Nhớ lời Bác Hồ dặn học sinh khóa đầu sang Liên Xô học tập

Ngay từ năm 1951, khi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta đang trong giai đoạn quyết liệt, cần nhiều sức người, sức của, trong khu rừng Tân Trào ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và nói chuyện với 21 cán bộ, học sinh chuẩn bị sang Liên Xô học tập. Ðây là lớp cán bộ đầu tiên được Ðảng và Nhà nước ta cử sang Liên Xô học.

21 con người, mỗi người một hoàn cảnh, trình độ văn hóa khác nhau, có người đã tốt nghiệp đại học, có người còn đang theo học đại học, và phần nhiều là chưa lập gia đình. Bác cháu cùng ngồi trên lá cây rừng nói chuyện. Sau khi thân mật hỏi han, Bác ân cần căn dặn: "Các chú sắp được sang học ở Liên Xô. Liên Xô là nước có trình độ khoa học - kỹ thuật cao. Các chú sang đó học để làm gì? Có phải học cho thông thạo để có địa vị không? Học để phụng sự nhân dân. Làm sao để dân có cơm no, áo ấm, có sức khỏe. Dân đói bụng, đưa rượu sâm-banh, dân rét đưa ca-ra-vát ra có đúng không? Nên học cái gì thiết thực, dân cần dùng.

Bây giờ các chú đi học ở một nước có trình độ cao so với nước ta. Ði học, bê cả các thứ về một cách máy móc thì vô dụng, không làm gì cả. Học cách người ta làm, cách xếp đặt, những cái to lớn từ đâu mà ra. Học để biết mà dùng, mà áp dụng theo từng hoàn cảnh của ta. Học, dùng phải đi đôi với nhau, nhằm một mục đích phụng sự nhân dân.

Các chú đi học xa nước nhà, cần chú ý giữ gìn tư cách cho đúng đắn. Các chú đi học, đoàn thể phụ trách tư cách các chú. Trong 21 người có 20 người tốt mà một người xấu thì cả 21 người cùng bị mang tiếng, đoàn thể mang tiếng, thậm chí cả dân tộc mang tiếng. Ðang sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, gian khổ, nay sang chỗ sung sướng, các chú cần đề phòng lòng ham muốn dễ làm cho người ta hủ hóa, cái gì cũng muốn, cũng tham, mỗi một người phải luôn luôn tự kiểm điểm mình và tập thể phải đoàn kết giúp đỡ nhau tiến bộ. Thật thà phê bình nhau mới là đoàn kết.

Các chú luôn luôn nhớ rằng đi học không bị nguy hiểm như các chiến sĩ ngoài mặt trận, được sung sướng trong khi đồng bào đang cực khổ. Ra nước ngoài, các chú sẽ được bạn quý trọng, nhưng nên nhớ rằng đó là lòng quý trọng của bạn đối với dân tộc ta, với cuộc kháng chiến của ta. Các chú không nên đòi hỏi  gì ở bạn. Cần chân thật với bạn. Các chú mới sang, bạn hỏi nhiều. Cái gì biết mà bạn hỏi thì nói biết, cái gì không biết thì nói không biết, không được nói tếu.

Nội bộ phải đoàn kết. Có làm điều gì xấu, giấu cho nhau không phải là đoàn kết. Thấy có khuyết điểm, thật thà phê bình mới thật là đoàn kết. Ðối với bạn, thân ái và thành thật. Phải cố gắng giữ danh dự cho lớp đầu. Các chú được đi không phải dễ, mà khó nhiều mặt.

Trong lúc đoàn thể, chính quyền cần cán bộ cho mọi công tác kháng chiến mà nay lại cử các chú đi học thì công việc của các chú ở nhà, những đồng chí khác phải làm thay. Phải cố gắng cho khỏi phụ công của Ðảng bên kia giáo dục, Ðảng bên này lo liệu, công anh em ở nhà phải gánh vác và lòng mong mỏi của đoàn thể đặt ở các chú"(1).

Những lời dặn của Bác hôm ấy ngắn gọn nhưng đầy đủ và có ý nghĩa sâu sắc.

Ngày 1 tháng 11 năm 1945, sau khi nước nhà giành độc lập được hai tháng, trong Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Giêm Biếc-nơ, nhân danh Hội văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ nguyện vọng "được gửi một phái đoàn khoảng năm mươi thanh niên Việt Nam sang Mỹ với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hóa thân thiết với thanh niên Mỹ, và mặt khác để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác"(2).

Chủ trương của Hồ Chí Minh trong việc gửi thanh niên, học sinh sang nước ngoài học tập, trao đổi và thiết lập những mối quan hệ với các nước từng bước được thực hiện. Năm 1951, Ðảng và Chính phủ Việt Nam đã gửi khóa học sinh đầu tiên sang Liên Xô học tập. Những năm sau này, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược diễn ra ác liệt, nhân dân ta còn rất khó khăn, nhưng Nhà nước ta vẫn tiếp tục gửi học sinh sang học tập tại các nước Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Ðức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung-ga-ri, Ru-ma-ni và Bun-ga-ri..., các nước có nền văn hóa, khoa học - kỹ thuật tiên tiến, phát triển. Ðó là một trong những chính sách đào tạo và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Bác Hồ là người luôn luôn quan tâm các cháu học sinh, sinh viên và thiếu nhi đang học ở nước ngoài. Bác đã gửi cho các cháu nhiều bức thư, điện, trong đó có cả bức điện được gửi nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Bác chúc các cháu vui vẻ, mạnh khỏe, đoàn kết và học tập tiến bộ.

Năm 1959, trong dịp sang thăm hữu nghị Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các cháu thiếu nhi Việt Nam đang học ở Mát-xcơ-va. Nói chuyện với các cháu, Bác nhắc: "Các cháu cố gắng học tập để sau này về phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, góp sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, để xứng đáng là người đã được Ðảng, Chính phủ, nhân dân và thầy giáo Liên Xô săn sóc, dạy bảo, để tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, cho chủ nghĩa cộng sản mà các cháu đang làm và sau này các cháu phải làm"(3). Bác cho rằng dù học ngành nghề gì thì cũng cần phải căn cứ vào nhu cầu của đất nước, của nhân dân, không thể tùy theo những sở thích riêng của từng cá nhân được. Tất cả đều phải nhằm mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Trải qua nhiều vất vả bởi xa gia đình, xa quê hương, sau những năm tháng miệt mài học tập, những học sinh ra nước ngoài học tập trở về. Họ đem theo những kiến thức đã tiếp thụ được ở nước bạn, góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa của nước nhà. Nhiều người trong số họ đã trở thành những cán bộ lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, cán bộ quản lý của các bộ, ban, ngành.

Cho đến nay nhu cầu học tập ở nước ngoài của học sinh, sinh viên Việt Nam ngày càng tăng. Dù học ở nước nào, ngành gì, hình thức nào và ở lứa tuổi nào, thì những lời căn dặn của Bác với những học sinh khóa đầu tiên sang nước ngoài học tập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cách đây hơn 50 năm vẫn nóng hổi tính thời sự.

-----------------
(1)- Trần Khuyến: Ghi theo lời kể của các giáo sư Nguyễn Trinh Cơ, Phạm Ðồng Ðiện, Nguyễn Sĩ Quốc... và tài liệu của Ðại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô năm 1954. Bài viết lưu Kho Tư liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh.
(2)- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t4, tr80.
(3)- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.329.