Ngày thi đấu thứ bảy Olympic Tokyo 2020

Đoàn Trung Quốc bứt phá trên bảng xếp hạng

Ngày thi đấu thứ bảy Olympic Tokyo 2020, vị trí xếp hạng thành tích huy chương ở nhóm năm đoàn dẫn đầu vẫn được giữ nguyên, nhưng Ðoàn thể thao Trung Quốc đã bứt phá trên bảng xếp hạng thành tích khi giành thêm bốn Huy chương vàng (HCV), ba Huy chương bạc (HCB), hai Huy chương đồng (HCÐ), đoàn Nhật Bản chỉ có thêm hai HCV, một HCÐ.

Niềm vui của Tatjana Schoenmaker (giữa) sau khi lập kỷ lục Olympic và thế giới bơi 200m ếch nữ.
Niềm vui của Tatjana Schoenmaker (giữa) sau khi lập kỷ lục Olympic và thế giới bơi 200m ếch nữ.

Hôm qua cũng ghi nhận năm kỷ lục Olympic và một kỷ lục thế giới lần lượt xác lập ở môn bơi. Môn bóng đá nữ cũng xác định bốn cái tên lọt vào bán kết.

Sáng 30/7, tại Trung tâm thể thao dưới nước Tokyo, hàng loạt kỷ lục đã được xác lập. Kristof Milak (Hungary) phá kỷ lục Olympic từ vòng bán kết bơi 100 m bướm nam với thời gian 50 giây 31 hơn 8% giây so với kỷ lục mà tay bơi Joshep Schooling (Singapore) và Caeleb Dressel (Mỹ) cùng nắm giữ trước đó. Thế nhưng, ngay lượt bơi bán kết thứ hai, tay bơi người Mỹ Dressel (đang nắm giữ kỷ lục thế giới) lại tiếp tục thiết lập kỷ lục mới với thành tích 49 giây 71.

Tuy nhiên, kỷ lục ấn tượng nhất trong buổi sáng lại có được sau màn tranh tài quyết liệt ở chung kết bơi 200 m ếch nữ giữa Tatjana Schoenmaker (Nam Phi) và Lilly King (Mỹ). VÐV người Nam Phi về đích đầu tiên, xác lập kỷ lục Olympic và kỷ lục thế giới mới với thời gian 2 phút 18 giây 95 (kỷ lục thế giới cũ là 2 phút 19 giây 11). Tiếp đó, Evgeny Rylov đại diện cho đoàn Nga (trung lập) phá kỷ lục Olympic 200 m bơi ngửa với thời gian 1 phút 53 giây 27. VÐV Emma McKeon giành tấm HCV thứ sáu cho đội tuyển bơi Australia sau khi về nhất 100 m tự do nữ với thời gian 51 giây 96, đồng thời cũng phá luôn kỷ lục Olympic của chính mình. Như vậy, đã có một kỷ lục thế giới, năm kỷ lục Olympic lần lượt được xác lập trong ngày thi đấu 30/7 trên đường đua xanh.

Cuộc đua chung kết súng ngắn hơi 25 m nữ diễn ra đầy kịch tính bởi hai tay súng Vitalina đoàn Nga (trung lập) và Kim Minjung (Hàn Quốc) thi đấu với thành tích vượt trội so với các đối thủ và cùng kết thúc bài bắn chung kết với 38 điểm, cùng phá kỷ lục Olympic, nhưng do bắn loạt phụ tốt hơn, tay súng người Nga đã thắng chênh lệch 4-1 để giành HCV.

Trong ngày thi đấu áp chót môn bắn cung cá nhân nữ, cung thủ An San sau khi bắn hòa điểm ở năm loạt bắn với đối thủ Osipova (Nga trung lập) đã đạt điểm 10 tuyệt đối ở "mũi tên vàng" theo quy định để giành tấm HCV cá nhân nữ. Ðây là tấm HCV thứ ba mà cung thủ này có được (trước đó là HCV ở nội dung đồng đội nữ và đôi nam nữ) giúp đoàn Hàn Quốc giành trọn bộ bốn HCV đã trao ở môn bắn cung. Hôm nay môn bắn cung sẽ kết thúc và nhiều khả năng Hàn Quốc sẽ giành nốt HCV cá nhân nam.

Tay bơi Nguyễn Huy Hoàng của Việt Nam đã thi đấu xong nội dung thứ hai là 1.500 m bơi tự do vào tối qua. Huy Hoàng đạt thành tích tốt nhất trong hai năm gần đây với thành tích 15 phút 0 giây 24 (kém kỷ lục SEA Games do VÐV này lập năm 2019 là 14 phút 58 giây 14). Với vị trí xếp hạng 12, Huy Hoàng phải dừng bước do chỉ lấy tám tay bơi hàng đầu vào chung kết ở nội dung này.

Sáng nay 31/7, Nhà vô địch ASIAD 2018 Quách Thị Lan của Việt Nam sẽ thi đấu môn điền kinh, nội dung 400 m vượt rào. Từng giành HCB tại ASIAD 2018 và được đôn lên HCV do VÐV vô địch bị tước huy chương vì có doping, song Quách Thị Lan dự Thế vận hội năm nay bằng suất vé mời.

Bất ngờ vòng tứ kết bóng đá nữ

Vòng tứ kết bóng đá nữ Olympic Tokyo 2020 diễn ra chiều tối 30/7 đã có nhiều bất ngờ lớn với kết quả trái ngược những nhận định ban đầu.

Trái với đánh giá sau những màn thể hiện ở vòng bảng, đội nữ Mỹ bước vào trận đấu với đội nữ Hà Lan với một tâm thế khác hẳn. Họ đã cho thấy sức mạnh của đội bóng đương kim vô địch thế giới. Mặc dù tiền đạo ngôi sao Miedema đã tỏa sáng lập cú đúp ở trận đấu này, nhưng Hà Lan vẫn phải dừng bước ở tứ kết. Có bàn thắng mở tỷ số, song đội bóng của xứ sở hoa tuylip đã để đội Mỹ ghi liên tiếp hai bàn thắng ngay sau đó trong hiệp một và vượt lên dẫn trước 2-1. Hà Lan gỡ hòa 2-2 ở đầu hiệp hai, nhưng không thể có được bàn thắng nối tiếp trước khí thế hừng hực của các cầu thủ Mỹ. Cả hai đội đều có những pha lên bóng nguy hiểm thành bàn thắng trong thời gian còn lại của hiệp hai, song đều không được công nhận do lỗi việt vị. Tỷ số hòa 2-2 được giữ nguyên trong hai hiệp phụ và cả hai đội phải bước vào lượt đá luân lưu 11 m và đội nữ Mỹ đã giành chiến thắng với tỷ số 4-2 và giành quyền vào bán kết.

Bất ngờ thứ hai của vòng tứ kết là chiến thắng của đội nữ Canada trên chấm đá phạt luân lưu 11 m trước đội nữ Brazil sau 120 phút thi đấu căng thẳng mà không có bàn thắng. Hai đội đều chơi tấn công quyết liệt ngay từ đầu với thế trận khá cân bằng. Brazil tạo ra nhiều tình huống nguy hiểm hơn, song trước một hàng phòng ngự Canada chơi xuất sắc, các pha dứt điểm của họ đều không thành bàn thắng. Không những thế Canada còn chủ động phản công sắc bén gây nhiều sóng gió cho đội nữ Brazil. Bước vào hai hiệp đấu phụ, Brazil tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ và liên tục "bắn phá" khung thành của Canada, nhưng thủ môn Labbe chơi xuất sắc giữ sạch mành lưới. Trong loạt sút luân lưu
11 m, chị tiếp tục cản phá thành công hai cú sút của đội nữ Mỹ, đưa đội nữ Canada vào bán kết với tỷ số thắng 5-4.

Trong khi đó, được đánh giá cao hơn Australia, đội nữ Anh dồn lên tấn công ngay từ đầu, song đối thủ của họ lại là đội bóng có bàn thắng mở tỷ số trong hiệp một. Ðội nữ Anh dần lấy lại thế trận ở hiệp hai và có bàn thắng cân bằng tỷ số. Thi đấu hưng phấn, các cầu thủ Anh có bàn thắng thứ hai, nhưng lại sơ hở để đối phương gỡ hòa ở phút cuối của trận đấu và buộc phải bước vào hai hiệp đấu phụ. Trong 30 phút thi đấu, các cầu thủ của xứ sở sương mù không giữ được phong độ khi chỉ có thêm một bàn thắng và để Australia ghi thêm hai bàn thắng, ấn định chiến thắng 4-3 vào bán kết.

Không có nhiều bất ngờ ở trận đấu giữa hai đội nữ Thụy Ðiển và Nhật Bản. Trước một đối thủ quá mạnh, đầy kinh nghiệm và bản lĩnh, lại có thể hình to cao hơn, các cầu thủ Nhật Bản vẫn thi đấu kiên cường với các pha phản công không kém phần sắc bén. Tốc độ và chiều cao là lợi thế giúp đội bóng của Bắc Âu sớm có bàn thắng mở tỷ số ngay ở phút thứ 7, nhưng sau đó đến phút 23 đội chủ nhà đã có bàn thắng gỡ hòa. Tuy nhiên, đó là tất cả những gì họ có thể làm được bởi trong hiệp hai Thụy Ðiển tiếp tục dồn ép mạnh mẽ và các cầu thủ Nhật Bản chỉ biết gồng mình chống đỡ. Sau bàn thua thứ hai ở phút 53, cầu thủ của đội chủ nhà lại mắc sai lầm dùng tay cản bóng, giúp đội khách có thêm bàn thắng thứ ba trên chấm phạt đền 11 m. Thắng thuyết phục 3-1, Thụy Ðiển thẳng tiến vào bán kết.