Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát qua biên giới vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp, có xu hướng tăng. Đường cát nhập lậu vào Việt Nam có nguồn gốc từ Thái-lan, được vận chuyển qua Cam-pu-chia, sau đó đưa vào biên giới các tỉnh Tây Nam nước ta để tiêu thụ tại thị trường trong nước. Theo số liệu của lực lượng chức năng, từ đầu năm 2018 đến hết tháng 9-2019, đã kiểm tra, phát hiện xử lý 876 vụ, xử phạt vi phạm hành chính hơn một tỷ đồng, thu giữ hơn ba nghìn tấn đường trị giá hơn 12 tỷ đồng.
Khảo sát tại địa bàn trọng điểm các tỉnh: An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị, Kiên Giang, Bình Phước, có thể thấy hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát Thái-lan diễn biến với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Lãnh đạo cục hải quan các địa phương này cho biết, sau khi vận chuyển đường lậu vào trong nước, đối tượng thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa để tiêu thụ. Bên cạnh đó, đối tượng còn tham gia đấu giá đường với thủ đoạn là đưa giá rất cao mà không ai có thể cạnh tranh được từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, rồi sử dụng hồ sơ đấu giá quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác. Một thủ đoạn phổ biến khác là vận chuyển bao bì in trong nước, đem sang nước ngoài (thường là Cam-pu-chia) đóng hàng, như vậy đường nhập lậu đã có nhãn mác Việt Nam. Nếu không bắt quả tang trên biên giới, một khi đã đưa được vào kho tập kết ở trong nước thì rất khó chứng minh là đường nhập lậu...
Những khó khăn nêu trên có nguyên nhân từ nhiều sơ hở trong hệ thống pháp luật hiện hành. Các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói đường chỉ có thể thực hiện với nguồn đầu vào là đường sản xuất từ cây mía. Như vậy, các hoạt động này cần phải có điều kiện tiên quyết là có mối liên quan hợp pháp với các nhà máy chế biến đường. Tuy nhiên, Phụ lục 4 của Luật Đầu tư không đưa các hoạt động này vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Các đối tượng kinh doanh đường nhập lậu, thậm chí là hoạt động tại các địa phương không trồng mía và không có nhà máy đường, lợi dụng sơ hở của quy định này để sử dụng giấy phép kinh doanh cho các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu. Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đã không gắn với yêu cầu về vùng nguyên liệu, không yêu cầu cơ sở sang chiết, đóng gói đường phải có hợp đồng hoặc văn bản đồng ý cho phép sang chiết của nhà máy hoặc thương hiệu, cho nên bị đối tượng buôn lậu lợi dụng để sang chiết đường nhập lậu, đồng thời hợp thức hóa đường nhập lậu thành đường Việt Nam.
Trước những vướng mắc này, mới đây, trong hội nghị bàn các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam, Tổng cục trưởng Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đề nghị, bổ sung quy định truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất, chế biến đường, hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ sử dụng mã QR nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng. Đưa các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói đường vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong điều kiện đầu tư kinh doanh cơ sở sản xuất thực phẩm đối với mặt hàng đường, phải có hợp đồng nhượng quyền sản xuất sang chiết, phối trộn, đóng gói mặt hàng đường với một đơn vị thành viên sản xuất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh quy định thanh lý đường nhập lậu theo hướng chỉ cho phép các đơn vị có giấy phép (thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện) tham gia đấu giá, trước mắt chỉ cho phép các đơn vị sản xuất của Hiệp hội Mía đường Việt Nam tham gia.