Sau một thời gian dài thu thập các thông tin, bổ sung tư liệu, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đã phối hợp với các cơ quan Việt Nam và các cơ quan LB Nga, Bộ Quốc phòng Nga xác định được danh tính bảy chiến sĩ Việt Nam tham gia cuộc chiến bảo vệ thủ đô Moscow khỏi sự xâm lược của phát-xít Đức năm 1941. Đó là các ông Lý Phú San (tên thật là Lê Phan Chăn), Lý Văn Minh (tên thật là Đinh Trường Long), Lý Thúc Chất (tên thật là Vương Thúc Thoại), Vương Thúc Tình (tên thật là Vương Thúc Liên), Lý Anh Tạo (tên thật là Hoàng Thế Tư), Lý Nam Thanh (tên thật là Nguyễn Sinh Thân) và Lý Chí Thông (tên thật là Ngô Chí Thông).
Trong những ngày nước Nga đang nô nức kỷ niệm 75 năm Ngày chiến thắng phát-xít Đức, phóng viên Báo Nhân Dân đã có dịp gặp và trò chuyện với chị Lê Thị Phượng và cháu Mikhail Lê, là con gái và cháu trai ông Lý Phú San. Ông San là người duy nhất trong số bảy chiến sĩ người Việt vẫn còn sống khi chiến tranh kết thúc.
Chị Phượng kể, ông Lý Phú San sinh ngày 1-6-1900 tại xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Khi lớn lên ông đi làm thuê cho một gia đình người Pháp ở Hà Nội và đến năm 1924 theo gia đình này sang Pháp. Tại Pháp, ông rất tích cực tham gia các hoạt động, giúp đỡ đồng bào khó khăn và sớm trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Cộng sản Pháp. Đến năm 1933, ông San và một số đồng chí đã được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô theo học tại Viện nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa của trường Đại học Phương Đông.
Chị Phượng cùng phóng viên Báo Nhân Dân xem lại những hình ảnh của ông San trong album gia đình.
Năm 1941, khi phát-xít Đức xâm lược Liên Xô, ông San đã cùng một số học sinh người Việt tình nguyện nộp đơn nhập ngũ, tham gia trung đoàn tình nguyện quốc tế thuộc Lữ đoàn mô-tô đặc nhiệm OMSBON. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe kém nên ông San không được tiếp nhận vào đơn vị này mà được chuyển tới làm nhiệm vụ chăm sóc các thương bệnh binh tại một quân y viện ở thủ đô Moscow. Năm 1942, ông San rời Moscow tới làm việc tại các nhà máy ở khu vực Ural. Đến năm 1956, ông quyết định về nước, lần lượt tham gia công tác tại Đài phát thanh Mễ Trì và Đại sứ quán Liên Xô rồi Cục phục vụ Ngoại giao đoàn của Bộ Ngoại giao.
Tại Việt Nam, sau bao nỗ lực tìm kiếm, ông San tìm lại được bà Đặng Thị Loan, người vợ vẫn tần tảo chờ đợi ông trong suốt hơn 30 năm qua. Hai ông bà chỉ có một người con là chị Lê Thị Phượng. Năm 1980, ông San qua đời vì bệnh giãn phế quản và được hỏa táng. Khi mẹ con chị Phượng quyết định sang Nga sinh sống năm 1992, chị đã mang theo lọ tro cốt của cha mình. Và đến năm 2001, chị đã quyết định an táng tro cốt của cả hai ông bà tại nghĩa trang Krasnogorsk ở ngoại ô Moscow.
Năm 1986, các cùng với các ông Vương Thúc Thoại, Vương Thúc Liên, Hoàng Thế Tư, và Nguyễn Sinh Thân, ông Lê Phan Chăn đã được Nhà nước Xô Viết tặng thưởng Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng nhất theo quyết định của Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên xô. Ngoài ra, họ còn được truy tặng Huy chương vinh danh 40 năm Chiến thắng.
Năm nay, nhân kỷ niệm 75 năm Chiến thắng Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Bộ Quốc phòng Nga đã xây dựng Nhà thờ chính của Lực lượng Vũ trang Nga và tổ hợp bảo tàng “Con đường tưởng niệm” tại Công viên Yêu nước ở Kubinka, ngoại ô Moscow. Ông San cùng các đồng đội người Việt của mình đã được Bộ Quốc phòng Nga vinh danh, lưu tên tuổi và cơ sở dữ liệu trưng bày trên Con đường tưởng niệm. Khách tham quan tới đây có thể tra cứu, xem lại tiểu sử và hình ảnh những người con đất Việt đã hy sinh trên quê hương Xô Viết.
Ông Lý Phú San và các đồng nghiệp tại nhà máy ở Sverdlovsk.
Nhân dịp này, chúng tôi đã theo chân hai mẹ con chị Phượng ra viếng mộ của vợ chồng ông Chặn tại Nghĩa trang Krasnogorsk ở ngoại ô Moscow. Ngôi mộ nhỏ của hai ông bà lặng lẽ nằm cạnh nhau ở một góc nghĩa trang. Tấm bia chung trên mộ của vợ chồng ông chỉ giản dị ghi tên tuổi và ngày tháng năm sinh của ông bà và hai tấm ảnh cùng dòng chữ "Chúng con nhớ, yêu quý và tiếc thương".
Hai mẹ con chị Phượng cẩn thận dọn dẹp những cây cỏ dại trên mộ và khu vực chung quanh rồi đặt hoa, thắp hương, nến để viếng ông bà. Nhóm phóng viên chúng tôi cũng thành kính thắp nén hương thơm, cùng tưởng nhớ về người chiến sĩ cộng sản đã dũng cảm tham gia cuộc chiến tranh khốc liệt.
Nói về cha mình, chị Phượng cho biết: "Cha tôi là người hầu như không bao giờ kể lại những chuyện về bản thân mình. Ngay tới khi ông đã lâm bệnh và hấp hối, ông cũng không nói nhiều về cuộc sống hay công việc của mình, kể cả những năm tháng ông từng sống ở Pháp hay ở Liên Xô. Chỉ khi các bạn bè của ông đến thăm gia đình, kể chuyện thì mẹ con tôi và mọi người mới biết được một số chuyện của ông". Qua các bạn bè của ông trở về từ Pháp, chị mới biết hồi đó ông là người làm ra tiền, nhưng chủ yếu để gúp đỡ bà con trong lúc khó khăn. Thời gian công tác ở Việt Nam trong tình hình cả nước khó khăn, ông cũng hầu như không than vãn, đòi hỏi gì nhiều.
Chị Phượng chia sẻ: "Là con, là cháu thì mẹ con tôi luôn tưởng nhớ về những người đã khuất. Đặc biệt, khi trong gia đình tôi có người cha đã từng cống hiến trong cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại thì càng đến gần những ngày kỷ niệm Chiến thắng phát-xít Đức hay Cách mạng Tháng Mười thì niềm thương nhớ này càng đậm đà hơn. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên được cuộc đời gian truân của những người chiến sĩ đã đứng lên bảo vệ Tổ quốc".
Hai mẹ con chị Phượng thắp hương tưởng nhớ vợ chồng ông Lý Phú San.
Còn Mikhail Lê không giấu niềm tự hào khi nói về người ông đã khuất của mình: "Quả thực rất khó dùng ngôn từ để mô tả cảm giác của cháu. Một mặt, cháu rất tự hào vì có một người ông đã tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và vẫn sống sót sau tất cả những điều khủng khiếp. Tuy nhiên, mặt khác cháu chưa từng trải qua thời kỳ gian khó như vậy, không biết trực tiếp về ông nên không thể hiểu rõ những cảm giản gần gũi với ông sẽ thế nào. Theo một nghĩa nào đó đối với cháu, ông như một ngôi sao Bắc Đẩu để cháu định hướng, là một hình mẫu lý tưởng ở một mức độ nào đó. Trong những lời mẹ cháu kể về ông, cháu hình dung ra một hình mẫu hoàn hảo mà con người cần hành xử trong cuộc sống, về nguyên tắc là con người không dễ từ bỏ và làm đến cùng bất chấp mọi khó khăn, luôn luôn phải có mục tiêu để đi tới và đi đến cùng ở một mức độ nào đó".
Nhìn những làn khói hương bảng lảng trên nấm mộ giản dị, chúng tôi tin rằng, dù đã nằm lại trên xứ sở Bạch Dương, nhưng những liệt sĩ người Việt như ông San và các đồng đội của mình, sẽ mãi luôn được cả nhân dân Nga và Việt Nam ghi nhớ về những đóng góp vô giá, góp phần cho chiến thắng vĩ đại, cứu nhân loại khỏi thảm họa phát-xít 75 năm trước.