Con thuyền nhỏ gắn động cơ 12 sức ngựa chạy như xé mặt nước, len lỏi qua những đảo nhỏ, rồi cập vào một eo ngách bên một đồi trồng keo, bồ đề xanh tốt. Dẫn chúng tôi vào lán trên đảo được lợp lá cọ, vách nứa quây chung quanh, có các dụng cụ sinh hoạt đáp ứng nhu cầu thường ngày, ông chủ nhà tên Hồng nói: “Cuộc sống người dân ở hồ Thác Bà đơn giản, gần với thiên nhiên, các anh cứ tự nhiên nhé”. Đảo xanh, cây gỗ trồng bên lán mọc cao vút. Dưới tán cây, đàn gà đồi, mấy chú lợn thả hoang...
Thác Bà là hồ nhân tạo lớn, hình thành từ việc ngăn sông Chảy từ năm 1970, để làm thủy điện, với diện tích hơn 19 nghìn ha mặt nước và gần 1.300 đảo lớn nhỏ. Hồ Thác Bà thường tích đầy nước từ tháng 8 đến tháng 2 năm sau, sau đó nước rút dần để phục vụ phát điện, đổ ải vùng đồng bằng sông Hồng và đón lũ mới. Nhờ mặt nước hồ, nghề nuôi cá lồng, nuôi cá trong eo ngách được đồng bào các dân tộc Cao Lan, Dao, Tày của huyện Yên Bình áp dụng vài năm gần đây, đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.
Lợi dụng các đảo liền kề ba mặt (thực chất là các đỉnh núi trước đây, nay nước dâng lên thành đảo nhỏ), được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, người dân dùng lưới chắn phía giáp với hồ, tạo thành một ao nhân tạo, diện tích thường từ hai đến bảy héc-ta. Sau đó, hạ lưới xuống đón cá tự nhiên vào đẻ, khi nước đầy thì đưa lưới lên cao, đồng thời bổ sung cá giống trắm cỏ, nheo, chép, mè… vào nuôi thêm.
Khi nước hồ rút là mùa thu hoạch, do cá nuôi tự nhiên, cho nên toàn bộ đều được thương lái đến tận nơi thu mua hết, giá cao hơn cá nuôi thông thường. Hiện nay, đã có 40 hộ nuôi cá quây lưới, năng suất bình quân đạt ba tấn/ha/năm, cho thu nhập từ 60 đến 80 triệu đồng/ha/năm cao hơn 1,5 lần so với nuôi cá trong ao, hồ nhỏ. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Yên Bình thì sản lượng khai thác thủy sản năm 2017 đạt 4.550 tấn, tăng 2.850 tấn so năm 2011.
Năm 2018, huyện Yên Bình triển khai làm 1.323 lồng nuôi cá trên hồ Thác Bà, tăng 914 lồng so năm 2011 (Nhà nước hỗ trợ đóng mới 623 lồng; dân tự làm 700 lồng). Các loại cá nuôi phổ biến là trắm, rô đơn tính, nheo, lăng đen… có giá trị thương phẩm cao, dễ nuôi, ít bệnh. Nhờ áp dụng nuôi lồng bằng lưới khung sắt kiên cố có thể tích khoảng 100 m3, dễ chăm sóc, sản lượng cá đạt từ 2,5 đến 3 tấn/lồng/năm, mỗi lồng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm, đã mang lại hiệu quả kinh tế cho 130 hộ gia đình.
Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Yên Bình Lã Tuấn Hưng cho biết: Qua việc thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay huyện có hai doanh nghiệp, năm hợp tác xã và 170 hộ dân tham gia nuôi cá trên hồ Thác Bà, hằng năm, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động nông thôn. Huyện đã thực hiện ba đề tài dự án phát triển thủy sản, gồm: Dự án áp dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi cá nheo trong lồng; Dự án nhân rộng mô hình nuôi cá nheo (Parasilurusasotus) trong lồng trên hồ; Dự án xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá bằng biện pháp quây lưới trên eo ngách hồ Thác Bà. Đã xác lập quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận “Cá hồ Thác Bà” cho sản phẩm cá của hồ Thác Bà (Yên Bái). Trong đó, lựa chọn bảy loài cá chủ lực gồm: Cá rô phi vằn, cá điêu hồng, cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá chép, cá ngạnh, cá nheo Mỹ, để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận.
Ngay cách đập thủy điện Thác Bà hơn 1 km là 55 lồng cá của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh Yên Bái, chuyên nuôi cá thương phẩm. Các lồng cá được đầu tư hiện đại, có đánh giá tác động môi trường, hằng năm xuất bán hàng trăm tấn cá nheo, trắm đen, lăng... ra thị trường. Giám đốc Trung tâm Trần Ngọc Thư khẳng định, do hồ có độ sâu hơn 40 m, có các đảo cây xanh, nước sạch và ổn định, cho nên việc nuôi trồng thủy sản rất thuận lợi. Hiện nay, Trung tâm đã chuyển giao kỹ thuật cho người dân sinh sống ven hồ về giống, kỹ thuật nuôi thủy sản, giúp họ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.
Nhờ có các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự cần cù chịu khó trong sản xuất và sớm áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi thủy sản, cho nên cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở vùng hồ Thác Bà ngày càng ổn định, khấm khá hơn. Hiện các bản, làng ven hồ Thác Bà vẫn giữ được nét hoang sơ cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Phù Lá, Cao Lan... Nhiều lễ hội đặc sắc thường diễn ra như: Lễ hội mừng cơm mới của người Tày tổ chức vào ngày 9-10 âm lịch; Lễ Tết nhảy, Lễ cấp sắc của dân tộc Dao với các điệu múa miêu tả cuộc sống của cộng đồng, như cấy lúa, làm nương... với hình thức mang đậm nét dân gian.