Nhức nhối nạn sản xuất, kinh doanh phân bón giả

NDO -

Thời gian qua, phân bón giả, kém chất lượng đã làm lũng loạn thị trường, gây hoang mang cho bà con nông dân khi sử dụng. Bên cạnh đó, còn khiến giá phân bón bị đẩy lên quá cao, ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp sản xuất phân bón làm ăn chân chính...

Các cơ quan chức năng kiểm tra mẫu phân bón giả tại cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Huỳnh Gia (Bạc Liêu).
Các cơ quan chức năng kiểm tra mẫu phân bón giả tại cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp Huỳnh Gia (Bạc Liêu).

Trước thực trạng trên, rất cần các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh, góp phần ổn định thị trường phân bón trong nước.

Nhức nhối phân bón giả

Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, phân bón nhái nhãn mác tại một số công ty, tổ hợp nhỏ lẻ nơi vùng sâu, vùng xa bên cạnh các khu công nghiệp vẫn tung hoành hoạt động. Cụ thể là một số công ty tại các tỉnh, thành phố Yên Bái, Hải Phòng, Thanh Hóa, Bình Dương, Bình Phước, Ðác Nông, Ðồng Nai, Phú Yên... đã in nhãn mác của các công ty: Phân bón Bình Ðiền, Supe Phốt phát Lâm Thao, Phân bón miền Nam, Tập đoàn Năm sao... Ngoài bao bì ghi NPK: 16,16, 8, 13, tổng hàm lượng 53% dinh dưỡng, nhưng khi cơ quan quản lý thị trường kiểm định thì chất lượng sản phẩm chỉ còn NPK: 1,4%, P2O5, 0,6%, k2O: 0,03% và S:1,5%, tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ còn 2,99%... không khác nào đem đất chỗ này mang đến nơi khác bán cho nông dân.

Gần ba năm nay, Công ty Miwon có trụ sở tại Phú Thọ sản xuất phân bón MVL nước (gọi là ure nước) bán ra thị trường khiến một số cây trồng chết và không phát triển được, nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào xử lý. Nhức nhối hơn, phân bón còn sản xuất tại một số nơi, nhưng lại in nhãn mác một nẻo. Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường bắt giữ xe ô-tô chở 400 bao phân bón hỗn hợp NPK  trên bao bì thì ghi Công ty TSC Cần Thơ sản xuất, khi kiểm tra  hóa đơn bán hàng thì Công ty TNHH Á Châu Ðại Thắng bán xuất hóa đơn. Ðiều tra kỹ lại là phân bón được sản xuất tại Khu công nghiệp Sóng Thần mang về Vĩnh Long tiêu thụ. Hàm lượng loại phân bón này chỉ có 12 đến 13%...

Một thực trạng còn tồn tại hiện nay là việc cấp phép tràn lan và công tác quản lý chất lượng phân bón chưa tốt. Ðặc biệt là việc lấy mẫu, phân tích chất lượng chưa được quy định rõ ràng khiến các cơ quan chức năng khó xử lý.

Ông Dương Trí Hội, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Phân bón và hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho chúng tôi biết, phân bón giả, kém chất lượng đã làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng hàng hóa nông sản. Các loại phân bón giả, kém chất lượng không kiểm soát được các nguyên liệu đầu vào, do vậy khi người nông dân sử dụng để bón cho cây trồng, vô tình đã cung cấp cho cây trồng không phải là chất dinh dưỡng, mà là một số chất nguy hiểm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản và sức khỏe con người khi sử dụng các loại nông sản đó. Ðiều này rất quan trọng khi hàng nông sản của chúng ta tham gia xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật, bị phát hiện ra các dư chất này thì chắc chắn lô hàng sẽ trả về và gây thiệt hại kinh tế, uy tín hàng nông sản của Việt Nam sẽ mất, thiệt hại không thể thống kê được. Ngoài ra, việc sản xuất và phân phối phân bón giả, kém chất lượng cũng gây ảnh hưởng đến môi trường.... Do vậy để tự cứu lấy mình, các doanh nghiệp kinh doanh phân bón chân chính buộc lòng phải tự tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để kiểm soát được luồng hàng từ sản xuất đến hệ thống phân phối đến tay người nông dân, đồng thời triển khai các hội thảo hướng dẫn kỹ thuật và tư vấn cho bà con nông dân về nhận biết các sản phẩm của đơn vị mình sản xuất ra cung cấp cho thị trường, từ đó hy vọng người nông dân sẽ phân biệt được sản phẩm thật và giả, kém chất lượng.

Khó khăn từ nhiều phía

Ðược biết, các lực lượng chức năng vẫn thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao các công ty sản xuất và kinh doanh phân bón làm ăn bất chính vẫn tồn tại, phát triển? Phải ghi nhận rằng, nếu không có các lực lượng chức năng kịp thời "ra tay" thì thị trường phân bón còn tồi tệ hơn nữa. Thành tích của các cơ quan chức năng rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn một bộ phận ở một số địa phương còn tiêu cực, thỏa hiệp, thậm chí là đồng lõa với một số vi phạm để chia lợi nhuận. Ðặc biệt, tại một số địa phương, cán bộ chưa am hiểu về các nghị định, thông tư về phân bón nên đã có những sai phạm khi xử lý...

Trao đổi chung quanh vấn đề này, Cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Ðỗ Thanh Lam cho biết, hiện nay, hệ thống các văn bản quản lý kinh doanh và xử lý vi phạm hành chính đối với mặt hàng phân bón còn tồn tại một số bất cập cần chỉnh sửa, bổ sung. Công tác phối hợp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn có lúc, có nơi chưa thật sự kịp thời, thường xuyên và chặt chẽ nên kết quả đạt được chưa thật sự đáp ứng được mong đợi của người dân và yêu cầu của cấp trên. Việc đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón khá đơn giản; việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón còn chưa chặt chẽ nên nhiều đơn vị sản xuất quy mô nhỏ lẻ, cơ sở vật chất đơn sơ chưa có đủ điều kiện để sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận, mức xử phạt còn quá thấp nên tính răn đe chưa cao, còn có đối tượng vi phạm xong lại tái phạm. Ðiều đó đã khiến cho các đối tượng vi phạm có thái độ chây ì không chấp hành các quyết định xử phạt hoặc trốn tránh vì không đủ điều kiện kinh tế dẫn đến nhiều vụ vi phạm bị kéo dài quá thời hạn hiệu lực xử lý.

Tháo gỡ từ cơ chế, chính sách

Theo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón chân chính thì hơn lúc nào hết, cần phải có văn bản quy phạm pháp luật có tính khả thi cao để đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón vào nền nếp. Bên cạnh đó, cần chấn chỉnh đội ngũ giám sát, quản lý về sản xuất, kinh doanh phân bón ở các địa phương, tránh tình trạng khi kiểm tra, lấy mẫu phân tích phân bón thì chỉ lấy mẫu kiểm tra của các thương hiệu phân bón lớn có uy tín, bỏ qua các thương hiệu phân bón, không có nguồn gốc rõ ràng...

Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về sản xuất, kinh doanh phân bón có điều kiện để thay thế Nghị định 113; Nghị định 191 và Nghị định 15/CP. Ðồng thời, tái cơ cấu lại thị trường phân bón, hệ thống cung ứng chồng chéo, miền nam đưa ra miền bắc, miền bắc lại đưa vào miền nam khiến cho thị trường phải qua nhiều cấp, đội giá thành gây thiệt hại cho nông dân. Ðặc biệt, cần kiện toàn chính sách quản lý, kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng phân bón và hệ thống sản xuất NPK vì hệ thống sản xuất loại phân này đâu đâu cũng có các cửa hàng, đại lý kinh doanh phân bón. Bên cạnh đó, chỉ đạo các bộ, ngành, các tỉnh biên giới phía bắc phối hợp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát quyết liệt để ngăn chặn việc gian lận thương mại và nhập khẩu phân bón kém chất lượng vào Việt Nam...

Trước vụ đông xuân 2013-2014, cần tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển các loại chế phẩm, hoạt chất mới để sản xuất phân bón chất lượng cao, giá thành hạ. Ðặc biệt, không nên phát triển thêm các nhà máy sản xuất phân bón super lân, lân nung chảy... Có như vậy mới ổn định được thị trường phân bón trong nước và giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất.

HẢO NGỌC