiến sĩ đều đã tiếp đất an toàn. Ðược nhân dân bao bọc, che chở nên mặc dù quân Nhật có lùng sục tìm kiếm nhưng các anh vẫn an toàn và bắt được liên lạc với tổ chức. Việc bắt liên lạc trở lại với Bộ Tư lệnh quân Anh ở Ấn Ðộ đã có kết quả. Sau đó, anh em ở Cao Bằng nhận được sáu dù mang máy thu thanh, thuốc men, quần áo và cả thức ăn. Nhóm ở Hà Tây nhận được một dù vũ khí.

Những tháng tiếp theo, bởi diễn biến kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra quá nhanh và cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân Việt Nam đã diễn ra và thành công trọn vẹn nên liên lạc giữa nhóm các chiến sĩ nhảy dù và người Anh được cắt đứt. Mặc dù vậy, chiến dịch nhảy dù xuống Bắc Bộ để tham gia chống Nhật, giải phóng dân tộc của các chiến sĩ cộng sản Việt Nam, dựa vào phương tiện của người Anh đã thắng lợi trọn vẹn. Ðội ngũ đấu tranh của Ðảng được bổ sung thêm bảy chiến sĩ trung kiên cùng nhiều trang bị mới, hiện đại. Các đồng chí sau này đều là những cán bộ cao cấp của Ðảng, của công an, của quân đội ta. Ðồng chí Hoàng Ðình Giong là Ủy viên Trung ương Ðảng từ Ðại hội Ðảng lần thứ I (3-1935), trong kháng chiến là Tư lệnh Quân khu 9; đồng chí Trần Hiệu là Cục trưởng Cục tình báo quân đội; đồng chí Lê Giản là Giám đốc đầu tiên của Nha Công an trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Ngọc là Giám đốc công an Trung Bộ; đồng chí Dương Công Hoạt là Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; đồng chí Nguyễn Văn Minh trước khi bị địch bắt đã là Xứ ủy viên Bắc Kỳ...

NGÔ VƯƠNG ANH