Nhiệm vụ chiến đấu thời bình trên biển

Những năm qua, cùng với phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật trên biển, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 còn tích cực tham gia tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục sự cố trên biển, góp phần giúp ngư dân vươn khơi, bám biển đánh bắt hải sản gắn với phối hợp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 hỗ trợ kéo tàu cá ngư dân gặp nạn vào bờ.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 hỗ trợ kéo tàu cá ngư dân gặp nạn vào bờ.

Thực hiện nhiệm vụ trên biển, cán bộ, chiến sĩ Vùng Cảnh sát biển 4 luôn xác định cứu dân, giúp dân, bảo vệ dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Bởi vậy, khi có tình huống xảy ra trên biển, được lệnh của cấp trên, dù ngày hay đêm, cán bộ, chiến sĩ đơn vị không quản ngại khó khăn vất vả, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn.

Đại tá Trần Nguyên Lai, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết: Bộ Tư lệnh Vùng được giao quản lý vùng biển tây nam, từ bờ bắc cửa Định An thuộc tỉnh Trà Vinh đến Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang, với chiều dài bờ biển hơn 575km; diện tích khu vực biển và thềm lục địa khoảng 150.000km2 cùng hơn 150 đảo lớn nhỏ; có đường biên giới trên biển giáp ranh với Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia; đây là vùng biển có vị trí chiến lược, quan trọng cả về quân sự, kinh tế.

Hiện nay, vùng biển tây nam là ngư trường đánh bắt hải sản lớn của địa phương cũng như các tỉnh phía nam, hằng ngày có khoảng 600 phương tiện tàu cá hoạt động khai thác hải sản...

Do vậy, những năm qua, cùng với thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trên biển, trong đó có đấu tranh phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), lực lượng Vùng Cảnh sát biển 4 còn tích cực tham gia tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục sự cố trên biển.

Mặc dù còn nhiều khó khăn về lực lượng, phương tiện, song cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 luôn quán triệt tốt phương châm: "Tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là trách nhiệm chính trị của Cảnh sát biển" và nguyên tắc "Nhanh chóng, kịp thời, chính xác, cứu người trước, cứu phương tiện sau, coi người bị nạn như người thân trong gia đình".

Hằng năm, đơn vị xây dựng, bổ sung, điều chỉnh và huấn luyện, diễn tập thành thục các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, đúng quy chế với các lực lượng và địa phương trong cứu hộ, cứu nạn trên biển, tạo sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Công tác củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo, chỉ huy các cấp cùng hệ thống cơ sở vật chất cứu hộ, cứu nạn từng bước được tăng cường, tạo nền tảng vững chắc cho đơn vị nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn trên biển, nhất là ở vùng biển xa.

Nổi bật như: Vụ cứu nạn tàu cá CM 91501 TS có 17 ngư dân của chủ tàu Trần Văn Tình năm 2006 bị phá nước trôi dạt sang vùng biển Thái Lan trong điều kiện thời tiết xấu; vụ giải cứu một tàu đánh cá Cà Mau CM 95842 TS (có 12 ngư dân) bị tàu lạ sử dụng vũ khí tấn công trên biển ngày 27/1/2012; vụ cứu nạn và lai kéo tàu cá Kiên Giang KG 1619 TS bị phá nước hỏng máy ở tây nam đảo Thổ Chu 30 hải lý cùng bốn thuyền viên về đảo Thổ Chu bảo đảm an toàn...

Chỉ trong 5 năm từ năm 2019 đến nay, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã nắm, xử lý thông tin 121 vụ liên quan công tác tìm kiếm, cứu nạn. Trong đó, đã tham mưu xử lý 26 vụ, cứu kéo năm phương tiện tàu thuyền, 96 thuyền viên và hỗ trợ y tế sáu nạn nhân bị tai nạn lao động...

Là chủ tàu cá bị phá nước, hỏng máy trôi dạt trên vùng biển Thái Lan trong điều kiện thời tiết xấu, được tàu Cảnh sát biển 2002, Vùng Cảnh sát biển 4 cứu nạn; ngư dân Trần Văn Tình (quê ở ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) chia sẻ: Gia đình tôi cũng như gia đình các ngư dân trên tàu rất cảm động và không quên hành động vì nhân dân phục vụ của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển, giúp chúng tôi yên tâm vươn khơi, bám biển đánh bắt hải sản".

"Trong bất kỳ điều kiện thời tiết khó khăn, mưa bão trên các vùng biển và ở những nơi đảo xa, khi ngư dân gặp sự cố cần sự hỗ trợ thì cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển đều có mặt kịp thời để giúp đỡ, cứu trợ...; giúp ngư dân khai thác hải sản và thực hiện các hoạt động hợp pháp khác an toàn, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết.

Dự báo những năm tới, tình hình thời tiết trên biển nói chung và vùng biển tây nam nói riêng sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Địa bàn Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 quản lý vùng biển có nhiều nguy cơ bị thiệt hại do lốc xoáy, gió mùa kết hợp triều cường gây sạt lở, tai nạn trên biển trên diện rộng, vì vậy việc ứng cứu đối với các địa phương gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, tàu cá của ngư dân Việt Nam bị nạn ở các vùng biển xa giáp ranh với Thái Lan, Malaysia, tàu của đơn vị xuất phát từ căn cứ phải mất nhiều thời gian mới đến được khu vực tàu bị nạn, nhất là trong điều kiện thời tiết xấu...

Trước thực tế nêu trên, Đại tá Trần Nguyên Lai cho biết: Để cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có tình huống xảy ra, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 thực hiện nghiêm các chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn...; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nắm và dự báo chính xác tình hình thiên tai, bão lũ, áp thấp nhiệt đới...; chủ động tham mưu đề xuất các biện pháp xử lý; sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện cơ động ứng phó, xử trí kịp thời, hiệu quả các tình huống, bảo đảm tuyệt đối an toàn về người và phương tiện, trang thiết bị. Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển thường xuyên tuyên truyền về bảo đảm an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn cho người đi biển nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm cho các đối tượng tham gia hoạt động trên biển; bảo đảm tất cả tổ chức, cá nhân đều tiếp cận được đài trực canh tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Từ đó, góp phần ngăn chặn, ứng cứu kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản trên biển; phối hợp thông tin hiện trường với các lực lượng phối hợp, hiệp đồng trong quá trình diễn ra công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển. Duy trì nghiêm chế độ trực ban cứu hộ, cứu nạn 24/24 giờ trong ngày và giữ thông tin liên lạc với các trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực, ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn và phòng thủ dân sự các tỉnh ven biển, ở khu vực biển Bộ Tư lệnh Vùng phụ trách và các lực lượng khác trên địa bàn đóng quân; kịp thời trao đổi thông tin những tình huống xảy ra để cùng phối hợp hỗ trợ và xử lý...